Bị thu hồi "đất vắng chủ”, người dân khởi kiện

Thứ Ba, 17/09/2024 13:50

|

(CATP) Ông Nguyễn Văn Phước (SN 1937, địa chỉ liên lạc P.An Khánh, TP.Thủ Đức) có đơn phản ánh, toàn bộ diện tích đất 7,5 ha của gia đình đang sử dụng tại xã Tân Thạnh, huyện Châu Thành, Bến Tre bị ban hành các quyết định thu hồi vì lý do "đất vắng chủ”. Nhiều năm khiếu nại không được giải quyết, gia đình ông khởi kiện vụ việc ra Tòa.

Đất đang ở thì bị thu hồi

Theo hồ sơ, ông Phước là người được thừa hưởng tài sản 7,5 ha đất tại các bằng khoán số: 349, 350, 213, 224, 225 và 210 (ấp Tân Phú, xã Tân Thạch, huyện Châu Thành, Bến Tre), do cha mẹ để lại theo bản án của Tòa án từ năm 1943. Trước năm 1975, ông Phước cùng mẹ ruột là cụ Lê Thị Út (đã mất) và người thân sử dụng ổn định, cho hàng xóm và trường học mượn theo các hợp đồng có thời hạn.

Sau năm 1975, đất nước giải phóng, gia đình cụ Út vẫn sử dụng đất ổn định tại địa chỉ trên. Năm 1980, tình hình kinh tế - xã hội khó khăn, chính quyền địa phương cần đất nên xin gia đình cụ Út và ông Phước. Với mục đích tốt đẹp, mong góp công sức xây dựng xã hội nên mẹ con ông Phước đồng ý hiến 1000m2 đất để xây dựng Nhà bảo sinh cho xã Tân Thạch, huyện Châu Thành.

Khi đang sử dụng đất bình thường thì bất ngờ ngày 27/01/1986, UBND huyện Châu Thành ban hành quyết định 44 "về việc thu hồi đất vắng chủ và công điền xã Tân Thạch". UBND huyện Châu Thành ban hành quyết định thu hồi đất "vắng chủ” trên cơ sở các văn bản xác minh việc tranh chấp đất giữa gia đình cụ Út và gia đình khác, văn bản của Ban Quản lý Ruộng đất tỉnh Bến Tre, Phòng quản lý ruộng đất huyện Châu Thành và theo đề nghị của UBND xã Tân Thạch.

Thông báo thụ lý vụ án của tòa
Quyết định thu hồi đất "vắng chủ” năm 1986

Đáng nói, dù lấy lý do thu hồi đất do "vắng chủ”, nhưng thực tế theo Giấy chứng nhận hộ khẩu thường trú do Công an huyện Châu Thành (cấp ngày 03/10/1980) thể hiện, từ năm 1977 - 1988, gia đình ông Phước đăng ký thường trú tại đây gồm: vợ, con và cháu tổng cộng 16 người. Do đó, khi biết được thông tin UBND huyện Châu Thành thu hồi đất của gia đình lấy lý do là đất vắng chủ, gia đình ông Phước vô cùng bức xúc.

Gia đình ông Phước cử đại diện là cụ Lê Thị Út làm đơn kêu cứu gửi tới các cơ quan chức năng như: Ủy ban Thanh tra Nhà nước Trung ương (Giấy báo tin số 26 BT/XKT ngày 29/5/1996); Viện Kiểm sát nhân dân tối cao (Giấy báo tin 2134/V7 ngày 05/4/1989); Hội Liên hiệp phụ nữ (giấy báo tin số 70/VP-CT ngày 26/4/1991)... trình bày nội dung phản đối việc thu hồi đất của gia đình, đồng thời yêu cầu giải quyết trả đất hoặc đền bù. Vụ việc đang trong quá trình khiếu nại, tố cáo thì bất ngờ ngày 23/10/1991, UBND huyện Châu Thành tiếp tục ban hành quyết định số 1024 về việc thu hồi 5000m2 đất tại bằng khoán số 224 của cụ Út và ông Phước. Tại quyết định này, một lần nữa UBND huyện Châu Thành xác định, 5000m2 đất không người đứng tên. Tuy nhiên, quyết định lại nêu, đất của bà Lê Thị Út và Nguyễn Văn Phước đã cho chính quyền chế độ cũ mướn làm trường học.

Cần xem xét quyền lợi của dân

Từ năm 1992, gia đình cụ Út, ông Phước tiếp tục có đơn kêu cứu tới các cơ quan chức năng, phản đối việc thu hồi đất của UBND huyện Châu Thành, nhưng vẫn không được giải quyết. Đáng nói, cũng thời gian này, cơ quan chức năng vẫn thu thuế sử dụng đất nông nghiệp đối với hộ gia đình ông Phước.

Hàng chục năm qua, con cháu ông Phước vẫn kiên trì làm đơn yêu cầu cơ quan chức năng xem xét giải quyết bồi thường hoặc trả lại đất cho gia đình, nhưng sự việc vẫn im bặt. Đến ngày 28/6/2022, Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Châu Thành có văn bản trả lời số 1088, nêu: "Do sao lục họa đồ thửa đất của ông Nguyễn Văn Phước cung cấp từ năm 1969 của chế độ cũ và hồ sơ này không được lưu trữ tại cấp huyện nên Phòng Tài nguyên và Môi trường không có cơ sở để cung cấp cho ông như nội dung đơn đề nghị”.

Gia đình ông Phước tiếp tục làm đơn thì ngày 02/8/2023, Sở Tài nguyên và Môi trường Bến Tre ban hành văn bản số 3387 trả lời ông Phước. Văn bản nêu: "Các phần đất nêu trên của ông Phước đã bị chính quyền cách mạng tịch thu với lý do các phần đất trên là đất của toàn dân, đất vắng chủ”. Công văn cũng cho rằng, hiện nay các phần đất trên đã được Nhà nước cấp giấy chứng nhận cho một số tổ chức như trường học, trạm y tế, cá nhân... trên địa bàn xã Tân Thạnh. Sở Tài nguyên Môi trường tỉnh Bến Tre căn cứ vào khoản 5, Điều 26, Luật Đất đai 2013 để cho rằng, việc đòi đất của gia đình ông Phước là không có căn cứ.

Cho rằng các quyết định này xâm phạm quyền lợi hợp pháp, ông Phước đã khởi kiện vụ việc ra Tòa án nhân dân (TAND) tỉnh Bến Tre yêu cầu hủy các quyết định trên. Ngày 21/12/2023, TAND tỉnh Bến Tre ban hành thông báo số 833/2023/TLST-HC thụ lý vụ án.

Việc thu hồi đất vắng chủ tại các tỉnh thành phía Nam được thực hiện tại mục II, Quyết định 111/CP ngày 14/4/1977 của Hội đồng Chính phủ về việc ban hành chính sách quản lý và cải tạo xã hội chủ nghĩa đối với nhà, đất cho thuê ở các đô thị các tỉnh phía Nam. Tuy nhiên, quy định này chỉ áp dụng cho những trường hợp nhà, đất vắng chủ. Tại Điều 14, Luật đất đai 1987 quy định về trường hợp Nhà nước thu hồi đất, trong đó có trường hợp đất vắng chủ. Tuy nhiên, với trường hợp đất của hộ gia đình ông Phước là có chủ, nhiều thành viên gia đình cư trú hợp pháp, sử dụng và có đóng thuế đất cho Nhà nước.

Bình luận (0)

Lên đầu trang