(CATP) Những ngày gần đây, người dân Q7 bàn tán xôn xao về việc một doanh nghiệp có cỡ trên địa bàn TPHCM lập dự án xin lấp hồ Đầm Dơi (thuộc P.Tân Thuận Tây, Q7) để phân lô, bán nền. Điều khá ngạc nhiên là mỗi buổi họp lấy ý kiến người dân, doanh nghiệp này còn chi cả “phong bì” để “bo” cho người đi họp (?!).
Lấp hồ để làm dự án
Trao đổi với phóng viên, ông Trần Văn Thống (Tổ trưởng Tổ dân phố 11, KP4, P.Tân Thuận Tây) bức xúc nói: “Mỗi lần chủ dự án mời chúng tôi đi họp để lấy ý kiến cho việc lấp hồ là họ chi tiền bỏ phong thư đưa cho chúng tôi. Tuy nhiên, tiền họ chi ra không lấp được bức xúc của người dân, bản thân tôi cũng xin trả lại tiền để phản đối việc lấp hồ làm dự án”.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, hồ Đầm Dơi được người dân nơi đây gọi với tên thân thương là “ao cá Bác Hồ”, có diện tích gần 3 héc-ta. Đây là hồ nước còn khá hoang sơ, nằm ở vị trí đẹp, gần Khu đô thị Phú Mỹ Hưng nên được Tổng công ty TNHH MTV Nông nghiệp Sài Gòn phối hợp với Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển Nguyễn Kim, Tổng công ty Tecco lập dự án xin lấp hồ nhằm mục đích kinh doanh.
Hồ Đầm Dơi là một trong số ít hồ nước tự nhiên còn tồn tại trên địa bàn TPHCM, thu hút người dân đến vui chơi, câu cá giải trí. Vào mỗi sáng sớm hoặc chiều tà, người dân tản bộ quanh đây để hít thở không khí trong lành. Người dân xem hồ là “lá phổi xanh” cho khu Nam Sài Gòn, cũng như cho khu vực Q7 và H.Nhà Bè, hồ còn giúp điều tiết nước cho khu vực. Vào mùa mưa, hồ còn là nơi chứa nước mưa cho khu vực rộng lớn của Q7 và H.Nhà Bè. Vì vậy, nếu san lấp hồ sẽ dẫn đến việc cả khu vực dễ bị ngập lụt cục bộ.
Ông Thống cho rằng vì thành phố thiếu quy hoạch, đã cho san lấp các hồ bên trong thành phố nên việc ngập úng ngày càng trầm trọng vào mùa mưa. Để giảm ngập úng cho khu vực nội thành, thành phố đang dồn sức cho việc chống ngập. Thành phố phải huy động cả cộng đồng, thành lập hẳn trung tâm chống ngập, tốn cả chục ngàn tỷ đồng để giải quyết ngập do triều cường. UBND TP cũng ra văn bản chỉ đạo giữ lại các đầm, hồ tự nhiên nhằm điều tiết nước trong mùa mưa. Do đó, người dân không thể đồng ý cho doanh nghiệp xin lấp hồ để làm dự án kinh doanh.
Người dân bức xúc
Theo ông Thống, tình trạng ngập lụt trong mùa mưa khiến nhiều khu vực nội thành chìm trong biển nước, các cơ quan chức năng không được phép làm tổn thương những hồ tự nhiên thêm nữa. Doanh nghiệp không có lý gì mang hồ sơ “xin cấp phép dự án” để lấp hồ. Việc bảo vệ, duy trì diện tích mặt hồ hiện tại cũng nhằm điều tiết tiêu thoát nước là rất cần thiết.
Bà Lưu Thị Kim Chi (sống nhiều năm ở khu vực Đầm Dơi) cũng phản đối chuyện lấp hồ: “Hiện nay, Q7 và H.Nhà Bè có tốc độ đô thị hóa nhanh, diện tích ao hồ trên địa bàn hai địa phương này giảm đi trông thấy. Trước đây, Q7 có nhiều diện tích mặt nước ao hồ, kênh rạch kết nối với nhau, nhưng hiện nay đã bị san lấp khá nhiều, nay chỉ còn lại hồ Đầm Dơi - “lá phổi” của quận. Vậy mà doanh nghiệp lại xin lấp hồ. Nếu trời mưa xuống, nước sẽ chảy về đâu?”.
Theo thống kê, sau 10 năm đô thị hóa, tổng diện tích mặt nước tại Q7 đã giảm hơn 80%, gây ra tình trạng ngập úng nặng vào mùa mưa thời gian qua là điều dễ hiểu. Bà Chi cho rằng thành phố cần ngăn chặn nhóm lợi ích, để vì cái chung giữ lại những “lá phổi xanh” ít ỏi còn lại. Thành phố cần quy hoạch để không ai được lợi dụng việc làm dự án để xin cấp phép lấp hồ, làm ảnh hưởng tới môi trường chung.
Để giữ lại hồ Đầm Dơi, bà Nguyễn Thị Thu Loan (ngụ P.Tân Thuận Tây) cho rằng, dự án lấp hồ nhằm mục đích kinh doanh là vi phạm về môi trường quá rõ ràng. Thành phố cần lập nhóm nghiên cứu để điều tra, khảo sát, đánh giá khả năng tiêu thoát nước, qua đó thấy được giá trị của các hồ nước tự nhiên. Nếu thành phố cho phép doanh nghiệp lấp hồ sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc tiêu thoát nước tại khu vực này, ảnh hưởng đến môi trường sống của người dân, gây bức xúc trong nhân dân.
Đã đến lúc thành phố phải kiên quyết giữ lại các hồ tự nhiên để nước mưa chảy chỗ trũng. Không thể cho phép bất cứ doanh nghiệp nào có thể đảo ngược được quy luật tự nhiên này.
Nhà khoa học lên tiếng Ông Nguyễn Đăng Sơn - Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu đô thị và hạ tầng: “Ngay khi có dự án di dời ga Sài Gòn ra khỏi trung tâm thành phố, nhiều người đã đề nghị thành phố làm hồ điều tiết nước cho khu vực trung tâm. Tôi cũng như nhiều anh em trong viện không nhất trí cho doanh nghiệp lấp hồ nhằm mục đích kinh doanh. Ở các thành phố lớn trên thế giới, người ta đang phải đào đất làm hồ để điều tiết nước thì hà cớ gì ở TPHCM lại cho lấp hồ để kinh doanh? Hồ nước không chỉ làm nhiệm vụ tiêu thoát nước mà còn giúp điều tiết nước mưa. Việc lấp hồ là điều cấm kỵ, thành phố phải giữ lại. Nếu lấp hồ, nước mưa sẽ chảy về đâu? Trong khi đó, dự án chống ngập của thành phố còn đề nghị những hồ bị lấp trước đây, bây giờ phải đào lên để thoát nước mưa, chống ngập cho thành phố. Về mặt môi trường, nếu có hồ sẽ mát hơn, không khí trong lành hơn. Cây xanh và mặt nước hồ cũng góp phần cải thiện môi trường. Dưới tác động của biến đổi khí hậu, hồ nước cũng làm nhiệm vụ điều tiết nước thủy triều. Tại buổi lễ khởi công dự án “Giải quyết ngập do triều khu vực TPHCM có xét đến yếu tố biến đổi khí hậu (giai đoạn 1)” với tổng kinh phí gần 10 ngàn tỷ đồng, được tổ chức vào ngày 26-6-2016, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã yêu cầu lãnh đạo thành phố rà soát, bổ sung quy hoạch chống úng ngập, triều cường phù hợp với diễn biến tình hình biến đổi khí hậu, nước biển dâng. Thành phố cũng phải cập nhật thông tin, tiếp thu ý kiến các nhà khoa học; quản lý tốt các hồ điều hòa trong quy hoạch”. |