Vụ Navalny bị đầu độc: Nghi vấn nhằm cản trở đường ống khí đốt Nord Stream 2

Thứ Bảy, 05/09/2020 12:22

|

​(CAO) Hôm 4-9, Reuters đưa tin áp lực đang gia tăng đối với chính quyền thủ tướng Đức – bà Angela Merkel về việc cân nhắc lại dự án đường ống dẫn khí đốt Nord Stream 2 đi thẳng từ Nga đến Đức.

Áp lực này gia tăng sau khi bà Merkel cho biết lãnh đạo phe đối lập Nga - Alexei Navalny bị đầu độc bởi chất độc thần kinh thuộc nhóm Novichok. Dư luận lờ mờ nhận ra một âm mưu chia rẽ sau vụ việc để chặn lại dự án đường ống dẫn này, từng bị Mỹ phản đối kịch liệt với lý do đặt Đức vào thế phụ thuộc vào nguồn năng lượng của Nga.

Bà Merkel sau vụ Navalny đã yêu cầu Moscow giải thích trong khi chính quyền Nga bác bỏ sự dính líu đến vụ đầu độc này.

Ngay lập tức nhiều nước Phương Tây lên án vụ tấn công trong khi nhiều chính trị gia Đức muốn nước này có bước đi phản ứng mạnh mẽ hơn.

Reuters dẫn lời Roettgen– người đứng đầu phe bảo thủ trong uỷ ban các vấn đề đối ngoại của Quốc hội Đức nhấn mạnh: “Chúng ta phải phản ứng lại với chỉ một ngôn ngữ mà Putin có thể hiểu – đó là hoạt động bán khí đốt”.

Vị chính trị gia này không giấu diếm ý định khi nhấn mạnh: “Việc hoàn thành dự án Nord Stream 2 sẽ là sự xác nhận và khuyến khích tối đa cho Putin (tổng thống Nga) tiếp tục kiểu chính trị này (ám chỉ hại các đối thủ)”.

Dự án Nord Stream 2 đã hoàn thành khoảng 90% khối lượng công trình - Ảnh: Sputnik / Sergey Guneev

Dự án Nord Stream 2 sẽ tăng gấp đôi công suất so với đường ống dẫn khí đốt Nord Stream 1 từ Nga đến Đức hiện nay.

Nord Stream 2 là đường ống dẫn khí đốt do tập đoàn dầu khí quốc gia Nga – Gazprom chủ trì xây dựng cùng với các đối tác phương Tây. Đến nay dự án này đã hoàn thành khoảng 90% khối lượng công trình và được lên kế hoạch vận hành vào đầu năm 2021, thế nên rất khó buộc nó dừng lại.

Dự án này hiện đang gây chia rẽ Châu Âu, một số chỉ trích cho rằng dự án sẽ làm suy yếu vị thế của quốc gia trung chuyển khí đốt là Ukraine và làm gia tăng sự phụ thuộc về năng lượng của khối vào Nga.

Trong khi đó, Mỹ muốn tăng doanh số bán khí đốt hoá lỏng (LNG) cho Châu Âu nên kịch liệt phản đối dự án này và đã nhắm vào một số công ty liên quan đến dự án để trừng phạt.

Liệu không rõ bà Merkel, người luôn kiên định ủng hộ dự án này có cúi đầu trước áp lực hay không. Cho đến nay bà đã thể hiện rằng mình sẽ không vội vàng hành động sau vụ Navalny. Bà cho biết mọi phản ứng đều phụ thuộc vào hành vi của Nga.

Tuần trước, bà cho biết vụ Navalny không nên liên quan đến dự án đường ống này trong khi nhiều người trong đảng bảo thủ lại muốn dừng dự án.

Dự án đang gây chia rẽ - Ảnh: DW

Các nhà phân tích an ninh nổi tiếng trong khi đó đang đưa ra một lập trường cứng rắn.

“Nếu chúng ta muốn gửi một thông điệp rõ ràng đến Moscow với các đối tác của mình, thì quan hệ kinh tế phải nằm trong chương trình nghị sự và điều đó có nghĩa là dự án Nord Stream 2 không được bỏ sót” - Wolfgang Ischinger, chủ tịch Hội nghị An ninh Munich và là một cựu đại sứ Đức tại Mỹ cho biết.

Đức kết luận lãnh đạo đối lập Nga bị đầu độc bằng chất Novichok
 

Bình luận (0)

Lên đầu trang