Động vật hoang dã kêu cứu:

Kỳ 1: "Tình yêu" với thú cưng

Thứ Năm, 03/09/2020 18:47

|

(CATP) Tình trạng xâm hại, nạn săn bắt tận diệt động vật hoang dã tại Việt Nam đã đến mức báo động, trước sự "hỗ trợ" của Internet. Những khu chợ ảo đang là mảnh đất màu mỡ cho những tay buôn lậu, các đầu nậu cung cấp động vật quý hiếm hành nghề. Động vật hoang dã liên tục bị xẻ thịt để phục vụ thú vui, nhu cầu khác thường của các "thượng đế”.

Xã hội ngày càng phát triển, kéo theo nhu cầu giải trí tăng cao, thú vui nuôi động vật độc, lạ làm cảnh đang là vấn đề "nóng" của xã hội. Dẫu biết tình yêu thương đối với động vật cũng là lý do để nhiều người nuôi động vật, động vật hoang dã (ĐVHD) làm thú cưng, nhưng "tình yêu" này đang phơi bày những mặt trái của nó.

"ĐƯỜNG TĂNG" THỜI HIỆN ĐẠI

Thể hiện cá tính bản thân cũng có nhiều cách, nhưng không ít bộ phận muốn thể hiện mình là người khác biệt, thỏa mãn sở thích kỳ lạ qua việc đánh bắt, mua những động vật quý hiếm, hoang dã có nguy cơ tuyệt chủng cao làm cảnh. Từ động vật trên trời (đại bàng, chim ưng, vẹt...), dưới đất (culi, cáo, mèo rừng, chồn...) hay xuống nước (cá sấu, rùa, rái cá...), miễn lạ, quý hiếm, dù nguy hiểm, mang mầm mống bệnh tật cũng dễ dàng chấp nhận.

Nắm bắt được tâm lý trên, trào lưu bán ĐVHD làm thú cưng bỗng nở rộ trên các trang mạng xã hội Facebook, Zalo, TikTok. Điển hình nhất là hoạt động rao bán khỉ baby (khỉ con). "Muốn tu thành chánh quả thì phải tậu một em Tôn Ngộ Không", một trong những bài quảng cáo rất đắt khách, có lẽ nhiều người đang muốn trở thành... "Đường Tăng" thời hiện đại.

Khỉ con được chào bán tràn lan trên mạng xã hội

Nhiều năm trước, tình trạng nuôi khỉ hoang làm cảnh chỉ diễn ra ở các hộ dân miền cao hay sinh sống ở những khu vực còn hoang sơ, thì hiện nay người dân thành thị lại có thú vui trái pháp luật này. Dạo quanh các trang, hội nhóm Facebook bán ĐVHD, không ít bài đăng bán từ khỉ con đến khỉ trưởng thành, đủ mọi năm tuổi và giống loài: khỉ đuôi dài, khỉ đuôi lợn, khỉ mặt đỏ...

Trao đổi với một người có trang Facebook là "T.V.Đ" (quê Bà Rịa - Vũng Tàu) qua bài đăng bán khỉ đuôi dài 2 năm tuổi, chúng tôi được biết khi khách muốn mua khỉ với số lượng lớn, người này sẵn sàng cung cấp nhưng là khỉ hoang dã bắt từ rừng, không cung cấp khỉ nuôi.

Chị Nguyễn Bình H. (ngụ Q.Bình Thạnh) ngao ngán chia sẻ: "Nhìn khỉ con được quảng cáo trên Facebook thấy lạ, dễ thương nên mình cũng hỏi thử và được giới thiệu nuôi dễ giá lại rẻ, chỉ từ 800.000 đồng một con. Tôi nuôi một con khỉ đực tới nay cũng được một năm, nhưng càng lúc càng hung dữ. Do bị hàng xóm phản ánh vì khỉ kêu la gây ồn ào, tôi cùng chồng đang có ý không nuôi nữa nhưng chưa biết gửi đi đâu".

Rái cá con bị bắt khỏi mẹ và môi trường tự nhiên để phục vụ nhu cầu của "thượng đế”

Đây là tình trạng chung với hầu hết người đã từng nuôi khỉ chứ không riêng chị H. Khỉ trong tình trạng nuôi nhốt dễ bị kích động, hung dữ bất thường, nhất là vào mùa sinh sản. Đặc biệt là khỉ cái, chúng sẽ trở nên cực kỳ hung dữ, kêu gào, phá chuồng để đi tìm bạn tình. Nuôi khỉ làm cảnh còn tiềm ẩn nguy cơ lây lan mầm bệnh dại, nguy hiểm cho người nuôi và cả người xung quanh.

Ngày 13-11-2018, đã có trường hợp bệnh nhân N.T.H (32 tuổi, Thanh Hóa) phải cấp cứu tại Bệnh viện Việt Đức (Hà Nội) trong tình trạng cánh tay trái dập nát, vết thương dài gần 15cm, do khỉ hàng xóm xổng chuồng tấn công. Cùng năm, Bệnh viện Nhi Đồng TPHCM cũng tiếp nhận một ca cấp cứu bệnh nhi N.P.N.K (14 tháng tuổi, ngụ H.Bình Chánh) bị một con khỉ nuôi của hàng xóm xổng chuồng cắn rách đầu, gây chấn thương sọ não.

ĂN THEO XU HƯỚNG

Thời gian gần đây rộ lên thú vui nuôi rái cá làm thú cưng, thế nhưng vui đâu không thấy, chỉ thấy những trường hợp người nuôi rái cá rơi vào tình trạng bán tháo bán lỗ vì... nuôi không nổi. Theo nhiều nguồn tin, thú vui nuôi rái cá làm cảnh bắt nguồn từ Indonesia, sau đó lan rộng ra các nước châu Á, trong đó có Việt Nam. Người mua và nuôi rái cá hoang dã tại Việt Nam đủ mọi thành phần, lứa tuổi nhưng phần lớn là giới trẻ. Những vị khách hàng hầu như chưa tìm hiểu qua những thông tin cơ bản nhất về đặc điểm, đặc tính, môi trường sống của rái cá đã vội vàng "tậu" ngay cho mình một con, để hợp với xu hướng dù đây là hành vi trái pháp luật.

Không khó để mang về một cá thể rái cá con làm cảnh, chỉ cần vài thao tác trên Facebook, kết quả trả lại hàng loạt các tài khoản rao bán rái cá con với mức giá dao động từ 8 - 10 triệu đồng. Thông qua một bài đăng bán rái cá trong một hội nhóm Facebook, chúng tôi liên hệ với Phạm D. - một người bán đủ loại vật nuôi. Anh ta cho biết cung cấp mọi loại thú: chó, mèo, chim, cá sấu con, rùa núi vàng, rái cá...

Khỉ con bị nhốt làm... thú cưng

D. hướng dẫn chúng tôi đến ngôi nhà nằm sâu trong con hẻm tại Q9 để xem rái cá. Đến nơi, D. ra giá 8 triệu đồng cho một con rái cá vừa bằng lòng bàn tay. "Rái cá đang được nhiều người muốn mua lắm, giá vậy là còn rẻ chán", D. giải thích khi chúng tôi thắc mắc. Đặt vấn đề muốn mua với số lượng lớn vì có người quen cần, anh ta lắc đầu nói: "Hiện nay chỉ còn 2 - 3 con thôi, phải đợi tới tháng 3, đến mùa sinh sản mới có số lượng lớn".

Thấy khách nhiệt tình, D. hướng dẫn: "Nếu anh mua số lượng lớn để bán lại thì không nên mua rái cá ở nội thành, vì mỗi con ở đây bán từ 6 - 7 triệu đồng rồi, lời không nhiều. Nếu được, tháng 3 anh về Cà Mau đặt những người đi rừng đước bắt cho. Họ sẽ đợi rái cá mẹ đi kiếm ăn rồi bắt rái cá con, vì rái cá mẹ khá dữ nên bắt cũng nhọc nhằn, phải trả họ 4 triệu mỗi con".

Trước khi chúng tôi ra về, D. còn dặn dò: "Mỗi lần bán chỉ vận chuyển 1 con thôi, yêu cầu khách phải chuyển khoản hoặc đưa tiền trước rồi mới giao hàng. Lực lượng chức năng phát hiện thì nói người ta nhặt được, thấy thương nên cho người thân mang về nuôi. Rái cá nằm trong sách đỏ nên coi chừng!".

Trong vai người cần nguồn hàng, chúng tôi tiếp tục liên hệ với Đình P. qua giới thiệu của chủ một của hàng thú nuôi khu vực Q10. Tương tự như D., P. cũng là một người chuyên cung cấp thú cưng cho biết, thời gian hiện tại nguồn hàng đang khá ít, dù nhu cầu mua đang rất cao, phải đợi đến tháng 3 thì mới có rái cá con để cung cấp.

Việc nuôi ĐVHD làm thú cưng chính là một trong những lý do khiến hoạt động buôn bán ĐVHD bất hợp pháp trở thành mối đe dọa lớn đối với đa dạng sinh học. Nhiều loài thú rừng có thể ủ bệnh và lây sang người nuôi chúng bất cứ lúc nào. Bản tính hoang dã của thú rừng trong môi trường nuôi nhốt càng làm chúng trở nên hung dữ, khó tránh khỏi nguy cơ bị tấn công. Ngoài ra, người nuôi ĐVHD trái phép còn đối diện với hình thức xử phạt theo quy định pháp luật.

Mèo rừng bị săn bắt để... làm cảnh

ĐVHH là loài động vật sinh sống và phát triển theo quy luật (Luật Đa dạng sinh học). Căn cứ Nghị định 06/2019/NĐ-CP, ĐVHD được chia thành các nhóm cơ bản như sau: Nhóm IB: Danh mục các loài động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm đang bị đe dọa tuyệt chủng, nghiêm cấm khai thác, sử dụng vì mục đích thương mại. Các vi phạm liên quan đến các loài thuộc Nhóm IB sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc xử phạt vi phạm hành chính. Tùy theo số lượng cá thể, bộ phận cơ thể không thể tách rời sự sống, giá trị sản phẩm hoặc trường hợp tái phạm.

Nhóm IIB: Danh mục các loài động vật rừng chưa bị đe dọa tuyệt chủng nhưng có nguy cơ bị đe dọa nếu không được quản lý chặt chẽ, hạn chế khai thác, sử dụng vì mục đích thương mại. Chỉ được phép nuôi nhốt, buôn bán các loài này nếu có giấy tờ chứng minh nguồn gốc hợp pháp. Các vi phạm liên quan tới các loài thuộc Nhóm IIB sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc xử phạt vi phạm hành chính, tùy theo giá trị (bằng tiền) của tang vật, lợi nhuận bất chính hoặc trường hợp tái phạm.

Nhóm động vật rừng thông thường, bao gồm tất cả các loài không phải là loài nguy cấp, quý, hiếm hoặc loài vật nuôi được thuần hóa. Các loài này chỉ được phép khai thác, nuôi nhốt, vận chuyển hoặc buôn bán khi có giấy phép hợp pháp. Trong đó, các loài rái cá đang được rao bán, nuôi nhốt làm cảnh thuộc nhóm IB, nghiêm cấm hành vi nuôi nhốt, buôn bán. Đồng thời, 5 loài khỉ tại Việt Nam đều thuộc Nhóm IIB, vì vậy bất kỳ hành vi buôn bán, nuôi nhốt, vận chuyển khỉ hoang dã, trái phép, không có giấy tờ chứng minh nguồn gốc hợp pháp theo quy định pháp luật.

Chi cục Kiểm lâm TPHCM vừa tiếp nhận 3 cá thể rùa đất lớn, 2 cá thể rùa răng, 1 cá thể rùa ba gờ, 1 cá thể rùa núi vàng, 2 cá thể cầy giông đốm lớn, 2 cá thể trăn gấm, 1 cá thể khỉ đuôi lợn, 1 cá thể mèo rừng do người dân tự nguyện giao nộp. Đây là công tác thường xuyên của Chi cục Kiểm lâm, nhằm tuyên truyền và nâng cao dần ý thức của người dân trong việc bảo vệ, bảo tồn đa dạng sinh học các loài ĐVHD trước nguy cơ tuyệt chủng do nạn săn bắt tận diệt, mua bán, sản xuất các thực phẩm, vật dụng có nguồn gốc từ ĐVHD.

Nếu người dân thấy bất kỳ hoạt động vi phạm liên quan đến ĐVHD hay mong muốn trao nộp ĐVHD, hãy liên hệ với lực lượng chức năng khu vực hoặc Chi cục Kiểm lâm TPHCM: 028 3855 2501, hay Trung Tâm Giáo dục Thiên nhiên (ENV): 1800 1522.

(Còn tiếp...)

Bình luận (0)

Lên đầu trang