(CAO) Chiều 26-5, thảo luận tổ về Dự thảo Nghị quyết về xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng (NQ), các đại biểu Quốc hội đều thống nhất cho rằng, cần nhanh chóng ban hành Nghị quyết nhằm làm tan “cục máu đông” của nền kinh tế, đồng thời phải xem xét thật kỹ, nêu rõ các nguyên tắc nhằm tránh các kẽ hở, dẫn đến tình trạng lách luật để trục lợi.
Cấp bách ban hành Nghị quyết
Đại biểu Trần Hoàng Ngân (TP.HCM) đánh giá, nợ xấu là điểm nghẽn, điểm nóng của nền kinh tế hiện nay. Dù Ngân hàng Nhà nước đã tích cực xử lý, nhưng 5 năm qua vẫn không dứt điểm được, hiện nợ xấu còn trên 500.000 tỷ đồng, và nếu không tích cực giải quyết và có cơ chế phù hợp sẽ đe dọa đến an ninh tài chính quốc gia. Đã có ý kiến cho ngân hàng phá sản, nhưng sẽ ảnh hưởng đến hàng ngàn, hàng trăm ngàn người gửi tiền ở đây.
Đại biểu Trần Hoàng Ngân (TP.HCM)
Đại biểu Ngân tính toán: “Nếu chúng ta giải quyết tốt nợ xấu thì sẽ giảm được khoảng 1% lãi suất cho vay hiện nay; đồng thời, người đi vay cũng xem xét lại phương án kinh doanh”. Khẳng định việc ban hành NQ là cần thiết, cấp bách trong tình hình hiện nay, nhưng đại biểu cũng nhấn mạnh NQ phải minh bạch, bảo vệ người đi vay tiền là đúng, nhưng cũng phải bảo vệ cả người cho vay.
Đại biểu Nguyễn Hoàng Anh (Cao Bằng) thì cho rằng, tình trạng nợ xấu đã có nhiều năm nhưng không giải quyết được, rõ ràng cơ sở pháp luật thiếu nhưng sự phối hợp giữa các cơ quan liên quan trong quá trình thực hiện cũng chưa tốt. “Nợ xấu dễ phát sinh, có kinh doanh là có nợ xấu, nhưng mấy chục năm nay chưa có văn bản pháp luật về vấn đề này, đây là căn bệnh của chúng ta, khi mới có biểu hiện thì không để ý, khi căn bệnh nặng, trầm kha rồi mới xử lý”- đại biểu này nhận xét.
Đại biểu Nguyễn Hoàng Anh (Cao Bằng)
Đồng thời đề nghị, phải xử lý thường xuyên, có thể kế thừa trong Luật các tổ chức tín dụng, bởi nếu không giải quyết được 100% nợ xấu, số còn lại không giải quyết được thì tiếp tục ban hành chính sách khác, rất lãng phí chất xám của Quốc hội, và rơi vào tình trạng “ăn đong”, cứ trầm kha rồi mới giải quyết, bệnh nặng mới chữa.
Để NQ đi được vào cuộc sống, mục tiêu là xử lý triệt để “cục máu đông” của nền kinh tế, đại biểu Nguyễn Hồng Diên (Thái Bình) nhấn mạnh, việc thực hiện NQ cũng phải tuân thủ nguyên tắc: chỉ áp dụng trong thời hạn 5 năm là phải dứt điểm, nếu sau 31-12-2016 thì các tổ chức tín dụng phải tự giải quyết, “vì nếu không thì tổ chức tín dụng lại hợp tác với các đối tượng để biến nợ không xấu thành nợ rất xấu, thì đất nước cứ đi trả nợ đậy cho các tổ chức tín dụng này đến bao giờ?”.
Phải xử lý vi phạm liên quan đến nợ xấu
Đồng tình với sự cần thiết phải ban hành Nghị quyết, tuy nhiên, đại biểu Ngô Minh Châu (TP.HCM) nêu rõ, dự kiến thông qua tại kỳ họp này, nhưng các quy định trong dự thảo NQ có nội dung chưa được quy định (như quyền thu giữ tài sản đảm bảo của các tổ chức tín dụng, xác định giá mua của của các khoản nợ xấu,…) và chưa thống nhất với các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành (Luật dân sự, tố tụng dân sự, Luật đất đai, Luật thi hành án dân sự…).
Đại biểu Ngô Minh Châu (TP.HCM)
Đồng thời, đại biểu cũng đề nghị, phải cân nhắc lại quy định trong NQ về quyền thu giữ tài sản đảm bảo của các tổ chức tín dụng trên cơ sở đánh giá về khả năng thực hiện quyền thu giữ của tổ chức tín dụng, khả năng đảm bảo quyền, lợi ích hợp pháp cho các bên liên quan để đảm bảo tính khả thi của quy định.
Trường hợp có quy định về quyền này thì phải chặt chẽ, nêu rõ những loại tài sản bảo đảm nào được phép thu giữ và điều kiện thực hiện thu giữ là gì, đồng thời áp dụng các quy định pháp luật phù hợp để thực hiện quyền thu giữ này của tổ chức tín dụng, đảm bảo quyền, lợi ích hợp pháp của các tổ chức, cá nhân liên quan đến tài sản đảm bảo.
Đại biểu Ngô Minh Châu cũng cho biết, trong quá trình tham gia, Bộ Công an đã đề nghị Ngân hàng Nhà nước bổ sung vào thành phần hồ sơ, vào báo cáo đánh giá tác động đối với yêu cầu về bảo vệ an ninh, trật tự theo quy định của Chính phủ về biện pháp pháp luật bảo vệ an ninh quốc gia, TTATXH; tham gia ý kiến về các nội dung liên quan đến chức năng, nhiệm vụ của Bộ Công an và các quy định để đảm bảo an ninh, tài chính tiền tệ, TTATXH trong quá trình xử lý nợ xấu.
“Đề nghị chỉnh lý quy định về trách nhiệm của cơ quan Công an theo hướng quy định đúng chức năng, quyền hạn, nhiệm vụ của cơ quan Công an về đảm bảo TTATXH trong quá trình xử lý tài sản đảm bảo của các tổ chức tín dụng, không mở rộng thẩm quyền, trách nhiệm của cơ quan Công an về giám sát hoặc các trách nhiệm tham gia xử lý tài sản đảm bảo khác để đảm bảo thực hiện đúng theo quy định pháp luật”- đại biểu Ngô Minh Châu góp ý cụ thể.
Chung quan điểm với đại biểu Châu, đại biểu Hồ Văn Năm (Đồng Nai) phàn nàn: “Cơ quan thi hành án thu giữ tài sản còn khó huống gì ngân hàng” và đề nghị nên cân nhắc xem xét thật kỹ, tránh dẫn đến mất an ninh trật tự cũng như tạo kẽ hở để lợi dụng, trục lợi bởi đã có tình trạng có cấu kết ngân hàng với người có tài sản đảm bảo lách luật làm thất thoát tài sản nhà nước.
Tại phiên thảo luận, nhiều đại biểu còn đề nghị trước khi tiến hành xử lý nợ xấu thì phải có biện pháp xử lý các tổ chức, cá nhân có liên quan vi phạm không thì “hòa cả làng”.