(CATP) Bỏ ra gần 51 tỷ đồng trả trước hơn 50% để mua một thửa đất, nhưng do pháp lý còn một số vấn đề cần giải quyết về nguồn gốc nên chưa ra được “sổ đỏ”. Tuy nhiên, khi mọi việc được rõ ràng, khổ chủ tiếp tục nộp hồ sơ xin làm thủ tục để công nhận quyền lợi hợp pháp của mình thì bỗng nhiên xuất hiện một “bản di chúc mới” của chủ đất cho một người khác.
Như Báo Công an TPHCM đã có bài phản ánh: Năm 1978, ông Trần Văn Công (SN 1943) mua một thửa đất diện tích khoảng 10.000m2 tại số 299/6 Lê Văn Lương (nay là P.Tân Phong, Q7) của ông Trương Ngọc Thạch (SN 1955). Việc mua bán này được Phòng Công chứng Gia Định “xác nhận lại” vào ngày 12/10/2009 với nội dung: ông Thạch đã bán cho ông Công từ năm 1978. Sau hơn 20 năm canh tác, ông Công được UBND P.Tân Phong xác nhận đứng tên kê khai năm 1999. Tháng 8/2003, ông Công bỏ tiền xây dựng một cái am của riêng mình để tự tu tại gia và bị UBND Q7 xử phạt hành chính 2 lần về việc vi phạm trật tự xây dựng. Thời điểm trên, Nhà nước thu hồi 2.000m2 để thực hiện mở rộng dự án đường Nguyễn Hữu Thọ và ông Công cũng là người đứng tên trong danh sách nhận đền bù.
Tháng 4/2019, do còn một số vấn đề về pháp lý của cái am do ông Công tự xây nên chưa thể làm Giấy chứng nhận QSDĐ, nên ông Công đã ký hợp đồng “hứa bán” thửa đất này cho ông Nguyễn Văn Cư (SN 1966, ngụ tại P.Tân Phong, Q7) với giá 100 tỷ đồng và viết giấy biên nhận trước 50,4 tỷ đồng, số còn lại sẽ thanh toán đủ khi xong giấy tờ. Để yên tâm cho người mua, ông Công cũng làm thêm giấy ủy quyền và di chúc cho ông Cư để tiếp tục xử lý các vấn đề pháp lý còn tồn đọng vì mình tuổi già sức yếu.
Thửa đất ông Công đã làm “hợp đồng hứa bán” cho ông Cư
Giữa tháng 11/2019, ông Công chết, ông Cư tiếp tục liên hệ với các cơ quan chức năng để hoàn thiện hồ sơ thửa đất. Vụ việc này lúc đó được Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình có văn bản chỉ đạo căn cứ vào tài liệu chứng minh nguồn gốc đất để giải quyết dứt điểm. UBND TPHCM, Sở TNMT cũng đã mời các bên đến nộp tài liệu chứng minh để giải quyết theo pháp luật. Theo đó, chỉ có ông Nguyễn Văn Cư là bên duy nhất lên làm việc và nộp các chứng cứ mua bán hợp pháp có xác nhận công chứng, kê khai 1999 và sử dụng hợp pháp từ năm 1978 đến nay.
Mọi việc tưởng như đã được giải quyết, nhưng khi ông Cư đang hoàn tất hồ sơ để xin cấp chủ quyền đất thì năm 2023, ông Cư nhận được thông tin từ Sở TNMT: “vừa xuất hiện một bản di chúc mới” (của ông Trần Văn Công ký ngày 07/11/2019, trước khi chết khoảng 3 tuần) cho một người tên Ngô T.C với nội dung ông T.C được thừa hưởng phần còn lại (tương đương 49 tỷ 600 triệu đồng) mà ông Cư chưa thanh toán. Đây là một văn bản hoàn toàn mới và ông T.C là người hoàn toàn xa lạ.
Theo ông Cư, không hiểu sao đợi đến khi sự tranh chấp nguồn gốc được xử lý xong thì bản di chúc này mới xuất hiện?! Nếu bản di chúc này là thật thì ông Ngô T.C phải là người thực hiện xong hợp đồng “hứa bán” ký ngày 26/4/2019 của tôi với ông Công. Sau khi hoàn tất giấy tờ, sang tên thì tôi sẽ trả tiếp số tiền còn lại trước sự chứng kiến của người nhà ông Công cũng như cơ quan chức năng để tránh khiếu nại về sau. Nếu không có bản di chúc này thì tôi cũng tìm người thừa kế theo pháp luật của ông Công để trả tiền cho người ta theo hợp đồng đã ký. Tuy nhiên điều đáng nói, bản “di chúc mới” xuất hiện, nhưng người được thừa hưởng thì ông Cư không thể liên lạc được?! Tìm kiếm suốt nhiều tháng trời, nhưng ông Cư vẫn không biết ông Ngô T.C hiện ở đâu.
Do vụ việc kéo dài không được giải quyết dứt điểm, UBND TPHCM đã có văn bản số 581 hướng dẫn nộp đơn sang tòa án xử lý. Mới đây, ông Cư đã nộp đơn lên TAND Q7 để khởi kiện ông Ngô T.C - người có tên trong bản di chúc ký ngày 07/11/2019, yêu cầu người này có mặt để giải quyết dứt điểm sự việc. Hiện vụ án dân sự đang được TAND Q7 xem xét thụ lý đơn. Qua đây, rất mong TAND Q7 sớm giải quyết để xử lý dứt điểm nhằm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho người dân, vì vụ việc này đã kéo dài gần 5 năm.