(CATP) Tại kỳ họp thứ 14 HĐND TP.Đà Nẵng khóa VIII (nhiệm kỳ 2011 - 2016), ngày 8-7, sau khi thảo luận và truy vấn gắt gao một số cơ quan, đơn vị liên quan thiếu trách nhiệm để “biệt phủ” của “đại gia vàng” Ngô Văn Quang (SN 1960, trú Đà Nẵng) xây dựng trái phép tại khu vực rừng Nam Hải Vân, ông Trần Thọ - Chủ tịch HĐND TP.Đà Nẵng - đi đến kết luận tháo dỡ khu “biệt phủ” trên chậm nhất vào cuối tháng 8-2015.
Các đại biểu HĐND TP.Đà Nẵng đã biểu quyết đồng tình với kết luận này. Qua ghi nhận, nhiều ý kiến đồng tình nhưng chính quyền sở tại, người dân ở cạnh khu “biệt phủ” đó vẫn còn băn khoăn, đề nghị xử lý thấu tình đạt lý...
Phải thực thi theo pháp luật
Ông Thọ nói thêm: “Qua cân nhắc nhiều mặt, vừa thấu lý đạt tình, vừa vận động thuyết phục, vừa sử dụng biện pháp hành chính nghiêm minh, đến nay có thể kết luận cuối cùng rằng việc hợp đồng giao khoán đất trồng rừng nhưng lại chuyển giao cho người khác để xây dựng trái phép là không đúng quy định tại Nghị định 01/CP của Chính phủ. Đây là việc làm sai, hoàn toàn không đúng!”.
Chiều 10-7, trao đổi với chúng tôi, ông Bùi Văn Tiếng, nguyên Trưởng ban tổ chức Thành ủy Đà Nẵng, Chủ tịch Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật TP.Đà Nẵng, cho rằng: “Quyết định tháo dỡ đó đúng đắn, trên tinh thần thượng tôn pháp luật, chứng tỏ thái độ quyết liệt, nhanh chóng, triệt để, kịp thời của lãnh đạo TP.Đà Nẵng”. Khi đặt vấn đề về trách nhiệm cơ quan liên quan để xảy ra tình trạng trên, ông Tiếng nhìn nhận: “Kỳ thực ở địa phương thẩm quyền còn hạn chế, không đủ sức quán xuyến, có phát hiện nhưng ở xa trung tâm nên chưa giải quyết rốt ráo. Đây cũng là bài học rút ra trong công tác quản lý của cơ quan thẩm quyền”.
“Biệt phủ” của “đại gia vàng” Ngô Văn Quang - Ảnh: Xuân Hoài
Chiều 10-7, bà Nguyễn Thị Anh Đào, Đại biểu HĐND TP.Đà Nẵng khóa VIII, chia sẻ: “Cá nhân tôi, cũng như một số đại biểu, mặc dù giơ tay trước quyết định tháo dỡ cũng thấy tiếc, nhưng không còn cách nào khác. Tình có mà lý thì không thì cũng đành chịu, không có cơ sở để cứu xét. Kỷ cương phép nước thì phải thực hiện nghiêm minh, căn cứ luật pháp mà thực hiện, chứ không để hệ lụy không hay về sau”.
Tháo dỡ sẽ lãng phí...
Quyết định của HĐND TP.Đà Nẵng như sự đã rồi. Tuy nhiên, khi chúng tôi gặp một số người dân và chính quyền sở tại thì họ còn hết sức băn khoăn và thấy... tháo dỡ thì quá lãng phí.
Ông Nguyễn Bá Lưỡng, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh, Bí thư Chi bộ khối phố 12 Kim Liên (phường Hòa Hiệp Bắc), cho hay: Theo quy định pháp luật tôi và người dân đồng tình chủ trương của thành phố. Nhưng nguyện vọng của tôi và người dân trong khối phố Kim Liên là không muốn phá bỏ, di dời khu “biệt phủ” này, bởi nó quá lãng phí, vì ông Quang đầu tư vào đó gần cả 100 tỷ đồng chứ ít đâu.
Lẽ ra khi mới làm, nếu vi phạm thì cơ quan chức năng phải cương quyết xử lý ngay từ đầu. Để đến giờ sau gần 5 năm xây dựng, khi gần hoàn thiện thì lại tháo dỡ. Mà cấp trên cũng chưa về nắm nguyện vọng nhân dân xem việc xử lý như thế nào cho thích hợp, ông Lưỡng nói.
Ông Thân Đức Minh, Phó bí thư thường trực, Phó chủ tịch UBND phường Hòa Hiệp Bắc, cho rằng, mọi công dân bình đẳng trước pháp luật, vi phạm thì bị xử lý theo quy định.
“Trường hợp khu “biệt phủ” ông Quang không nằm trong quy hoạch, không cấn dự án nào, tháo dỡ đi cũng thấy tiếc. Ông Quang xây khu đó làm du lịch, tạo động lực phát triển, tạo điều kiện công ăn việc làm cho địa phương, là động lực cho địa phương phát triển. Gần đó, một số khu du lịch được cấp phép họ cũng xây dựng nhiều căn nhà, khu hạ tầng phục vụ du lịch”, ông Minh nói.
Ông chủ “biệt phủ” nói gì?
Sau khi HĐND thống nhất việc tháo dỡ trên, ông Ngô Văn Quang cho rằng: “Nguyện vọng muốn xin giữ lại để sau này làm du lịch bởi đây là công trình tôi dành nhiều tâm huyết, tâm tư tình cảm và đầu tư nhiều tiền của vào đây”. Được biết, hiện tại trên khu đất đã có tổng cộng 8 công trình chính, đường bê tông xung quanh và một ao cá, cùng nhiều công trình phụ trợ khác, trong đó có con đường 2km, rộng 3m từ ngoài chân đường đèo phía nam Hải Vân vào khu rừng đặc dụng...
“Tôi xin chấp hành phá dỡ những công trình có ảnh hưởng đến các dòng chảy của con suối, những công trình ảnh hưởng đến môi trường, sinh thái, còn những công trình nhà gỗ lắp ghép có giá trị xin cho được giữ nguyên trạng và chưa có biện pháp phá dỡ để được đầu tư một khu du lịch sinh thái phù hợp với việc bảo vệ môi trường, cảnh quan của thành phố. Bên cạnh đó, tôi cam kết nộp một khoản tiền để tái tạo rừng, trồng rừng theo yêu cầu của cơ quan quản lý Nhà nước”, ông Quang phân trần.
Mọi công dân đều phải tuân thủ theo quy định của pháp luật, nhưng với sự việc trên đây, có sự thiếu sót của cơ quan chức năng về sự thiếu quản lý sát sao, quyết liệt đã để xảy ra sự việc như trên. Vì vậy còn có những ý kiến cho rằng cơ quan chức năng thành phố Đà Nẵng cần cân nhắc để xử lý thấu tình đạt lý hơn nữa.