(CATP) Đồng ý vay 5 tỷ đồng với lãi suất thỏa thuận, ông Lê Văn Hùng (SN 1966, ngụ thôn Plei Đung, xã Ia Hrú, H.Chư Pưh, Gia Lai) "gán" lại một số giấy tờ nhà đất cho đối tác để làm tin. Nào ngờ sau đó, vụ việc lại phát sinh hàng loạt rắc rối khiến đôi bên phải dẫn nhau tới cảnh "đáo tụng đình". Suốt 14 năm ròng, hàng loạt tình tiết khuất tất trong vụ án vẫn không được các cấp tòa làm rõ…
Nghi vấn giả mạo chữ ký
Theo đơn tố cáo gửi đến Chuyên đề Công an TPHCM, ông Lê Văn Hùng cho biết, năm 2008, vì cần nguồn vốn 5 tỷ đồng để làm ăn nên đã gặp ông Nguyễn Văn Phước ở TP.Pleiku vay tiền. Tuy nhiên, do ông Phước không có đủ nguồn tiền nên ông Hùng và ông Phước chỉ lập hợp đồng vay 2,2 tỷ đồng với lãi suất thỏa thuận là 3%/tháng.
Để việc cho vay diễn ra thuận lợi, ông Phước có nhận thế chấp 17 Giấy Chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSDĐ) đứng tên vợ chồng ông Hùng và một số người thân. Các hợp đồng thế chấp này không được công chứng.
Sau đó, qua giới thiệu của ông Phước, bà Hồ Thị Hiền đã đồng ý cho ông Hùng vay thêm 2,8 tỷ đồng. Theo thỏa thuận giữa các bên, số tiền nợ sẽ gộp vào thành 5 tỷ đồng và mọi giao dịch vay trả chỉ còn lại ông Hùng và bà Hiền. Tuy nhiên, cũng kể từ đó, do không thống nhất về lãi suất vay mượn, giữa ông Hùng và bà Hiền phát sinh mâu thuẫn nên đưa nhau ra tòa.
Ông Lê Văn Hùng với lá đơn cầu cứu
Tháng 4-2009, TAND huyện Chư Sê (nay là huyện Chư Pưh) đã tiến hành phiên hòa giải. Tại buổi làm việc, Tòa án huyện đã ghi nhận quan hệ vay mượn giữa ông Hùng và bà Hiền, đồng thời thống nhất phương án cho ông Hùng được quyền thanh lý trả tiền, chuộc lại GCNQSDĐ đã thế chấp. Số tiền phải trả là 5 tỷ đồng cộng với lãi suất vay tính bằng lãi suất do Ngân hàng Nhà nước quy định cho từng thời kỳ. Do vậy, cả hai bên đều đồng ý hòa giải.
Tuy nhiên, theo ông Hùng, trong văn bản phát hành sau đó, TAND huyện Chư Sê đã nâng mức lãi suất cao hơn nhiều so mức lãi suất do NHNN quy định. Cụ thể, với 5 tỷ đồng tiền vay trong 8 tháng, mức lãi được tính cho ông Hùng là 1,5 tỷ đồng, tương đương 187,5 triệu đồng/tháng - 2,25 tỷ đồng/năm (tức gần 50%/năm).
Điều đáng nói, theo ông Hùng, chữ ký trong biên bản hòa giải thành cũng không phải là của ông nên ông đã không đồng ý thực hiện. Vì vậy, bà Hiền đã khởi kiện ông Hùng ra TAND huyện Chư Sê để đòi lại tài sản. Vụ án dân sự "Tranh chấp hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất" giữa nguyên đơn vợ chồng bà Hiền và bị đơn là vợ chồng ông Hùng đã được các cấp tòa án tại tỉnh Gia Lai xử qua phiên Sơ thẩm (2009) và Phúc thẩm (2010).
Tại các phiên tòa, bà Hiền trình bày: Vào tháng 8-2008, vợ chồng ông Hùng đã thỏa thuận chuyển nhượng cho vợ chồng bà một số bất động sản với tổng tài sản 5 tỷ đồng. Hai bên thống nhất làm thủ tục tại Phòng công chứng số 1 Gia Lai. Sau khi ký kết, vợ chồng bà đã giao đủ tiền cho phía ông Hùng.
Nhưng sau đó, vợ chồng ông Hùng đã đến gặp bà Hiền, yêu cầu hủy các hợp đồng chuyển nhượng tài sản và hứa trong thời gian 3 tháng sẽ trả lại toàn bộ số tiền cho bà Hiền, trong đó phần lãi suất được tính theo lãi suất ngân hàng. Quá hạn, không thấy vợ chồng ông Hùng thanh toán, đồng thời cũng không chịu cung cấp giấy tờ để vợ chồng bà Hiền hợp thức hóa những hồ sơ bất động sản đã chuyển nhượng nên vợ chồng bà Hiền đã làm đơn khởi kiện ra tòa.
Nhiều giấy tờ có dấu hiệu bị làm giả?
Ông Hùng cho biết, bà Hiền đưa bằng chứng để khởi kiện là 7 hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất. Tuy nhiên, tất cả những hợp đồng mua bán này đều do bà Hiền cùng một số cán bộ thuộc Phòng Công chứng số 1 tỉnh Gia Lai tự ý tạo lập, công chứng khi không có mặt ông Hùng. Hơn nữa, trong các phiên tòa, người có quyền và nghĩa vụ liên quan đầu tiên là ông Phước lại không có mặt; ngoài ra, có rất nhiều giấy tờ, hồ sơ có liên quan có dấu hiệu bị "làm giả” nhưng chưa được xem xét...
Thế nhưng, phiên sơ thẩm vẫn tuyên xử chấp nhận yêu cầu khởi kiện của vợ chồng bà Hiền; buộc vợ chồng ông Hùng phải tiếp tục thực hiện các hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất đã ký kết. Lạ lùng hơn, tại phiên phúc thẩm, TAND tỉnh Gia Lai vẫn dựa vào bản án sơ thẩm và ra quyết định không chấp nhận kháng cáo của ông Hùng.
Trước nhiều tình tiết còn bỏ ngỏ tại phiên tòa, ông Hùng tiếp tục gởi đơn kháng cáo lên cấp cao. Nhận thấy các phiên tòa khi giải quyết vụ án dân sự trên còn một số vấn đề chưa hợp lý, hợp tình nên ngày 15-3-2013, VKSND Tối cao đã ra quyết định kháng nghị theo giám đốc thẩm đối với Bản án dân sự phúc thẩm của TAND tỉnh Gia Lai; đồng thời đề nghị Tòa dân sự TAND Tối cao xét xử giám đốc thẩm: Hủy bản án dân sự phúc thẩm của TAND tỉnh Gia Lai và bản án dân sự sơ thẩm của TAND huyện Chư Sê (nay là Chư Puk); giao TAND huyện xác minh, xét xử sơ thẩm lại theo đúng quy định của pháp luật.
Ngày 23-8-2013, Tòa Dân sự TAND Tối cao đã xử phiên Giám đốc thẩm. Tuy nhiên, phiên tòa vẫn bác bỏ quyết định của VKSND Tối cao và tuyên: không chấp nhận kháng nghị của Viện trưởng VKSND Tối cao đối với bản án dân sự phúc thẩm "tranh chấp hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất"; giữ nguyên bản án phúc thẩm.
Vụ án cứ thế tiếp tục kéo dài chưa thấy hồi kết. Năm 2021, ông Hùng gửi đơn xin xét xử theo thủ tục Tái thẩm. Tuy nhiên, sau khi tiếp nhận đơn của ông Hùng và trả lời VKSND Tối cao, TAND Tối cao cho rằng "ông Lê Văn Hùng không đưa ra được những tình tiết mới nào nên sẽ giữ nguyên phán quyết trong các bản án dân sự Phúc thẩm và Giám đốc thẩm".
Ông Hùng bức xúc: đối với 7 bản hợp đồng sang nhượng tài sản mà bà Hồ Thị Hiền cung cấp tại Tòa án (cả 3 cấp) lại không được lưu trong hồ sơ của Sở Tư pháp tỉnh Gia Lai. Điều này cho thấy tính pháp lý của các chứng cứ đã không được các cấp tòa xem xét tường tận, kỹ lưỡng. Thêm một điều bất nhất nữa, ngay tại phiên hòa giải ngày 24-4-2009, TAND huyện Chư Sê đã ghi nhận hòa giải thành, tức là đã ghi nhận quan hệ giữa ông Hùng và bà Hiền là quan hệ vay mượn dân sự. Do đó, việc bà Hiền sau đó dùng các hợp đồng chuyển nhượng làm chứng cứ khởi kiện đòi tài sản, biến vụ việc vay mượn trở thành mua bán là chưa xác đáng.