Vụ sập giàn giáo: Tập trung chăm lo những công nhân bị nạn

Thứ Bảy, 11/07/2015 14:52  | Gia Minh

|

(CAO) Tại hiện trường vụ sập giàn giáo kinh hoàng ở quận 7, sáng nay, 11-7, lực lượng phòng cháy chữa cháy đã hoàn tất công việc và trở về đơn vị. Hiện trường còn các lực lượng chức năng gồm Công an phường Tân Phong, Đội điều tra tổng hợp Công an quận 7, Phòng Cảnh sát kinh tế và Phòng Kỹ thuật hình sự Công an TPHCM vừa làm công tác bảo vệ hiện trường vừa tổ chức giám định sự cố.

Công trình tạm dừng thi công để các cơ quan chức năng kiểm tra, xác định nguyên nhân vụ sập giàn giáo. Theo chỉ đạo của Thiếu tướng Phan Anh Minh, Phó giám đốc Công an TPHCM, cần phải tập trung lực lượng khẩn trương tìm ra nguyên nhân sự cố, tiếp tục công tác cứu hộ, cứu nạn để tìm xem có còn nạn nhân nào khác trong đống đổ nát hay không.

Báo điện tử Công an TPHCM hôm qua (10-7) đã thông tin về vụ sập giàn giáo 17 tầng tại quận 7 (TPHCM) khiến 3 công nhân tử nạn, 5 người bị thương. Đây là công trình xây dựng tòa nhà văn phòng Nam Sài Gòn 1 (South Saigon Office), tọa lạc tại số 1058 Nguyễn Văn Linh, khu phố 1, phường Tân Phong, do Công ty tòa nhà văn phòng Nam Sài Gòn làm chủ đầu tư và Công ty TNHH xây dựng địa ốc Hòa Bình thi công.

Thứ trưởng Bộ Xây dựng Lê Quang Hùng đã yêu cầu phải có giải pháp khắc phục sự cố, xác định nguyên nhân và trách nhiệm của các đơn vị tham gia công trình. Cục Giám định của Bộ Xây dựng và công ty kiểm định TPHCM sẽ phối hợp với các đơn vị chức năng của công an tiến hành xác minh sự cố.

Theo trung tá Lưu Đức Bình, Trưởng công an phường Tân Phong có mặt tại hiện trường, hai người tử nạn gồm Nguyễn Cao Kỳ (SN 1962, quê Quảng Trị) được tìm thấy lúc 10 giờ 15 phút ngày 10-7, Dương Văn Nghĩa (SN 1976, quê An Giang) được tìm thấy lúc 12 giờ 30 phút ngày 10-7. Nạn nhân thứ ba là ông Đặng Văn Hai (SN 1959, quê Vĩnh Long) được tìm thấy lúc 1 giờ sáng nay (11-7). Lực lượng cứu hộ đã khoan cắt đà bê tông đè lên người ông Hai mới đưa được thi thể ông ra ngoài. Công việc tiến hành từ 23 giờ đêm qua đến rạng sáng nay mới hoàn tất.

Hiện trường vụ sập giàn giáo

Về nguyên nhân sự cố, theo điều tra ban đầu, tối ngày 9-7, các công nhân thi công đang đổ bê tông nhưng do mưa lớn nên phải dừng lại. Đến 6 giờ 30 phút ngày 10-7, hàng trăm công nhân vào làm việc thì giàn giáo đổ sập chỉ trong vòng 2-3 phút. Những công nhân phía dưới sàn công trình đang thi công và trên tầng hai đang đổ bê tông kịp thời thoát nạn. Nhưng tám người trong tổ cốp - pha điện không chạy thoát kịp.

Theo cơ quan công an, ba nạn nhân tìm thấy thi thể đã được giao cho người nhà từ đêm qua để đưa về quê mai táng. Hiện tại xác định chỉ có ba người bị thương là: Lê Ngọc Mai (SN 1967, quê Quảng Ngãi), Đoàn Hồng Công (SN 1986, quê Kiên Giang) và Lê Văn Nhựt (SN 1983, quê Vĩnh Long). Riêng anh Nhựt đã xuất viện về nhà. Hai nạn nhân còn lại đang nằm điều trị tại Bệnh viện Việt - Pháp.

San sẻ gánh nặng với gia đình người bị nạn

Trưa nay (11-7), Báo điện tử Công an TPHCM đã phỏng vấn ông Nguyễn Văn Tịnh, Phó tổng giám đốc Công ty cổ phần xây dựng và kinh doanh địa ốc Hòa Bình (gọi tắt là Công ty Hòa Bình) về công tác giải quyết sự cố sập giàn giáo tại quận 7 xảy ra vào hôm qua (10-7).

- Phóng viên: Thưa ông, với tư cách là tổng thầu thi công công trình, sự cố xảy ra hôm qua Công ty Hòa Bình đã xử lý thế nào?

+ Ông Nguyễn Văn Tịnh: Ngay sau khi sự cố xảy ra, công việc đầu tiên chúng tôi xác định là bằng mọi cách phải cứu được công nhân, giảm thiểu thương vong. Thông tin lập tức được báo khẩn cấp lên Công an phường Tân Phong, Công an quận 7, Đội Cứu nạn - cứu hộ của Sở Cảnh sát PCCC, Công an Thành phố, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội TPHCM. Một mặt tại hiện trường, chúng tôi đã huy động gần 100 công nhân và đội ngũ kỹ sư cùng các thiết bị, máy móc chuyên dụng phối hợp với cơ quan chức năng tích cực tham gia công tác cứu người.

Ông Nguyễn Văn Tịnh (bìa phải) trả lời phỏng vấn của Báo điện tử Công an TPHCM

- Xin ông nói rõ thêm về kết quả công tác giải quyết sự cố, nhất là về số công nhân bị nạn?

+ Chiều cùng ngày, lãnh đạo công ty phối hợp với UBND quận 7 đến thăm và chăm lo cho các công nhân bị thương tại Bệnh viện Pháp - Việt. Công ty đã hỗ trợ ban đầu cho mỗi trường hợp bị thương nặng 20 triệu đồng, bị thương nhẹ 10 triệu đồng. Công ty cũng lo toàn bộ chi phí bệnh viện.

Riêng ba công nhân bị tử vong, công ty đã cử người phối hợp với gia đình đưa về quê lo hậu sự và chịu toàn bộ kinh phí. Những trường hợp tử nạn, công ty đã mua bảo hiểm tai nạn lao động, mức bồi thường tối đa là 93 triệu đồng/người và công ty chi trả 36 tháng lương cho mỗi trường hợp. Bên cạnh đó, chúng tôi có Quỹ hỗ trợ giáo dục Lê Mộng Đào sẽ cấp học bổng cho con của công nhân tử vong cho đến khi các cháu tròn 18 tuổi.

Chúng tôi biết đây là một mất mát lớn không có gì bù đắp nổi nên công ty sẽ làm hết sức trong khả năng có thể để san sẻ gánh nặng với gia đình những công nhân bị nạn.

- Cho đến lúc này thì tổng thầu thi công và các đơn vị liên quan có ý kiến gì về nguyên nhân vụ sập giàn giáo?

+ Cái này do cơ quan chức năng kết luận sau khi điều tra, xác minh. Nỗ lực của chúng tôi lúc này là tập trung lo cho các công nhân bị nạn và thực hiện đầy đủ trách nhiệm phối hợp cơ quan chức năng để giải quyết sự cố.

- Cảm ơn ông.

Duy Luân (thực hiện)

Bình luận (0)

Lên đầu trang