(CATP) Thời gian qua, loại hình chuỗi cửa hàng bán lẻ, điện máy, chuỗi nhà hàng, cà phê, trà, kim khí điện máy... trở thành loại hình kinh doanh khá phổ biến.
Hiện nay, thay vì vài tháng, sự ra đời của các chuỗi khá nhanh chóng với thời gian chỉ tính bằng tuần. Hiện không ít nhà đầu tư đã phải giảm bớt quy mô bằng cách đóng cửa hoặc giảm hàng loạt cửa hàng, điểm bán để tái cấu trúc.
Với thị trường bán lẻ đã chứng kiến không ít "cái chết yểu" của nhiều thương hiệu. Trong đó có hệ thống G7 Mart - phân phối nhóm hàng thực phẩm, hóa mỹ phẩm, rượu bia, nước giải khát - thuộc Công ty cổ phần G7 Mart - một thương hiệu gắn liền với Trung Nguyên và ông Đặng Lê Nguyên Vũ.
Vào tháng 8-2006, khi ra đời, Công ty cổ phần G7 Mart công bố có tới 500 cửa hàng và nhắm tới chiến lược phát triển chuỗi cửa hàng G7 Mart trong toàn quốc với 9.500 cửa hàng mang thương hiệu G7 Mart, nhưng hiện nay chỉ còn là cái bóng vật vờ khi hàng loạt điểm bán phải đóng cửa.
Món Huế thuộc Công ty TNHH Nhà hàng Món Huế, một công ty con của Công ty TNHH Chế biến thực phẩm Huy Việt Nam - chuyên về chuỗi nhà hàng sở hữu nhà hàng Món Huế, Phở Hùng, Cơm Thố Cháy, Iki Sushi, House of Phở và Great Bánh Mì.
DN này được biết đến là công ty 100% vốn nước ngoài, với vốn điều lệ đăng ký lúc cao nhất là 1.200 tỷ đồng. Trong đó, 2 thương hiệu khá nổi tiếng là Món Huế và Phở ông Hùng cũng có thời gian tạo ra sự đột biến về số lượng vì chỉ trong một thời gian ngắn hệ thống này đã phát triển lên đến hàng trăm chi nhánh, trong đó tập trung chủ yếu tại TPHCM và Hà Nội.
Thời hoàng kim của mình năm 2015, công ty này từng được các quỹ đầu tư ngoại rót vốn với tổng số tiền 65 triệu USD. Trong đó, các Quỹ Templetin Asset Management, Fortress Capital, AIF Capital, New Asia Partners hay Welkin Capital đầu tư cho Huy Việt Nam ước tính khoảng 1.600 tỷ đồng năm 2019.
DN này cũng từng gây xôn xao thị trường chứng khoán khi nộp hồ sơ IPO ở Sàn Giao dịch chứng khoán Hong Kong (HKEx) và dự kiến huy động được số vốn lên tới 100 triệu USD, đồng thời đặt mục tiêu đạt 1.000 cửa hàng trên cả nước năm 2020.
Hệ thống cửa hàng Bách Hóa Xanh giảm 391 điểm bán (ảnh CTV)
Thế nhưng, đùng một cái vào năm 2019, các cơ sở kinh doanh, văn phòng của chuỗi nhà hàng Món Huế đồng loạt đóng cửa, công ty sở hữu thì bị tố cáo nợ hàng chục tỷ đồng của nhà cung cấp. Trong vụ "biến mất" này, không những hàng loạt chủ nhà cho DN này thuê mặt bằng bị "xù” tiền, nhiều nhà cung cấp thực phẩm bị quỵt nợ hàng trăm tỷ đồng mà nhân viên của thương hiệu Món Huế cũng trở thành nạn nhân do bị nợ lương từ hơn 2 tháng trước khi chuỗi đóng cửa.
Gần đây, một thương hiệu lớn từng gây "sốt" cũng đang khiến những người đầu tư vào cổ phiếu của họ nhấp nhổm không yên, đó là Bách Hóa Xanh - thương hiệu của Công ty TNHH Thế Giới Di Động. DN được thành lập năm 2004 và giai đoạn 2007 - 2009 đã mở rộng kinh doanh tại TPHCM, Đà Nẵng và Hà Nội.
Năm 2007, Công ty TNHH Thế Giới Di Động chuyển đổi sang mô hình công ty cổ phần, vận hành các chuỗi bán lẻ thegioididong.com, Điện Máy Xanh, Bách Hóa Xanh. Ngày 14-7-2014, chính thức được giao dịch trên Sở Giao dịch Chứng khoán Hồ Chí Minh (HOSE) với mã cổ phiếu MWG.
Dịch Covid-19, thương hiệu này từng làm "dậy sóng" dư luận khi đề nghị không tính tiền thuê 70% và thanh toán 30% tiền thuê mặt bằng trong thời gian cửa hàng bị hạn chế bán hàng, áp dụng từ 1-1-2021 đến 1-8-2021. Tính đến thời điểm hiện tại, trên website của Bách Hóa Xanh công bố còn 1.749 cửa hàng. So với tháng 4-2022, khi hệ thống này có 2.140 điểm bán thì lượng điểm bán đã giảm 391 điểm.
Thời gian gần đây, mã cổ phiếu MWG đã khiến các nhà đầu tư nhấp nhổm không yên khi chỉ còn 62.700 đồng/cp, trong khi tháng 7-2021 ở mức 168.100 đồng/cp, đã "bốc hơi" hơn 100 ngàn đồng/cp.
Trong khi giá CP của một số doanh nghiệp sở hữu chuỗi đang đi xuống thì đại gia Lâm Bội Minh - cha đẻ của chuỗi Phúc Long lại bất ngờ khi nhận chuyển nhượng toàn bộ cổ phần tại CTCP Phú Nhuận 168 với tổng giá chuyển nhượng là 183,2 tỷ đồng sau khi nắm trong tay lượng tiền lớn từ việc bán quyền chi phối chuỗi Phúc Long cho tập đoàn Masan.
Theo đánh giá của một số nhà đầu tư, vị đại gia này đã thành công trong việc "rút bớt củi" để chuyển cổ phiếu thành bất động sản - thứ tài sản bảo đảm, an toàn hơn nhiều so với việc nắm trong tay số cổ phiếu của công ty sở hữu chuỗi, vốn được xây dựng dựa trên phần lớn các tài sản thuê mướn.