Cuộc chiến phòng chống COVID-19: Gỡ nút thắt lưu thông hàng hóa

Thứ Sáu, 30/07/2021 11:24

|

(CATP) Phải tìm mọi cách để đảm bảo việc lưu thông hàng hóa, đặc biệt ở 19 tỉnh phía Nam đang thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ. Trong đó phải đảm bảo việc vận chuyển hàng hóa tiêu thụ và cung ứng vật tư sản xuất cho nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản. Bộ Công thương cũng đang tìm cách gỡ nút thắt cản trở các shipper hoạt động đưa hàng hóa đến tay người tiêu dùng. Nếu không gỡ được nút thắt này, chuỗi cung ứng cuối cùng từ siêu thị đến người dân bị đứt gãy...

Thực trạng dịch Covid-19 vẫn đang diễn biến phức tạp. TPHCM có thể tiếp tục thực hiện các biện pháp giãn cách xã hội tiếp theo. Trong khi đó 18 tỉnh, thành phố phía Nam sau hơn 10 ngày thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ tình hình dịch bệnh vẫn còn diễn biến phức tạp, nên đề nghị tiếp tục thực hiện Chỉ thị 16 với các biện pháp gắt gao hơn để cắt đứt các chuỗi lây nhiễm, khống chế dịch.

Đảm bảo hàng hóa thiết yếu lưu thông

Để tiếp tục thực hiện giãn cách xã hội với 19 tỉnh, thành phố, trong đó có các tỉnh vùng trọng điểm kinh tế phía Nam và các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) - vùng sản xuất nông - thủy sản rất quan trọng cho TPHCM và cả nước, yêu cầu mở lối lưu thông hàng hóa thuận lợi hơn, là mắt xích vô cùng quan trọng. Trong đó đặc biệt lưu ý đến việc lưu thông hàng hóa, tổ chức tiêu thụ sản phẩm và cung cấp vật tư thiết yếu cho các ngành nuôi trồng thủy sản, nông nghiệp. Đặc biệt nếu hàng hóa là vật tư phục vụ sản xuất cho ĐBSCL bị đứt gãy, sẽ ảnh hưởng rất lớn đến vùng sản xuất hàng hóa khu vực này, về lâu về dài có tác hại rất lớn đến việc cung ứng hàng hóa cho cả nước.

Mặc dù Chính phủ đã quy định danh mục các mặt hàng thiết yếu được lưu thông trong quá trình tổ chức thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 và nhiều văn bản khác của các bộ liên quan, nhưng mỗi địa phương có cách hiểu và áp dụng khác nhau. Vì vậy trên thực tế đã xảy ra tình trạng một số hàng hóa là nguyên liệu đầu vào của sản xuất hoặc phục vụ nhu cầu thiết yếu cho người dân bị ách tắc khi lưu thông trên địa bàn, địa phương hoặc giữa các địa phương với nhau.

Để tháo gỡ những nút thắt đó, ngày 27-7 Bộ Công thương có văn bản hỏa tốc gửi Thủ tướng Chính phủ đề xuất Chính phủ ban hành Danh mục hàng hóa "cấm lưu thông" thay vì liệt kê danh mục "hàng hóa thiết yếu" được phép lưu thông, bởi hàng thiết yếu đâu chỉ là lương thực thực phẩm. Thực tế đã có những trường hợp "định nghĩa", hiểu rất khác nhau và "rất lạ” về thế nào là "hàng hóa thiết yếu", như sữa, thậm chí băng vệ sinh cũng có điểm chốt không cho lưu thông vì cho rằng đó không phải là "hàng hóa thiết yếu"!

Một vấn đề quan trọng khác là tổ chức tiêu thụ hàng hóa cho nông dân, bởi từ nay đến cuối năm có rất nhiều loại nông sản đến vụ thu hoạch với số lượng rất lớn với nhiều loại sản phẩm khác nhau. Đây là vấn đề mà các tỉnh ĐBSCL đang gặp khó khăn, với khối lượng hàng nông sản khổng lồ, đặc biệt là hàng nông sản có thời vụ, thu hoạch rất gấp, nếu không nông sản sẽ hư hỏng.

Sáng 29-7, Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản và Trung tâm Xúc tiến thương mại nông nghiệp (Bộ NN-PTNT) phối hợp cùng Sở NN-PTNT tỉnh Đồng Tháp, Sóc Trăng tổ chức "Hội nghị trực tuyến kết nối tiêu thụ nhãn và sản phẩm OCOP tỉnh Đồng Tháp, Sóc Trăng tại Hà Nội năm 2021". Hội nghị đặt ra các phương án đưa nông sản từ các tỉnh phía Nam ra miền Bắc. Chỉ nói riêng với mặt hàng nhãn thôi, hiện Đồng Tháp có hơn 5.300 ha, Sóc Trăng có hơn 3.100 ha, dự kiến thu hoạch từ nay đến cuối năm là hơn 37.000 tấn. Rút kinh nghiệm việc tiêu thụ vải ở các tỉnh phía Bắc trước đây, hội nghị đã lên kế hoạch vận chuyển nhãn ra phía Bắc theo "luồng xanh" an toàn phòng dịch và thuận lợi. Còn tại Hà Nội sẽ bố trí các điểm tập kết và phân phối nhãn một cách khoa học, đến tay người tiêu dùng.

Sầu riêng cũng là một mặt hàng thời vụ, rất mau chín và thu hoạch cũng trong thời gian rất ngắn. Chỉ tính riêng ở huyện Khánh Sơn, tỉnh Khánh Hòa, năm nay sầu riêng được mùa chưa từng có. Trên địa bàn huyện Khánh Sơn hiện có 1.700ha sầu riêng, trong đó 780 ha đang trong thời kỳ thu hoạch. Sản lượng ước tính khoảng 6.200 tấn. Tuy nhiên việc thu hoạch cũng rất khó khăn do thiếu nhân công vì các lao động ngại dịch Covid-19; giá cả cũng đang rớt sâu, chỉ trên dưới 40.000 đồng/kg, bán rất chậm. Ngoài ra, sầu riêng còn có sản lượng rất lớn ở Tây Nguyên, ĐBSCL (nghịch vụ). Vì vậy việc tiêu thụ nông sản cho nông dân rất quan trọng, nếu không nông dân không có nguồn thu, rất khó tái đầu tư cũng như ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống người dân.

Ngoài ra còn hàng ngàn ha xoài, măng cụt, chôm chôm, cam, quýt... đang đến mùa thu hoạch, bán ra rất khó khăn khi mà các chợ đầu mối ở TPHCM bị đóng cửa, lưu thông hàng hóa bất cập, giá thành vận chuyển tăng cao.

Chiều 29-7, tại TPHCM, Diễn đàn trực tuyến kết nối cung cầu, tiêu thụ rau củ quả, trái cây giữa tổ công tác phía Nam và các bên liên quan cũng đã được tổ chức. Đây là diễn đàn để tiếp tục tháo gỡ các vướng mắc một cách nhanh nhất cho những nông sản tươi. Tại diễn đàn, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Trần Thanh Nam cho biết, Ban chỉ đạo quốc gia phòng, chống Covid-19 đang xây những vùng an toàn trong 19 tỉnh, thành phía Nam. Thứ trưởng Nam đề nghị các tỉnh, thành tự xây dựng bộ quy chuẩn cho những vùng này, để đảm bảo sản xuất nông nghiệp. Trước tình trạng các địa phương chống dịch "quá tay", các giải pháp được đưa ra, như việc thay "hàng hóa thiết yếu" bằng "hàng hóa cấm lưu thông"; các địa phương cần chủ động tạo ra "vùng xanh" để tiêu thụ nông sản của chính địa phương mình; nới rộng giờ được ra đường sau 18 giờ cho việc vận chuyển hàng hóa sau thu hoạch, chế biến; vấn đề thiếu hụt nhân công... Tất cả để tháo gỡ khó khăn cho việc sản xuất, vận chuyển hàng hóa.

Mở lối cho shipper

Theo Bộ Công thương, việc duy trì hệ thống logistics hàng hóa cho các sàn thương mại điện tử trong đại dịch Covid-19 có vai trò đặc biệt quan trọng trong việc đưa hàng hóa đến tận tay người tiêu dùng. Nhưng hiện nay hệ thống shipper bị gián đoạn nghiêm trọng vì những quy định mỗi nơi mỗi khác, khiến các siêu thị, các sàn thương mại điện tử hoạt động rất khó khăn.

UBND TPHCM quy định, kể từ ngày 26-7, các đơn vị cung ứng dịch vụ rà soát đội ngũ shipper và giảm 10% số lượng nhân viên. Còn có thêm các quy định khác như mỗi shipper phải có thẻ dán hình, đeo băng tay in chữ "Shipper" và chỉ được hoạt động trên một quận, huyện và thành phố Thủ Đức.

Các siêu thị, các sàn thương mại điện tử sẵn sàng hỗ trợ nông dân tiêu thụ nông sản

Đặc biệt với quy định shipper chỉ giao hàng trong nội quận, huyện, các shipper cho rằng đó là quy định không hợp lý, gây khó khăn cho shipper, vì hàng hóa chủ yếu là liên quận, huyện. Ngoài ra việc di chuyển rất khó khăn, dễ bị phạt, dễ bị lây nhiễm dịch bệnh, làm các shipper nản lòng. Cách nay mấy hôm đã xảy ra một việc rất đáng suy nghĩ là một số lượng lớn shipper chọn cách tắt ứng dụng, nghỉ việc, vì hoạt động quá khó khăn, thu nhập không đủ sống, dễ lây dịch bệnh.

Việc này làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến các siêu thị, sàn thương mại điện tử và chính các doanh nghiệp vận tải công nghệ. Trong những ngày qua, người tiêu dùng ở TPHCM cũng than trời vì việc ship hàng rất khó khăn, chậm trễ, trong khi các quy định giãn cách xã hội ngày càng bị siết chặt.

Chiều 29-7, Phó chủ tịch UBND TPHCM Lê Hòa Bình vừa ký văn bản khẩn cho phép shipper khi vận chuyển hàng hóa thiết yếu cho người dân trong khu phong tỏa, cách ly, cơ sở y tế, điều trị bệnh nhân Covid-19 thì được phép di chuyển liên quận huyện và TP.Thủ Đức và phải có đơn hàng kèm theo. Quy định này tạm thời giải tỏa được việc ship hàng ở một số khu vực nhưng ở các khu vực khác vẫn không được phép.

Để tháo gỡ những vướng mắc rất quan trọng này, hiện Cục trưởng Cục Thương mại Điện tử và Kinh tế số (Bộ Công thương) đang làm việc với các địa phương, đặc biệt là TPHCM, Hà Nội để tổ chức lại hệ thống phương thức giao nhận thương mại điện tử, trong đó có hoạt động của các shipper.

Bộ Công thương cho rằng khi áp dụng Chỉ thị 16, nhu cầu mua sắm của người dân tăng cao gây áp lực cho các chợ truyền thống, hệ thống siêu thị, chợ đầu mối nhưng các phương thức giao nhận hiện chưa đáp ứng nhu cầu thực tế của người dân, làm cắt dứt chuỗi lưu thông từ nhà sản xuất, phân phối đến người tiêu dùng, khi người dân ngày càng lo ngại việc đi trực tiếp đến các siêu thị có thể bị lây nhiễm dịch bệnh. Để gỡ nút thắt này, Bộ Công thương ủng hộ phương án các địa phương cho phép hệ thống logistics của các sàn thương mại điện tử tiếp tục được hoạt động bình thường trong địa bàn. Các shipper, các đối tác vận chuyển như J&T, AhaMove... được sàn thương mại điện tử đăng ký trực tiếp với Sở Giao thông vận tải.

Hiện Hà Nội đang làm tốt việc tổ chức cho các shipper giao hàng cho người mua khi đã cấp phép cho hơn 15.000 shipper xe 2 bánh hoạt động. Nhiều đơn vị cũng đề nghị cho shipper hoạt động sau 18 giờ...

Cần ưu tiên tiêm ngừa cho shipper

Từ ngày 12-7, ông Trần Quang Lâm, Giám đốc Sở Giao thông vận tải TPHCM cho biết, đã đề xuất thêm đối tượng ưu tiên tiêm vắc-xin Covid-19 là người hành nghề shipper trên địa bàn TP để đảm bảo giao nhận hàng hóa trong TP trong bối cảnh dịch bệnh phức tạp, nhưng đến nay số lượng shipper được tiêm vẫn còn rất ít. Ngày 15-7, UBND TP.Hà Nội cũng đã giao Sở Y tế xem xét tạo điều kiện ưu tiên bố trí các điểm xét nghiệm, tiêm vắc-xin phòng dịch khi có điều kiện cho các đối tượng là người vận chuyển hàng hóa phục vụ nhu cầu thiết yếu của người dân có đăng ký hoạt động trên địa bàn TP.

Đến nay chỉ có Grab Việt Nam vừa tổ chức đợt tiêm vắc-xin đầu tiên cho shipper tại các điểm tiêm ở quận 7 (TPHCM) trong hai ngày 27 và 28-7. Ngoài ra, một số shipper khác cũng đã được tiêm qua đăng ký ở địa phương cư trú nhưng với số lượng còn ít.

Việc tiêm vắc-xin cho shipper ở TPHCM, Hà Nội và một số tỉnh thành đang thực hiện Chỉ thị 16 là rất cần thiết, để đảm bảo an toàn cho việc giao nhận, lưu thông hàng hóa thiết yếu để người dân có điều kiện thực hiệm nghiêm các quy định về giãn cách xã hội, phòng chống dịch hiệu quả hơn.

Tổ chức lại việc lưu thông hàng hóa an toàn

Chiều 28-7, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam (ảnh), Trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid-19, Tổ công tác đặc biệt của Chính phủ về phòng, chống dịch Covid-19 đã có cuộc làm việc với các tỉnh phía Nam đang thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16.

Phó thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh: "Dứt khoát không được để ai thiếu những nhu cầu thiết yếu của cuộc sống". Do đó, Phó thủ tướng yêu cầu từng bước tổ chức lại việc lưu thông hàng hóa an toàn, không để ách tắc trong một thời gian dài, giúp người dân thực hiện tốt giãn cách xã hội, an toàn phòng dịch.

Thông tin mới nhất, chiều 29-7, Văn phòng Chính phủ đã có văn bản gửi các bộ, ngành và địa phương về việc tạo thuận lợi cho vận chuyển hàng hóa trong tình hình dịch Covid-19. Theo đó, Phó thủ tướng Lê Văn Thành chỉ đạo, chốt kiểm soát dịch không kiểm tra xe có giấy nhận diện QR Code còn thời hạn do ngành giao thông vận tải cấp để chở hàng phục vụ xây dựng, sản xuất, kinh doanh, xuất nhập khẩu, tiêu dùng trên phạm vi cả nước. Trường hợp xe không có giấy nhận diện QR Code hoặc có nhưng hết thời hạn, yêu cầu chỉ kiểm tra việc khai báo y tế, giấy chứng nhận kết quả xét nghiệm với SARS-CoV-2 đối với người trên xe.

Bình luận (0)

Lên đầu trang