Bác Sáu Khải trong lòng cán bộ và nhân dân

Thứ Bảy, 17/03/2018 14:17

|

(CAO) Sáng nay (17-3), thông tin từ Ban Bảo vệ, chăm sóc sức khoẻ cán bộ Trung ương cho biết, nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải đã từ trần vào hồi 1h30’ sáng cùng ngày tại quê nhà huyện Củ Chi, TP.HCM. Ông hưởng thọ 85 tuổi.

Nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải, sinh ngày 25/12/1933 tại xã Tân Thông Hội, huyện Củ Chi, TP.HCM. Ông tham gia phong trào cách mạng từ rất sớm và vào Đảng năm 26 tuổi. Là một trong những nhà lãnh đạo cấp cao của Đảng và Nhà nước ở chặng đường đầu của công cuộc Đổi mới - Phát triển đất nước. Ông là người tích cực và quyết tâm xây dựng thể chế theo tinh thần đổi mới, phát huy khả năng của mọi thành phần kinh tế, đặc biệt là kinh tế tư nhân, đi đôi với mở cửa, hội nhập quốc tế.

Trong gần hai nhiệm kỳ làm Thủ tướng, ông đã lèo lái nền kinh tế của đất nước vượt qua nhiều khó khăn, vững bước đi lên theo hướng hội nhập và phát triển; trong đó việc ban hành Luật Doanh nghiệp đồng thời bãi bỏ hàng trăm loại "giấy phép mẹ", "giấy phép con" và đưa Việt Nam gia nhập WTO là những thành tựu to lớn mà nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải và các cộng sự đã làm được.

Ngoài ra, về đối ngoại, dấu ấn nổi bật của ông là việc thúc đẩy quan hệ Việt Nam - Mỹ với chuyến công du đến Mỹ vào giữa năm 2005. Ông là lãnh đạo cấp cao đầu tiên của Việt Nam thăm chính thức Mỹ kể từ sau năm 1975. Chuyến thăm đánh dấu 10 năm bình thường hóa quan hệ giữa hai nước, mở ra giai đoạn phát triển mới giữa hai quốc gia trên mọi lĩnh vực.

 Thủ tướng Phan Văn Khải hội kiến Tổng thống George W. Bush tại Nhà Trắng trong chuyến thăm lịch sử đến Hoa Kỳ vào năm 2005.

Tưởng nhớ những công lao mà nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải đã xây dựng cho đất nước – một nhà lãnh đạo mẫn cán, nhiệt huyết trong công việc, có lối sống giản dị, đầy ắp nhân hậu - Báo Công an TP.HCM đã ghi nhận những ý kiến nhận xét của các cán bộ, chiến sỹ và người dân đã từng tiếp xúc, gặp gỡ hoặc biết về ông.

Trung tá Nguyễn Văn Hải – nguyên Đội trưởng Đội CSGT Tuần tra – Dẫn đoàn, Phòng CSGT Đường bộ - Đường sắt (PC67) Công an TPHCM:

Nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải là một người rất gần gũi với các chiến sỹ dẫn đoàn. Từng đưa dẫn, bảo vệ rất nhiều chuyến công tác của bác Sáu Khải, tôi cảm nhận được sự nhiệt huyết trong công việc và trái tim nhân hậu, đầy ắp tình nghĩa của ông trong cách ứng xử với anh em.

Trung tá Nguyễn Văn Hải

Bất cứ chuyến công tác nào được lính dẫn đoàn đưa dẫn, bảo vệ, ông cũng đều quan tâm đến anh em trong đội. Vào các buổi trưa, khi họp bàn xong công việc, ông đều ra gặp gỡ CBCS trong tổ công tác để hỏi thăm về sức khoẻ trong ngày và muốn biết anh em từ sáng giờ đã ăn uống đầy đủ chưa. Có lần, đang dẫn đoàn Thủ tướng thì trời bất chợt đổ cơn mưa nặng hạt. Bác Khải ở trong xe nhìn ra xót anh em trong đội nên đề nghị dừng xe để lính mặc áo mưa rồi mới đi tiếp. Tuy nhiên, vì nhiệm vụ đặc thù nên tôi trực tiếp báo cáo Thủ tướng qua bộ đàm là anh em sẽ vẫn giữ vững đội hình và di chuyển để đảm bảo thời gian, an toàn. Và thế là đoàn xe đi tiếp…

Thời ông còn đương nhiệm, mỗi năm, Đội CSGT Tuần tra – Dẫn đoàn đều được nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải tặng hoa, chúc mừng. Chỉ với ngần ấy những sự quan tâm đó, nguyên Thủ tướng đã làm những người lính dẫn đoàn như chúng tôi rất ấm lòng, hạnh phúc. Có thể nói, ông là một con người của nhân dân; có lối sống rất giản dị, hoà đồng, không nề hà trong những mối quan hệ ngoài công việc.

Anh Bùi Lô, làm việc tại Ban Quản lý Khu chế xuất TPHCM, nhà ở xã Tân Thông Hội, huyện Củ Chi – cách nhà nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải 200 mét:

Bác Sáu Khải là người luôn lắng nghe mọi ý kiến và vô cùng bình dị. Nguyên Thủ tướng rất thẳng thắn, không ngại nhận lỗi và xin lỗi trước nhân dân. Đó là việc mà không phải vị lãnh đạo nào cũng có thể làm được.

Nhà tôi các nhà bác Khải chỉ có 200 mét. Không riêng gì tôi mà người dân ở đây ai cũng quý mến gia đình bác. Bà con gần bên có gì bác Sáu Khải đều quan tâm, thăm nom, giúp đỡ. Trong cuộc sống đời thường, bác sống rất giản dị. Nụ cười luôn nở trên môi, đó là điều thường trực mà những người dân ở xã Tân Thông Hội được thấy ở bác Khải. Cách sống này khiến những người dân như tôi rất nể phục và kính trọng. Sự ra đi của nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải là một mất mát lớn. Nhân dân cả nước nói chung và đất Củ Chi nói riêng mất đi một vị lãnh đạo thấu hiểu, gần dân.

Anh Bùi Lô

Nhà báo Văn Tấn Quýnh – Đài truyền Hình Việt Nam:

Tôi nghĩ nền kinh tế Việt Nam đi lên như ngày hôm nay nhờ một phần công sức to lớn của nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải. Thủ tướng là người chỉ đạo, đi đầu để ra Luật Doanh nghiệp năm 1999. Luật này đã tạo ra môi trường kinh doanh thuận lợi cho tầng lớp doanh nhân, người dân, giải phóng sự ì ạch trong thủ tục, huy động các nguồn lực trong và ngoài nước vào phát triển kinh tế. Đó là một trong những quyết sách đi đầu, góp phần cho sự phát triển kinh tế của nước nhà.

Nhà báo Văn Tấn Quýnh

Xin kính cẩn nghiêng mình trước một vị Thủ tướng hết lòng vì nước vì dân; người đã đặt nền móng cho việc hội nhập và phát triển kinh tế sâu rộng, cởi bỏ nhiều thủ tục rườm rà. Từ lời phát biểu cuối cùng của nguyên Thủ tướng trước Quốc hội là “Tôi hết sức day dứt trước tệ quan liêu, lãng phí, tham nhũng, tiêu cực, đục khoét của công”, những vụ án tham nhũng nghiêm trọng đã phát hiện, xử lý nghiêm minh trong thời gian gần đây. Điều đó cho thấy những trăn trở của ông Phan Văn Khải đã được những người kế nhiệm giải quyết.

Củ Chi là vùng đất thép thành đồng của cách mạng Việt Nam, nơi có rất nhiều người con ưu tú trong phong trào yêu nước. Và hôm nay, người Củ Chi vĩnh biệt một vị nguyên Thủ tướng vì nhân dân - một người con anh hùng của “Đất thép thành đồng”!

Thiếu tá Phạm Quốc Tuấn – Phó đội trưởng Đội Cảnh sát hình sự Công an Q.Tân Phú:

Là một chiến sỹ cảnh sát hình sự và là người con của quê hương Củ Chi, tôi luôn ý thức về truyền thống mà các thế hệ đi trước đã dựng xây, làm nên một vùng đất anh hùng. Quê tôi tự hào có bác Phan Văn Khải, nguyên Thủ tướng Chính phủ, là người góp phần rất lớn vào sự phát triển của nền kinh tế đất nước.

Trước khi bác mất, người dân ở xã Tân Thông Hội (Củ Chi) hằng ngày luôn nhìn thấy hình ảnh của bác rất giản dị, gần gũi, sống chan hoà với xóm làng. Khó ai có thể tin bác Phan Văn Khải là một lãnh đạo cao cấp khi nhìn thấy cuộc sống đời thường của bác. Ngày trước, học sinh nhà nghèo ở quê tôi đi học luôn nhận được sự giúp đỡ về vật chất và tinh thần của bác Khải. Chúng tôi trìu mến đặt cho bác một cái tên rất thân thương là bác Sáu. Giờ, từ sự hỗ trợ của bác Sáu, nhiều học sinh trong số ấy đã thành công, có đóng góp ít nhiều cho xã hội, cho đất nước. Từ phong cách sống và tấm gương đạo đức đó, tôi luôn ghi nhớ và cố gắng noi theo để trở thành một người chiến sỹ cách mạng vì đất nước, vì nhân dân.

Ông Phạm Hiếu Nghĩa, Phó ban Pháp chế HĐND TPHCM:

Nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải ra đi là một mất mát rất lớn của người dân TP.HCM nói riêng cũng như cả nước nói chung. Thủ tướng là người được đào tạo cơ bản từ nước ngoài, trong thời kỳ đầu đất nước đổi mới, mở cửa với cương vị người đứng đầu chính quyền thành phố ông đề nhiều chính sách quan trọng để thành phố cùng cả nước phát triển hội nhập.

Trên cương vị Thủ tướng cũng có nhiều dấu ấn trong điều hành để đất nước ổn định và phát triển kinh tế. Người dân luôn ghi nhớ công lao to lớn của Thủ tướng như lớp đàn anh đi trước luôn tận tụy, mẫu mực, tâm huyết với sự phát triển đất nước, dân tộc.

Ông Phạm Hiếu Nghĩa

PGS.TS, đại tá Trần Ngọc Đức, Trường Đại học Cảnh sát nhân dân TPHCM:

Nói đến Thủ tướng Phan Văn Khải là phải đến một nhà lãnh đạo luôn đi tìm tòi, đặt nền móng cho thể chế kinh tế mới để thúc đẩy đất nước phát triển. Có thể nói, hai dấu ấn mà Thủ tướng để lại đó là Luật Doanh nghiệp ra đời xóa bỏ những rào cản quyền tự do kinh doanh của người dân, mở đường cho khu vực kinh tư nhân có chổ đứng trong nền kinh tế. Chính điều đó, ngày nay Nhà nước coi kinh tế tư nhân là động lực phát triển đất nước. Ngoài ra, thời kỳ này Chính phủ cắt bỏ hàng loạt “giấy phép con” làm kìm hãm sự phát triển kinh tế…

PGS.TS, đại tá Trần Ngọc Đức

Mở rộng hợp tác đầu tư quốc tế, ông là Nguyên thủ đầu tiên của Nhà nước XHCN Việt Nam sang thăm Hoa Kỳ, trao thông điệp thúc đẩy hoạt động thương mại song phương Việt Nam-Hoa Kỳ. Từ đây có nhiều tập đoàn lớn của Hoa kỳ vào Việt Nam đầu tư như Intel...tạo niềm tin cho các nhà đầu tư nước ngoài với môi trường đầu tư trong nước.

Ngoài ra, ông cũng đau đáu, day dứt trước sự trước tệ quan liêu, tham nhũng, đục khoét tài sản công đã làm trì trệ sự phát triển của đất nước. Nguyên nhân công tác cán bộ chưa được làm tốt, cơ chế kiểm soát quyền lực còn lỏng lẻo. Đó là điều cần quyết tâm, kiên trì, làm mạnh mẽ hơn nữa để bộ máy trong sạch, vững mạnh.

Bác Sáu Thủ tướng của học sinh nghèo

“9 năm đảm nhiệm vai trò đứng đầu Chính phủ, Thủ tướng Phan Văn Khải đã có nhiều đóng góp quan trọng cho sự phát triển của đất nước, góp phần nâng cao vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế. Điều đó ai cũng thừa nhận. Riêng mình, tôi còn ngưỡng mộ Thủ tướng ở một khía cạnh khác, dù nhỏ thôi nhưng rất ấn tượng, đó là việc quan tâm tới người nghèo.

Mặc dù bận rộn với trăm công nghìn việc của quốc gia, song Thủ tướng luôn dành tình cảm của mình đối với người nghèo. Mỗi lần về các vùng quê, Thủ tướng đều dành thời gian đến thăm bà con lao động nghèo và nhắc nhở địa phương phải quan tâm giúp đỡ họ thoát khỏi cảnh nghèo khó, vươn lên; chính quyền địa phương phải hỗ trợ vốn, hướng dẫn bà con nên làm việc gì, trồng cây gì, nuôi con gì cho hiệu quả. Với chiếc áo sơ mi bình dị, Thủ tướng đã đến với bà con như người bạn thân thiết, mỗi lần về tiếp xúc cử tri tại TPHCM, đã tạo sự gần gũi giữa vị lãnh đạo cấp cao với nhân dân lao động. Hình ảnh ấy đã làm rung động bao người.

Có lẽ với tôi, ấn tượng nhất là tình cảm Thủ tướng dành cho sinh viên – học sinh (SV-HS) nghèo vượt khó. Các bạn SV-HS ở Củ Chi quê tôi gọi Thủ tướng Phan Văn Khải với danh xưng thật trìu mến: “Bác Sáu Thủ tướng của HS nghèo”. Sỡ dĩ như thế vì bác Sáu luôn dành sự quan tâm đặc biệt đối với các bạn trẻ nghèo khó ở đây.

Bài báo đăng trên Báo Giáo dục, số ra ngày 6-7-2016

Sau chiến tranh, vùng căn cứ cách mạng Củ Chi còn nghèo khó bởi chiến tích của bom đạn, chiến tranh; hàng ngàn bạn trẻ không có điều kiện đến trường phải mong chờ vào sự tiếp sức của xã hội. Năm nào cũng vậy, bác Sáu dành cho SV-HS vùng quê nghèo khó này những suất học bổng (tuy không nhiều về giá trị vật chất nhưng nặng về giá trị tinh thần, chứa đựng tình cảm sâu nặng) và bác Sáu trực tiếp đến trao tặng và dặn dò.

Tôi nhớ như in hình ảnh bác Sáu trong chiếc áo sơ mi trắng giản dị đến với SV-HS trong buổi lễ trao học bổng cho SV-HS vượt khó học giỏi ngày 25-12-1998. Trang nghiêm mà gần gũi, bác Sáu căn dặn các bạn trẻ đến nhận học bổng Văn phòng Chính phủ rằng: “Đất nước ta con nghèo, đời sống còn nhiều khó khăn. Muốn thoát khỏi nghèo nàn lạc hậu và giảm bớt khó khăn, không còn cách nào khác là mỗi cháu phải ra sức học tập và làm việc. Học giỏi chưa đủ mà phải có lí tưởng, có đạo đức, phải là người con hiếu thảo, người công dân tốt. Các cháu phải làm sao cho xứng đáng là con em của quê hương Củ Chi “đất thép thành đồng”!”.

Lời dạy ấy của bác Sáu khiến 395 SV-HS được nhận học bổng hôm ấy càng suy nghĩ nhiều hơn, học tập và lao động cho xứng đáng với sự kì vọng của bác Sáu. Có lẽ, nhừng lời động viên, nhắc nhở ấy đã trở thành động lực phấn đấy vượt qua khó khăn của nhiều học sinh.

Bốn năm sau, khi tốt nghiệp đại học, tôi trở về quê công tác, đại diện cho các bạn trẻ vươn lên từ phần học bổng và lời dặn dò ngày nào của bác Sáu ở Củ Chi, tôi phát biểu với Thủ tướng trong buổi lễ trao học bổng thường niên. Tôi thực sự bất ngờ khi các chi tiết đầy tâm huyết mà tôi viết trên một tờ báo được Thủ tướng nêu lại đầy đủ trong buổi họp mặt. Thật không ngờ bận rộn với công việc nhưng bác Sáu vẫn luôn dõi theo từng bước đi của những SV-HS nghèo như chúng tôi, đến một bài báo mà Thủ tướng cũng quan tâm và nhớ rõ.

Hôm ấy, chúng tôi còn được bác Sáu tiết lộ một điều khá thú vị là: Bản thân Thủ tướng thời thơ ấu cũng nghèo khó, để đến với thành công phải trải qua tuổi thơ cơ cực. Có lẽ từ hoàn cảnh ấy mà bác Sáu có sự cảm thông, chia sẻ với người nghèo nói chung và SV-HS nghèo nói riêng. Bác Sáu còn dạy rằng những người thành công lớn hầu hết xuất thân từ nghèo khó, nhưng trước khi làm chức vụ gì các cháu phải là một con người đúng nghĩa.

Hôm nay, nhân bác Sáu xin từ nhiệm trước thời hạn, thông qua Báo Giáo Dục TPHCM, đôi dòng này kính gởi đến bác Sáu thay lời cảm ơn. Đồng thời cũng mong muốn rằng các nhà lãnh đạo nước ta hãy làm theo cách của bác Sáu, hãy quan tâm nhiều hơn nữa đến những mảnh đời nghèo khó nhất là SV-HS nghèo, hãy tạo cho họ cơ hội vươn lên và chắp cho họ đôi cánh để bay vào ước mơ”.

Trích bài báo do một học sinh thuộc Ban chấp hành Đoàn Trường THPT Quang Trung (huyện Củ Chi), viết trên Báo Giáo dục số ra ngày 6-7-2016.

Bình luận (0)

Lên đầu trang