(CAO) Một số ngân hàng gần đây tăng lãi suất huy động và có ít nhất 5 đơn vị sẵn sàng trả lãi trên 7% một năm cho khoản tiết kiệm 12 tháng trở xuống.
Lãi suất tiết kiệm đi lên từ vài tháng nay nhưng xu hướng bắt đầu trở nên rõ rệt hơn trong một tháng gần đây. Từ giữa tháng 8 tới nay, các ngân hàng đồng loạt điều chỉnh biểu lãi suất huy động, đưa mặt bằng lãi suất lên mức mới. Trong khi cuối năm ngoái chỉ có duy nhất một ngân hàng trả lãi trên 7% cho khoản tiết kiệm vài tỷ đồng kỳ hạn 12 tháng thì hiện nay, có tới 5 'nhà băng' sẵn sàng trả mức này.
Lần đầu tiên trong năm nay, hơn chục ngân hàng cùng tăng lãi suất huy động với mức điều chỉnh cao nhất 1% một năm. Mới nhất, Ngân hàng Bản Việt (VietCapital Bank) tăng mạnh lãi suất ở tất cả kỳ hạn, với mức tăng lên tới 0,5% một năm.
Với kỳ hạn 1-3 tháng, Ngân hàng Bản Việt trả ngang mức “trần” quy định 4% một năm. Lãi suất 6 và 9 tháng lên tới 6,6% và 6,8% - là mức cạnh tranh trong top ngân hàng cùng quy mô. Với kỳ hạn 12 tháng thường được nhiều người lựa chọn, mức lãi suất là 7,1% một năm, áp dụng khi gửi tiền trực tuyến. Nếu gửi tiền trên kênh truyền thống là giao dịch trực tiếp tại quầy, nhà băng này trả mức lãi cao nhất 6,9% cho khoản tiền gửi kỳ hạn từ 12 tháng trở xuống.
Tính tới giữa tháng 9, Ngân hàng Bản Việt nằm trong nhóm các nhà băng trả lãi tốt nhất thị trường và cao hơn hẳn so với mặt bằng chung (chưa xét đến ưu đãi cho khoản tiết kiệm giá trị từ chục tỷ đến trăm tỷ đồng).
Các chương trình ưu đãi được giới 'nhà băng' liên tục tung ra gần đây, nhằm thu hút thêm khách hàng mới. Tại Ngân hàng Bản Việt, nhà băng này đang có “tháng vàng ưu đãi” dành cho khách gửi tiền kỳ hạn 6 và 12 tháng từ 300 triệu trở lên, lãi suất tương ứng là 6,9% và 7,3% một năm, áp dụng từ tháng 7/9 đến hết 7/10 năm nay.
Hiện nay, các ngân hàng trả lãi gửi tiết kiệm online cao hơn từ 0,1% đến 0,2%, có nơi trả cao hơn tới hơn 0,7% so với gửi tiền tại quầy. Vì thế, ngày càng nhiều khách hàng chọn phương thức gửi tiền trực tuyến do thao tác thuận tiện và lãi suất tốt hơn.
Nếu so sánh lãi suất tiết kiệm khi gửi tại quầy giao dịch, hiện chỉ có 3 ngân hàng trả lãi trên 7% cho khoản tiết kiệm kỳ hạn 12 tháng trở xuống. Gửi tiền tại quầy kỳ hạn 1-3 tháng có lãi suất 3%-4%, gửi 6 tháng lãi suất 4%-7,1%, còn lãi suất 12 tháng dao động từ 5,6% đến 7,45%.
Với các khoản tiền gửi kỳ hạn trên một năm trở lên, lãi suất niêm yết cũng đang ở vùng cao nhất một năm. Nếu muốn hưởng lãi suất tốt hơn, người gửi tiền có thể cân nhắc kỳ hạn dài hơn nếu chưa có ý định sử dụng khoản tiền nhàn rỗi. Với kỳ hạn từ 13 tháng trở lên, các nhà băng trên thị trường niêm yết lãi suất từ 6% đến 7,6% nếu khoản tiền gửi có giá trị dưới vài tỷ đồng.
Lãi suất tiết kiệm tăng lên trong khi các kênh đầu tư khác như chứng khoán, bất động sản kém sôi động khiến người dân quay lại chuộng bỏ tiền vào ngân hàng.
Hoàng Anh - nhân viên văn phòng tại Hà Nội cho biết, từ nửa năm nay cô quay lại thói quen trích 20% thu nhập hàng tháng gửi tiết kiệm ngân hàng. Việc kiếm tiền từ cổ phiếu không còn dễ dàng như trước và có nhiều rủi ro, nên cô cơ cấu lại tài sản, ưu tiên phân bổ tiền vào kênh tiết kiệm.
Những trường hợp như Hoàng Anh không hề hiếm. Số liệu cho thấy dòng tiền đổ vào chứng khoán, bất động sản đang chững lại trong khi tiền gửi ngân hàng tăng mạnh hơn trong năm nay. Trong 6 tháng đầu năm, người dân đã gửi ròng vào hệ thống ngân hàng gần 320.000 tỷ đồng, tăng gần gấp đôi mức tăng ròng của cả năm 2021.
Công ty chứng khoán SSI dự báo xu hướng tăng lãi suất huy động vẫn còn tiếp diễn và tính cả năm 2022, lãi suất có thể tăng 1-1,5%. Bên cạnh đó, các ngân hàng sẽ chú trọng huy động tiền gửi kỳ hạn dài khi mức trần tỷ lệ vốn ngắn hạn sử dụng cho vay trung và dài hạn sẽ được điều chỉnh từ 37% xuống 34% từ tháng 10 năm nay.