Nguyên Tổng Bí thư Đỗ Mười và “giấc mơ” công nghiệp hóa

Thứ Sáu, 05/10/2018 10:12

|

(CAO) Gần nửa thế kỷ phục vụ Tổng bí thư Đỗ Mười, ông Phan Trọng Kính - trợ lý Tổng bí thư - am hiểu tường tận phong cách, nhớ như in từ từng thói quen của người thủ trưởng.

Ông Kính nói, dấu ấn đậm nhất để lại trong ông là hình ảnh một vị lãnh đạo luôn say sưa với công việc, không mảy may nghĩ đến lợi ích cá nhân.

SINH RA ĐỂ LÀM VIỆC

“Ông là người làm việc hết sức mình, không mảy may nghĩ đến cá nhân. Ông dậy từ 4 giờ sáng để đọc sách đến 6 giờ, rồi tập thể dục, ăn uống qua loa, rồi lên cơ quan làm việc” - ông Kính mở đầu câu chuyện.

Đến cơ quan, việc đầu tiên là cố Tổng bí thư yêu cầu cấp dưới báo cáo công việc hàng ngày, hôm nay, ngày mai, và công việc trong tuần, đi đâu, về đâu, làm gì.

Nguyên Tổng Bí thư Đỗ Mười với trợ lý - ông Phan Trọng Kính

Ông thường làm việc từ 7 giờ sáng đến 12 giờ trưa, hôm nào cũng thế. Ông cũng hiếm khi nghỉ trưa, thường ăn xong thì ngồi ghế divan nghe đài cassette, nghe tin tức trong nước, ngoài nước, xong lại làm việc, hoặc đi công trường, nhà máy đến 6 - 7 giờ tối mới về. Hôm nào có cuộc họp thì ở đến mãi tận đêm. “Có lúc, đồng chí Phạm Văn Đồng thấy vậy, lo ông mất sức nên đã bảo với chúng tôi phải giữ gìn sức khỏe cho bác, không bố trí cho bác ấy làm việc như thế. Nhưng tính ông không bao giờ rời công việc được...” - ông Kính nhớ lại.

Cố Tổng bí thư là con người sinh ra để làm việc, nên chỉ có làm việc và làm việc, học tập và học tập. Ông vào Đảng tháng 2-1939, đã qua hai lần tù đày. Trong nhà tù, ông vẫn học và lúc nào cũng có một quyển sách mang theo.

Đến tháng 3-1945, ông tổ chức chui cống, vượt ngục ra khỏi nhà tù, về Hà Đông bắt liên lạc với đồng chí Nguyễn Văn Tân là xứ ủy Bắc Kỳ bấy giờ. Đồng chí Nguyễn Văn Tân phân công cho ông Đỗ Mười tham gia, lãnh đạo cuộc khởi nghĩa, cướp chính quyền tại Hà Đông.

Ông Phan Trọng Kính với nguyên Tổng Bí thư Đỗ Mười

Từ 1945 trở đi, Đảng, Nhà nước mới giao cho ông Đỗ Mười nhiều cương vị, đầu tiên là Bí thư các tỉnh Hà Nam, Ninh Bình, Nam Định, Thái Bình. Rồi ông làm Chủ tịch Ủy ban Kháng chiến, hành chính Liên khu 3, rồi Chính ủy, Tư lệnh Quân khu 3; rồi Chủ tịch Ủy ban Kháng chiến, hành chính tỉnh Nam Định, Chủ tịch Ủy ban Kháng chiến, quân quản TP.Hải Phòng (1955).

Hòa bình lập lại, ông tiếp tục được Đảng phân công phụ trách nhiều vị trí, từ Bộ trưởng Xây dựng, Vật tư, Nội thương, Ủy ban Vật giá, đến trưởng phái đoàn Thanh tra Chính phủ, Ủy ban Kiến thiết cơ bản nhà nước... Giai đoạn này ông làm được nhiều việc, phụ trách xây dựng các nhà máy thủy điện Sông Hinh, Thạch Nham, Trị An, Hòa Bình.

Tiếp đó, ông làm Phó thủ tướng phụ trách các Bộ Xây dựng, Công nghiệp, Vật tư. Nói chung, với công việc nào ông cũng tận tụy, hoàn thành xuất sắc, chẳng hạn như chống chiến tranh phá hoại, giải tỏa cảng Hải Phòng, chi viện cho miền Nam, chống thiên tai, bão lụt. Thời kỳ khó khăn về lương thực, thực phẩm, ông lại lo đi chạy gạo, chạy tiền.

Khi làm Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng, ông Mười đã giải quyết rất nhanh tình trạng lạm phát phi mã năm 1988 - 1989. “Phải nói, giải quyết lạm phát là thành tích của ông Đỗ Mười” - người trợ lý khẳng định.

“GIẤC MƠ” CÔNG NGHIỆP HÓA

Nói về công nghiệp hóa đất nước, ông Kính cho biết, đây là một trăn trở của ông Đỗ Mười trong nhiều năm, từ khi còn đương chức cho đến cả lúc nghỉ hưu. Ông Kính kể: “Làm việc với các bộ, ngành, gặp ai đồng chí cũng nói phải công nghiệp hóa, một nước mà không công nghiệp hóa thì không trở nên giàu mạnh được”.

Ông Phan Trọng Kính kể về những ngày được làm việc bên cạnh nguyên Tổng Bí thư Đỗ Mười

“Kể từ sau khi hòa bình lập lại, nền kinh tế trì trệ, chưa có một nền công nghiệp hóa tầm cỡ, cơ khí hóa tầm cỡ nên hàng năm chúng ta phải nhập vật tư, nguyên liệu, máy móc nước ngoài hàng chục tỷ USD. Giá như Việt Nam có nền công nghiệp sớm thì những cái đó không phải mua nữa” - cố Tổng bí thư từng day dứt như vậy. Vì thế, trong giai đoạn ông từ khi làm Phó thủ tướng đến Tổng bí thư, ông chăm lo cho công nghiệp hóa rất nhiều, chăm lo xây dựng các nhà máy nhiệt điện, thủy điện, từ Nam (Sông Hinh, Trị An, Thạch Nham) đến Bắc (Sông Đà), rồi xây dựng đường dây 500 KV để tải điện từ Bắc vào Nam. Theo ông Kính, cố Tổng bí thư Đỗ Mười và cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt là hai người cùng nhau điện khí hóa, công nghiệp hóa đất nước.

Cố Tổng bí thư Đỗ Mười quan niệm, phải thực hiện thành công công cuộc công nghiệp hóa thì chúng ta sánh vai được với các cường quốc 5 châu. Cho nên ông luôn nhắc nhở các cơ quan, nhất là Ủy ban Kế hoạch Nhà nước về chiến lược công nghiệp hóa cho người sang Nhật Bản để nhờ bạn giúp cho xây dựng chiến lược, chính sách về công nghiệp hóa.

Không chỉ vậy, thời kỳ trong Hội đồng tương trợ kinh tế (SEV), ông đã chỉ đạo ông Nguyễn Mạnh Cầm làm thế nào để Hội đồng này giúp ta nhiều dự án lớn về công nghiệp hóa như xây dựng nhà máy bia Phổ Yên, nhà máy giấy Bãi Bằng, nhà máy cơ khí Cẩm Phả...

Những ngày cuối cùng, khi tiễn biệt, cố Tổng bí thư vẫn còn:

“Trang sách dở để bàn

Nét chì gạch đậm như nhắc nhở

Công nghiệp ngày mai sẽ

ra sao?”

“Cuộc đời của ông lúc nào cũng lo công nghiệp. Công nghiệp của chúng ta đã có rồi, nhưng công nghiệp hiện đại, sản xuất được các tư liệu sản xuất hiện đại thì chúng ta chưa làm được. Trăn trở ấy theo ông cho đến cả khi nhắm mắt xuôi tay” - ông Kính xúc động.

Lãnh đạo các nước chia buồn về việc nguyên Tổng bí thư Đỗ Mười từ trần

Nhận được tin nguyên Tổng bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam Đỗ Mười từ trần, lãnh đạo các nước Trung Quốc, Lào, Campuchia đã gửi điện chia buồn.

Tổng bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình: “Tôi sửng sốt khi biết tin đồng chí Đỗ Mười, nguyên Tổng bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam qua đời. Thay mặt Đảng Cộng sản Trung Quốc, Chính phủ Trung Quốc, nhân dân Trung Quốc và với danh nghĩa cá nhân, tôi xin bày tỏ đến đồng chí và qua đồng chí gửi đến Đảng Cộng sản Việt Nam, Chính phủ Việt Nam, nhân dân Việt Nam lòng tiếc thương vô hạn trước sự ra đi của đồng chí Đỗ Mười, xin gửi lời chia buồn sâu sắc đến gia đình đồng chí Đỗ Mười”.

Lãnh đạo Lào gửi điện bày tỏ: “Chúng tôi đánh giá cao thành tích và sự đóng góp to lớn của đồng chí Đỗ Mười trong sự nghiệp đấu tranh giành độc lập dân tộc của nhân dân Việt Nam trước đây cũng như sự nghiệp bảo vệ, xây dựng và phát triển đất nước của Việt Nam trong suốt hơn 80 năm hoạt động cách mạng của mình. Việc đồng chí Đỗ Mười từ trần khiến cho Đảng, Nhà nước và nhân dân Lào cũng mất đi một người bạn thân thiết và gần gũi”.

Ban Chấp hành Trung ương Đảng Nhân dân Campuchia đã gửi điện tới Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng nêu rõ: “Ban Chấp hành Trung ương Đảng Nhân dân Campuchia xin gửi tới Đảng, Chính phủ, nhân dân Việt Nam anh em và gia quyến Ngài Đỗ Mười lời chia buồn sâu sắc nhất và xin cầu nguyện cho vong linh của Ngài Đỗ Mười được yên nghỉ nơi cõi vĩnh hằng”.

Bình luận (0)

Lên đầu trang