(CATP) Gom góp hết vốn liếng dành dụm được, thậm chí vay mượn lãi suất cao bên ngoài để sang nhượng lại một vị trí buôn bán phía trước chợ Hạnh Thông Tây (Q.Gò Vấp), thế nhưng khi mà công việc buôn bán đang diễn ra trôi chảy, thì gần 50 tiểu thương (buôn bán chủ yếu vào ban đêm) phải lâm cảnh nợ nần xuất phát từ cách hành xử quá cứng nhắc của UBND Q.Gò Vấp cùng các ban ngành có liên quan.
Lời kêu cứu vô vọng!
Trong đơn khiếu nại gửi nhiều nơi, 47 tiểu thương buôn bán phía trước chợ Hạnh Thông Tây (HTT) đề nghị cơ quan chức năng, lãnh đạo Q.Gò Vấp vào cuộc xem xét việc thu hồi nơi kinh doanh buôn bán của họ, nhằm thực hiện đề án quy hoạch trước đó mà không xem xét đến quyền lợi chính đáng của các tiểu thương, khiến gia đình họ phải lâm cảnh túng bần.
Theo nội dung đơn, chợ HTT được thành lập năm 2002. Hoạt động cả ngày lẫn đêm. Phía trước chợ gồm 2 bãi xe cùng một phần đất nhỏ được Ban quản lý (BQL) chợ kẻ ô để các tiểu thương bày bán hàng hóa vào buổi tối và được đặt tên là khu tạp phẩm 1 hay "Chợ đêm HTT". Các khoản thuế theo quy định như: thuế môn bài, thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập cá nhân và các khoản phí khác đều được các tiểu thương nộp đầy đủ.
Tuy nhiên, đến năm 2020, BQL chợ bất ngờ gửi thông báo cho nhóm tiểu thương trên một thông báo, sẽ thu hồi phần diện tích đã bố trí để họ buôn bán trước đó vào mục đích mở rộng bãi xe theo đề án quy hoạch đã được lãnh đạo quận thông qua.
Nhận được thông báo trên, các tiểu thương như ngồi trên đống lửa vì phần lớn trong số họ đã nhiều năm gắn bó với chợ HTT, cuộc sống cả gia đình của họ đều trông cậy vào kết quả buôn bán tại đây. Có người còn bỏ ra hàng trăm triệu đồng để sang nhượng lại vị trí buôn bán trên, giờ bị đuổi đi, tiền mất, hàng hóa tồn đọng, hư hại... thiệt hại kinh tế là vô cùng nghiêm trọng.
Bà Phan Thị Nhị, Mai Kiều Linh cùng một số người, đại diện quyền lợi cho gần 50 tiểu thương than rằng: "Tháng 6-2021, do dịch bệnh nên BQL chợ yêu cầu ngưng hoạt động. Ngày 2-12-2021, BQL chợ mời chúng tôi đến họp nhưng không hề lắng nghe tâm tư nguyện vọng của chúng tôi mà chỉ trao thông báo số 499/TB-VP ngày 15-11-2021 của UBND Q.Gò Vấp và yêu cầu chúng tôi phải ký cam kết trả lại chỗ đang kinh doanh trước ngày 30-1-2022 thì mới cho chúng tôi kinh doanh mua bán trở lại".
Bãi xe phía trước chợ vẫn còn nhiều chỗ trống
Những bất cập từ đề án quy hoạch
Trước đây, Báo CATP cùng các tờ báo khác cũng đã lên tiếng về việc triển khai đề án sắp xếp, thu hồi khu vực bán hàng của các tiểu thương chợ đêm HTT để quy hoạch thành bãi giữ xe. Đáng tiếc là tiếng nói của các cơ quan truyền thông vẫn không được UBND Q.Gò Vấp quan tâm.
Cứ cho rằng đề án quy hoạch trên là "nhằm quản lý, sử dụng nhà, đất đúng quy hoạch đã được phê duyệt" như kết luận của cuộc họp giữa lãnh đạo Q.Gò Vấp ngày 8-11-2021, thế nhưng theo khảo sát thực tế mới đây của chúng tôi, thì đây là một đề án quy hoạch chưa phù hợp với tình hình thực tế hoạt động của chợ HTT hiện nay.
Thứ nhất, các hoạt động buôn bán chủ yếu diễn ra ở các nhà dân xung quanh được tiểu thương thuê để kinh doanh hơn là khu vực nhà lồng chợ. Ngoài hai bãi giữ xe trước mặt chợ, xung quanh còn có khoảng hơn 10 điểm giữ xe máy tự phát, chưa bao giờ khai thác hết công suất, vẫn còn rất nhiều chỗ trống.
Thứ hai, như đơn trình bày của gần 50 tiểu thương chợ đêm, để có được một vị trí (suất) bán hàng tại khu vực trên, nhiều người phải vay mượn tiền để mua lại vị trí từ người khác với số tiền rất lớn, có làm các giấy tờ để hợp thức hóa các thủ tục như thuế môn bài, thuế kinh doanh về điện, nước, các khoản thuế... Về vấn đề sang nhượng điểm kinh doanh, mặc dù BQL chợ, Phòng Kinh tế Q.Gò Vấp cho rằng không có trách nhiệm bồi thường cũng như không có chứng cứ cho rằng BQL chợ nhận tiền của các tiểu thương nhưng thực tế ai cũng biết, đối với việc để có một suất công khai ngồi bán hàng tại khu vực trên là không phải dễ.
Thứ ba, cho rằng việc sử dụng bãi giữ xe (sân phía trước) cho các tiểu thương kinh doanh dẫn đến ùn tắc giao thông, gây ảnh hưởng ANTT, không đúng với quy hoạch, mục đích sử dụng tài sản công, đất công và cần phải giải tỏa thì chưa thỏa đáng bởi chưa có cuộc khảo sát, đánh giá nào cho thấy việc mở rộng bãi giữ xe sẽ giải quyết được vấn đề kẹt xe, ùn tắc giao thông trên đường Quang Trung. Bên cạnh đó, việc triển khai, phổ biến chủ trương của lãnh đạo quận còn rập khuôn, cứng nhắc khi chỉ cho những trường hợp đồng ý ký vào cam kết trả lại mặt bằng sau Tết mới được bán hàng tồn đọng trong những ngày cận Tết.
Đến thời điểm này, chính quyền Q.Gò Vấp đã có ai đứng ra lắng nghe, ghi nhận tâm tư nguyện vọng, nỗi khổ mà các tiểu thương đang hứng chịu? Mất vị trí buôn bán, hàng hóa bị hư hại do lâu ngày tồn đọng... không còn nỗi khổ nào hơn.
UBND quận Gò Vấp nói gì?Nhằm chuyển tải những phản ánh của bà con tiểu thương chợ đêm HTT đến lãnh đạo Q.Gò Vấp, tháng 12-2021, phóng viên đã liên hệ UBND quận. Tuy nhiên, khi gặp Phó Chánh VP UBND quận, vị này lạnh lùng đưa PV ra Phòng tiếp dân. Sau thời gian nghỉ Tết, chúng tôi nhận được tờ văn bản "khô khốc" từ Ban tiếp công dân gửi. Điều này cho thấy UBND Q. Gò Vấp hành xử quá nguyên tắc, không thể hiện tính cầu thị, vô tình tạo khoảng cách ngày càng xa giữa người dân và chính quyền. Trên tinh thần xây dựng, mong rằng lãnh đạo UBND Q.Gò Vấp sẽ có cách giải quyết vấn đề một cách linh động, vừa hợp lý lại hợp tình hơn.