Đặt cọc 15 tỷ đồng mua đất bất thành, 5 năm “trần ai” đi kiện đòi tiền!

Thứ Hai, 21/02/2022 17:30

|

(CAO) Suốt 5 năm, trải qua 3 cấp tòa với nhiều lần xét xử đều chung phán quyết buộc chủ đất phải trả lại tiền đặt cọc và bồi thường thiệt hại theo hợp đồng đã ký kết, nhưng vợ chồng nguyên đơn là bà Trần Thị Xuân Thủy và ông Chung Mộc Hùng vẫn chưa hết “trần ai” khi bản án dù đã có hiệu lực pháp luật nhưng đến nay vẫn chưa được thi hành!

Vì đâu "bể kèo" vụ mua bán nhà đất?

Gửi đơn cầu cứu đến Báo Công an TPHCM, vợ chồng bà Trần Thị Xuân Thủy và ông Chung Mộc Hùng (cùng ngụ Q.5, TPHCM) cho biết, ngày 28-3-2017, vợ chồng ông bà ký kết HĐ với bà Trần Thị Tài (SN 1957, ngụ Hưng Phú, P.8, Q.8) đặt cọc mua 2.806m2 nhà và đất thuộc các thửa 547, 637 và 641 tờ bản đồ số 8, tọa lạc tại số 260 và 258/1 đường Hồ Học Lãm (P.An Lạc, Q.Bình Tân, TPHCM) với giá 40 tỷ đồng.

Đặt cọc 15 tỷ đồng mua đất nhưng bất thành, sau 5 năm vợ chồng bà Thủy "trần ai" đi đòi tiền

Trong đó, thửa 547 rộng 200m2 được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSDĐ) số G977570, thời hạn sử dụng đất lâu dài; thửa 637 rộng 1.124m2 được cấp GCNQSDĐ số L504816 và thửa 641 rộng 1.482m2 được cấp GCNQSDĐ số L504844. Cả hai thửa 637 và 641 đều có mục đích sử dụng đất ao, thời hạn sử dụng đến năm 2015.

Theo HĐ được ký kết, vợ chồng bà Thủy sẽ thanh toán tiền mua đất cho bà Tài theo 3 đợt. Đợt 1 thanh toán 5 tỷ đồng, đợt 2 thanh toán 10 tỷ đồng và số tiền còn lại 25 tỷ đồng sẽ được thanh toán khi hai bên ký kết HĐ mua bán tại phòng công chứng vào ngày 28-5-2017. Phía bà Tài hỗ trợ cho ông Hùng, bà Thủy làm các thủ tục hợp thức hóa nhà và đất trong thời hạn 2 tháng và mọi chi phí liên quan đến việc hợp thức hóa do bên ông Hùng - bà Thủy đóng.

Thực hiện theo hợp đồng, vợ chồng bà Thủy đã chuyển tiền đặt cọc 2 đợt với tổng số tiền 15 tỷ đồng cho bà Tài. Tuy nhiên, sau khi nhận tiền, bà Tài không thực hiện các thủ tục hợp thức hóa nhà đất để chuyển nhượng cho vợ bà Thuỷ như HĐ đã ký kết. Nhiều lần yêu cầu phía bà Tài nghiêm túc thực hiện theo HĐ nhưng không có kết quả, vợ chồng bà Thủy không còn cách nào khác buộc phải khởi kiện ra tòa để nhờ pháp luật phân xử.

Ngày 22-11-2017, TAND Q.Bình Tân đưa vụ kiện ra xét xử sơ thẩm. Tại tòa, vợ chồng bà Thủy đề nghị trả thêm 200 triệu đồng để tiếp tục được mua khu đất trên nhưng phía bà Tài đòi thêm 3 tỷ đồng mới chịu bán.

Không tìm được tiếng nói chung, vợ chồng bà Thủy yêu cầu tòa buộc bà Tài phải trả lại tiền cọc và bồi thường 15 tỷ đồng thiệt hại theo điều khoản HĐ đã ký. Trong khi đó, phía bà Tài chẳng không đồng ý bồi thường mà còn muốn lấy luôn 15 tỷ đồng tiền đặt cọc vì cho rằng vợ chồng bà Thủy là bên vi phạm HĐ vì không thanh toán tiếp 25 tỷ đồng đợt 3.

Xem xét hồ sơ vụ kiện, HĐXX cho rằng bà Tài “cố tình vi phạm hợp đồng đặt cọc và nại ra nhiều lý do mâu thuẫn để không thực hiện thỏa thuận”. Do đó, HĐXX đã tuyên buộc bà Tài có trách nhiệm trả lại cho vợ chồng bà Thủy 15 tỷ đồng tiền cọc và phạt bồi thường một lần tiền cọc là 15 tỷ đồng, tổng số tiền bà Tài phải trả là 30 tỷ đồng.

Gian truân đi… “đáo tụng đình”

Sau khi có bản án sơ thẩm của Tòa, bà Tài làm đơn kháng cáo. Ngày 15-3-2018, TAND TPHCM xét xử phúc thẩm tiếp tục khẳng định HĐ đặt cọc mua bán nhà và quyền sử dụng đất ký giữa bà Tài với ông Hùng, bà Thủy là hoàn toàn tự nguyện, không trái pháp luật hoặc đạo đức xã hội. Việc không thực hiện tiếp được HĐ là do lỗi của bà Tài. Từ đó, HĐXX bác kháng cáo, tiếp tục tuyên buộc bà Tài phải trả lại cho vợ chồng bà Thủy 30 tỷ đồng (gồm 15 tỷ đồng tiền cọc và 15 tỷ đồng phạt bồi thường HĐ).

Hợp đồng ghi rõ bà Tài hỗ trợ hợp thức hóa nhà đất để chuyển nhượng cho người mua

Tưởng rằng vụ kiện đã đi đến hồi kết và vợ chồng bà Thủy sẽ sớm lấy lại được tiền, nhưng TAND Cấp cao tại TPHCM sau đó có quyết định Giám đốc thẩm hủy cả 2 bản án để xét xử lại từ đầu.

Ngày 29-6-2020, TAND Q.Bình Tân đưa vụ kiện ra xét xử sơ thẩm lần 2. Lần này, vợ chồng bà Thủy có thiện chí trả thêm cho bà Tài 5 tỷ đồng để mua khu đất trên hoặc phải trả cọc và bồi thường thiệt hại theo đúng điều khoản HĐ đã ký, nhưng phía bà Tài vẫn không đồng ý.

Xem xét hồ sơ, HĐXX cho rằng đây là HĐ đặt cọc có điều kiện. Việc giao kết HĐ chuyển nhượng không thực hiện được là lỗi do bà Tài vì từ khi ký kết HĐ, phía nguyên đơn thực hiện đúng các thỏa thuận, hợp tác và có thiện chí. Nhưng phía bà Tài không thực hiện các thỏa thuận làm cho HĐ không ký kết được tại phòng công chứng nên phải chịu phạt cọc. Từ đó, TAND Q.Bình Tân chấp nhận yêu cầu khởi kiện của vợ chồng bà Thủy, tiếp tục tuyên buộc bà Tài phải trả 30 tỷ đồng, gồm 15 tỷ đồng tiền cọc và phạt cọc 15 tỷ đồng.

Do bản án sơ thẩm lần 2 tiếp tục bị bà Tài kháng cáo nên ngày 6-5-2021, TAND TPHCM đưa vụ kiện ra xét xử phúc thẩm lần 2. Để tỏ rõ ý chí muốn mua khu đất, vợ chồng bà Thủy đồng ý trả cho bà Tài hơn 50,5 tỷ đồng (cao hơn giá thỏa thuận ban đầu trên 10,5 tỷ đồng) nhưng bà Tài vẫn không chấp nhận!

HĐXX khẳng định bà Tài đã vi phạm hợp đồng đặt cọc, gây khó khăn và đưa ra nhiều lý do mâu thuẫn để không thực hiện thỏa thuận. Chính vì vậy, TAND TPHCM đã bác kháng cáo, tuyên buộc bà Tài phải trả lại cho vợ chồng bà Thủy 30 tỷ đồng tiền cọc và phạt cọc theo HĐ.

Án có hiệu lực pháp luật vẫn… “bị treo”!

Vụ kiện có phần đơn giản này tưởng rằng đã đi đến hồi kết khi bản án đã có hiệu lực pháp luật, nhưng ngày 27-5-2021, Viện KSND TPHCM 'bất ngờ' có công văn yêu cầu hoãn thi hành án dân sự để xem xét theo thủ tục giám đốc thẩm.

Tuy nhiên, sau khi xem xét kỹ hồ sơ, Viện KSND Cấp cao tại TPHCM đã ban hành thông báo số 908/TB-VC3-V2 ký ngày 30-8-2021 trả lời không có cơ sở kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm.

Tiếp đó, ngày 17-1-2022, TAND Cấp cao tại TPHCM cũng ra thông báo số 69/TB-TA khẳng định “Tòa hai cấp sơ thẩm và phúc thẩm chấp nhận yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn là có căn cứ, đúng quy định pháp luật” và “không có căn cứ để kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm” theo đơn yêu cầu xem xét của bà Tài.

Bản án đã có hiệu lực pháp luật nhưng vẫn chưa thể thi hành vì bị yêu cầu tạm hoãn

Tuy nhiên, bản án đã có hiệu lực pháp luật trên vẫn chưa thể thi hành vì trước đó vào ngày 28-12-2021, Viện KSND Tối Cao có công văn số 12/YC-VKS-DS gửi Chi cục thi hành án dân sự Q.Bình Tân yêu cầu hoãn thi hành án để xem xét kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm theo đơn yêu cầu của bà Tài!

Bà Trần Thị Xuân Thủy cho biết, đã rất mệt mỏi khi phải “đáo tụng đình” suốt 5 năm qua. “Dù bản án đã có hiệu lực pháp luật nhưng đến nay vẫn chưa được thi hành khiến chúng tôi bị thiệt hại rất lớn cả về vật chất lẫn tinh thần. Trong khi đó, bà Tài không chỉ "giữ" 15 tỷ đồng mồ hôi nước mắt của chúng tôi suốt 5 năm qua mà, mỗi tháng còn thu khoản tiền lớn từ việc cho thuê mặt bằng trên khu đất trước đó đã nhận cọc”, bà Thủy bức xúc.

Việc cơ quan tố tụng liên tục tạm hoãn thi hành bản án đã có hiệu lực pháp luật được các cấp xét xử nhiều lần ra phán quyết, không chỉ khiến gia đình bà Thủy gánh chịu thêm nhiều thiệt hại, mòn mỏi chờ công lý được thực thi mà còn có thể tạo ra 'tiền lệ' cho việc gia tăng các vụ việc tranh chấp tương tự. Trong bối cảnh các giao dịch đặt cọc mua bán đất diễn ra phổ biến như hiện nay, điều này có thể dẫn đến những tranh chấp kéo dài, gây ra những hệ luỵ cho xã hội.

Bình luận (0)

Lên đầu trang