Lùm xùm vụ tranh chấp hợp đồng xây dựng trên… cao tốc

Thứ Hai, 08/01/2024 10:11

|

(CATP) Cho rằng Công ty cổ phần Thái Sơn E&C (Công ty Thái Sơn) chưa thực hiện và thực hiện không đúng theo yêu cầu thiết kế cơ sở được duyệt một số hạng mục tại trạm dừng nghỉ trên cao tốc TPHCM - Long Thành - Dầu Giây, Tổng Công ty đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) đã khởi kiện ra Tòa án nhân dân (TAND) Q1, TPHCM.

Theo hồ sơ, ngày 02/3/2018, VEC đã có văn bản số 540 gửi Công ty Thái Sơn. Sau khi ký Hợp đồng số 13 (ngày 20/5/2015), Ban Quản lý dự án đường cao tốc phía Nam (thuộc VEC) đã tiến hành bàn giao mặt bằng cho Công ty Thái Sơn vào ngày 09/6/2015 và công ty này triển khai thực hiện vào ngày 09/7/2015. Trong quá trình thực hiện, Công ty Thái Sơn đã chậm trễ trong việc thi công xây dựng tại trạm dừng nghỉ Km41 +100 đường cao tốc TPHCM - Long Thành - Dầu Giây, gồm các hạng mục: Nhà vệ sinh công cộng, nhà bảo vệ, cửa hàng ăn uống và gian hàng tiện ích, cảnh quan cây xanh, thảm cỏ, trạm bơm, bể lọc, chứa nước... Việc công ty Thái Sơn liên tiếp chậm trễ, không có động thái tích cực trong việc triển khai thi công xây dựng trạm dừng nghỉ trong thời gian dài đã tác động tiêu cực, ảnh hưởng xấu đến hình ảnh tuyến đường cao tốc cũng như uy tín của VEC.

Sau đó, VEC đã khởi kiện Công ty Thái Sơn. Vụ án kinh doanh thương mại số 258/2022/TLST-KDTM được TAND Q1 thụ lý ngày 03/11/2022 về việc tranh chấp về hợp đồng đầu tư xây dựng giữa VEC và Công ty Thái Sơn. Tuy nhiên, hơn một năm trôi qua, vụ án vẫn chưa được đưa ra xét xử.

Ngày 12/9/2023, phía nguyên đơn (VEC) có văn bản gửi TAND Q1 với nội dung, bị đơn (công ty Thái Sơn) đã không tuân thủ nghĩa vụ báo cáo, không nộp báo cáo, hồ sơ quyết toán công trình và các báo cáo hàng năm nên VEC không có cơ sở xác định giá và không có tài liệu, chứng cứ và giá nộp cho tòa án. Đối với kế hoạch thẩm định giá, lựa chọn tổ chức thẩm định giá tài sản, VEC tuân thủ và phối hợp theo quyết định của tòa. Đồng thời, ngày 13/9/2023, phía bị đơn thống nhất lựa chọn đơn vị thẩm định là Công ty CP thẩm định Giá trị Việt (Công ty Giá trị Việt). Do đó, ngày 15/9/2023, TAND Q1 đã trưng cầu Công ty Giá trị Việt để thẩm định giá đối với những hạng mục thi công đầu tư xây dựng trạm dịch vụ tại km41+100 đường cao tốc TPHCM - Long Thành - Dầu Giây.

Trạm dừng nghỉ Km41+100 đường cao tốc TPHCM - Long Thành - Dầu Giây

Thực hiện quyết định trưng cầu thẩm định giá, Công ty Giá trị Việt đã gửi công văn cho các bên liên quan yêu cầu cung cấp tài liệu, thư chào phí dịch vụ thẩm định. Đến nay, phía Công ty Giá trị Việt nhận được thông báo của TAND Q1 và bản ý kiến của VEC. Tuy nhiên, phía Công ty Thái Sơn không có ý kiến phản hồi. Bằng văn bản ngày 23/11/2023, Công ty Giá trị Việt đã nhờ Tòa chỉ định VEC hoặc Công ty Thái Sơn xúc tiến ký hợp đồng thẩm định giá để triển khai thực hiện.

Mới đây, phía nguyên đơn (VEC) đã có văn bản gửi TAND Q1, bổ sung thông tin đến vụ án về vi phạm của Công ty Thái Sơn trong quá trình triển khai thi công các hạng mục theo thiết kế cơ sở được duyệt. Các nội dung này được tính từ lúc Công ty Thái Sơn triển khai thi công đến ngày 09/3/2018. Thời điểm sau ngày 09/3/2018, VEC đã có các thông báo về chấm dứt hợp đồng với Công ty Thái Sơn.

Theo đó, tại giai đoạn 1, các hạng mục chưa hoàn thành gồm: Nhà bảo vệ, hệ thống PCCC, hệ thống thoát nước ngoài nhà, khu nhà nghỉ nhân viên - y tế- nghỉ lái xe (trạm 1 và 2)... Tại giai đoạn 2, các hạng mục chưa thực hiện là: trạm bảo dưỡng, rửa xe, cứu hộ, nhà dịch vụ thương mại, nhà nghỉ khác qua đêm.

Trong quá trình thực hiện, Công ty Thái Sơn có văn bản số 339A (ngày 14/12/2015) trong đó đề nghị VEC phê duyệt hồ sơ bản vẽ thiết kế cơ sở đề phục vụ công tác thi công và khai thác, sử dụng trạm dừng nghỉ. Trong đó, hồ sơ đính kèm có nhiều thay đổi, điều chỉnh lớn theo hướng giảm quy mô đầu tư xây dựng và thay đổi hướng ra vào cây xăng. Tuy nhiên, văn bản số 339A/2015 của Công ty Thái Sơn không đề xuất bất kỳ điều chỉnh nào; hồ sơ kèm theo không có thuyết minh làm rõ; chưa có bản vẽ thiết kế hệ thống cấp điện, cấp nước, cảnh quan; chưa cập nhật lại phương án tài chính, tổng mức đầu tư sau khi điều chỉnh. Về việc này, ngày 23/6/2016, VEC đã có văn bản số 2055 trong đó đề nghị Công ty Thái Sơn giải trình, làm rõ về các thay đổi, quy mô công trình ảnh hưởng đến quy hoạch tổng mặt bằng được duyệt theo quyết định số 117/2013 của VEC. Tuy nhiên, trong suốt thời gian dài, Công ty Thái Sơn không có bất kỳ phản hồi gửi VEC.

Ngày 05/01/2024, để thông tin khách quan, phóng viên đã liên hệ với thẩm phán được phân công thụ lý vụ án. Theo đó, TAND Q1 đã ra nhiều văn bản nhắc nhở các bên liên quan để mau chóng xét xử. Tuy nhiên, nguyên nhân chính của vụ án chậm trễ là do Công ty Giá trị Việt chưa ký được hợp đồng thẩm định giá.

Bình luận (0)

Lên đầu trang