Xử lý nợ xấu, giải quyết các tranh chấp hợp đồng tín dụng: Người trong cuộc nói gì?

Chủ Nhật, 21/05/2023 10:52

|

(CATP) Ngân hàng cho vay kịp thời cung cấp vốn và nhu cầu của doanh nghiệp cùng người dân, thế nhưng mặt trái của "vay vốn" lại có không ít tình trạng xảy ra tranh chấp hợp đồng tín dụng, liên quan tài sản thế chấp. Tại Hà Nội, ngày 17/5 diễn ra Hội thảo "Vấn đề xử lý nợ xấu trong Luật các tổ chức tín dụng (sửa đổi)", nhằm góp ý, nâng cao chất lượng của Dự thảo Luật các tổ chức tín dụng sửa đổi, đặc biệt là hành lang pháp lý cho vấn đề xử lý nợ xấu.

Liên tục xảy ra án tranh chấp

Với sự tham gia Hội thảo có đại diện Ngân hàng Nhà nước, Ủy Ban kinh tế Pháp luật Quốc hội, TAND tối cao, Bộ Tư pháp, Hiệp Hội ngân hàng, Ủy Ban Giám sát tài chính quốc gia, chuyên gia tài chính, chuyên gia pháp lý và đại diện các ngân hàng thương mại... Theo ông Bùi Tấn Tài - Phó Tổng giám đốc Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB), hoạt động cho vay của các Tổ chức tín dụng (TCTD), đặc biệt cho vay hỗ trợ sản xuất kinh doanh và phát triển kinh tế trong những năm gần đây ngày càng phát triển mạnh. Bên cạnh yếu tố tích cực kịp thời cung cấp nguồn vốn cho các cá nhân, tổ chức thì cũng phát sinh ngày càng nhiều vụ án tranh chấp hợp đồng tín dụng hoặc tranh chấp liên quan đến tài sản thế chấp (TSTC) phức tạp.

Quá trình giải quyết các vụ án kinh doanh thương mại trong lĩnh vực tranh chấp hợp đồng tín dụng, bên cạnh thuận lợi đã có một hệ thống quy định pháp luật tương đối hoàn chỉnh thì còn bộc lộ một số vấn đề hạn chế về nhận thức và áp dụng pháp luật, đòi hỏi hoạt động xét xử, kiểm sát giải quyết vụ án phải ngày càng được nâng cao, cập nhật hoặc kiến nghị sửa đổi văn bản pháp luật để tránh việc áp dụng sai quy định về nội dung cũng như vi phạm về tố tụng (hình thức). Nhận thức được tầm quan trọng đó, ông Bùi Tấn Tài đưa ra ý kiến tham luận về hoạt động xử lý nợ xấu, giải quyết các vụ án tranh chấp hợp đồng tín dụng.

Ông Bùi Tấn Tài - Phó Tổng giám đốc Ngân hàng ACB tại hội thảo

Cũng theo ông Tài, quá trình tham gia giải quyết các vụ án tranh chấp hợp đồng tín dụng, tranh chấp liên quan đến TSTC, một số Tòa án áp dụng pháp luật không đúng, không thống nhất khi xét xử hoặc bản án có nội dung chưa phù hợp với quy định pháp luật. Cụ thể: Các tranh chấp liên quan đến TSTC và TCTD không được bảo vệ quyền lợi với tư cách là người thứ ba ngay tình dù đã nhận thế chấp theo đúng quy định pháp luật.

Trong thời gian qua, các tranh chấp liên quan đến TSTC có dấu hiệu gia tăng. Các dạng tranh chấp phát sinh thường gặp: Tranh chấp quyền sở hữu/sử dụng TSTC giữa chủ sở hữu cũ và chủ sở hữu mới (khách hàng), tranh chấp hợp đồng tặng cho TSTC (bên được tặng cho là khách hàng), tranh chấp khách hàng bán giấy tay/bán vi bằng/phân lô bán nền cho nhiều hộ dân và các hộ dân này đã xây dựng nhà ở kiên cố trên TSTC, tranh chấp hủy hợp đồng chuyển nhượng do chủ sở hữu cũ vay tiền của chủ sở hữu mới (khách hàng) bằng việc ký hợp đồng chuyển nhượng tài sản (sau này là TSTC), hoặc do chủ sở hữu cũ nhờ chủ sở hữu mới đứng tên tài sản để thế chấp vay tiền của TCTD, tranh chấp về thừa kế TSTC trong trường hợp phát sinh/bỏ sót người thừa kế hoặc TCTD giải ngân sau khi chủ TSTC chết mà chưa có sự đồng thuận của các đồng thừa kế...

Nhóm hồ sơ này đang có nguy cơ tăng cao do ngày 02/8/2021, TAND tối cao ban hành Công văn số 02/TANDTC-PC về việc giải đáp một số vướng mắc trong xét xử. Trong đó có hướng dẫn về việc xác định TCTD có là người thứ ba ngay tình hay không và hiệu lực của hợp đồng thế chấp tài sản. Quá trình giải quyết tranh chấp, Tòa án tiến hành thẩm định tại chỗ TSTC ghi nhận việc chủ sở hữu cũ hoặc người thứ ba đang sinh sống, quản lý, sử dụng TSTC và triệu tập các cá nhân này tham gia tố tụng. Trường hợp chủ sở hữu cũ có lời khai bất lợi cho TCTD như TCTD không tiến hành thẩm định tài sản, chủ sở hữu cũ không biết việc thế chấp tài sản và có đơn yêu cầu độc lập yêu cầu Tòa án tuyên bố hợp đồng thế chấp vô hiệu.

Phát sinh nhiều vụ án tranh chấp hợp đồng tín dụng hoặc tranh chấp liên quan đến tài sản thế chấp phức tạp

Kiến nghị thiết thực

Khoản 2 Điều 133 của Bộ luật Dân sự 2015 quy định: "Trường hợp giao dịch dân sự vô hiệu nhưng tài sản đã được đăng ký tại cơ quan Nhà nước có thẩm quyền, sau đó được chuyển giao bằng một giao dịch dân sự khác cho người thứ ba ngay tình và người này căn cứ vào việc đăng ký đó mà xác lập, thực hiện giao dịch thì giao dịch đó không bị vô hiệu...". Theo quy định trên, quyền lợi của người thứ ba sẽ được bảo đảm (giao dịch không bị vô hiệu) khi đáp ứng 2 điều kiện: Một là, người thứ ba căn cứ vào việc đăng ký tài sản tại cơ quan Nhà nước để thực hiện giao dịch. Như đã trình bày ở trên, TCTD nhận thế chấp tài sản trên cơ sở GCNQSDĐ được Nhà nước cấp cho bên thế chấp, thủ tục thế chấp đã đáp ứng các điều kiện theo quy định pháp luật. Hợp đồng thế chấp được công chứng và đăng ký thế chấp theo đúng quy định pháp luật. Do đó, cả hợp đồng và biện pháp thế chấp đều đã phát sinh hiệu lực. Hai là, người thứ ba ngay tình khi xác lập, thực hiện giao dịch. Tại thời điểm nhận thế chấp, TCTD không thể biết và không có trách nhiệm phải biết về mối quan hệ, giao dịch trước đó giữa các bên liên quan đến tài sản.

Từ những căn cứ pháp lý trên, TCTD hoàn toàn được xem là bên ngay tình trong việc nhận thế chấp tài sản. Áp dụng các quy định pháp luật hiện hành và Công văn số 64/TANDTC-PC ngày 03/4/2019 của TAND tối cao về việc thông báo kết quả giải đáp trực tuyến một số vướng mắc về hình sự, dân sự và tố tụng hành chính thì "trường hợp giao dịch chuyển nhượng nhà đất bị vô hiệu nhưng bên nhận chuyển nhượng đã được cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà, quyền sử dụng đất và đã thế chấp nhà, quyền sử dụng đất đó cho Ngân hàng theo đúng quy định của pháp luật thì giao dịch thế chấp đó không vô hiệu". Có thể thấy, Tòa án tối cao đã hướng dẫn rất rõ rằng "trong trường hợp đã nhận thế chấp đúng quy định pháp luật thì giao dịch thế chấp không vô hiệu".

Ông Bùi Tấn Tài kiến nghị: "Trường hợp đã phân chia di sản mà xuất hiện người thừa kế mới thì không thực hiện việc phân chia lại di sản bằng hiện vật, nhưng những người thừa kế đã nhận di sản phải thanh toán cho người thừa kế mới một khoản tiền tương ứng với phần di sản của người đó tại thời điểm chia thừa kế theo tỷ lệ tương ứng với phần di sản đã nhận". Các quy định này vừa bảo đảm được thủ tục thi hành án nên bảo đảm quyền lợi của TCTD, vừa bảo đảm được quyền lợi của đương sự có yêu cầu khởi kiện trong vụ án mới.

Từ những cơ sở pháp lý và thực tế khách quan trong quá trình giải quyết các vụ án, theo ông Bùi Tấn Tài kiến nghị các cơ quan chức năng tổng hợp ý kiến góp ý của các TCTD, từ đó kiến nghị TAND tối cao, VKSND tối cao đánh giá một cách toàn diện các vấn đề nêu trên và sửa đổi quy định, hướng dẫn chưa phù hợp nhằm đảm bảo thực hiện đúng quy định pháp luật về nội dung và thủ tục tố tụng, đặc biệt là hướng dẫn áp dụng pháp luật của ngành Tòa án về các căn cứ xác định TCTD là bên nhận thế chấp ngay tình, hợp đồng thế chấp giữa TCTD với các bên thế chấp khi thực hiện đầy đủ quy định pháp luật có giá trị pháp lý, TSTC tiếp tục được bảo đảm cho khoản vay của bên được cấp tín dụng tại TCTD. TCTD có quyền được yêu cầu cơ quan có thẩm quyền xử lý các TSTC để thu hồi nợ để đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của các TCTD.

Ngoài ra, đối với trường hợp TSTC được kê biên xử lý theo quy định của Luật Thi hành án dân sự, nhằm đảm bảo nguyên tắc "bản án, quyết định phải được cơ quan, tổ chức và mọi công dân tôn trọng; cá nhân, cơ quan, tổ chức có liên quan trong phạm vi trách nhiệm của mình chấp hành nghiêm chỉnh bản án, quyết định và phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về việc thi hành án", kiến nghị cơ quan có thẩm quyền có hướng dẫn giải quyết vụ án tranh chấp liên quan đến TSTC tại giai đoạn thi hành án.

Theo đó, TSTC vẫn được cơ quan Thi hành án tổ chức kê biên, xử lý để đảm bảo thi hành bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật; không xem TSTC là đối tượng tranh chấp trong vụ án (mới) mà cần áp dụng tương tự pháp luật (theo quy định tại khoản 2 Điều 45 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015) để giải quyết vụ án. Khi đó, đối tượng tranh chấp trong vụ án (mới) sẽ được tính theo "giá trị bằng tiền" tương tự như quy định tại Điều 131, 247 Bộ luật Dân sự 2015: "Các bên phải hoàn trả cho nhau những gì đã nhận sau khi trừ chi phí hợp lý trong thực hiện hợp đồng và chi phí bảo quản, phát triển tài sản. Việc hoàn trả được thực hiện bằng hiện vật. Trường hợp không hoàn trả được bằng hiện vật thì được trị giá thành tiền để hoàn trả”.

Bình luận (0)

Lên đầu trang