Thế nhưng hiện nay, nhiều loại cây nằm trong danh mục này vẫn được trồng nhan nhản trên các tuyến đường và khu dân cư, tiềm ẩn nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe người dân. Cạnh đó, khi bước vào mùa mưa, trên địa bàn còn xảy ra nhiều vụ tai nạn thương tâm liên quan đến cây xanh, gây hậu quả nghiêm trọng. Qua đó, gióng lên hồi chuông báo động về việc quy hoạch, quản lý, trồng và chăm sóc cây xanh đô thị.
CÂY CẤM TRỒNG VẪN NHAN NHẢN TRÊN PHỐ
Theo Quyết định số 52/2013/QĐ-UBND, có 28 loại cây cấm trồng trên vỉa hè, dải phân cách đường phố, gồm: bàng, sung, dừa, gòn, keo lá tràm, me keo, sữa, sọ khỉ, xà cừ, trứng cá, ca cao, bồ kết, cây ăn quả... Do những loại cây này có độc tố ảnh hưởng tới sức khỏe và môi trường hoặc dễ sâu bệnh, thân có nhiều gai to, cây có quả khuyến khích trẻ em leo trèo, quả rụng ảnh hưởng vệ sinh đường phố, cành giòn dễ gãy, lá có chất cocaine gây nghiện, rễ phụ làm hư hại công trình... Thế nhưng trên nhiều tuyến đường, khu dân cư tại thành phố hiện nay trồng rất nhiều cây nằm trong danh mục cấm này.
Nhiều cây phượng trên đường Lý Thường Kiệt (Q10) bị đốn hạ để thay thế cây trồng mới
Ven các tuyến Tỉnh lộ 43, đường Ngô Chí Quốc, QL1A..., đang có hàng trăm cây bàng, trứng cá, da, sung... Vốn đã ít cây xanh, hai bên QL13 còn trồng nhiều loại cây nằm trong danh mục cấm, như: bàng, trứng cá, gòn, sung... Nhiều cây bị đóng đinh treo tờ rơi, biển quảng cáo, trám bê-tông kín gốc.
Hai bên các tuyến đường xung quanh Bến xe Miền Đông, như: Đinh Bộ Lĩnh, Nguyễn Xí, Ung Văn Khiêm cũng được trồng các loại cây bàng, sung, trứng cá. Một số cây nghiêng hẳn ra giữa lòng lề đường, chực chờ gãy, ngã, tiềm ẩn nguy cơ tai nạn cao. Tại ngã ba đường Xuân Thủy - Nguyễn Văn Hưởng (Q2), một số cây bàng, dừa, sung được trồng bên lề đường, gây cản trở giao thông, góp phần làm mất vệ sinh đường phố.
Đường Nguyễn Văn Linh (Q7) tồn tại nhiều cây keo lá tràm, sung, trứng cá. Trong đó, nhiều cây đã già cỗi, sâu mọt, mục ruỗng, tiềm ẩn nguy cơ gãy, ngã. Cây keo lá tràm có rễ trồi lên mặt đất làm biến dạng vỉa hè, còn cây sung rụng hàng đống quả xuống đất, thu hút nhiều loại côn trùng bu vào. Đường Lâm Văn Bền (Q7) cũng có hàng chục cây bàng già cỗi, sâu mọt, cành nhánh nghiêng hẳn vào nhà dân, tiềm ẩn nguy cơ tai nạn.
Đường Tạ Quang Bửu (Q8) có hàng loạt cây cấm trồng, có cây nghiêng ra đường, gây cản trở giao thông
Đoạn đường Nguyễn Lương Bằng phía trước Trường Tiểu học Nam Sài Gòn (Q7) có trồng hàng hoa sữa khá dày. Loài cây này dễ gãy, nhiều sâu bọ, chưa kể mỗi độ hoa nở, mùi hương nồng nặc tỏa ra, khiến nhiều học sinh và người đi đường khó chịu khi hít phải. Tương tự, không ít tuyến đường ở Q6, như: số 6, số 8, Trần Văn Kiểu... cũng được trồng nhiều cây hoa sữa, bàng, trứng cá. Chị Nguyễn Ngọc Châu (ngụ Q6) cho biết, đứa con trai 8 tuổi của chị bị dị ứng với mùa hoa sữa. Mỗi khi loại hoa này nở, cháu lại bị khó thở.
Hai bên đường Tạ Quang Bửu (Q8) đoạn giáp với đường Phạm Hùng có nhiều cây nằm trong danh mục cấm, như: gòn, bàng, dừa, da, trứng cá. Nhiều cây nghiêng hẳn ra giữa đường hoặc phủ kín mái nhà dân. Dưới tán những cây này, còn có một trường mầm non và một khu chợ "cóc". Mỗi ngày có hàng ngàn người qua lại, không may cây gãy, ngã thì hậu quả khôn lường.
Một nhân viên công ty cây xanh cho biết, cây xanh trên nhiều tuyến đường được quy hoạch bài bản, nhưng không ít người tự ý chặt bỏ rồi trồng cây khác theo ý thích của mình. Có người trồng cây mang ý nghĩa phong thủy, như: cây sung mang ý nghĩa sung túc, may mắn; cây lộc vừng mang ý nghĩa tài lộc vào nhà...; gây phá vỡ cảnh quan đô thị.
Khảo sát trên nhiều tuyến đường khác cho thấy, số lượng cây thuộc danh mục cấm trồng và những cây không phù hợp với tiêu chí trồng trên đường phố là rất lớn, nhiều nhất là các loại: bàng, sọ khỉ, sung, trứng cá... Những cây này thường rụng bông, lá, quả; ảnh hưởng đến môi trường, thu hút côn trùng đến sinh sống, cây có bộ rễ yếu, thân và cành giòn, dễ gãy, tiềm ẩn tai nạn cao.
Hiện trường cây phượng bật gốc ở Trường Mầm non Vành Khuyên (Q2)
HỌA TỪ "TRÊN TRỜI"
Mùa mưa bắt đầu chưa được bao lâu, nhưng đã có hàng loạt vụ tai nạn liên quan đến cây gãy, ngã trên địa bàn TPHCM, gây hậu quả nghiêm trọng. Chiều 19-5-2020, mưa lớn kèm sấm chớp. Trên đường Nguyễn Oanh (Q.Gò Vấp), một cây xanh bị gió làm bật gốc, chắn ngang đường, khiến giao thông ùn ứ kéo dài.
Khoảng 6 giờ 30 ngày 26-5, một cây phượng cổ thụ trong khuôn viên Trường THCS Bạch Đằng (Q3) bất ngờ bật gốc ngã xuống, đè một nhóm học sinh trên sân trường, khiến 1 cháu tử vong, 12 cháu khác bị thương. Sau vụ tai nạn thương tâm này, hàng loạt cây phượng trong các trường học trên địa bàn thành phố bị cưa trụi cành hoặc chặt hạ.
Chiều 28-5, một cây phượng bên hông Trường Đại học Văn hóa TPHCM ở Q9 bất ngờ bật gốc trong mưa giông, khiến giao thông bị ùn ứ. Tuyến đường này có đến hàng chục gốc phượng được trồng lâu năm. Trưa 30-5, mưa lớn kèm giông, một số cây trên đường Điện Biên Phủ (Q.Bình Thạnh) bị gió quật gãy cành, văng ra giữa đường.
Cây sung trên đường Nguyễn Văn Linh (Q7) già cỗi, sâu mục
Cơn mưa cũng khiến một số cây xanh trên nhiều tuyến đường khác như: Âu Dương Lân (Q8), Tô Ngọc Vân (Q.Thủ Đức), Trần Xuân Soạn (Q7), Võ Văn Ngân (Q9)... bị bật gốc, ngã chắn ngang đường, cản trở giao thông nghiêm trọng.
Trưa 4-6, mưa lớn kèm giông mạnh xảy ra khiến một cây xanh cao bằng tòa nhà 3 tầng trên đường Hòa Hảo (Q10) bị bật gốc, cành cây đè vào nhà dân. Phần ngọn cây đổ đè lên mái che của 2 căn nhà nằm bên đường đối diện. Sau khi xảy ra vụ tai nạn, lực lượng chức năng địa phương phải phong tỏa tuyến đường để xử lý sự cố.
Tối 5 hôm sau, mưa lớn kèm gió giật mạnh trút xuống địa bàn Q12, gây ngập trên hai tuyến đường Phan Văn Hớn và Nguyễn Văn Quá. Nhiều cây xanh bị gió quật gãy nhánh, bật gốc, đè trúng ôtô, xe máy, xe đạp tại khu vực gần cầu vượt Quang Trung, nhiều phương tiện trong chung cư Thái An bị hư hỏng. May mắn không gây thiệt hại về người. Mưa lớn cũng làm 1 cây xanh trên đường Tô Ký (đoạn trước chợ Tân Chánh Hiệp, Q12) bật gốc ngã xuống đường, may mắn là lúc đó không ai lưu thông bên dưới.
Do ảnh hưởng của bão số 1, trong hai ngày 13 và 14-6, TPHCM xuất hiện mưa to, gió giật mạnh trên diện rộng, kéo dài hàng tiếng đồng hồ, khiến nhiều tuyến đường, khu dân cư ở các quận: 2, 9, 7, Thủ Đức, Bình Thạnh, Bình Tân... ngập nặng, cây xanh ngã. Chiều 13-4, mưa to, gió lớn làm một cây xanh trên đường Lê Duẩn (Q1) ngã.
Mưa lớn làm nhiều nhánh của một cây xanh trước nhà số 49A Ba Tháng Hai (Q10) gãy rớt trúng làm 2 thanh niên đi xe máy bị thương. Chiều cùng ngày, một cây xanh bất ngờ bật gốc, ngã ra đường Độc Lập (Q.Tân Phú), đè trúng 1 người đàn ông đang điều khiển xe máy. Nạn nhân được người dân đưa đi cấp cứu ngay sau đó.
Cây bàng trên đường Lâm Văn Bền (Q7) nghiêng hẳn vào nhà dân
Một vụ việc đau lòng khác là nhánh cây xanh trên đường Tô Hiến Thành (đoạn gần siêu thị Big C, P15, Q10) bị tét, rơi xuống đè ông T.M.L (SN 1958, kiến trúc sư, đã về hưu) chết vào tối 13-6. Chứng kiến sự việc, người dân gần đó liền chạy đến cứu giúp, nhưng lúc này nạn nhân đã tử vong.
Cách hiện trường vụ tai nạn này khoảng 500m còn xảy ra vụ cây bất ngờ ngã xuống ngay trước cổng nhà thờ nằm trên đường Tô Hiến Thành (P14, Q10), may mắn không gây thiệt hại về người. Cùng ngày, một cây phượng bật gốc đè lên mái tôn Trường Mầm non Vành Khuyên (Q2).
Khảo sát trên nhiều tuyến đường và công viên tại TPHCM cho thấy, hiện có rất nhiều cây cổ thụ già cỗi, sâu mọt; nhiều cây có rễ trồi lên khỏi mặt đất hoặc bung ra khỏi bồn bảo vệ gốc; nhánh cây khô, hoai mục, gặp mưa to, gió lớn rất dễ gãy, ngã..., cần được tỉa cành, mé nhánh, hạ độ cao hoặc loại bỏ, trồng cây khác thay thế.
(Còn tiếp...)
(CATP) Tính từ đầu mùa mưa đến nay, trên địa bàn TPHCM đã xảy ra hàng loạt sự cố, tai nạn liên quan tới cây xanh. Từ việc cây xanh bị "bức tử", gãy cành, trốc gốc, đè chết người, cho đến việc Công ty TNHH MTV Cây xanh TPHCM đưa ra giá dịch vụ cao ngất ngưởng, khiến dư luận "dậy sóng".