Cuộc đua cải tiến vũ khí trên toàn cầu:

Kỳ 3: Công nghệ tàng hình ngày càng ưu việt

Chủ Nhật, 06/09/2020 10:38  | Anh Duy

|

​(CATP) Trong cuộc đua cải tiến kỹ thuật cho các loại vũ khí nhằm tạo ra ưu thế trên chiến trường, công nghệ tàng hình ngày càng được các cường quốc chú trọng với mục tiêu giúp các thiết bị né hệ thống radar theo dõi hay làm chúng “biến mất” hình ảnh hoàn toàn trước tầm nhìn địch thủ.

“Áo khoác tàng hình” ngoài đời thực

Trong bộ tiểu thuyết Harry Potter của nhà văn J.K.Rowling với nhân vật chính là cậu bé phù thuỷ sở hữu “áo khoác tàng hình”, một bảo bối khi phủ lên người thì không có vị pháp sư nào dù tài phép đến đâu có thể nhìn thấy được. Chi tiết viễn tưởng đó, nay đang dần được hiện thực hoá trong công nghệ quốc phòng.

Trong bài viết nhan đề “Vật liệu như tấm áo khoác tàng hình có thể che giấu vật thể bằng cách bẻ cong ánh sáng, một ngày nào đó có thể được sử dụng trong quân sự” đăng trên tờ Daily Mail (Anh) ngày 16-10-2019 phản ánh bước tiến này. Theo bài báo, loại vật liệu này là sản phẩm của công ty chuyên bán các thiết bị nguỵ trang Hyperstealth có trụ sở tại Canada. Nó có thể được sử dụng để che giấu các thiết bị lớn như xe tăng hoặc thậm chí trở thành “tấm màn” che chắn cho binh sĩ trước tầm nhìn của kẻ thù.

Đoạn video được công ty này công bố cho thấy vật liệu bẻ cong ánh sáng của họ được cán thành một tấm mỏng như một bức màn. Khi đặt màn chắn này phía trước, người xem không thể biết phía sau nó là vật thể gì (chiếc xe tăng đồ chơi, cảnh khu vườn trước cửa…). Họ chỉ thấy mờ mờ phía trước hình một cái cây có bóng bị đổ xuống, nhoè ra phía sau tấm màn. Tuy nhiên khi rút tấm màn này ra, phía sau nó lại là một khu nhà có khu vườn rộng lớn. Hyperstealth cho biết đã phát triển công nghệ này từ nhiều năm trước, hiện đã nộp đơn xin cấp bằng sáng chế và bắt đầu quá trình sản xuất đại trà.

Tấm màn làm từ vật liệu “tàng hình” có khả năng bẻ cong ánh sáng của Hyperstealth - Ảnh: Hyperstealth Corp​

Các chuyên gia gọi vật liệu này là vật liệu tàng hình lượng tử có cơ chế hoạt động bằng cách che giấu mục tiêu cũng như bẻ cong các tia cực tím, tia hồng ngoại và các tia sáng khác có bước sóng ngắn. Mắt người muốn nhìn được một vật thể thì tia sáng từ vật đó phải được truyền thẳng đến võng mạc để chùm tia sáng hội tụ ở đáy mắt nơi có các dây thần kinh thị giác. Tuy nhiên khi vật thể này bị che phía sau vật liệu tàng hình lượng tử, tia sáng từ vật bị nó bẻ cong, không còn truyền thẳng đến mắt để hình ảnh được phản chiếu và hội tụ đúng điểm nhìn. Hình ảnh vì thuế bị nhoè và gần như biến mất. Hyperstealth cho biết vật liệu tàng hình của họ có tác dụng trong bất kỳ môi trường nào và có thể hoạt động tốt vào bất kỳ thời điểm nào trong ngày hay đêm.

Việc nghiên cứu công nghệ tàng hình và các công nghệ của khác của khoa học viễn tưởng là không mới. Trang thedrive.com trong bài viết nhan đề “Liệu quân đội Mỹ có thể làm cho một máy bay trở nên tàng hình trước một cặp mắt trần được không?” ghi nhận: Lẩn tránh các hệ thống radar, cảm biến hồng ngoại và các cảm biến khác là chiến lược chính của các máy bay tàng hình hiện đại ngày nay, tuy nhiên để đạt đến khả năng tránh hoặc trì hoãn việc phát hiện bằng hình ảnh thì vẫn chưa đạt được.

Hiện nay các máy bay tàng hình tân tiến như B-2 chỉ mới sở hữu các hệ thống nhằm giảm thiểu dấu hiệu hình ảnh của chúng bằng cách giảm thiểu độ tương phản mà chúng tạo ra. Điển hình là các công nghệ sơn nguỵ trang cho các thiết bị nhằm giảm khoảng cách mà chúng có thể bị phát hiện và xác định bằng mắt thường. Trong những năm gần đây, các kiểu ngụy trang phức tạp do máy tính tạo ra đã cải thiện các kỹ thuật này, mặc dù hiệu quả vẫn còn phụ thuộc vào điều kiện ánh sáng, thời tiết và góc nhìn của người quan sát.

Hình ảnh phía sau bức màn vật liệu bị nhoè đi - Ảnh: Hyperstealth Corp​

Một lịch sử phát triển dài hơi

Từ Thế chiến thứ hai đã bắt đầu xuất hiện công nghệ kiểm soát ánh sáng phản chiếu từ máy bay bằng sơn không phản chiếu hay thông qua một kỹ thuật được gọi là phản chiếu sáng, bao gồm chiếu ánh sáng từ chính máy bay để giúp nó lẫn vào màu sắc với môi trường xung quanh.

Bắt đầu từ năm 1943, Mỹ và Canada đã bắt đầu thử nghiệm một công nghệ có phần thô sơ, trong đó các bóng đèn được gọi là Đèn Yehudi được gắn vào mũi và các cạnh của các máy bay để giảm độ tương phản từ bóng của chúng. Ý tưởng này yêu cầu thiết lập độ sáng và màu sắc của đèn càng gần với diện mạo của bầu trời ban ngày càng tốt. Chiến thuật này khiến đối thủ khó phát hiện và nhận dạng máy bay từ góc nhìn trực diện.

Còn để nguỵ trang “tàng hình” vào ban đêm, Mỹ từng thử nghiệm sơn loại sơn màu đen không phản chiếu hoặc được thiết kế theo cách giúp máy bay đồng màu với bầu trời đêm và các phương án sơn tương tự vẫn được sử dụng cho đến ngày nay. Các máy bay tàng hình hiện đại, chẳng hạn như máy bay phản lực tấn công F-117 Nighthawk và máy bay ném bom B-2 Spirit, được sơn màu đen mờ hoặc xám đậm và bay vào ban đêm để hạn chế hình ảnh của chúng được mắt thường nhìn thấy.

Máy bay ném bom B-2 Spirit - Ảnh: Northrop Grumman

Vào năm 2015, một số công ty thử nghiệm màn hình e-ink gắn trên máy bay không người lái kích cỡ nhỏ. Các màn hình này hiển thị màu và độ sáng tương đồng với bầu trời xung quanh. Các bộ phận máy bay được lót các tấm e-ink bên ngoài . Nhà thầu Lockheed Martin cho biết những chiếc chiến đấu cơ tàng hình F-35 đang sở hữu một hệ thống như vậy.

Từ sơn nguỵ trang, gắn các tấm e-ink có cảm biến để nguỵ trang. Nay công nghệ tàng hình bằng vật liệu có khả năng bẻ cong ánh sáng của Hyperstealth là một bước tiến công nghệ vượt bậc để lấp “lỗ hổng” giúp che đi hình ảnh của thiết bị. Dự báo trong tương lai công nghệ này sẽ còn phát triển đến mức nguy hiểm là “tàng hình hoàn toàn”. Khi đó cả thành phố tan nát dưới làn bom mà địch thủ vẫn không thấy dàn máy bay đâu để bắn hạ.

​Kỳ 2: Sự lên ngôi của “năng lượng định hướng”
 
​Kỳ 1: Bom Ninja “bách phát bách trúng”
 

Bình luận (0)

Lên đầu trang