Thuốc bảo vệ thực vật, phân bón giả tràn lan ở miền Tây (kỳ 3)

Thứ Tư, 09/09/2020 10:52  | Thiện Thảo

|

(CATP) Trước khi thực hiện loạt bài viết này, chúng tôi được tháp tùng lực lượng công an truy bắt, khám xét các đối tượng sản xuất, mua bán phân bón, thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) giả. Hầu hết họ đều thừa nhận vì "mờ mắt" chạy theo lợi nhuận...

CÔNG NGHỆ PHA CHẾ HÀNG GIẢ

Ngày 7-9, Cơ quan CSĐT CAQ Thốt Nốt (TP.Cần Thơ) khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với Nguyễn Văn Bình (44 tuổi) cùng vợ là Nguyễn Thị Lệ Quyên (39 tuổi, đều ngụ P.Thuận Hưng, Q.Thốt Nốt) về hành vi "sản xuất, buôn bán hàng cấm". Năm 2011, vợ chồng Bình thành lập Công ty TNHH MTV Bình Quyên (P.Mỹ Phước, TP.Long Xuyên, An Giang) với ngành nghề kinh doanh là sản xuất, buôn bán phân bón, thuốc BVTV. Sau đó, Bình chuyển công ty về khu vực Tân Phước 1 (P.Thuận Hưng, Q.Thốt Nốt, TP.Cần Thơ).

Để có lượng phân bón, thuốc BVTV tung ra thị trường, Bình chỉ đạo nhân viên đi mua nguyên liệu về sản xuất phân bón. Quyên tuyển các cộng tác viên liên hệ với chính quyền địa phương tổ chức "Hội thảo đầu bờ" nhưng thực ra giới thiệu sản phẩm. Các đối tượng trên đánh vào tâm lý của người dân thích mua sản phẩm rẻ kèm theo quà khuyến mãi nên vô tình sập bẫy.

Công ty Bình Quyên xuất hóa đơn bán vật tư nông nghiệp giả hơn 4,1 tỷ đồng

Bất ngờ kiểm tra công ty này, Công an TP.Cần Thơ phát hiện hơn 20 tấn và gần 5.000 lít phân bón, thuốc BVTV các loại. Trong đó có 7/13 loại phân bón không có thông báo xác nhận bảng công bố sản phẩm phân bón phù hợp quy chuẩn kỹ thuật, không có chứng nhận cho lưu hành tại Việt Nam. Ngoài ra, tổng số lượng các loại phân bón vi phạm mà Công ty Bình Quyên bán ra thị trường không đủ chuẩn gần 88 tấn và hơn 3.500 lít. Tổng số tiền trên biên nhận hàng hơn 4,1 tỷ đồng.

Theo báo cáo của các cơ quan chức năng, phân, thuốc BVTV giả được sản xuất hết sức sơ sài. Phân bón được làm từ bột màu, đất sét trộn lẫn. Thuốc BVTV được pha loãng với nước, màu công nghiệp. Ông Huỳnh Thanh Phong, chủ Cơ sở kinh doanh vật tư nông nghiệp Huỳnh Gia (ấp Thị Trấn A, TT Hòa Bình, Bạc Liêu) nhận quyết định phạt 35 triệu đồng bởi bán lượng lớn phân kali giả.

Cơ quan chức năng cũng đã tịch thu 23 bao phân kali giả, với trọng lượng 1.150kg. Qua bốc mẫu gửi đi kiểm định chất lượng tại 2 cơ sở cho kết quả hàm lượng kali chỉ đạt 0,138 - 0,3% (trong khi mẫu phân kali đăng ký có hàm lượng đến 60%). Số lượng phân giả được phát hiện tại Cơ sở Huỳnh Gia chủ yếu là muối trộn với phẩm màu.

Cục Quản lý thị trường (QLTT) Kiên Giang vừa tiêu hủy 3,2 tấn phân bón giả. Trước đó, Đoàn kiểm tra của Đội QLTT số 1 đã lấy mẫu phân bón tại các cơ sở đang kinh doanh: Lô phân bón 2,25 tấn (45 bao, 50kg/bao) MOP Kalisilic 62 tại hộ kinh doanh cửa hàng vật tư nông nghiệp công ty (ấp Tân Thạnh, xã Thạnh Đông, H.Tân Hiệp, Kiên Giang; phân bón do Công ty TNHH MTV Quế Lâm Long An sản xuất) và lô 2,5 tấn (50 bao, 50kg/bao) phân bón trung lượng Lân Đen tại hộ kinh doanh Vũ Hữu Giang (KP A, TT Tân Hiệp, H.Tân Hiệp, Kiên Giang; phân bón do Công ty TNHH SX TM Phân bón Cửu Long sản xuất).

Sau khi có kết quả thử nghiệm chất lượng phân bón, xác định là hàng giả không có giá trị sử dụng, công dụng, Đoàn kiểm tra đã lập biên bản vi phạm hành chính đối với 2 hộ kinh doanh nêu trên về hành vi buôn bán hàng giả không có giá trị sử dụng, công dụng, Đội chuyển hồ sơ trình Cục trưởng ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với 2 cơ sở: phạt tiền 40 triệu đồng, buộc tiêu hủy tang vật vi phạm, buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp số tiền 10,01 triệu đồng (do đã bán hết 1,55 tấn phân bón giả).

Hơn 15 tấn phân bón giả dạng viên bị thu giữ

NGUY HẠI TỪ SẢN PHẨM KÉM CHẤT LƯỢNG

Theo nhận định của kỹ sư chuyên về nông nghiệp, vật tư nông nghiệp kém chất lượng có tác hại không kém gì hàng giả. Vì vậy, ngoài việc ra quân truy quét hàng gian, hàng giả, cơ quan chức năng còn kiểm tra mặt hàng không đúng tiêu chuẩn đăng ký để tránh thiệt thòi cho người dân.

Tối 21-8, Phòng Cảnh sát kinh tế CA An Giang phối hợp Cục QLTT tỉnh kiểm tra kho sản xuất phân bón của Công ty TNHH Trang Điền (khóm 1, TT Tri Tôn, H.Tri Tôn) do ông Nguyễn Phương Trí (SN 1977) làm chủ, phát hiện 246 bao phân bón Con cò vàng có thành phần, hàm lượng trên bao bì không đúng với danh sách phân bón nhận lưu hành tại Việt Nam.

Trước đó, ngày 19-8, khi kiểm tra Công ty TNHH sản xuất phân bón Thuận Lợi (ấp Bình An 2, xã An Hòa, H.Châu Thành) do ông Phan Tuấn Kiệt (SN 1969) làm chủ, lực lượng chức năng phát hiện 624 bao phân hữu cơ sinh học có thành phần hàm lượng trên bao bì không đúng với danh sách phân bón công nhận lưu hành tại Việt Nam (trị giá khoảng 133 triệu đồng).

Trong đợt ra quân kiểm tra của Ban Chỉ đạo chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả tỉnh An Giang (gọi tắt là Ban Chỉ đạo 389 An Giang) mới đây, tại H.Phú Tân, cơ quan chức năng phát hiện một số cơ sở kinh doanh phân bón kém chất lượng, cụ thể phát hiện 725 bao phân bón loại 50kg nhãn hiệu Kali Miểng 61% (trên bao bì ghi sản phẩm của Công ty TNHH Phân bón Cánh Đồng Việt) và Kali Miểng MOP (trên bao bì ghi sản phẩm của Công ty TNHH phân bón Gia Hân).

Cả hai sản phẩm của công ty trên đều ghi được sản xuất tại lô D, kho D2, KCN Tân Kim (H.Cần Giuộc, Long An) có dấu hiệu vi phạm về nhãn mác hàng hóa. Trên bao bì sản phẩm ghi là phân bón Kali Miểng 61%, tuy nhiên ở mục thành phần thì Kali (K2O) chỉ là 31% cùng một số chất trung vi lượng khác.

Lực lượng QLTT Kiên Giang tiêu hủy 3,2 tấn phân bón giả

Kiểm tra hộ kinh doanh vật tư nông nghiệp Năm Phướng do bà Dương Thị Diệu (SN 1966, ngụ ấp Long Phú, xã Phú Thọ, H.Tam Nông, Đồng Tháp) làm chủ, lực lượng QLTT thu giữ số lượng lớn thuốc trừ sâu (thuốc đặc trị rầy) nhãn hiệu Schesyntop 500WG là hàng giả không có giá trị sử dụng, công dụng và quá hạn...; phân bón vi lượng có nhãn ghi không đúng quy định về kích thước chữ theo quy định về nhãn hàng hóa; phân bón trên nhãn hàng hóa có chữ viết không đúng sự thật về nhãn hàng hóa...

Cách đây không lâu, cơ quan chức năng Tiền Giang kiểm tra Công ty TNHH Phát triển Sunrise USA (ấp Long Bình, xã Long An, H.Châu Thành) do Huỳnh Bảo Thanh (SN 1991, ngụ xã Long An, H.Châu Thành, làm giám đốc), phát hiện tại Công ty TNHH Phát triển Sunrise USA và Chi nhánh Công ty TNHH Đầu tư - Thương mại - Dịch vụ Minh Phát tại Tiền Giang (cũng do Thanh làm giám đốc) có dấu hiệu của hoạt động sang chiết, đóng gói sản phẩm là phân bón; mua bán phân bón nghi là hàng giả; sản xuất phân bón chưa được cấp phép lưu hành tại Việt Nam... Kết quả, lực lượng chức năng phát hiện 30 loại sản phẩm phân bón thành phẩm, tổng trọng lượng 15,286 tấn dạng viên, dạng bột và 557 lít phân bón dạng lỏng.

(Còn tiếp...)

Thuốc bảo vệ thực vật, phân bón giả tràn lan ở miền Tây (kỳ 1)
 
Thuốc bảo vệ thực vật, phân bón giả tràn lan ở miền Tây (kỳ 2)
 

Bình luận (0)

Lên đầu trang