Báo chí, dư luận đã chỉ rõ trách nhiệm của những người đặt bút ký bừa tuyển dụng họ. Đến nay, nhiều giáo viên đã đứng ra tố cáo: Để được đi dạy, họ đã phải chung chi nhiều lần từ hàng chục đến hàng trăm triệu đồng. Cuối cùng phải chấp nhận tình cảnh bị “đem con bỏ chợ”.
Hiệu trưởng nhận tiền “chạy việc” nhưng ghi “vay mượn”?
Ngày 15-3, Thiếu tướng Trần Kỳ Rơi, Giám đốc Công an tỉnh Đắk Lắk cho biết, đã giao Phòng An ninh Chính trị nội bộ Công an tỉnh chủ trì, phố hợp Công an huyện Krông Pắk tiến hành xác minh, làm rõ đơn tố cáo của một số giáo viên tố cáo việc “chung chi” tiền cho một số hiệu trưởng, cán bộ để được đi dạy.
Liên quan đến vụ việc, được biết, một số cán bộ của Trung ương cũng về huyện Krông Pắk để tìm hiểu thông tin liên quan đến việc ồ ạt ký hợp đồng dạy học khiến huyện này dư 578 giáo viên.
Công an huyện Ea Kar xác nhận, ông Nguyễn Văn Minh (trú xã Ea K’Mút, huyện Ea Kar, Đắk Lắk) đã gửi đơn đến cơ quan công an, Phòng GD- ĐT huyện Krông Pắk tố cáo ông B., hiệu trưởng một trường tại xã Vụ Bổn, huyện Krông Pắk về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Các giáo viên tỏ ra thất vọng vì bị cắt hợp đồng
Theo tố cáo của ông Minh, năm 2016, ông đã gặp ông B. để xin cho con gái đi dạy. Ông B. hứa cho con ông Minh một suất biên chế, nhưng phải chi 140 triệu đồng. Ông Minh đã đưa ông cho ông B. nhiều lần tổng cộng 120 triệu đồng. Ông Minh khẳng định số tiền 120 triệu đồng là tiền chạy việc nhưng trong giấy biên nhận của ông B. ghi vay nợ.
Con gái ông Minh sau đó được nhận vào dạy hợp đồng với mức lương khoảng 1 triệu đồng/tháng. Do con không được vào biên chế như lời hứa, ông Minh nhiều lần tìm ông B. để đòi lại tiền nhưng không được. Ông Minh sau đó làm đơn tố cáo vị hiệu trưởng này.
Tuy nhiên, theo Công an huyện Ea Kar, ông Minh chỉ có một số giấy vay tiền, giấy nhận nợ, khất nợ chứ không có giấy tờ nhận tiền chạy việc nên công an huyện hướng dẫn ông Minh khởi kiện ra tòa để đòi tiền.
Một số giáo viên trường tiểu học H.M ở huyện Krông Pắk tố cáo với báo chí, năm 2015, họ phải chung chi 80 đến 100 triệu đồng để được vào dạy hợp đồng. Từ giữa năm 2017, hiệu trưởng mới nhận thêm người về trường, trong khi họ hết hợp đồng 1 năm nên được “nhắc nhở” phải nghỉ dạy. Từ đó đến nay, họ theo đòi tiền nhưng chưa được trả lại.
Nhiều giáo viên cho biết, ngoài việc đưa tiền để “chạy” biên chế tốn trên 100 triệu đồng, thì mỗi lần ký hợp đồng ngắn hạn, còn phải “tốn” cho hiệu trưởng từ 5 triệu đến 10 triệu đồng. Trong khi suốt nhiều năm qua, lương của hầu hết các GVHĐ chỉ được 1 triệu đồng/tháng. Chúng tôi cố bám trụ chờ được giải quyết như người nhận tiền đã hứa. Không chỉ mất tiền, mất việc, nhiều giáo viên hợp đồng còn có đơn tố bị nhà trường cắt xén lương. Số tiền lương trả cho GVHĐ vốn đã ít ỏi còn bị ăn chặn và nay đang đứng trước nguy cơ mất việc.
Một giáo viên toán Trường THCS Ngô Mây (xã Vụ Bổn) giữ chặt trên tay 2 bảng lương khóc nghẹn ngào. Cô nói vừa được đồng nghiệp cho photo lại và sẽ giữ để làm bằng chứng đối chiếu khi cần. Theo danh sách các giáo viên cung cấp, tại Trường THCS Ngô Mây có tổng cộng 7 giáo viên bị chi trả lương sai so với số tiền hiệu trưởng ký thực nhận từ kho bạc.
Trong 5 tháng (từ tháng 8 đến tháng 12- 2017), tổng số tiền của 7 giáo viên này nhận tại trường là 17 triệu đồng, còn ở kho bạc là gần 70 triệu đồng, chênh lệch 53 triệu đồng. Các giáo viên đều xa nhà 15, 20km, lương mỗi người chỉ trên 2 triệu đồng/tháng, dù lương ít nhưng nhiều năm qua tôi vẫn bám lớp. Nghe tin bị chấm dứt hợp đồng, tôi đã đau khổ, giờ lại biết mình bị lừa, bớt xén công sức càng thêm thất vọng” – cô Nguyễn Thị Thanh Diệu (giáo viên Trường THCS Ngô Mây) nghẹn ngào.
Trong khi đó, tại Trường THCS Ngô Mây, Hiệu trưởng là ông Huỳnh Bê đang nghỉ ốm nên nhà trường và Công đoàn nói không nắm rõ mọi việc, phải chờ hiệu trưởng.
Sai chồng sai, chủ tịch huyện chỉ bị kỷ luật cảnh cáo
Liên quan đến nhiệm kỳ lãnh đạo của ông Nguyễn Sỹ Kỷ, năm 2013, Thanh tra Nhà nước tỉnh Đắk Lắk đã tiến hành thanh tra về việc chấp hành Luật Ngân sách nhà nước và thực hiện chính sách pháp luật trong quản lý đầu tư xây dựng cơ bản tại huyện Krông Pắk, sau đó đã có thông báo kết luận số 60, xác định ông Kỷ có sai phạm trong việc tuyển dụng cán bộ, giáo viên, nhân viên và bổ nhiệm dư cán bộ quản lý trường học ở huyện này.
Cơ quan thanh tra sau đó kiến nghị chủ tịch UBND huyện Krông Pắk chấm dứt hợp đồng đối với toàn bộ giáo viên vượt chỉ tiêu biên chế được giao; chỉ đạo các trường chấm dứt toàn bộ các trường hợp giáo viên đã ký hợp đồng ngắn hạn.
Tuy nhiên, ông Kỷ không thực hiện theo kết luận thanh tra mà vẫn tiếp tục ký thêm nhiều hợp đồng với các giáo viên.
Theo lãnh đạo Huyện ủy Krông Pắk, khi có thông báo kết luận thanh tra, bên UBND huyện đã “giấu nhẹm”, không báo cho Ban thường vụ Huyện ủy biết để kiểm tra, chỉ đạo xử lý.
Trụ sở UBND huyện Krông Pak
Năm 2015, khi chưa hết nhiệm kỳ, ông Kỷ bất ngờ được rút về làm Phó Ban Nội chính Tỉnh ủy Đắk Lắk, sau đó bị kỷ luật… cảnh cáo. Ngày 1-1-2018, ông Kỷ đã nhận quyết định nghỉ hưu.
Ông Y Suôn Byă được cho là ký tuyển dụng ồ ạt trên dưới 200 giáo viên hợp đồng. Hiện Ban Thường vụ Tỉnh ủy đang thực hiện quy trình họp xét từ Chi bộ cơ sở, tập thể cùng bàn bạc, có ý kiến để xem xét hình thức kỷ luật.
(CAO) Tại cuộc họp khẩn vào sáng 11-3-2018, lãnh đạo tỉnh Đắk Lắk đã chỉ đạo UBND huyện Krông Pắk tạm dừng việc chấm dứt hợp đồng lao động với hàng trăm giáo viên hợp đồng (GVHĐ) tại địa phương này. Thông tin hơn 500 GVHĐ bị mất việc đang gây xôn xao dư luận những ngày qua.