(CAO) Nhấn mạnh tầm quan trọng của việc trưng cầu ý dân, báo cáo thẩm tra của Ủy ban pháp luật về dự luật này khẳng định, hoạt động trưng cầu ý dân là quá trình thu hút và tập dượt để nhân dân thực hành dân chủ. Cùng với đó, việc này đòi hỏi sự nhận thức và ý thức cao từ phía người dân và xã hội, tính tích cực chính trị của cử tri trong việc tham gia biểu quyết khi Nhà nước tổ chức trưng cầu ý dân.
Dân chịu trách nhiệm về quyết định của mình
Ủng hộ việc xây dựng và đưa dự luật trưng cầu ý dân vào cuộc sống, tại phiên thảo luận chiều nay 3-6 về dự luật này, đại biểu Dương Trung Quốc (Đồng Nai) cho rằng, hoạt động mang tính dân chủ trực tiếp này đòi hỏi phải biến thành tập quán, thói quen của xã hội. Khi là tập quán rồi, theo đại biểu Quốc, dân sẽ chịu trách nhiệm trước quyết định của mình và Nhà nước chỉ kiến tạo để người dân thực hiện.
“Từ hồi Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Văn An còn làm, chúng tôi sang Thụy Sỹ thì họ cũng lưu ý là việc trưng cầu ý dân mang tính số đông nên có tính bảo thủ. Vì có tính bảo thủ nên người dân tự chịu trách nhiệm trước quyết định của mình. Đơn cử như thành phố Geneva, để gìn giữ cảnh quan, chống tiếng ồn, người dân thành phố bỏ phiếu trưng cầu ý kiến và đồng ý không cho máy bay hoạt động sau 5 giờ chiều. Tuy nhiên, về sau họ thấy rằng đi máy bay đêm tiện hơn nhưng vì họ đã quyết đi rồi nên đành phải sang Pháp để bay” – ông Quốc kể. Đồng thời ông cũng cho rằng, việc trưng cầu ý dân cũng cần có lộ trình.
Chung quan điểm, đại biểu Hoàng Đăng Quang (Quảng Bình) tán thành việc ban hành luật này để người dân thực hiện quyền làm chủ, tham gia quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước. Còn đại biểu Trương Thị Ánh (TP.HCM) thì khẳng định, việc ban hành luật trưng cầu ý dân sẽ đáp ứng được quyền làm chủ của nhân dân. Người dân được quyền quyết những vấn đề của mình.
Phiên thảo luận sôi nổi tại tổ về luật trưng cầu ý dân chiều nay 3-6 - Ảnh: Ngân Hòa
Vì là dân chịu trách nhiệm trước quyết định của mình nên theo đại biểu Nguyễn Thị Quyết Tâm (TP.HCM), ý kiến nhân dân là quyết định và Quốc hội phải nghe theo. “Có như vậy mới rộng đường để luật đi vào cuộc sống’ – bà Tâm nêu quan điểm.
Cũng vì lẽ này, đại biểu Phạm Hồng Hà (Nam Định) yêu cầu phải làm rõ giá trị pháp lý của kết quả trưng cầu ý dân. Ông Hà lo ngại, nếu không làm thì rất khó bảo đảm thực hiện. Đại biểu Tâm đề nghị, kết quả có được làm đúng ý dân hay không cũng phải được quy định luôn trong luật.
Phân vân luật chưa chế định được vai trò của người dân, đại biểu Nguyễn Thị Quyết Tâm lưu ý trưng cầu ý dân mới có một vế. “Có cái người dân thấy cần phải trưng cầu nhưng chưa được chế định trong luật’ – bà Tâm đặt vấn đề,
Chưa biết bao giờ mới tổ chức được một cuộc trưng cầu
Cho rằng quy định về các vấn đề trưng cầu ý dân còn chung chung, đại biểu Huỳnh Ngọc Ánh (TP.HCM) e ngại “không biết đến khi nào mới thực hiện được một cuộc trưng cầu ý dân”. Theo ông Ánh, dự luật cần phải cụ thể hóa các nội dung cần trưng cầu ý dân, chứ “chép nguyên văn một câu của hiến pháp thì rộng quá”.
Đây cũng là băn khoăn của đại biểu Nguyễn Thị Quyết Tâm, Đỗ Văn Đương (TP.HCM), Nguyễn Đăng Quang. Đại biểu Đương lưu ý, để luật được thực thi trong đời sống, bên cạnh những vấn đề mang tính nguyên tắc, dự luật cần cụ thể hóa những nội dung liên quan đến lợi ích quốc gia, vấn đề dân tộc, quốc kế dân sinh... Tương tự, đại biểu Tâm phân vân nếu quy định chung quá luật sẽ rất khó thực hiện. “Quy định cụ thể một chút thì luật dễ đi vào cuộc sống hơn” – đại biểu Tâm nhận định.
Đại biểu Triệu Là Pham (Hà Giang) cũng đề nghị làm rõ những vấn đề cần đưa ra trưng cầu ý dân. “Luật nên quy định rõ nội dung nào cần đưa ra trưng cầu ý dân. Ví dụ như vấn đề lãnh thổ có đưa ra trung cầu ý dân được không?. Dân bảo đánh thì chúng ta có đánh không? Trong thời gian chiến tranh hoặc tình trạng khẩn cấp thì không trưng cầu ý dân. Quy định như vậy là chưa rõ ràng”.
Cho rằng đây là bước khởi đầu để thể hiện quyền dân chủ của nhân dân, đại biểu Trần Văn Tư (Đồng Nai) góp ý việc quy định những vấn đề cần trưng cầu ý dân nên quy định trong phạm vi cả nước là phù hợp. “Quy định theo vùng, khu vực chưa hẳn đã phù hợp” – đại biểu Tư nêu ý kiến.
Tuy nhiên, đại biểu Nguyễn Thanh Thụy (Bình Định) lại cho rằng, đất nước ta trải dài, điều kiện mỗi một vùng khác nhau là khác nhau, vì thế nên làm ở 2 cấp độ ở toàn quốc và địa phương. “Làm ở địa phương thí nghiệm trước. Nếu làm toàn quốc ngay thì chưa đảm bảo. Sau này tạo thành thói quen xã hội rồi thì lâm toàn quốc”.