Bác Đỗ Mười trong lòng lực lượng Cảnh vệ

Thứ Sáu, 05/10/2018 19:49

|

(CAO) Những ngày gần đây, điện thoại của Đại tá Ngô Văn Nghị, sỹ quan bảo vệ tiếp cận - Phòng Bảo vệ các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước - Bộ Tư lệnh Cảnh vệ (Bộ Công an) đổ chuông liên tục. Mọi người, nhất là cán bộ, chiến sĩ cảnh vệ gọi đến để hỏi về sức khỏe của nguyên Tổng Bí thư Đỗ Mười.

Thế nhưng, điều mà mọi người không muốn đến đã đến. 22 giờ 30 phút ngày 1/10/2018, Đại tá Ngô Văn Nghị gọi điện báo cáo Đại tá Phạm Tiến Cương, Phó Tư lệnh phụ trách Bộ Tư lệnh Cảnh vệ. Anh nghẹn ngào: “Anh Cương ơi! Bác Mười ra đi rồi!”. Nghe tin Bác mất, mọi người lòng như thắt lại.

Nguyên Tổng Bí thư Đỗ Mười

Lực lượng Cảnh vệ vinh dự được bảo vệ đồng chí Đỗ Mười từ tháng 3/1955 khi đồng chí được bầu bổ sung làm Ủy viên dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương Đảng. Trong suốt 63 năm qua, các sỹ quan bảo vệ đã được đồng chí dạy dỗ, chỉ bảo và để lại rất nhiều kỉ niệm sâu sắc.

Thượng tá Chu Bá Bổ - nguyên sỹ quan bảo vệ tiếp cận đồng chí Đỗ Mười kể lại: “Tháng 9 năm 1969, ngày đó tôi vừa tròn 20 tuổi, được lãnh đạo Cục Cảnh vệ (nay là Bộ Tư lệnh Cảnh vệ) giao nhiệm vụ bảo vệ đồng chí Đỗ Mười, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ kiêm Chủ nhiệm Ủy ban Kiến thiết cơ bản Nhà nước, Trưởng phái đoàn Thanh tra Chính phủ. Hơn 20 năm được sống và làm việc với bác Đỗ Mười, tôi đã được bác kể lại rất nhiều câu chuyện rất xúc động.

Năm 1941, bác Đỗ Mười bị thực dân Pháp bắt, kết án 10 năm tù, giam ở nhà tù Hà Đông và nhà tù Hỏa Lò, Hà Nội. Chúng tra tấn bác rất dã man, bắt bác cởi hết quần áo nằm trên dây thép gai và dùng giày đạp vào bụng, vào người để buộc khai ra những người trong tổ chức hoạt động cách mạng. Nhưng không thể khuất phục được ý chí cách mạng của bác. Đến giờ những vết sẹo vẫn còn chằng chịt trên lưng.

Tháng 8/1945, Nhật đảo chính Pháp. Trước khí thế của cách mạng, thời cơ giành chính quyền đã đến, bác và các đồng chí của mình đã tìm cách vượt ngục để tham gia giành chính quyền. Bác là người thứ mười trong nhóm vượt ngục. Sau này Chủ tịch Hồ Chí Minh đặt tên bác là “Mười”.

Bác Đỗ Mười là người có lối sống giản dị, trong sáng, không tơ hào vật chất cho cá nhân. Trong suốt thời gian được bảo vệ và sống gần bác, tôi thấy bác chỉ có hai bộ com-lê dùng để tiếp khách. Bác bảo: “Quần áo nhiều làm gì, mặc có hết đâu, nhiều vừa treo đầy tủ, vừa khổ anh em phục vụ”. Bác rất giản dị, thường mặc áo kaki may kiểu Tôn Trung Sơn.

Đặc biệt, bác không mặc áo sơ mi trắng vì áo trắng rất nhanh bẩn, giặt lại tốn xà phòng, vì lẽ đó bác chỉ mặc áo sơmi màu. Có lần, tôi thấy áo sơmi của Bác đã sờn và chớm rách cổ, thương Thủ trưởng tôi cố tình xé thêm và đề nghị bác thay áo mới. Không ngờ, bác nghiêm nghị bảo: “Áo này vẫn còn mặc tốt, chú cho người lộn cổ áo để tôi dùng”.

Lực lượng Cảnh vệ bảo vệ Tổng Bí thư Đỗ Mười và Chủ tịch Hội Đồng Bộ trưởng Võ Văn Kiệt thăm trụ sở của Việt Nam Thanh niên cách mạng Đồng chí hội tại Quảng Châu - Trung Quốc (tháng 11-1991)

Bác ăn uống rất thanh đạm, trong khẩu phần ăn được cấp theo tiêu chuẩn, bao giờ bác cũng chỉ ăn một phần, phần còn lại bảo cấp dưỡng mang cho các đồng chí phục vụ và bảo vệ. Bác thường căn dặn mọi người: “Mình ăn để sống, chứ không sống để ăn. Sống làm sao khi ra đi để lại tiếng thơm cho đời”.

Mỗi lần đi công tác ở địa phương, bác thường dặn chiến sĩ cảnh vệ: “Các chú liên hệ với địa phương nói tôi bị bệnh đường ruột, phải ăn theo chế độ riêng, để họ không tổ chức ăn uống đón tiếp”. Trước mỗi chuyến đi, bao giờ cấp dưỡng cũng chuẩn bị sẵn cho bác cặp lồng ba ngăn. Bác bảo: “Mình chẳng bệnh tật gì đâu, nói thế để địa phương họ không tổ chức ăn uống linh đình, tốn kém của nhân dân. Mình ăn theo tiêu chuẩn như thế này là đủ rồi”.

Bác là người liêm khiết, không màng đến lợi ích cho bản thân. Đầu năm 1970, trong lần xuống thăm trại gà ở Đồ Sơn (Hải Phòng), lúc về lãnh đạo trại có đưa cho tôi đôi gà để biếu bác. Tôi sơ suất không báo cáo bác. Trên đường về tới gần địa phận Hải Dương, thấy tiếng động sau cốp xe, Bác hỏi: “Chú Bổ! Có tiếng gì trong xe mình vậy?”. Tôi kể lại chuyện địa phương biếu bác đôi gà, Bác nghiêm khắc phê bình: “Sao chú tùy tiện nhận gà mà không báo cáo tôi. Bây giờ tôi và bác sỹ ở lại, chú và lái xe mang xuống trả lại người ta”.

Sau khi miền Nam hoàn toàn giải phóng, thống nhất đất nước, Đảng ta chủ trương cải tạo tư sản ở miền Nam. Năm 1976, Bác được Trung ương giao nhiệm vụ trực tiếp chỉ đạo công tác cải tạo tư sản. Lúc này có một số người chống đối, rải truyền đơn ra giá cho ai sát hại được bác Đỗ Mười.

Tình hình rất căng thẳng và nguy hiểm, tôi phải chuẩn bị rất nhiều phương án, và dự kiến các tình huống có thể xảy ra để chủ động xử lý, nhưng cũng rất lo lắng khi bảo vệ bác đến các cơ sở, địa phương để chỉ đạo công việc.

Trong lần đến thăm kho lưu giữ tang vật thu được, trong đó có rất nhiều vàng, bạc, đá quý, bác đi kiểm tra công tác kiểm kê và yêu cầu cán bộ phải hết sức nghiêm túc, không được cất giấu làm của riêng vì đây là tài sản của quốc gia trong giai đoạn đất nước còn rất khó khăn.

Bác Đỗ Mười là người sâu sát, gần gũi với công nhân và có tình thương bao la đối với nhân dân. Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, bác được Trung ương giao phụ trách, chỉ đạo công tác bốc dỡ hàng hóa viện trợ của các nước XHCN anh em và bạn bè quốc tế cho nước ta. Để chỉ đạo công tác này, bác thường đột xuất bất kể ngày đêm xuống hiện trường để kiểm tra.

Bảo vệ Tổng Bí thư Đỗ Mười trả lời phỏng vấn báo chí sau khi kết thúc Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VII năm 1991 (Thượng tá Chu Bá Bổ là người mặc áo sơ mi trắng đứng sau Tổng Bí thư)

Đồng chí Chu Bá Bổ nhớ lại: “Có lần để tìm hiểu đời sống công nhân, Bác đột xuất đi kiểm tra công tác bốc dỡ hàng hóa tại cảng từ 2 giờ sáng, không báo cho lãnh đạo cảng, chỉ có tôi đi cùng. Vào nơi ăn giữa ca của công nhân, thấy bát phở vừa ít vừa lèo tèo mấy sợi bánh, bác cho gọi lãnh đạo cảng đến và chỉ đạo: “Anh chị em công nhân ăn như thế này không đảm bảo sức khỏe để làm việc. Từ mai đồng chí phải cho làm đầy đặn hơn, tôi sẽ quay lại kiểm tra”. Ngày hôm sau bác kiểm tra và rất hài lòng. Từ đó, công nhân ở cảng Hải Phòng gọi vui là “Phở ông Mười”.

Năm 1971, một số tỉnh ở đồng bằng Bắc Bộ bị lũ lụt dâng cao. Thị xã Hải Dương chìm trong biển nước, nhiều khu dân cư bị cô lập. Bác không ngại nguy hiểm, gian khổ trực tiếp xuống thăm và chỉ đạo chống lụt. Bác lúc đi trực thăng; khi đi ca nô, thuyền bè trong dòng nước chảy siết đến các địa điểm, trao lương khô cho bà con bị cô lập.

Trước tình hình mưa lũ, Trung ương quyết định phân lũ tại khu vực đập Phùng (Quốc Oai, Hà Tây). Để thực hiện việc phân lũ, nhân dân một số nơi phải sơ tán số lượng lớn. Buổi sáng trước đêm phân lũ, Bác Đỗ Mười đi khảo sát và phát hiện một người không biết vì lý do gì bị mắc kẹt trên cây cổ thụ. Bác gọi Bộ Tư lệnh Phòng không, điều một chiếc trực thăng đến cứu người đó.

Bác Đỗ Mười là người rất nghiêm túc trong công việc. Trong những năm chống Mỹ cứu nước, để đảm bảo cung cấp nhiên liệu cho chiến trường miền Nam, bác được phân công chỉ đạo công tác xây lắp đường ống dẫn dầu từ miền Bắc vào chiến trường miền Nam.

Đồng chí Chu Bá Bổ kể lại: “Tôi bảo vệ bác ròng rã hơn bốn tháng trời. Chúng tôi đi ô tô, ngày nghỉ đêm đi. Đi đến đâu kiểm tra, chỉ đạo đến đó. Thức ăn chủ yếu là lương khô. Nhưng nguy hiểm nhất là khi đoàn đi qua tỉnh Quảng Bình, địch bắn phá ác liệt, chúng dùng máy bay trinh sát, bắn tên lửa khi phát hiện được mục tiêu.

Chúng tôi rất lo lắng nhưng bác vẫn bình tĩnh động viên chúng tôi: “Các chú lo gì! Đạn nó sẽ tránh mình”. Lời động viên cũng như thái độ bình tĩnh của bác đã tiếp thêm sức mạnh cho chúng tôi hoàn thành xuất sắc chuyến công tác đã đề ra”.

Năm 1973, đồng chí Đỗ Mười - ngày ấy là Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Bộ Xây dựng, được Trung ương giao nhiệm vụ chỉ đạo xây dựng công trình Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh. Đối với bác, đó là vinh dự nhưng đồng thời cũng là trọng trách rất lớn lao. Đồng chí thường xuyên có mặt tại công trường bất kể mưa gió, sớm khuya nhằm đôn đốc, chỉ đạo anh em kỹ sư, công nhân làm việc.

Có những đêm bác đi bộ khắp khu vực Quảng trường Ba Đình để kiểm tra chất lượng vật liệu và thái độ làm việc của công nhân. Có lần bận không đi kiểm tra được, đồng chí Đỗ Mười cho gọi các chiến sỹ cảnh vệ và giao nhiệm vụ: “Hôm nay tôi bận, các chú đi kiểm tra từng phòng làm việc và các buồng nghỉ của công nhân xem ai ra ngoài mà quên tắt điện. Phải hết sức tiết kiệm!”.

Đại tá Lê Đình Thanh, sỹ quan bảo vệ tiếp cận Tổng Bí thư Đỗ Mười luôn theo sát Thủ trưởng như hình với bóng, kể lại: “Bác Đỗ Mười là người lãnh đạo cấp cao của Đảng và Nhà nước, có tác phong nhanh nhẹn và xông xáo. Chúng tôi phải thường xuyên rèn luyện sức khỏe mới theo kịp bác. Trong công tác chỉ đạo, bác luôn hướng về cơ sở để kiểm tra, đôn đốc, nắm bắt, thấu hiểu tâm tư, nguyện vọng của nhân dân”.

Bác Đỗ Mười là người rất ham đọc sách. Sau mỗi lần từ cơ quan hay đi công tác về nhà, có thời gian là bác lại đọc báo, nghiên cứu sách, tài liệu.

Bác thường nói với các chiến sỹ cảnh vệ: “Mọi người ngủ vừa thôi, ngủ từ 5 đến 6 tiếng là đủ. Ngủ nhiều mộng mị đầu óc. Các chú nên dành thời gian đọc sách, đọc báo để trau dồi kiến thức, cập nhật thông tin”.

Trung tá Đặng Tiến Đức, hiện công tác tại Phòng Tham mưu, Bộ Tư lệnh cảnh vệ, vinh dự được trực tiếp canh gác tại nơi ở thường xuyên của Tổng Bí thư Đỗ Mười, kể lại: “Tháng 7/1995, tôi được chỉ huy Trung đoàn 600, Bộ Tư lệnh cảnh vệ phân công thực hiện nhiệm vụ canh gác tại nhà riêng bác Đỗ Mười tại 11 Phạm Đình Hổ, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội.

Ngày đầu đến nhận nhiệm vụ, tôi rất phấn khởi. Là một người ở vùng quê đi thoát ly công tác, may mắn được về một đơn vị có bề dày truyền thống bảo vệ khu Trung ương Chính phủ và nhà riêng các đồng chí lãnh đạo cấp cao, nay lại được phân công bảo vệ nhà riêng của Tổng Bí thư - người lãnh đạo cao nhất của Đảng ta; nhưng cũng rất lo lắng làm thế nào để hoàn thành nhiệm vụ bảo vệ tuyệt đối an toàn của Thủ trưởng.

Ngày đầu đến nhận nhiệm vụ cũng đúng vào ngày giỗ bác gái (phu nhân của đồng chí Đỗ Mười), bác Đỗ Mười cho gọi tất cả các chiến sỹ cảnh vệ và phục vụ đến dùng cơm. Trong bữa ăn, chúng tôi được bác gắp thức ăn cho mọi người và nói chuyện rất thân mật, hỏi thăm hoàn cảnh của từng người, còn bác chỉ ăn chủ yếu là rau và vừng đen, ăn rất ít thịt cá. Không khí thật ấm áp và gần gũi, không còn khoảng cách của một người lãnh đạo cấp cao với những chiến sĩ cận vệ, mà như người cha lâu ngày mới về thăm gia đình...

Nay bác Đỗ Mười đã ra đi, nhưng những kỷ niệm sâu sắc, những lời dạy bảo, sự quan tâm rất đỗi thân tình của bác sẽ mãi mãi ghi dấu sâu đậm trong lòng lực lượng Cảnh vệ!

Bình luận (0)

Lên đầu trang