Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam dự hội nghị quốc tế 'Khoa học cơ bản và xã hội'

Thứ Năm, 07/07/2016 15:14

|

(CAO) Sáng 7-7, tại Trung tâm Quốc tế Khoa học và Giáo dục liên ngành (ICISE), Hội nghị quốc tế “Khoa học cơ bản và xã hội”, Hội nghị lớn nhất trong Chương trình “Gặp gỡ Việt Nam” lần thứ XII năm 2016 do Bộ Khoa học và Công nghệ, Hội gặp gỡ Việt Nam, UBND tỉnh Bình Định tổ chức chính thức khai mạc.

Tham dự Hội nghị có Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Chu Ngọc Anh.

“Khoa học cơ bản và xã hội” không chỉ đơn thuần là một hội nghị khoa học mà còn là nơi trao đổi để cùng làm rõ, cùng thấy Khoa học cơ bản đem đến cuộc cách mạng cho đời sống xã hội. Bởi thế, hội nghị này cũng là nơi hội tụ của các doanh nghiệp lớn trên thế giới.

Phó thủ tướng Vũ Đức Đam phát biểu tại lễ khai mạc hội thảo

Phát biểu tại Hội thảo, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam khẳng định: "UNESCO xác định khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo là động lực để thực hiện mục tiêu phát triển bền vững trong chương trình nghị sự tới năm 2030 của Liên Hợp Quốc. Có ý kiến cho rằng Việt Nam chỉ nên tập trung vào nghiên cứu ứng dụng còn nghiên cứu cơ bản là việc của các nước phát triển, nhưng Chính phủ Việt Nam luôn xuyên suốt quan điểm Khoa học cơ bản là nền tảng cần chú trọng đầu tư. Đầu tư cho Khoa học cơ bản là đầu tư cho nền móng, đầu tư cho tăng cường tiềm lực quốc gia.

Tôi mong rằng “Gặp gỡ Việt Nam” không chỉ thu hút ngày càng nhiều các nhà khoa học, những người làm công tác nghiên cứu chuyên nghiệp mà cả công chúng những người yêu khoa học, những người ủng hộ khoa học... Vì vậy, bên cạnh những nội dung, ngôn ngữ khoa học chuyên sâu còn cần những hoạt động, cách biểu thể dung dị, dễ hiểu với tinh thần 'đưa khoa học tới quần chúng', 'khoa học gắn với thực tiễn”.

Phó Thủ tướng và GS Trần Thanh Vân và các nhà khoa học

Để mong muốn đó trở thành hiện thực, Phó Thủ tướng cho rằng một trong những điều kiện là tỉnh Bình Định tiếp tục hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi nhất để Trung tâm Quốc tế khoa học và giáo dục liên ngành (ICISE) và Tổ hợp Không gian Khoa học Quy Nhơn hoàn thiện phát triển, hoạt động nhộn nhịp, hiệu quả. Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh "Chính phủ Việt Nam cam kết ủng hộ và sẽ không thay đổi"”.

Khoa học công nghệ nhất là công nghệ thông tin đang làm thay đổi thế giới; làm những điều kỳ diệu tưởng chừng chỉ có trong các câu chuyện cổ tích thành sự thật. Không có khoa học cơ bản thì không có những công nghệ ấy. Thành tựu khoa học là di sản chung của nhân loại. Tham gia làm giàu di sản đó là vinh dự, là trách nhiệm của mọi quốc gia, mọi người.

Chụp ảnh lưu niện toàn thể khách tham dự hội thảo

Hội thảo diễn ra trong hai ngày 7 và 8-7-2016 vói 7 chủ đề thảo luận: Tầm quan trọng của việc theo đuổi khoa học cơ bản và các nước mới nổi; Khoa học cơ bản và sự phát triển bền vững; Nghiên cứu cơ bản và hòa bình; Nghiên cứu cơ bản và khí hậu; Nghiên cứu cơ bản và sức khỏe; Nghiên cứu cơ bản và sự phát triển giáo dục toàn cầu, kiến thức và công nghệ; Nghiên cứu cơ bản, mở cửa đổi mới và hợp tác kinh tế.

Trước khi diễn ra Hội thảo, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Chu Ngọc Anh, GS Trần Thanh Vân, 5 GS đoạt giải Nobel gồm: Giáo sư David Jonathan Gross - Nobel Vật lý 2004, Giáo sư Jerome Isaac Friedman - Nobel Vật lý 1990, Giáo sư Kurt Wüthrich - Nobel Hóa học năm 2002, Giáo sư Jean Jouzel - Nobel Hòa bình năm 2007, Giáo sư Finn Erling Kydland - Nobel Kinh tế 2004 cùng GS Ngô Bảo Châu và các nhà khoa học uy tín thế giới tham gia trồng cây tại khuôn viên Trung tâm Khoa học quốc tế và Giáo dục liên ngành (ICISE).

Bình luận (0)

Lên đầu trang