Huyền thoại về địa đạo Củ Chi

Thứ Sáu, 02/05/2025 18:41

|

(CAO) Những ngày tháng Tư này, quân dân cả nước vui mừng tham gia nhiều hoạt động kỷ niệm 50 năm ngày non sông liền một dải! Nhiều câu chuyện về những địa danh lập lên những kỳ tích trong chiến tranh của 50 năm trước đều được nhắc đến và người ta không quên nói về Địa đạo Củ Chi. Mới đây bộ phim Địa đạo: Mặt trời trong bóng tối của đạo diễn Bùi Thạc Chuyên đã lột tả chân thực và sinh động cuộc chiến khốc liệt của quân dân Củ Chi trong lòng địa đạo thời chiến tranh chống Mỹ!

Nếu như bộ phim đã cho khán giả được như tận mắt chứng kiến cuộc sống chiến đấu đầy hy sinh gian khổ của quân dân ở địa đạo Củ Chi, thì ở khía cạnh khác chúng ta cũng cần quan tâm đến những câu chuyện độc đáo góp phần làm lên bản sắc riêng về chiến tranh nhân dân ở Việt Nam. Nói về sự độc đáo đó là nói về ĐẤT và NGƯỜI Củ Chi.

Từ xứng danh Củ Chi Đất thép...!

Trong trận chiến giữa hai chiến tuyến nếu bên nào tạo được thế trận gây cho đối phương sự bất ngờ rơi vào thế bị động, lúng túng thì sẽ giành lợi thế và chiến thắng sẽ thuộc về mình. Địa đạo Củ Chi cũng là một thế trận như vậy. Nhưng nó được tạo ra bởi trí tuệ tập thể lấy chiến tranh du kích làm chỗ dựa chủ đạo. Chỉ những thống kê về số liệu cũng cho thấy sự vĩ đại, độc đáo nhất so với các địa đạo cùng thời như địa đạo Vịnh Mốc ở Vĩnh Linh - Quảng Trị.

Địa đạo Củ Chi

Hệ thống địa đạo dài khoảng 250km, được xây dựng thành nhiều tầng, với độ sâu từ 3 đến 12 mét. Cấu trúc phức tạp địa đạo có ba tầng, gồm các khu vực sinh hoạt, chiến đấu, bệnh viện, bếp Hoàng Cầm, kho chứa lương thực và cả hệ thống thoát hiểm. Với một hệ thống hầm hào chằng chịt như vậy, nhưng thật bất ngờ là nó được tạo ra hoàn toàn bằng bàn tay và khối óc của những con người thuần nông chưa qua trường lớp kỹ thuật nào.

Điều gây ra đau đầu với quân đội Mỹ và chính quyền Sài Gòn lúc đó là sự tồn tại của Địa đạo chỉ cách trung tâm đầu não Sài Gòn không quá 50km. Chính vì vậy Địa đạo như cái gai trong mắt nên địch đã nhiều lần muốn nhổ cho được cái "GAI" đó! Điển hình nhất là chiến dịch Cedar Falls (1967), Mỹ huy động hơn 30.000 binh sĩ để “san bằng” địa đạo Củ Chi, nhưng hệ thống địa đạo đã giúp quân dân ta ẩn nấp và chiến đấu thành công. Do đó Địa đạo còn được gọi là “Vùng đất thép thành đồng” vì khả năng chống chịu bom đạn và sự khắc nghiệt của chiến tranh.

....Đến những con người làm lên huyền thoại!

Nếu như hệ thống Địa đạo phức tạp không phải do con người Củ Chi vận hành thì chưa hẳn đã trở thành nơi 'thánh địa' không bị khuất phục! Bởi chỉ có quân dân Củ Chi với lòng quả cảm, mưu trí mới làm lên một Củ Chi huyền thoại. Những câu chuyện sau tuy không thể lột tả hết được tính cách độc đáo của con người Củ Chi nhưng nó nằm trong hàng trăm nghìn những sự kiện tiêu biểu, có thật đã phản ánh được phần nào bản chất anh hùng của họ.

Khi chúng ta được đi tham quan và nghe thuyết trình về cuộc sống chiến đấu ở Địa đạo tại Khu di tích lịch sử Củ Chi sẽ không thể thấu hiểu hết sự cam go, khốc liệt của cuộc chiến đấu dưới lòng đất. Bởi nhưng phần địa đạo ngầm như đã thấy được đẽo gọt phẳng phiu, đèn điện sáng choang cốt để khách tham quan đi lại dễ dàng. Còn thực địa thì hoàn toàn khác! Mỗi mét chiến hào đều là trận địa chiến đấu khiến kẻ thù không bao giờ dám mạo hiểm mò vô dù rất muốn. Đó là những đường ngầm mà có những đoạn thắt lại chỉ vừa khít cho chiến sỹ du kích lách qua. Nó chính là cái bẫy cho đối phương với thân hình to lớn dềnh dàng. Chưa kể xung quanh luôn có mìn tự chế gài sẵn cùng nhiều kiểu hầm chông được nguy trang đa dạng, khôn khéo. Nếu không phải là người từng sống trong địa đạo thì không thể thoát chết. Chưa kể song song với những đường hầm đó còn có đường hầm phụ mà họng súng hoặc giáo mác đã chờ sẵn để luôn tấn công bất ngờ kẻ thù nếu liều lĩnh mò xuống!

Bên trong địa đạo Củ Chi

Trong lòng địa đạo đã thế thì địa hình trên mặt đất kết hợp với hệ thống đường hầm đã trở thành trận đồ như thiên la địa võng, mỗi gốc cây, hốc đá hoặc chỉ là những ụ mối nhưng đó là đường thoát khí cho đường ngầm hoặc là một cửa hầm bí mật! Nguy hiểm hơn đó lại là một ổ súng sẵn sàng khạc đạn vô đối phương một cách bất ngờ.

Đến bây giờ đối phương chưa chắc đã hiểu được những sự việc trước kia đã xảy ra mà không thể lý giải? Ví dụ như những câu chuyện sau.

Trong một trận càn ở Củ Chi, đối phương đuổi theo một du kích quân. Bất thình lình anh ấy nhảy xuống một cái giếng nước. Không còn cách nào khác họ xả súng, ném lựu đạn để mong tiêu diệt mục tiêu. Họ đâu có ngờ một lúc sau đối phương xuất hiện lù lù đằng sau và đánh tập hậu! Đơn giản là họ đâu biết giếng nước cũng là một cửa của địa đạo. Nó có ngách ăn thông ra một đường hầm cao hơn mặt nước giếng. Khi anh du kích nhảy xuống giếng thì ngay lập tức thoát ra theo ngách đó để rồi đi lên miệng hầm khác để đánh tập hậu họ.

Một câu chuyện độc đáo khác, đó là các chiến thuyền của quân đội Mỹ chạy trên sông Sài Gòn đoạn qua Địa đạo Củ Chi về ban đêm thì dù chạy nhanh hay chậm. Thậm chí tắt máy thả trôi nhưng kiểu gì cũng bị bắn chìm? Câu trả lời thật bất ngờ là thời đó dù không có vũ khí quang học như tia Laser, hồng ngoại hay thậm chí tế bào quang điện. Vậy các chiến sỹ ta sẽ giải quyết vấn đề như thế nào để tiêu diệt mục tiêu vào ban đêm? Đơn giản là các anh đã thay các vũ khí quang học bằng ngọn đèn dầu được để kín đáo vô cái hốc bên kia sông. Người chiến sỹ ở bên này sông chỉ cần giương súng ngắm ngọn đèn dầu. Khi chiến thuyền đi qua nó sẽ che khuất ngọn đèn. Lúc đó chỉ cần bóp cò là trăm phát trăm trúng!

Trí tuệ được kết hợp với bản lĩnh và sự gan dạ sẽ trở thành một thứ vũ khí vô cùng hiệu quả và không có gì là không thể để đạt đến chiến thắng.

 Đền Tưởng niệm Liệt sĩ Bến Dược nằm trong Khu di tích lịch sử địa đạo Củ Chi

Những câu chuyện sau đây kể về những con người thật việc thật mà chiến công của họ đã trở thành huyền thoại.

* Câu chuyện về ông Ba Nên. Tên đầy đủ là Nguyễn Văn Nên, sau này là nguyên Trưởng Công an huyện Cần Giờ – người chiến sĩ huyền thoại thời kháng chiến chống Mỹ – luôn gợi nhắc về sự mưu trí, gan dạ và lòng yêu nước mãnh liệt. Ông không chỉ là một xạ thủ “bách phát bách trúng,” mà còn là người sử dụng những chiến thuật độc đáo để đánh bại đối phương trong hoàn cảnh vô cùng khắc nghiệt. 

Ông Ba Nên từng khiến đồng đội và cả đối thủ kinh ngạc khi hạ gục trực thăng Mỹ chỉ bằng một khẩu súng trường. Trong một lần đối đầu tại vùng rừng ngập mặn Cần Giờ, ông chọn vị trí ẩn nấp, kiên nhẫn chờ thời cơ. Khi trực thăng hạ thấp để tấn công hoặc tiếp tế, ông nhanh chóng ngắm bắn vào những điểm yếu như kính buồng lái hoặc cánh quạt, khiến chiếc trực thăng rơi trong sự bàng hoàng của quân địch.

Tại địa đạo Củ Chi, ông Ba Nên cùng đồng đội đã sáng tạo trong việc chế tạo và sử dụng mìn nén. Một lần, khi phát hiện trực thăng Mỹ đang hạ cánh ở một bãi đất trống để thả lính, ông và đồng đội đã gài mìn trước đó và tạo ra một vụ nổ chính xác, phá hủy hoàn toàn chiếc trực thăng cùng toàn bộ binh lính trên đó. Đây là một trong những chiến thuật du kích hiệu quả, gây thiệt hại nặng nề cho kẻ địch.

Trong một lần phục kích quân Mỹ ở vùng Cần Giờ, ông được giao nhiệm vụ hạ gục chỉ huy địch. Chỉ với một viên đạn, ông đã bắn trúng mục tiêu từ khoảng cách xa, khiến cả toán lính rơi vào tình trạng hoảng loạn. Đây là một trong những chiến công ghi dấu tên tuổi của ông trong lòng đồng đội.

* Bà Nguyễn Thị Nê (thường gọi là Bảy Nê) là một trong những nữ du kích huyền thoại của vùng đất thép Củ Chi trong kháng chiến chống Mỹ. Sinh năm 1947 tại xã Phú Hòa Đông, huyện Củ Chi, bà đã cống hiến tuổi trẻ cho sự nghiệp giải phóng dân tộc và trở thành biểu tượng của lòng dũng cảm, mưu trí và tinh thần bất khuất của phụ nữ Việt Nam.

Vào ngày 10/11/1965, trước tình hình chiến sự ác liệt, Huyện ủy Củ Chi quyết định thành lập Đội nữ du kích huyện Củ Chi. Ban đầu, đội chỉ có ba thành viên: bà Nguyễn Thị Nê (Bảy Nê) làm đội trưởng, bà Trần Thị Nhỡ (Út Nhỡ) là chính trị viên, và bà Lê Thị Sương (Năm Sương) là đội viên đầu tiên. Từ ba người, đội nữ du kích đã phát triển thành trung đội với gần 20 người, được huấn luyện quân sự và tham gia chiến đấu ở các vành đai vòng ngoài, đối mặt trực tiếp với địch tại căn cứ Đồng Dù.

Vào ngày 19/01/1966, khi địch co cụm về căn cứ Đồng Dù, bà Nguyễn Thị Nê cùng tổ trinh sát đã đột nhập và tiêu diệt gọn Ban Chỉ huy Lữ đoàn dù 173 của Mỹ, góp phần buộc địch phải chấm dứt cuộc cuộc hành quân Crimp (1966).

Với những chiến công xuất sắc, bà Nê đã 8 lần được phong tặng danh hiệu “Dũng sĩ diệt Mỹ”. Bà Nguyễn Thị Nê anh dũng hy sinh vào năm 1969 khi mới 22 tuổi. Để ghi nhận công lao của bà, ngày 30/8/1995, bà được truy tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân.

* Câu chuyện về bà Võ Thị Mô, tức Bảy Mô, với hai lần tha mạng cho lính Mỹ tại địa đạo Củ Chi là những mẩu chuyện thấm đượm tình người trong hoàn cảnh chiến tranh khốc liệt. Hành động này không chỉ thể hiện lòng nhân ái, mà còn là biểu tượng của sự bao dung và tinh thần hòa bình của nhân dân Việt Nam.

Trong một trận chiến ác liệt tại khu vực địa đạo Củ Chi, bà Bảy Mô và đồng đội đã phát hiện một lính Mỹ bị thương nặng nằm giữa chiến trường. Mặc dù đây là kẻ thù, bà vẫn quyết định cứu chữa cho người lính này. Cùng với các nữ du kích khác, bà đã băng bó vết thương, chăm sóc cho người lính Mỹ như với một người dân quê mình. Sau đó, bà để anh ta rời đi trong an toàn, nhắn gửi rằng: “Hãy trở về nhà, nơi có gia đình đang chờ anh. Đừng trở lại đây, nơi mà anh không thuộc về.”

Câu chuyện này đã lan truyền giữa các binh sĩ Mỹ, khiến họ phải suy nghĩ về ý nghĩa của chiến tranh và sự nhân từ của người dân Việt Nam.

Trong một lần khác, bà và đồng đội bắt gặp một nhóm lính Mỹ gồm 4 người đang lạc đơn vị trong rừng. Sau nhiều ngày đói khát và kiệt sức, nhóm lính này đã ngồi lại với nhau, giở những tấm ảnh gia đình ra và khóc. Khi chứng kiến cảnh tượng đó, bà Bảy Mô không khỏi xúc động.

Bà cùng đồng đội tiến đến, lấy nước và thức ăn đưa cho họ. Nhìn những khuôn mặt khắc khổ và tuyệt vọng, bà quyết định không tấn công hay bắt giữ. Thay vào đó, bà nói: “Chiến tranh là điều không ai muốn. Các anh hãy trở về với gia đình và những người thân yêu của mình. Đừng tiếp tục gieo rắc nỗi đau nơi đây". Nhóm lính Mỹ không thể tin vào lòng nhân từ của bà. Họ rời đi với lời hứa sẽ không quay lại chiến trường Việt Nam.

Cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước đã kết thúc toàn thắng cách đây 50 năm, nhưng lật giở lại trang sử hào hùng của dân tộc thời kỳ đó thế hệ hôm nay và mai sau mãi tự hào về cha anh chúng ta đã chiến đấu và chiến thắng. Huyền thoại về Địa đạo Củ Chi là một trong những vùng đất đầy tự hào trí thông minh, lòng dũng cảm của quân dân Việt Nam. Để những câu chuyện hào hùng không bị lãng quên bởi những người anh hùng của chúng ta ngày càng tuổi cao sức yếu, thêm vào đó là sự bình dị khiêm nhường ít nói về bản thân, vậy nên còn rất nhiều câu chuyện thầm lặng mà chúng ta chưa biết. Nên chăng cần lắm những người viết sớm thâm nhập để khơi gợi lại nhưng câu chuyện như trên!

Tháng 4/2025.

Bình luận (0)

Lên đầu trang