GIÁ CHĂM SÓC CÂY XANH CAO NGẤT NGƯỞNG
Nhằm phòng tránh những tai nạn đáng tiếc xảy ra trong mùa mưa, Trường THPT Marie Curie thuê Công ty Công viên cây xanh TP đến tỉa cành, hạ độ cao, cưa hạ, vận chuyển rác đi đổ sau khi thi công cho 26 cây xanh của trường (6 cây loại 2 và 20 cổ thụ). Công ty gửi báo giá cho trường với số tiền lên tới...
258 triệu đồng. Đơn giá này được công ty áp dụng theo bộ đơn giá dự toán chuyên ngành (ban hành kèm Quyết định số 2528/QĐ-UBND ngày 14-6-2019 của UBND TPHCM) và hệ số khó khăn do phải thi công bằng cách thủ công. Nhà trường xin giảm bớt, công ty hạ xuống còn hơn 237 triệu đồng. Phía công ty cho biết, chỉ báo giá chứ chưa ký hợp đồng với nhà trường.
Những ngày này, nhân viên Công ty Công viên cây xanh TPHCM tích cực tỉa cành, mé nhánh, đốn hạ cây cần thay thế
Trước đó, Trường THPT Nguyễn Thị Minh Khai cho hạ độ cao, tỉa cành, mé nhánh... tất cả cây xanh trong trường với chi phí khá lớn. Từ đó đến nay, hằng quý nhà trường mời đơn vị có chuyên môn đến tỉa cành, mé nhánh, với kinh phí khoảng 20 - 40 triệu đồng/đợt.
Năm 2017, dư luận một phen ngạc nhiên khi biết chi phí di dời 115 cây xanh và đốn hạ 143 cây trên đường Tôn Đức Thắng (Q1) để xây cầu Thủ Thiêm 2 lên tới... 7,3 tỷ đồng. Nhiều cây sau khi di dời được bứng về dưỡng tại Trường Đại học Nông lâm TPHCM, sau đó sẽ trồng trở lại. Dư luận cho rằng, việc di dời, đốn hạ 258 cây trên đường Tôn Đức Thắng tốn tới 7,3 tỷ đồng là quá đắt.
Tham khảo giá cả từ các công ty dịch vụ cây xanh tại TPHCM và Bình Dương, giá tỉa cành, mé nhánh, cắt cây, bứng gốc, vận chuyển gỗ... có mức "vênh" rất lớn so với giá của Công ty Công viên cây xanh TP. Công ty Xây dựng Tiền Triệu (địa chỉ tại TP.Thuận An, Bình Dương) đưa ra bảng giá chặt cây xanh tại TPHCM: cây đường kính 1 tấc giá 500 ngàn đồng, 2 tấc giá 800 ngàn đồng, từ 3 - 4 tấc là từ 1,2 - 1,4 triệu đồng; cây gần nhà dân đường kính 1 tấc là 1 triệu đồng, 2 tấc là 1,5 triệu đồng...
Chúng tôi liên hệ với Dịch vụ cắt tỉa cây xanh Trọng Tín để hỏi về chi phí cắt dọn, vận chuyển gỗ, cành nhánh đi chỗ khác cho 4 cây xà cừ to cỡ 2 người ôm, cao 6 - 7m và 3 cây sa kê to một người ôm, cao cỡ 5m. Dịch vụ này báo giá tổng cộng khoảng 20 triệu đồng đổ lại.
Nếu chỉ cắt dọn, tỉa cành, mé nhánh, không vận chuyển gỗ, cành nhánh thì chỉ trên dưới 15 triệu đồng. Tương tự, nếu đốn hạ, cắt dọn 5 cây bàng và 2 cây da, Công ty Dịch vụ cây xanh Anh Dũng báo giá là 18 triệu đồng. Mức giá các đơn vị này "mềm" hơn nhiều so với Công ty Công viên cây xanh TP đưa ra cho Trường THPT Marie Curie.
"Nghĩa địa" gỗ cây xanh đô thị tại vườn ươm Đông Thạnh
XÓT XA "NGHĨA ĐỊA" GỖ LỘ THIÊN
Để hạn chế cây đổ trong mùa mưa, những ngày này, hàng chục công nhân của Công ty Công viên cây xanh TP đang tích cực tỉa cành, mé nhánh, hạ độ cao, đốn hạ những cây xanh đô thị cần thay thế. Ngày 10-7-2020, gần chục công nhân tiến hành đốn hạ một cây điệp trên đường Lê Duẩn (Q1). Hơn một tuần sau, 4 cây phượng trên đường Lý Thường Kiệt (đoạn trước Nhà thi đấu Phú Thọ, Q10) cũng được đốn hạ, bứng gốc. Ngày 20-7, một cây me tây cổ thụ tại giao lộ Hậu Giang - Minh Phụng (Q6) được cưa hạ.
Bên cạnh những cây vừa kể trên, những năm qua, hàng trăm cây xanh khác trên địa bàn thành phố cũng được tỉa cành, mé nhánh, đốn hạ thay thế. Dư luận đặt câu hỏi: Hàng ngàn mét khối gỗ thu được từ số cây xanh đô thị đó đã sử dụng vào việc gì?
Sau khi đốn hạ cây xanh trên đường Tôn Đức Thắng (Q1) để xây dựng cầu Thủ Thiêm 2, tháng 7-2017, UBND TPHCM giao Sở Giao thông - Vận tải (GTVT) phối hợp với Trường Cao đẳng nghề Công nghệ và nông lâm Nam Bộ thí điểm sử dụng 42,515m3 gỗ thu hồi từ gói thầu 1b (xây dựng ga Ba Son) thuộc Dự án xây dựng đường sắt Bến Thành - Suối Tiên để phần lớn chế tác bàn, ghế ngồi, bố trí cho khu vực công cộng. Sau khi thí điểm, Sở GTVT cần đánh giá hiệu quả và đề xuất mở rộng sử dụng chế tác gỗ thu hồi từ những dự án khác.
Theo Công ty Công viên cây xanh TP, khối lượng gỗ thu hồi từ việc đốn hạ, giải tỏa cây xanh trên địa bàn do công ty duy tu, chăm sóc được đưa về vườn ươm Đông Thạnh (xã Đông Thạnh, H.Hóc Môn) bảo vệ theo hợp đồng đã ký. Khối lượng gỗ thu hồi được Trung tâm Quản lý hạ tầng kỹ thuật TPHCM đấu thầu theo quy định. Quy trình thu hồi, bảo quản, thanh lý là vậy, nhưng hiện nay có gần cả ngàn mét khối gỗ bị "ách" tại vườn ươm Đông Thạnh.
Lần theo những chuyến xe chở gỗ cây xanh đô thị, chúng tôi đến vườn ươm Đông Thạnh và không khỏi ngạc nhiên khi tại đây có hàng ngàn súc gỗ nguồn gốc từ cây xanh đô thị, như: sọ khỉ, xà cừ, me tây, phượng... được chất thành đống lớn, trải dài trên diện tích hàng ngàn mét vuông.
Nhiều khúc gỗ ghi rõ địa điểm khai thác, chủng loại, nguồn gốc, xuất xứ trước khi được đưa về đây. Có súc gỗ mới được chở về, khoảng 2 - 3 người ôm không xuể. Nhiều súc gỗ khác ngã màu bạc phếch. Cỏ mọc um tùm, dây leo phủ lên nhiều đống gỗ.
Anh Trần Văn Sơn (chủ một doanh nghiệp sản xuất gỗ tại Q12) cho biết: "Sau khi đốn hạ, cần bảo quản gỗ chu đáo và sớm thanh lý trong vòng từ 6 tháng đến 1 năm. Những khúc gỗ bị sâu bệnh cần phải "giải phóng" sớm trong vòng 2 - 3 tháng để giảm chi phí vận chuyển và thời gian lưu kho, đồng thời tạo kinh phí để tái đầu tư, trồng mới.
Cành, nhánh, rễ cây có thể tận dụng để chế biến ván ép, giấy, gỗ công nghiệp, gốc cây có thể chế tác bàn, ghế... Gỗ chở về vườn ươm Đông Thạnh chất đống, không chỉ tốn chi phí vận chuyển mà nếu bảo quản không tốt, để lâu giữa nắng mưa thì sẽ nhanh bị nứt nẻ, hoai mục, giá trị kinh tế thấp, thậm chí bán không ai mua, gây lãng phí, thất thoát tài sản Nhà nước".
Công tác ươm dưỡng, tái trồng cây xanh đô thị tại vườn ươm Đông Thạnh cũng không mang lại hiệu quả như mong đợi. Ở đây có nhiều cây xanh mang về đây ươm trồng, nhưng đã chết khô. Hàng chục cây xanh khác được ươm trồng tại công viên Gia Định (Q.Gò Vấp) và công viên Văn Lang (Q5) cũng bị chết.
Cây trồng tại công viên Văn Lang từ xanh thành khô
CẦN CHẾ TÀI MẠNH ĐỂ RĂN ĐE
Công ty Công viên cây xanh TP cho biết, đang duy tu, chăm sóc, bảo dưỡng cây xanh trên địa bàn các quận: 1, 3, 4, 5, 6,7, 8, 10, 11, Bình Thạnh, Bình Tân, Tân Phú, Tân Bình, Phú Nhuận, Gò Vấp và 2 huyện Bình Chánh, Nhà Bè, theo hợp đồng đấu thầu với Trung tâm Quản lý hạ tầng kỹ thuật TPHCM. Công ty không được giao trồng cây, duy tu, chăm sóc, theo dõi quá trình sinh trưởng, phát triển của cây xanh trong khuôn viên các công sở, trường học, bệnh viện..., mà do Sở Xây dựng và Trung tâm quản lý.
Tiến sĩ La Vĩnh Hải Hà (Khoa Lâm nghiệp Trường Đại học Nông lâm TPHCM) cho biết: Hiện nay, các mức chế tài đối với hành vi xâm hại cây xanh còn nhẹ, chưa đủ sức răn đe. Do đó, thành phố cần có cách chế tài mạnh hơn để xử lý hành vi xâm hại cây xanh. Công ty Công viên cây xanh TP thông báo, khi gặp sự cố về cây xanh, như: ngã, tróc gốc, gãy cành..., người dân có thể gọi cho tổng đài 1022 để được xử lý kịp thời.
Tiến sĩ La Vĩnh Hải Hà (Khoa Lâm nghiệp Trường Đại học Nông lâm TPHCM):
Về mặt sinh thái, cây xanh trồng ở đô thị có "tuổi thành thục" (còn gọi là "tuổi về hưu") khác với tuổi thành thục của cây xanh trong rừng tự nhiên, liên quan đến tình trạng cây gãy, ngã. Hiện chưa có nghiên cứu bài bản nào liên quan đến tuổi thành thục cây xanh đường phố. Không thể phủ nhận việc cây gãy, ngã do các yếu tố tự nhiên (mưa gió, giông bão).
- Ảnh:
Tuy nhiên, trong môi trường thành phố, cây xanh còn chịu tác động ở hàng loạt yếu tố ngoại cảnh, như: việc đào bới để thi công các hạng mục điện, nước, cầu cống, nhà cửa...; độ thoáng về không gian tán, ánh nắng, kỹ thuật trồng, chọn giống cây phù hợp... Để phát triển bền vững cây xanh đô thị, thành phố cần tổ chức hội thảo ghi nhận ý kiến nhiều chuyên gia, nhà quản lý để đưa ra các giải pháp thiết thực.
Anh Trần Xuân Tình (kỹ sư nông nghiệp):
Có thời gian dài cây xanh tại TPHCM được trồng một cách tùy tiện, thích cây gì thì trồng cây đó, chứ chưa được quy hoạch bài bản. TPHCM cần kiểm tra, rà soát, quy hoạch lại cây xanh một cách bài bản, khoa học, tuyến đường nào trồng loại cây nào cho phù hợp. Những cây xanh lâu năm có yếu tố lịch sử, cần xem xét giữ lại và có quy chế đặc biệt để bảo tồn.
(CATP) Tính từ đầu mùa mưa đến nay, trên địa bàn TPHCM đã xảy ra hàng loạt sự cố, tai nạn liên quan tới cây xanh. Từ việc cây xanh bị "bức tử", gãy cành, trốc gốc, đè chết người, cho đến việc Công ty TNHH MTV Cây xanh TPHCM đưa ra giá dịch vụ cao ngất ngưởng, khiến dư luận "dậy sóng".
(CATP) Năm 2013, UBND TPHCM ban hành Quyết định số 52/2013/QĐ-UBND về danh mục loại cây xanh cấm trồng trên đường phố.