Bài phát biểu của GS.TS Chu Phạm Ngọc Sơn, Phó chủ tịch Liên hiệp Các hội KHKT TP
nhân 40 năm ngày TP Sài Gòn - Gia Định chính thức vinh dự mang tên Chủ tịch Hồ Chí Minh.
-----------------------
30/4/1975, ngày lịch sử trọng đại của dân tộc, mãi mãi là biểu tượng sáng ngời của cuộc kháng chiến thần kỳ của Nhân dân, dưới sự lãnh đạo diệu kỳ của Đảng Cộng sản Việt Nam, đã giải phóng miền Nam và thống nhất toàn vẹn đất nước.
Hơn một năm sau đó là ngày 2/7/1976, ngày lịch sử của người dân thành phố Sài Gòn - Gia định khi Quốc hội khóa VI của nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam quyết nghị chính thức đặt tên thành phố Sài Gòn - Gia Định là thành phố Hồ Chí Minh. Đó là phần thưởng xứng đáng và cao quý nhất mà Đảng, Nhà nước và Nhân dân cả nước dành cho Đảng bộ, Nhân dân thành phố luôn luôn rất thiết tha với việc thành phố được mang tên Người, đã không ngừng chung lòng, chung sức phát huy truyền thống kiên cường, bất khuất trong suốt hai cuộc kháng chiến gian khổ, góp phần dành lại độc lập tự do cho dân tộc, để mọi người dân được sống ngẩng đầu, đầy tự hào trên đất nước thân thương của mình. Với thành phố được vinh dự mang tên Bác, đối với Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân thành phố, đó vừa là niềm tự hào, tình cảm thiêng liêng đối với Bác kính yêu, vừa là trách nhiệm lớn lao, trong sự nghiệp xây dựng, bảo vệ và phát triển Thành phố.
Suốt 41 năm qua, Đảng đã lãnh đạo toàn dân, toàn quân vượt biết bao khó khăn, thách thức để đất nước có được những thành tựu ngày nay: chính trị xã hội ổn định, kinh tế tăng trưởng, an ninh quốc phòng giữ vững, kết cấu hạ tầng ngày càng phát triển với những công trình thế kỷ đã hoàn thành, vị trí quốc tế của Việt Nam không ngừng được củng cố và nâng cao, tạo thêm thế và lực cho đất nước phát triển bền vững. Trong bối cảnh lịch sử ấy, thành phố Hồ Chí Minh thân thương ngày nay đã tiến một bước dài với nhiều chuyển biến diệu kỳ, từng năm rồi từng tháng đã thực sự thay da đổi thịt, hiện đại hơn Sài Gòn năm xưa, năng động, sáng tạo, nghĩa tình.
GS.TS Chu Phạm Ngọc Sơn, Phó chủ tịch Liên hiệp Các hội KHKT TP nhân 40 năm ngày TP Sài Gòn - Gia Định chính thức vinh dự mang tên Chủ tịch Hồ Chí Minh
Bốn mươi năm qua từ ngày được mang tên Bác kính yêu, thành phố Anh hùng, đã trở thành một trung tâm kinh tế, văn hóa, khoa học công nghệ, là đầu mối giao lưu và hội nhập quốc tế của cả nước. Được như vậy là vì thành phố luôn quán triệt, nắm vững chủ trương của Đảng, bám sát thực tiễn, tìm trong thực tiễn lời giải cho những vấn đề phát sinh, không ngừng đổi mới, thử nghiệm thí điểm cách làm mới, mô hình mới, đóng góp vào sự hình thành đường lối đổi mới của cả nước, góp phần hoàn thiện đường lối đổi mới và tính tích cực, năng động thực hiện thắng lợi đường lối đổi mới của Đảng. Không gian đô thị ngày càng được mở rộng, cấu trúc hạ tầng phát triển nhanh, với hệ thống giao thông ngày càng hoàn thiện hơn, quản lý đô thị từng bước đi vào nề nếp và ngày càng hiệu quả nhờ ứng dụng khoa học kỹ thuật và công nghệ thông tin.
Trước 1975, có nằm mơ cũng không thể nghĩ rằng kênh Nhiêu Lộc -Thị Nghè với dòng nước luôn đen kịt, đầy rác, với những nhà lụp xụp lấn chiếm bờ kênh, nay đã được cải tạo thành con kênh xanh, sạch hơn, mang lại nét thanh lịch cho thành phố đẹp hơn, đáng yêu hơn với hai bên bờ kênh là tuyến đường Hoàng sa và Trường sa, đã góp phần nâng cao cuộc sống của hàng nghìn hộ dân và luôn luôn nhắc nhở cho con người của thành phố nhiệm vụ bảo vệ đất nước, bảo vệ biển đảo, bảo vệ thành phố.
Thành phố Hồ Chí Minh không ngừng đổi mới, năng động, sáng tạo và hội nhập, nhưng tình yêu, sự gắn bó với mảnh đất quê hương luôn đậm đà trong trí óc và con tim khiến người thành phố vẫn giữ được những nét đẹp truyền thống, kín đáo, bảo tồn được những địa danh lịch sử, những di sản kiến trúc nổi tiếng gắn liền với lịch sử hình thành và phát triển, đó là bến Nhà Rồng, chợ Bến Thành, đó là địa đạo Củ Chi, Nhà hát Thành phố, Nhà thờ Đức Bà, Bưu điện thành phố, chùa Xá Lợi, Lăng ông Bà Chiểu…
Một địa danh không thể không nhắc đến khi nhìn lại những nơi từng ghi dấu ấn đặc biệt của Sài Gòn – thành phố Hồ Chí Minh, đó là Bến Nhà Rồng nay là Bảo tàng Hồ Chí Minh, chi nhánh thành phố Hồ Chí Minh – Cảng Sài Gòn, nơi mà người thanh niên Nguyễn Tất Thành bắt đầu hành trình tìm đường cứu nước ngày 5/6/1911, nơi bóng hình Bác Hồ kính yêu ngàn đời vẫn hiện hữu trong lòng người dân. Đó là thành phố Hồ Chí Minh văn minh, hiện đại, nhân ái, nghĩa tình, là nơi đi đầu trong các cuộc vận động đền ơn đáp nghĩa, xây dựng nhà tình nghĩa, nhà tình thương, chăm sóc các mẹ Việt Nam Anh hùng, thương bệnh binh và gia đình chính sách, là nơi xuất phát phong trào xóa đói giảm nghèo, nay là giảm nghèo bền vững, lá lành đùm lá rách, chia sẻ với các tỉnh bạn trong những lúc khó khăn… thể hiện linh hoạt tấm lòng nhân hậu của Bác khi gửi thư kêu gọi đồng bào nhường cơm xẻ áo giúp thương binh, gia đình liệt sĩ. Các phong trào này đã góp phần củng cố và phát huy truyền thống "Uống nước nhớ nguồn", giáo dục lòng yêu nước, nâng cao ý thức trách nhiệm bảo vệ thành quả cách mạng, bảo vệ nền độc lập - tự do cho đất nước.
Thành phố Hồ Chí Minh không phải chỉ có những khu công nghiệp phát triển, những nhà máy hiện đại, những công trình kiến trúc ngang tầm khu vực, mà còn là một thành phố của những tấm lòng nhân ái, bao dung… Những suất cơm nghĩa tình miễn phí ở cổng bệnh viện cho người nghèo, những ổ bánh mì, những thùng trà đá miễn phí ở nhiều ngả đường… được người thành phố chia sẻ tự nguyện trong cuộc sống hằng ngày.
Và chính tấm lòng ưu ái, sự chăm sóc ân cần, sự đồng cảm vô cùng quý báu của các đồng chí lãnh đạo thành phố đối với đội ngũ trí thức nhiều nguồn của mình, đặc biệt đối với anh chị em trí thức tại chỗ, ngay từ những năm tháng đầy khó khăn ban đầu của thành phố sau ngày giải phóng miền Nam liên tục cho đến ngày nay đã góp phần không nhỏ vào việc tạo nên đội ngũ trí thức xã hội chủ nghĩa của thành phố hiện tại.
Trong những năm tháng đầu sau ngày giải phóng, anh chị em trí thức tại chỗ chúng tôi tuy ngay từ đầu đã quyết tâm chọn lựa chỗ đứng trên đất nước thân thương của mình, nhưng hòa nhịp vào cuộc sống mới không phải lúc nào cũng thật dễ dàng. Dưới mái nhà Hội Trí thức Yêu nước, được thành lập vào tháng 8 năm 1975 dưới sự lãnh đạo của Thành ủy và sự chỉ đạo của Mặt Trận Tổ quốc thành phố, anh chị em được bồi dưỡng chính trị, ổn định tư tưởng, từng bước làm quen với cuộc sống mới; dần dần trí thức nhiều nguồn đến với nhau, cảm thông nhau, hiểu nhau hơn, qua những cuộc tiếp xúc giao lưu thân tình, hợp tác trong hoạt động học thuật, từng bước cùng nhau chung lòng, chung sức phục vụ nhân dân, xây dựng quê hương đất nước, xây dựng thành phố ngày càng giàu mạnh hơn.
Từ đáy lòng mình, anh chị em chúng tôi mãi mãi ghi nhớ và cảm ơn sự chăm sóc tận tình cả về vật chất lẫn tinh thần của các đồng chí Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Linh, Võ Văn Kiệt, Võ Trần Chí, các đồng chí thường gặp gỡ anh chị em, lắng nghe, thấu hiểu tâm tư, nguyện vọng của chúng tôi cũng như những đóng góp ý kiến vào hoạt động chuyên môn, chia sẻ với chúng tôi những khó khăn, phiền toái trong cuộc sống, động viên tinh thần, giúp đỡ vật chất, tìm nhiều cách để hỗ trợ chúng tôi yên tâm làm việc.
Những công trình hợp tác đầu tay của những thầy cô đại học bước đầu thâm nhập vào thực tế của sản xuất trên địa bàn thành phố, dù chưa phải là những sản phẩm có giá trị khoa học thật cao nhưng cũng đã giúp giải quyết được phần nào nhu cầu tiêu dùng lúc bấy giờ và then chốt nhất là giúp thầy cô tự khẳng định mình trong cộng đồng xã hội Việt Nam.
Sự quan tâm của các đồng chí Bí Thư Thành ủy thành phố Hồ Chí Minh đối với đội ngũ trí thức của mình mang đậm tính truyền thống của một thành phố nghĩa tình đã được tiếp nối với các đồng chí Bí thư Trương Tấn Sang, Nguyễn Minh Triết, Lê Thanh Hải và bây giờ là đồng chí Bí thư Đinh La Thăng, dưới nhiều hình thức linh hoạt, phong phú, gắn liền với sự phát triển của thành phố.
Từ 1986 đến nay, Liên Hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật thành phố (Liên Hiệp Hội), thành viên của Mặt Trận Tổ quốc Việt Nam thành phố Hồ Chí Minh, tiếp nối nhiệm vụ lịch sử của Hội Trí thức Yêu nước nhằm tạo môi trường thuận lợi để phát huy năng lực sáng tạo và nâng cao phẩm chất đạo đức của đội ngũ trí thức xã hội chủ nghĩa của thành phố. Sự đổ vỡ của Liên bang Xô viết, của các nước xã hội chủ nghĩa Đông Âu đã phần nào tác động đến tâm tư, tình cảm của giới trí thức lúc bấy giờ, mặc dù vậy, anh chị em trong khối Liên Hiệp Hội vẫn tỏ ra vững vàng, kiên trì gắn bó với lý tưởng cách mạng đã chọn, vẫn tiếp tục nỗ lực thực hiện nhiệm vụ mình trên khắp các lĩnh vực sản xuất và đời sống.
Nguyên nhân sự kiên định có thể nhiều, nhưng lớn nhất chắc chắn là tình yêu đất nước sâu sắc, là lòng tự trọng của người trí thức Việt Nam, là sự gắn bó với nhân dân, là niềm tin vào sự lãnh đạo của Đảng, là sự trân trọng đối với sự chăm lo sâu sắc, ân cần, đầy nghĩa tình của các đồng chí lãnh đạo thành phố xuyên suốt từ những ngày đầu sau giải phóng.
Không bao giờ tôi quên được ca mổ diệu kỳ tách rời cặp song sinh Việt Đức ngày 4/10 năm 1988, ca mổ được lãnh đạo thành phố hết sức quan tâm theo dõi từng giờ phút, ca mổ được xem là một thành tựu, một kỳ tích của ngành y học Việt Nam và của cả thế giới. Tên tuổi nhiều chuyên gia ngành y như Viện Sĩ, Giáo sư, Bác sĩ Dương Quang Trung; Giáo sư, Bác sĩ Nguyễn Thị Ngọc Phượng; Giáo sư, Bác sĩ Trần Đông A; Giáo sư, Bác sĩ Trần Thành Trai,…luôn được nhắc đến trong ca mổ lịch sử này.
Ngày nay, kinh tế thành phố chiếm tỷ trọng lớn nhất cả nước, phát triển theo hướng các lĩnh vực đòi hỏi hàm lượng khoa học công nghệ cao, có chú trọng đến sản xuất sạch, xanh để bảo vệ môi trường sống: công nghệ gen, công nghệ tế bào gốc, cơ khí chính xác, vi mạch và tin học, hóa chất, vật liệu mới, vật liệu nano áp dụng vào y sinh học; thành phố có lợi thế của cơ sở vật chất kỹ thuật, cơ sở hạ tầng khá tốt, môi trường đầu tư thuận lợi, thế chính trị ổn định.
Thành phố đang có trong tay những cơ sở giáo dục đào tạo, khoa học và công nghệ tiên tiến, trang bị hiện đại gồm các Trường đại học, Viện nghiên cứu, Phòng thí nghiệm quốc gia trọng điểm, khu Công nghệ cao, khu Nông nghiệp Công nghệ cao, Trung tâm Công nghệ Sinh học, Công viên phần mềm Quang Trung, Viện Khoa học và Tính toán, hệ thống các phòng kiểm nghiệm hiện đại ngang tầm khu vực với nhiệm vụ đảm bảo chất lượng hàng hóa xuất nhập khẩu, tiêu dùng trong nước, đảm bảo chất lượng môi trường sống…, thành phố có hệ thống bệnh viện, trung tâm chẩn đoán y học hiện đại đang được tiếp tục mở rộng hơn nữa để chăm lo sức khỏe người dân.
Bên cạnh đó, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Thành phố với 48 hội thành viên đã, đang hoạt động tích cực và có hiệu quả trong phổ biến kiến thức khoa học, tham gia đào tạo và nghiên cứu khoa học, tham mưu tư vấn, phản biện và giám định xã hội, hỗ trợ đáng kể thành phố trong quyết định thực thi một số công trình dự án quan trọng. Điều tôi rất vui mừng là thành phố hiện có một lực lượng lao động khoa học công nghệ năng động, sáng tạo, một đội ngũ các nhà khoa học trẻ giỏi, có nhiều kinh nghiệm, nhiều nhiệt tình cống hiến, có khả năng góp phần vào kiến tạo một thành phố công nghiệp theo hướng hiện đại.
Tất nhiên trong thế đang vươn lên, Thành phố còn nhiều khó khăn, thách thức cần sớm giải quyết trong một số lĩnh vực kinh tế - xã hội. Là một thầy giáo, một người nghiên cứu khoa học, một điều tôi hằng mong ước là Đảng và Nhà nước có chính sách và biện pháp rất cụ thể để tập hợp, liên kết chặt chẽ sản xuất kinh doanh với giáo dục đào tạo, nghiên cứu khoa học, một mắt xích không thể thiếu được trong xây dựng một nền công nghiệp hiện đại, một nền khoa học và công nghệ tiên tiến đặc thù nhằm phát huy tất cả những lợi thế sẵn có của thành phố, của cả nước.
Anh chị em trí thức chúng tôi bằng sức lực, con tim và trí óc, cùng với đội ngũ lao động thành phố, quyết tâm cống hiến cho sự phát triển bền vững của đất nước, của thành phố Hồ Chí Minh thân thương và xin hứa nhất định chúng tôi không bao giờ lỗi hẹn với Tổ quốc, Nhân dân của mình.
Xin rất cảm ơn tất cả các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước và thành phố đã giúp anh chị em chúng tôi tự khẳng định là phải mang hiểu biết trước hết là phải phục vụ đất nước, Nhân dân mình và bản thân tôi thực sự hạnh phúc khi được sống hữu ích trên mảnh đất quê hương, thành phố thân yêu của tôi.
Xin kính chúc các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, lãnh đạo thành phố khỏe mạnh, hạnh phúc, mang thật nhiều thắng lợi về cho đất nước, cho thành phố Hồ Chí Minh thân thương.
GS, TS Chu Phạm Ngọc Sơn Phó Chủ tịch Liên Hiệp các Hội KHKT Thành phố