PV: Xin ông cho biết trong mùa khô này, đặc biệt là đợt cao điểm nắng hạn thì ngành điện phía Nam triển khai những biện pháp gì đảm bảo cung cấp điện cho các địa phương?
Ông Nguyễn Phước Đức: Phụ tải cao điểm của miền Nam xảy ra trong mùa khô, nhất là các ngày nắng nóng. Trong mùa khô, khả năng phát thuỷ điện bị hạn chế, hệ thống điện truyền tải vận hành rất căng thẳng do phải truyền tải công suất lớn từ miền Bắc và miền Trung vào. Đặc biệt năm 2015 là năm mùa khô kéo dài, nhiệt độ trung bình cao và nhiều khu vực khô hạn, mức độ tiêu thụ điện tăng cao.
EVN đã chỉ đạo các đơn vị trong ngành tăng cường tối đa khả năng phát điện, áp dụng các biện pháp kỹ thuật và quản lý vận hành để nâng cao khả năng truyền tải điện trên các đường dây 500kV, 220kV truyền tải công suất cao từ miền Bắc, miền Trung vào miền Nam.
Về phần mình, EVN SPC đã triển khai nhiều giải pháp để đảm bảo mục tiêu cung cấp điện an toàn và liên tục, không điều hòa tiết giảm phụ tải, nâng cao độ tin cậy cung cấp điện. Đảm bảo điện cho tưới tiêu nông nghiệp, nuôi trồng và chế biến thủy hải sản, xay xát lúa gạo, đáp ứng nhu cầu sản xuất - dịch vụ và sinh hoạt của nhân dân trên địa bàn.
Trong 5 tháng đầu năm 2015, EVN SPC đã nhận từ EVN tổng sản lượng là 20,815 tỷ kWh (tăng 11,26% so với cùng kỳ 2014), sản lượng bình quân ngày là 137,852 triệu kWh.
Sản lượng max là 158,395 triệu kWh (ngày 19/5/2015) tăng 8,7% so với cùng kỳ năm 2014. Công suất max là 7.692MW (lúc 16 giờ, ngày 19/5/2015), tăng 10,8% so với cùng kỳ năm trước.
Về thực hiện các chỉ tiêu kinh tế kỹ thuật, tỉ lệ tổn thất điện năng 4 tháng đầu năm 2015 là 5,32%, thấp hơn 0,67% so với cùng kỳ năm 2014. Suất sự cố lưới điện và các chỉ số độ tin cậy (SAIDI, SAIFI và MAIFI) đều đạt chỉ tiêu được giao.
PV: Với những địa bàn đặc biệt khô hạn như Ninh Thuận và Bình Thuận, có những điểm gì đáng chú ý?
Ông Nguyễn Phước Đức: Tỉnh Bình Thuận và Ninh Thuận năm 2015 hạn hán khốc liệt và kéo dài, đặc biệt gần đây UBND tỉnh Ninh Thuận đã công bố hạn hán. Công ty Điện lực Bình Thuận và Ninh Thuận đã cố gắng hạn chế tối đa sự cố và mất điện để đảm bảo phục vụ bơm nước, tưới tiêu và sinh hoạt của nhân dân trong điều kiện thời tiết khắc nghiệt.
Tại khu vực tỉnh Bình Thuận còn cung cấp điện cho phụ tải thanh long cho nên công suất sử dụng max tăng rất cao từ đầu năm đến tháng 4/2015, hơn 26%. Hiện nay do đã vào chính vụ thanh long, nên người dân không chong đèn thanh long nữa, công suất tiêu thụ cũng đã giảm xuống.
Ngoài kế hoạch cung cấp điện đã xây dựng từ đầu năm, các đơn vị đã tổ chức giám sát chặt chẽ diễn biến phụ tải và chuẩn bị sẵn sàng các phương án cung cấp điện cho các tình huống phụ tải tăng đột biến. Cho đến nay, các đơn vị đã đảm bảo được nhiệm vụ cung cấp điện.
PV: Những khuyến cáo của ngành điện đối với người dân trước tình hình này?
Ông Nguyễn Phước Đức: Nguồn điện tại chỗ ở miền Nam hạn chế, thủy điện lại không thể phát cao do hạn hán, điều này buộc lưới điện phải vận hành căng thẳng, nguy cơ sự cố lớn.
Để hỗ trợ ngành điện hoàn thành tốt nhiệm vụ cung ứng điện mùa khô 2015, EVN SPC có một số khuyến cáo:
Thực hiện sử dụng điện hợp lý, tiết kiệm và hiệu quả: lựa chọn thiết bị tiết kiệm điện, tắt các thiết bị khi chưa cần thiết sử dụng, chuyển sử dụng điện giờ cao điểm sang thấp điểm…và cùng với ngành điện làm tốt công tác tuyên truyền tiết kiệm điện.
Lưu ý tránh gây ra việc xâm phạm hành lang an toàn lưới điện cao áp như: thả diều, thả vật bay lên lưới điện, chặt cây, dựng ăng-ten ngã đổ vào lưới điện,… để ngăn ngừa sự cố gây gián đoạn cung ứng điện.
Hiện nay thời tiết đang chuyển mùa, bà con cần cẩn thận trong sử dụng điện đảm bảo an toàn.
PV: Xin cảm ơn ông!
Những giải pháp đảm bảo cung cấp điện của EVN SPC:
- Các CTĐL đã phối hợp Sở Công thương lập, trình UBND tỉnh/ thành phố phê duyệt kế hoạch cung cấp điện năm và hàng tháng, xây dựng phương án ứng phó mất cân đối cung cầu HTĐ, chuẩn bị sẵn sàng phương án cấp điện cho những ngày phụ tải tăng đột biến để không làm gián đoạn cung cấp điện.
- Tổ chức rà soát, thống kê các phụ tải mang tính chất mùa vụ, đặc trưng của địa phương, có phương án ưu tiên cho các phụ tải trọng yếu phục vụ nhu cầu dân sinh cơ bản (nước sạch, bệnh viện…), chống hạn, ngăn dịch bệnh, các sự kiện chính trị - xã hội. Theo dõi sát tình hình phụ tải để có phương án cấp điện phù hợp.
- Thoả thuận với khách hàng về các giải pháp cung cấp điện, điều hòa phụ tải và tiết kiệm điện.
- Xây dựng chương trình và có các biện pháp cụ thể để giám sát việc thực hiện kế hoạch tiết kiệm điện tại cơ sở. Lựa chọn hình thức tuyên truyền tiết kiệm điện hiệu quả, phù hợp với từng đặc điểm địa phương. Phối hợp với cơ quan thông tin đại chúng Trung ương và địa phương để đẩy mạnh tuyên truyền về tiết kiệm điện.
- Khẩn trương thực hiện các công trình cải tạo, nâng công suất và xây dựng mới lưới điện để tăng cường năng lực cấp điện, chống quá tải.
- Bố trí hợp lý các công tác trên lưới điện và phối hợp chặt chẽ giữa các đơn vị trong ngành để giảm thời gian và phạm vi mất điện.
- Tăng cường các biện pháp quản lý vận hành: Rà soát và đảm bảo sự hoạt động chính xác của hệ thống rơ-le bảo vệ, đảm bảo hành lang an toàn lưới điện cao áp, khắc phục các khiếm khuyết của lưới điện để giảm nguy cơ sự cố.
Hiện nay, EVN SPC tiếp tục duy trì chế độ họp giao ban sản xuất hàng tuần với các đơn vị qua hội nghị truyền hình để kiểm soát những công việc nói trên cũng như kịp thời tháo gỡ khó khăn và chỉ đạo các đơn vị thực hiện.