(CAO) Nhiều hộ dân ở xã Tân Trung (H.Phú Tân, An Giang) khốn khổ vì hàng ngày phải chịu tiếng ồn, hít mùi hôi vì sống cạnh cơ sở tái chế phế liệu. Chủ cơ sở thừa nhận có vi phạm nhưng chỉ được tổ chức hòa giải vì... tình làng nghĩa xóm (!).
Người dân cho rằng nước thải của doanh nghiệp ảnh hưởng đến hoa màu.
Ám ảnh vì cơ sở "2 trong 1"
Mới đây Báo Công an TPHCM tại Cần Thơ nhận được đơn cầu cứu của nhiều hộ dân ở ấp Trung Hòa, xã Tân Trung phản ánh về việc doanh nghiệp tư nhân (DNTN) Hải Phượng (cùng địa phương) sản xuất gây ô nhiễm.
Trong đơn các hộ dân trình bày: Trước đây, DN này chế biến nước tương nhưng sau đó chuyển sang tái chế phế liệu trong cùng một địa điểm với diện tích khoảng 3.000 m2. Trong quá trình tái chế đã xả nước thải chưa qua xử lý cũng như gây tiếng ồn khiến cuộc sống người dân trong ấp bị đảo lộn.
Ngoài ảnh hưởng cuộc sống, nhiều loại hoa màu bị thất thu, ao nuôi thủy sản bỏ hoang vì DN “chiếm” một phần mương công cộng. Quá sức chịu đựng vì phải “sống mòn” nhiều hộ dân đã làm đơn gửi đơn phản ánh nhưng đến nay sự việc vẫn chưa được giải quyết.
Ngồi trong nhà với vẻ mặt buồn bã, anh Đinh Công Luyến (34 tuổi) nói: “Gia đình có 3 công đất để trồng bắp và nuôi cá lóc. Tuy nhiên từ khi cơ sở Hải Phượng chuyển sang làm phế liệu gia đình mất đi nguồn thu nhập rất lớn. Hàng ngày ngoài việc hít phải khí độc, tiếng ồn còn phải chịu đựng mùi hôi của nước thải. Ảnh hưởng từ mùi hôi nên con tôi và cháu bị bệnh phải đưa đi TPHCM điều trị”.
Nhiều ao nước cạnh DNTN Hải Phượng chuyển màu và mùi rất hôi.
Tương tự, ông Dương Hoàng Long (45 tuổi) cho biết: “Việc ô nhiễm diễn ra nhiều năm nay nên đứa con học lớp 1 và 4 suốt ngày phải ở phòng lạnh, chỉ trừ giờ ăn mới ra ngoài. Đối với người lớn phải xức dầu gió để bớt hôi. Khoảng hơn năm nay, bà con không có giấc ngủ ngon bởi cơ sở hoạt động cả ngày lẫn đêm”.
Mòn mỏi đợi cơ quan chức năng xử lý cũng như DN khắc phục, ông Đinh Hoàng Anh đã đưa con chạy nạn. Ông Anh cho biết: “Người lớn mà còn không thể chịu được mùi hôi và tiếng ồn nên tôi chỉ còn cách đưa con về bên cha mẹ vợ ở xã Tân Hòa. Thời gian ồn chủ yếu từ 20 giờ đến 6 giờ sáng hôm sau”.
Được biết, DNTN Hải Phượng được thành lập năm 2008 với việc sản xuất nước tương. Sau đó, cơ sở này còn tái chế phế liệu trên cùng một khu vực để cung ứng cho các đơn đặt hàng.
Thừa nhận ô nhiễm và đang khắc phục
Người dân cho rằng việc xả thải của DNTN Hải Phượng đã gây thiệt hại đến sản xuất nhưng đến nay họ vẫn chưa được bồi thường.
Ông Phạm Văn Trung cho biết: “Tôi có canh tác 1.400 m2 cà tím cạnh cơ sở Hải Phượng. Việc doanh nghiệp xả nước thải kết hợp với mưa ngày 29-4 đã làm toàn bộ diện tích bị thiệt hại. Tôi yêu cầu bồi thường chi phí 10 triệu đồng nhưng họ không đồng ý”.
Trong biên bản hòa giải, ông Bùi Đinh Minh Thuấn (DNTN Hải Phượng) cho rằng: “Nhiều hộ xung quanh cũng thải nước ra đó nên không phải riêng nhà tôi. Cà anh Trung chết do mưa lớn chứ không phải nước thải của DN (!). Tôi chỉ hỗ trợ 5 triệu đồng”.
Địa điểm sản xuất nước tương và tái chế phế liệu bị tố gây ô nhiễm.
Trong biên bản làm việc với cơ quan chức năng và các hộ dân phản ánh vào ngày 2-5-2019, bà Mai Thị Minh Phượng - chủ DNTN Hải Phượng thừa nhận: “Cơ sở hoạt động có phát sinh tiếng ồn và đã thực hiện các biện pháp khắc phục. Việc sản xuất có ảnh hưởng đến gia đình ông Long chủ yếu từ hoạt động máy thổi chai. Đề nghị các cơ quan chức năng ngành chuyên môn hỗ trợ khắc phục”.
Theo ghi nhận của phóng viên, nhiều ao nước cạnh điểm sản xuất của DN có màu đen, cá chết, một số diện tích trồng bắp, cà chậm phát triển. Phía sau cơ sở đang có phương tiện múc hầm, có hầm nguồn nước chuyển sang màu đen và đang chảy theo đường nước thông ra sông…
Trao đổi trực tiếp với phóng viên, bà Phượng thừa nhận: DN ngoài sản xuất nước tương còn lấy chai nước suối, trà xanh không độ, C2 để tái chế lại. Cơ sở có 7 máy thổi chai nhựa. “Cơ quan chức năng có kiểm tra và thông báo tiếng ồn có vượt mức nên ngày hôm sau có mua tole đóng khắc phục.
Cơ sở có đề án bảo vệ môi trưởng nhưng vừa qua bồn chứa bị xì dẫn đến nước thải chảy ra ngoài. Hiện DN đang cho phương tiện múc 4 hầm để làm nơi xử lý nước thải theo phương pháp sinh học. Mùi hôi thỉnh thoảng xảy ra bởi đốt ống lược của máy ép nhựa” – nữ chủ cơ sở nói.
Trong biên bản tiếp công dân và trao đổi với phóng viên, ông Dương Văn Cường - Chủ tịch UBND huyện Phú Tân nói: “Buổi đối thoại hôm nay trên cơ sở tình làng nghĩa xóm nhằm tạo điều kiện để cơ sở có biện pháp khắc phục ô nhiễm tiếng ồn, mùi hôi và nước thải để không ảnh hưởng đến các hộ dân xung quanh.
Tôi đang làm văn bản báo cáo về tỉnh cũng như đề nghị Sở Tài nguyên và môi trường đưa đoàn thanh tra xuống làm việc với DN. Nếu phát hiện sai phạm sẽ cho tạm ngưng hoạt động và xử lý theo quy định (!)”.