Dự báo 3 kịch bản tăng trưởng cho Việt Nam trong năm 2024

Thứ Tư, 06/12/2023 16:32

|

(CAO) Năm 2024, cần tập trung ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, tập trung nhiều hơn cho các động lực tăng trưởng kinh tế và thúc đẩy tiếp tục cải thiện thể chế và môi trường kinh doanh.

Sáng 6/12, Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP) và Viện Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM) phối hợp tổ chức Diễn đàn Nhịp đập Kinh tế Việt Nam (VEP). Đây là sự kiện thường niên lần thứ ba với chủ đề “Khoa học công nghệ thúc đẩy thịnh vượng - Cơ hội cho Việt Nam”.

Theo TS. Nguyễn Hữu Thọ, đại diện nhóm nghiên cứu CIEM, trong 3 kịch bản tăng trưởng cho năm 2024, thì kịch bản cơ sở (dễ xảy ra hơn cả) là nền kinh tế tăng trưởng 6%. Ở kịch bản cao, tăng trưởng là 6,5% và kịch bản thấp là 5,5%.

Các đại biểu dự Diễn đàn

Ước tính này tương đối sát với dự báo gần nhất của một số định chế tài chính quốc tế (WB: 5,5%; IMF: dự báo 5,8%; ADB: 6%).

Đáng chú ý, nhóm nghiên cứu cho rằng, các đầu tàu tăng trưởng truyền thống như TPHCM, TP.Hà Nội có tốc độ tăng trưởng chậm dần. Xuất hiện một số đầu tàu mới, như Hải Phòng, Quảng Ninh, Thanh Hóa, nhưng còn ít và chưa thực sự mạnh mẽ.

Nhóm nghiên cứu đề xuất tập trung ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, tập trung nhiều hơn cho các động lực tăng trưởng kinh tế và thúc đẩy tiếp tục cải thiện thể chế và môi trường kinh doanh.

Cạnh đó, cần tiếp tục phát triển cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất; tăng cường hỗ trợ cho các chủ thể sản xuất, kinh doanh và thúc đẩy phát triển thị trường hàng hóa dịch vụ.

Tại diễn đàn, các chuyên gia cũng cảnh báo Việt Nam về bẫy thu nhập trung bình. Ông Jonathan Pincus, chuyên gia kinh tế cao cấp của UNDP phản ánh, có rất ít quốc gia lọt vào nhóm thu nhập cao kể từ sau Thế chiến II.

“Chỉ có 10 trong số 151 quốc gia không xuất khẩu dầu mỏ đạt mốc thu nhập 20.000 USD bình quân đầu người/năm. Nhiều quốc gia đã đạt tốc độ tăng trưởng cao, nhưng ít quốc gia duy trì đà tăng trưởng đủ lâu để thu hẹp khoảng cách với Hoa Kỳ” - ông Jonathan Pincus thông tin.

Phân tích nhiều trường hợp điển hình, ông lưu ý, Việt Nam đã duy trì tăng trưởng từ năm 1990 và vẫn duy trì tính cạnh tranh, nhưng là trong những lĩnh vực sản xuất thâm dụng lao động.

Ông Jonathan Pincus, chuyên gia kinh tế cao cấp của UNDP phát biểu tại Diễn đàn

Chuyên gia này khuyến nghị, hầu hết các quốc gia đều trải qua tình trạng giảm năng suất khi đối mặt với sự cạnh tranh cả trong lĩnh vực sản xuất thâm dụng lao động và thâm dụng tri thức (bị chèn ép bởi cả các nước nghèo hơn và giàu hơn).

“Các nước thành công đều đã đầu tư mạnh cho trường đại học, viện nghiên cứu và doanh nghiệp trong nước. Mối quan hệ với các công ty sản xuất cuối chuỗi cung ứng rất quan trọng. Trong khi đó, cộng đồng khoa học của Việt Nam cũng là một lợi thế so sánh tiềm tàng” - ông Jonathan Pincus nói.

Còn theo Trưởng Đại diện thường trú của UNDP Ramla Khalidi, đổi mới công nghệ, chuyển đổi năng lượng và những thay đổi trong chiến lược địa chính trị đã tạo ra những cơ hội lịch sử để Việt Nam đẩy nhanh chuyển đổi kinh tế, thâm nhập các thị trường mới, duy trì tăng trưởng năng suất ở mức thu nhập cao hơn, tránh được bẫy thu nhập trung bình.

Ngoài ra, Diễn đàn cũng nêu bật tầm quan trọng của khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo đối với các quốc gia có thu nhập trung bình như Việt Nam.

Việt Nam đã có chủ trương, chính sách đẩy mạnh phát triển khoa học và công nghệ cao

Hiện Việt Nam đã có chủ trương, chính sách trong phát triển khoa học và công nghệ cao, theo đó lấy công nghệ cao là động lực cho tăng trưởng và phát triển; coi việc phát triển công nghệ cao là nhiệm vụ có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, là quốc sách hàng đầu.

Đây là ngành thuộc diện được hưởng ưu đãi đầu tư cao nhất ở Việt Nam, được ưu đãi cao nhất về các khoản phải nộp; được hỗ trợ thêm về hạ tầng, về đào tạo, tín dụng…

Hiện tại, Việt Nam đã xác lập vị trí trong chuỗi giá trị công nghệ bán dẫn, trong đó là nơi cũng cấp nguyên liệu đầu vào thứ 2 thế giới. Việt Nam cũng có nhiều khu công nghiệp, khu kinh tế (292 khu/407 khu đã đi vào hoạt động) và đã hình thành các trung tâm (Hub) chuyên nghiệp (Khu công nghệ cao Hòa Lạc, Khu công nghệ cao TP.Hồ Chí Minh, NIC).

Việt Nam cũng có điều kiện thuận lợi trong kết nối thị trường tiêu thụ khi độ mở cửa và hội nhập kinh tế của Việt Nam ngày một lớn; phương thức vận chuyển hàng hóa đa dạng và nằm trong khu vực sử dụng chíp bán dẫn khá lớn của thế giới (khu vực châu Á - Thái Bình Dương có nhu cầu sử dụng 50% giá trị chip trên thế giới).

Bình luận (0)

Lên đầu trang