(CATP) Công việc của một đạo diễn phim tài liệu giúp tôi có cơ hội gặp được những con người, hiểu được những sự kiện trọng đại của đất nước. Còn gì vui sướng hơn khi núi sông liền một dải, những năm tháng đau thương mất mát trong chiến tranh để có được ngày hòa bình thống nhất 30/4/1975.
Ngày ấy, chúng tôi còn rất trẻ. Ba tôi làm cán bộ hợp pháp, ông thường lén nghe đài phát thanh giải phóng, đài tiếng nói Việt Nam, đài BBC của Anh, vì gia đình sống trong vùng chính quyền Sài Gòn kiểm soát, thuộc xã Hưng Phong, quận Giồng Trôm, tỉnh Kiến Hòa (nghe nói chế độ Tổng thống Ngô Đình Diệm đổi tên tỉnh Bến Tre thành Kiến Hòa từ năm 1956). Ngày 08/4/1975, có sự kiện ném bom Dinh Độc Lập làm cho quân lính Việt Nam cộng hòa tan rã nhanh và cũng chính nhờ radio, chúng tôi nghe được tin Tổng thống Dương Văn Minh tuyên bố đầu hàng lúc 9 giờ 30 phút từ đài phát thanh Sài Gòn.
Sau này tôi mới biết nhạc sĩ Vũ Thành An, lúc đó ông làm chủ sự, phụ trách việc phát sóng trên đài phát thanh Sài Gòn. Nhiều nhân viên làm việc ở đài đã bỏ chạy, trừ một số kỹ thuật viên còn ở lại. Ông An chỉ rời khỏi đài khi cho phát xong bản tuyên bố đầu hàng của Tổng thống Dương Văn Minh. Cũng từ bản tuyên bố này đã giúp cho việc tan rã của quân đội Sài Gòn thêm nhanh, tránh đổ máu cho binh sĩ từ hai phía, nhất là giữ cho thành phố Sài Gòn vẹn nguyên, nhân dân òa ra đường phố đón chào ngày chiến thắng.
Năm 1976, tôi chính thức làm việc tại Đài Truyền hình Sài Gòn Giải phóng do Nhà báo Huỳnh Văn Tiểng làm Giám đốc; ông Phạm Khắc, sau này được Nhà nước phong là nghệ sĩ nhân dân, anh hùng lao động thời đổi mới làm trưởng phòng quay phim của đài. Năm 1976, ông làm phim tài liệu “Bến Tre những đảo dừa xanh” có kể về câu chuyện của phi công Nguyễn Thành Trung, tuy nhiên chỉ có vài cảnh chứ chưa làm phim chân dung về anh.

Nguyễn Thành Trung thời học lái máy bay tại Mỹ
Tháng 4/1976, tôi gặp Nguyễn Thành Trung và gia đình. May mắn cho tôi là mẹ anh Trung còn sống. Lúc này, đài chúng tôi có mua được máy quay phim Betacm, ghi được hình và tiếng rất tốt. Bà nói: “Lúc đó tôi sợ quá. Nhiều người xung quanh nói, con bà đã đi sai đường rồi. Lại càng lo thêm vì nó được điều qua Mỹ học lái máy bay. Trung bảo ai nói gì nói, má đừng có lo, sau này thì má sẽ biết con như thế nào...”. Giọng nói Nam Bộ của bà chân chất, mãi sau này khi nghe lại, tôi thấy hình như những người má, người mẹ miền Nam đều như vậy.
Anh Trung kể: “Người Mỹ dạy chúng tôi lái máy bay là phải có đội, có đoàn, không thể đi lẻ một mình được”. Ngày 08/4/1975, tôi quyết định hành động. Mục đích của tôi không phải ném bom Dinh Độc Lập để giết Tổng thống Thiệu mà muốn góp phần gây tiếng vang làm tan rã quân đội Sài Gòn, sớm kết thúc chiến tranh để dân tộc Việt Nam hưởng được hòa bình thống nhất.

Nguyễn Thành Trung được quân ta tiếp đón tại Sân bay Lộc Ninh
Hôm đó, phi đội chúng tôi có 3 chiếc F5E. Chiếc thứ nhất do một Thiếu tá lái, chiếc thứ hai do tôi - Trung úy Nguyễn Thành Trung và chiếc thứ ba do một Đại úy lái.
Từ sân bay Tân Sơn Nhất, ngồi trên buồng lái đi ra điểm xuất phát, trong đầu tôi luôn nghĩ, đi hay không đi, nếu đi thì vợ con mình ra sao… và tôi quyết định đi. Nguyên tắc phi đội bay, chiếc bay đầu tiên kế đó cứ 5 giây là chiếc tiếp theo và trong chuyến bay chỉ có người chỉ huy số 1 mới có quyền dùng vô tuyến, còn những máy bay khác thì không. Họ có thể dùng tay ra hiệu, vì vậy ta hay thấy những chiếc máy bay hay bay gần nhau. Tôi dựa vào đặc điểm này và dùng tay ra hiệu máy bay tôi bị trục trặc về điện, nên chiếc thứ 3 bay lên. Chỉ huy thì nghĩ tôi không bay thì 2 chiếc bay thôi, còn chòi chỉ huy dưới đất thì nghĩ tôi có chút vấn đề, chậm chút rồi bay, họ không bảo tôi đưa máy bay vào ụ.
Vậy là chiếc thứ 3 bay được 5 giây thì tôi bay lên, 10 giây trên không thì khoảng cách xa lắm. Lên Hóc Môn, tôi vòng về Chợ Lớn, hướng tới Dinh Độc Lập ném bom. Lần thứ nhứt tôi ném sai mục tiêu. Tôi xem máy ngắm chỉnh lại, vì hôm đó tôi bay trên chiếc máy bay của người phi công khác. Tôi đảo lại và ném bom lần 2, thấy khói bốc lên ở góc Dinh Độc Lập. Tôi yên tâm để bay về vùng giải phóng. Bay ngang kho xăng Nhà Bè, tôi bắn mấy loạt đạn nhưng không thấy gì. Tôi nghe tiếng trong máy vô tuyến báo tất cả các máy bay phải hạ cánh, những máy bay khác không được cất cánh. Tôi yên tâm vì không phải đánh nhau trên không và bay về sân bay Lộc Ninh. Tôi đã hạ cánh xuống sân bay Lộc Ninh an toàn và đã được anh em tiếp đón như người thân trong nhà.

Nguyễn Thành Trung về lại Bến Tre gặp mẹ
Ngày chiến thắng, Nguyễn Thành Trung về lại quê hương và kể cho má anh biết những gì anh đã làm, anh là chiến sĩ cách mạng đã được Ban binh vận Khu 8 đưa vào hoạt động trong binh chủng không quân của chế độ Sài Gòn. Ngày 31/5/1969, anh được kết nạp Đảng nhân dân cách mạng Việt Nam và hôm sau, anh nhập ngũ vào không quân chế độ Sài Gòn. Anh đã cố gắng rất nhiều để học thật giỏi mới có cơ hội qua Mỹ học lái máy bay phản lực ở Texas, Arizona. Và cuối cùng, anh đã đạt được nguyện ước ném bom Dinh Độc Lập. Từ nay, tên anh trở lại đúng dòng họ Đinh: Đinh Thành Trung. Cha anh là liệt sĩ bị địch giết và kéo xác dưới sông Tiền, cha anh chắc cũng vui vì anh không chỉ ném bom Dinh Độc Lập mà còn tham gia huấn luyện phi đội Quyết Thắng bay về ném bom các căn cứ quân sự ở Sài Gòn vào những ngày kết thúc Chiến dịch Hồ Chí Minh. Lãnh đạo bảo các anh ném bom ở căn cứ Hải Quân của địch ở bến Bạch Đằng, nhưng anh Trung nói vì anh em trong phi đội chưa quen địa hình Sài Gòn, nếu không khéo bom rơi xuống chợ Bến Thành thì nguy hiểm đến tính mạng người dân, anh kiến nghị ném bom sân bay Tân Sơn Nhất vì ở đây trống trải, dễ quan sát.
Ý kiến của anh đã được lãnh đạo chấp nhận và phi đội Quyết Thắng gồm 5 máy bay F5E của Mỹ do anh dẫn đầu. Anh cho phi đội ném bom nơi máy bay dừng đậu và giữ lại nguyên vẹn đường băng cho người Mỹ còn đường tháo chạy. Một quyết định đầy tính nhân văn mà ông bà ta từ xưa đã thực hiện mỗi khi giặc thua chạy. Chiều ngày 28/4/1975, lần đầu tiên máy bay của quân cách mạng xuất kích, cuộc hợp đồng binh chủng tuyệt vời của phi đội Quyết Thắng làm nên dấu son lịch sử có một không hai của Không quân Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Đảng mà tiêu biểu là Bác Hồ kính yêu của toàn dân tộc.

Nguyễn Thành Trung nhận danh hiệu Anh hùng LLVT Nhân dân
Đất nước vừa thống nhất thì cuộc chiến mới lại bắt đầu ở biên giới Tây Nam và phía Bắc. Nguyễn Thành Trung cùng Binh chủng Không quân Quân đội nhân dân Việt Nam tiếp tục xây dựng lực lượng, đào tạo nhân lực phục vụ chiến trường. Nguyễn Thành Trung đã được phong hàm Đại tá và nhận danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân năm 1995. Thời gian này, anh đã chuyển ngành sang Tổng công ty Hàng không Việt Nam, góp phần đào tạo đội ngũ phi công mới.
Hội nhập và phát triển cùng thế giới, anh là Phó Tổng Giám đốc Tổng công ty Hàng không Việt Nam trước khi về hưu. Anh từng nói: “Tôi lái máy bay như là cái nghiệp rồi và từ nay trên đôi cánh của mình không còn mang bom đạn. Dưới cánh bay là đất nước Việt Nam hòa bình, phát triển, nhân dân được sống bình yên, hạnh phúc”. Anh cũng là một trong số những phi công người Việt Nam đầu tiên lái máy bay Boeing dân dụng của Mỹ. Vậy là ước mơ của cậu bé Trung từ nhỏ muốn bay cao khỏi ngọn dừa quê hương và bay xa tới chân trời cao rộng giờ đã thành hiện thực.