TPHCM: Hướng dẫn thực hiện "Phiếu mua hàng thiết yếu"

Thứ Sáu, 30/07/2021 23:51

|

(CAO) Ngày 30/7, Sở Công thương TPHCM ban hành văn bản gửi UBND TP Thủ Đức, các quận huyện, ban giám đốc siêu thị, cửa hàng tiện lợi, cửa hàng kinh doanh hàng hóa, lương thực, thực phẩm thiết yếu, đơn vị quản lý chợ truyền thống về hướng dẫn thực hiện “Phiếu mua hàng thiết yếu".

Phiếu mua hàng thiết yếu

Theo đó, nhằm kiểm soát, phân chia, điều phối số lượng người đến chợ và phục vụ việc truy xuất thông tin, hỗ trợ công tác phòng, chống dịch nhanh chóng, hiệu quả, Sở Công thương hướng dẫn thực hiện phân chia tần suất đi chợ của người dân trong khu vực thông qua việc áp dụng “Thẻ ra vào chợ”.

Tuy nhiên, tình hình triển khai tại các quận huyện không đồng bộ theo từng địa bàn; chưa có cơ chế kiểm tra việc thực hiện và chưa bảo đảm khống chế lượng khách ra - vào điểm bán phù hợp; một số nơi còn tình trạng tập trung đông người và phát sinh nhiều vấn đề cần điều chỉnh.

Đồng thời, để bảo đảm cung ứng hàng hóa, lương thực, thực phẩm thiết yếu cho người dân trên địa bàn và kiểm soát, hạn chế người dân ra đường khi không cần thiết trong thời gian thực hiện Chỉ thị 16, Sở Công thương đề nghị UBND TP Thủ Đức và các quận huyện, các đơn vị quản lý điểm bán trên địa bàn rà soát quy mô dân số, số lượng điểm bán hàng hóa, lương thực, thiết bị thực hiện tại khu vực; chủ động làm việc với hệ thống phân phối trên địa bàn: siêu thị, cửa hàng tiện lợi, cửa hàng kinh doanh, hàng hóa, lương thực, thực phẩm, chợ truyền thống để đánh giá khả năng, số lượng hàng hóa cung ứng, năng lực phục vụ hàng ngày và có phương án phân bổ sung tần suất, địa điểm đi chợ, đi siêu thị của dân trên địa bàn phù hợp, thuận tiện cho việc đi lại, mua sắm trong bán kính phục vụ, đáp ứng nhu cầu của người dân trên địa bàn.

Phân chia tần suất đến các điểm bán hàng hóa, lương thực, thực phẩm thiết yếu trên địa bàn thông qua việc phát “Phiếu mua hàng thiết yếu” cách 2 - 3 ngày/lần. Riêng trong các khu phong tỏa, các địa phương thông tin đến người dân về việc mua thực phẩm thiết yếu tại siêu thị/chợ trong khu vực tỏa với tần suất 2 lần/tuần, sử dụng "Phiếu mua hàng thiết yếu" do chính quyền địa phương cấp.

Sở Công thương cũng lưu ý, “điểm bán” được đề cập tại hướng dẫn bao gồm các loại hình như chợ truyền thống, siêu thị, cửa hàng tiện lợi, cửa hàng kinh doanh hàng hóa, lương thực, thực phẩm thiết yếu... Các đơn vị nghiên cứu thực hiện tích hợp mã QR trên “Phiếu mua hàng thiết yếu”, để phục vụ khai báo y tế đối với khách hàng, người ra vào các điểm bán. “Phiếu mua hàng thiết yếu” cần thể hiện đầy đủ họ và tên, địa chỉ, số điện thoại, chứng minh nhân dân hoặc căn cước công dân.

Theo đó, mỗi hộ dân chỉ cử một người đại diện mua hàng hóa thiết yếu tại các điểm bán theo khung thời gian, địa điểm cung ứng phù hợp. Trong trường cần thiết phải mở rộng khu vực người dân mua hàng trên cơ sở bảo đảm tính hợp lý về mật độ dân cư, số lượng và năng lực cung ứng dụng của điểm bán, có sự linh động trong lựa chọn các điểm bán tại khu vực cư trú để tạo thuận tiện cho người dân.

Đối với ban giám đốc siêu thị, cửa hàng tiện lợi, cửa hàng kinh doanh hàng hóa, lương thực, thực phẩm thiết yếu, đơn vị quản lý chợ truyền thống, cung cấp thông tin đầy đủ về khả năng cung ứng, năng lực phục vụ hàng ngày cho chính quyền địa phương để phối hợp và có phương án phân bổ tần suất, địa điểm đi chợ, đi siêu thị của người dân trên địa bàn phù hợp, thuận tiện.

Tuân thủ nghiêm các yêu cầu phòng, chống dịch; triển khai giải pháp phù hợp để thực hiện quản lý ra vào điểm bán bằng mã QR Code để phục vụ công việc quản lý, truy xuất dữ liệu khi có yêu cầu.

Xây dựng phương án tổ chức giao thông ra vào điểm bán cần phân luồng riêng biệt, bảo đảm hoạt động một chiều để hạn chế lây nhiễm; xây dựng sơ đồ tuyến, hướng đi và định vị từng khu vực hàng hóa để định hướng cho khách hàng dễ nhận biết; tổ chức giãn cách mật độ mua sắm hàng hóa, lương thực, thực phẩm thiết yếu.

Bình luận (0)

Lên đầu trang