(CAO) Một ngày ba bữa đều ở những quán cơm mất vệ sinh, thực phẩm kém chất lượng, một trong những lí do dẫn đến tình trạng ngộ độc, ung thư tăng cao ở Việt Nam. Do “ham rẻ”, “lười” nấu ăn tại nhà, người tiêu dùng đang dần trực tiếp tự giết chết sức khỏe của mình bằng sự lơ là, thiếu cân nhắc.
Đáng chú ý nhất là những hàng quá vỉa hè trước cổng các bệnh viện. Theo ghi nhận, các hàng quán vỉa hè trước cổng BV Chợ Rẫy, BV Ung Bướu TP.HCM,... nơi khá nhiều người tụ tập, trong đó đa số là người thăm bệnh.
Tuy nhiên, qua quan sát thấy người bán đều không dùng bao tay khi chế biến, thậm chí chỉ có một xô nước nhỏ dùng để công tác vệ sinh vật dụng như bát, đũa, dụng cụ chế biến,... tất cả chỉ được rửa sơ qua 1-2 lần. Trước khi được bày biện lên kệ bán, thực phẩm được đựng trong thùng xốp cũ kĩ.
Anh Minh, người có thân nhân nằm viện cho biết: “Khu vực này đồ ăn lại khá đa dạng và hợp miệng, do có người thân chữa bệnh, nằm viện ở đây đã khá lâu, vì vậy tôi thường xuyên ăn ở những quán cơm quanh đây".
Tương tự, chị Nguyệt, người sống tại khu vực gần Bệnh viện Chợ Rẫy cho biết: “Mặc dù biết rằng đồ ăn đa số kém vệ sinh, thực phẩm lại không đảm bảo nhưng giờ không ăn ở đây thì biết ăn ở đâu, những quán này lại gần bệnh viện, tiện lợi tới lui, không phải chạy đi xa”.
Các quán cơm và hàng rong vỉa hè đều được chế biến trong môi trường bụi bẩn và kém vệ sinh
Nếu người thăm bệnh có điều kiện hơn một chút họ sẽ chọn quán ăn thay vì gánh hàng rong bởi họ nghĩ nơi đó trông có vẻ vệ sinh hơn; nhưng đi sâu vào trong khu vực bếp, không khó để quan sát được cách họ chế biến thực phẩm như thế nào, bát đũa để bệt dưới đất, dùng tay không thái thịt, cắt bún,... rau quả cũng chỉ được rửa sơ qua 1 lần nước. Người bán hàng dùng tay không để bốc thức ăn và cũng chính đôi tay đó nhận tiền và thối tiền cho khách.
Thiếu nước, vệ sinh bát đũa không đảm bảo là vấn đề lớn nhất dễ dẫn đến nhiễm vi khuẩn ecoli.
Bát đĩa chỉ rửa sơ trong những xô nước dùng nhiều lần mà không được thay
Một y tá tại bệnh viện cho biết: “Chúng tôi cũng nhắc nhở bệnh nhân rằng nên ăn tại căn tin bệnh viện hoặc người thân nấu cơm tại nhà, vì quanh đây các hàng quán đa số đều mất vệ sinh, gây ảnh hưởng lớn đến sức khoẻ của cả bệnh nhân, thậm chí người thăm bệnh cũng thành người bệnh”.
Ngoài ra, những ngày nắng nóng là thời điểm nước giải khát được người mua hàng lựa chọn khá nhiều, cụ thể là nước mía. Tuy nhiên, theo ghi nhận, cả mía và máy ép không có gì che đậy, bày ngay ra ngoài. Mía được cạo vỏ, xếp chồng trong xô để dưới đất, xung quanh là ruồi, gián bay khắp nơi. Ca đựng nước mía trong máy ép không được thường xuyên rửa sạch.
Vệ sinh an toàn thực phẩm trước cổng bệnh viện luôn là vấn đề được xã hội quan tâm và lo ngại, do sự ảnh hưởng quan trọng đến sức khỏe của cả bệnh nhân và người thăm bệnh. Do đó, người tiêu dùng cần có sự chọn lựa kĩ lưỡng về an toàn thưc phẩm, cũng như sự quyết liệt của các cơ quan chức năng nhằm ngăn chặn ngộ độc thực phẩm xảy ra nhiều hơn.
Bên cạnh vỉ nướng đã bám đầy bụi bẩn và khét đen là thùng rác lớn dùng chung
Theo khuyến cáo của Bộ Y Tế, thực phẩm nhiễm chất hoá học như chống thối, tẩy màu, các chất bảo quản và nhiễm bẩn dễ dẫn đến tình trạng ngộ độc thực phẩm cấp tính với các triệu chứng đau bụng, nôn, tiêu chảy... Các loại hóa chất được tẩm trong thực phẩm, tích tụ trong cơ thể lâu ngày gây một số bệnh nguy hiểm, có nguy cơ dẫn đến ung thư.
Tuy vậy, do thời tiết nắng nóng, phải chữa bệnh xa nhà, không có điều kiện nấu nướng, buộc người thăm bệnh phải lựa chọn các loại thực phẩm này, mặc dù vẫn không khỏi ái ngại lo lắng kém vệ sinh, không rõ nguồn gốc.
Để đảm bảm sức khỏe cho người dân, các hàng quán cần chế biến kĩ lưỡng, nên sử dụng nguồn thực phẩm có nguồn gốc rõ ràng, sạch sẽ hơn. Ngoài ra, người dân cũng cần phải làm một người khách hàng thông minh, có sự cân nhắc tốt hơn khi chọn lựa mua hàng và dĩ nhiên không thể thiếu sự quyết liệt, rà soát các địa điểm kinh doanh thực phẩm, có biện pháp xử lí mạnh mẽ, chặt chẽ của ngành chức năng nhằm bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm.