Đắk Lắk:

Hơn 500 giáo viên "mất việc": Chủ tịch huyện 'ký bừa' không thể vô can

Thứ Hai, 12/03/2018 09:32

|

(CAO) Tại cuộc họp khẩn vào sáng 11-3-2018, lãnh đạo tỉnh Đắk Lắk đã chỉ đạo UBND huyện Krông Pắk tạm dừng việc chấm dứt hợp đồng lao động với hàng trăm giáo viên hợp đồng (GVHĐ) tại địa phương này. Thông tin hơn 500 GVHĐ bị mất việc đang gây xôn xao dư luận những ngày qua.

“Lãnh đạo UBND tỉnh và Ban thường vụ Huyện ủy Krông Pắk thống nhất chủ trương trên, chờ làm rõ các sai phạm đối với ông Y Suôn Byă - Chủ tịch UBND huyện Krông Pắk. Sau khi có kết luận sai phạm, sẽ xem xét, xử lý kỷ luật theo các mức độ. Quan điểm của chúng tôi là xử lý nghiêm sai phạm” - ông Phan Xuân Lĩnh - Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra (UBKT) Tỉnh ủy Đắk Lắk cho biết.

Liên quan đến sai phạm trong quản lý, sử dụng viên chức và hợp đồng lao động tại huyện Krông Pắk, trước đó, tháng 1-2017, UBKT Tỉnh ủy Đắk Lắk đã ra quyết định thi hành kỷ luật cảnh cáo đối với ông Nguyễn Sỹ Kỷ (nguyên Chủ tịch UBND huyện nhiệm kỳ 2011 - 2016, hiện là Phó ban Nội chính Tỉnh ủy Đắk Lắk).

Ông Kỷ sau khi ở vị trí công tác mới, “nổi tiếng” với việc xây biệt thự hoành tráng trái phép trên đất nông nghiệp ở TP.Buôn Ma Thuột – Đắk Lắk. Ông Kỷ từng trả lời báo chí rằng, tài sản ông có được do một thời tuổi trẻ, ngày làm việc nhà nước, đi học thêm, tối về chạy xe ôm... (!?).

Tuyển dụng dưa thừa hơn 500 giáo viên hợp đồng và 28 phó hiệu trưởng

Những ngày qua, thông tin về việc 200 giáo viên ở huyện Krông Pắk, tỉnh Đắk Lắk bị thông báo mất việc giữa chừng vì không có chế độ chi trả, dư thừa vị trí đứng lớp, buộc họ phải rời ghế nhà trường đi tìm công việc khác mưu sinh; hơn 300 GV khác nguy cơ có “số phận” tương tự, khiến không chỉ những người trong cuộc mà thân nhân, gia đình họ, toàn xã hội bất bình, phẫn nộ, gây tâm lý bất ổn với ngành giáo dục vốn đã nhiều “vấn đề”.

Chính 2 đời chủ tịch huyện Krông Pắk là các ông Nguyễn Sỹ Kỷ và ông Y Suôn Byă (đương kim chủ tịch huyện) phải có trách nhiệm vì họ là những người đã "nhắm mắt ký bừa", tuyển dụng hơn 600 GVHĐ dôi dư và bị dư luận lên án từ năm 2017. 

Giữa tháng 4-2017, từ những tố cáo, tâm sự, bất bình của các giáo viên và người dân huyện Krông Pắk về thông tin “động trời”: một huyện tuyển dụng dư thừa tới trên 500GV, hàng loạt cơ quan báo, đài vào cuộc, có các loạt bài phản ánh, gây xôn xao dư luận xã hội. Sở Nội vụ tỉnh Đắk Lắk thừa nhận “đau đầu”, chưa có phương án gì về việc giải quyết hậu quả tuyển dụng gần 600 GVHĐ dư thừa xảy ra ở huyện Krông Pắk.

Hàng trăm giáo viên có nguy cơ mất việc vì tuyển vượt nhu cầu trong tỉnh - Ảnh: Minh Quý

Cụ thể, số công chức viên chức bị cho là tuyển dụng dư thừa này gồm hơn 500 GVHĐ, 28 phó hiệu trưởng, hơn 80 nhân viên trường học, từ bậc mầm non, Tiểu học, THCS. Họ được chủ tịch huyện, hiệu trưởng nhà trường tuyển dụng vào “chen chân” với đồng nghiệp.

Có những bộ môn trường đã đủ GV, nhưng nay do tăng thêm số GVHĐ, số GV cũ dạy trong trường phải nhường tiết dạy cho người mới để có cơ sở trả “lương”. Vào cuộc điều tra, báo chí phát hiện, có những trường san lớp học ra cho số GV tuyển dụng dư thừa này có vị trí đứng lớp nên có những lớp học chỉ có... 5 em.

Lãnh đạo nhà trường và giáo viên than trời vì không có nguồn kinh phí trả lương cho số GV mới này.

Báo chí và lãnh đạo Huyện ủy Krông Pắk phát hiện và nêu đích danh chính ông Nguyễn Sỹ Kỷ, khi đương chức Chủ tịch UBND huyện Krông Pắk đã trực tiếp tuyển dụng và chịu trách nhiệm với hơn 500 GVHĐ dư thừa.

Nhiều hiệu trưởng tỏ ra bất lực: “Trường đã đủ, thậm chí đã dư GV đứng lớp hết rồi, nhưng trên cứ “nhét” về, buộc nhà trường tuyển dụng, xếp lớp, chúng tôi không thể từ chối, buộc phải san các lớp học thành 2-3 ca vì không đủ phòng học, thật khổ cho nhà trường và các học sinh, GV”.

Bất bình hơn, từ tháng 5-2017, hàng loạt báo chí thông tin, nhiều cuộc họp của địa phương từ cấp huyện, tỉnh triển khai tìm biện pháp tháo gỡ, các ngành chức năng của tỉnh Đắk Lắk đã vào cuộc kiểm tra và kết luận sai phạm của UBND huyện Krông Pắk trong việc tuyển dụng dẫn đến dư thừa gần 600 giáo viên, viên chức, ông Nguyễn Sỹ Kỷ đã bị UBKT Tỉnh ủy Đắk Lắk ra quyết định cảnh cáo về mặt Đảng, do không thực hiện theo tinh thần kết luận của Thanh tra tỉnh về tuyển dụng dôi dư giáo viên, vậy nhưng từ đó đến tháng 8-2017, ông Y Suôn Byă – chủ tịch mới của huyện này vẫn tuyển dụng thêm hàng chục GVHĐ, dẫn đến con số tuyển dụng dư thừa của ông Y Suôn Byă là hơn 100 trường hợp.

Thời điểm đó, ông Y Suôn Byă cử vợ là bà H’Yer Knul Phó phòng GD-ĐT, phụ trách phòng, em trai vợ là Phó trưởng phòng Nội vụ huyện.

Ngoài ra, còn ông Trần Đức Lanh - nguyên phó chủ tịch UBND, trưởng Phòng nội vụ huyện Krông Pắk (hiện đã chuyển công tác) thừa nhận ông có tham mưu ký một số quyết định tuyển dụng giáo viên dạy hợp đồng tại huyện này nhằm “phục vụ nhu cầu giảng dạy tại địa phương”. Nhiều ý kiến cho rằng, các hợp đồng ký tuyển dụng này không hề vô tư.

Đề nghị Thanh tra nhà nước và các cơ quan chức năng vào cuộc để có cơ sở làm rõ động cơ tuyển dụng lao động hợp đồng vô tội vạ kiểu này, xử lý trách nhiệm những người liên quan, đảm bảo công bằng xã hội.

Loay hoay nhưng không khả thi

Về giải pháp xử lý số giáo viên, lãnh đạo trường học tuyển dụng, bổ nhiệm dư thừa, UBND huyện Krông Pắk từng có đề án trình lên cấp trên, xin không tuyển mới giáo viên, bổ nhiệm lãnh đạo trường trong hai năm. Thay vào đó, sẽ “đôn” cấp phó ở các trường học lên làm lãnh đạo khi có người về hưu; luân chuyển từ trường thừa sang trường thiếu, tổ chức thi tuyển biên chế từ nguồn tuyển dụng dư thừa.

Theo đề án, đến cuối năm 2019 sẽ cơ bản giải quyết được nguồn dư thừa này. Tuy nhiên, ngày 9-3-2018, UBND huyện này lại tổ chức họp thông báo chấm dứt hợp đồng trước mắt với 200 GV khiến họ bất ngờ, bức xúc.

Bà Ngô Thị Minh Trinh - Phó chủ tịch UBND huyện Krông Pắk - cho biết khoảng 600 giáo viên hợp đồng được chia làm hai loại là giáo viên không có vị trí để xét tuyển. Trường hợp 200 giáo viên chấm dứt hợp đồng thuộc các đối tượng không có trong vị trí xét tuyển sắp tới.

Số 300 giáo viên còn lại là những đối tượng có trong vị trí xét tuyển… Trong tháng 3, khi huyện tổ chức kỳ thi biên chế, xét tuyển 83 người, 300 giáo viên sẽ thi nếu không đậu huyện sẽ chấm dứt hợp đồng.

Hàng trăm giáo viên bất bình trước việc họ bị chấm dứt hợp đồng - Ảnh: Minh Quý

Trước việc này, ngày 11-3-2018, ông Vũ Minh Đức – Chủ tịch Công đoàn Giáo dục Việt Nam cho biết sẽ có tiếng nói kiên quyết để bảo vệ người lao động trong vụ việc hơn 500 giáo viên hợp đồng ở huyện Krông Pắk. Theo đó, sẽ sớm có công văn gửi UBND tỉnh, đề nghị tỉnh cung cấp thông tin về việc tuyển dụng, căn cứ để sa thải các giáo viên nói trên; đồng thời, yêu cầu đảm bảo quyền lợi chính đáng và hợp pháp cho người lao động.

Tuy nhiên, thực tế rất khó giải quyết, bố trí công việc đúng chuyên môn, chuyên ngành cho số lao động này, bởi hiện nay Chính phủ đang thực hiện đề án tinh giản biên chế, giảm bộ máy cồng kềnh trong các tổ chức, cơ quan, đơn vị nhà nước. Người trong biên chế còn có nguy cơ mất việc nếu là “người thừa”.

Việc này được nhân dân đồng tình, ủng hộ. Nếu họ khởi kiện và thắng kiện những người tuyển dụng, lại có chuyện dùng ngân sách địa phương để đền bù thiệt hại?. Ngân sách nhà nước đã từng bị chi trả lãng phí vào hậu quả của việc ký bừa, tuyển dụng sai trái của những cán bộ lạm chức, lạm quyền này. Họ cần phải bị điều tra và xử lý thích đáng.

Được biết, từ tháng 6-2017 đến nay, UBND huyện Krông Pắk, lãnh đạo UBND tỉnh Đắk Lắk đã nhiều lần trả lời đại diện các cơ quan báo chí tại các kỳ họp giao ban báo chí hàng tháng hay phóng viên tìm phỏng vấn về hướng giải quyết vụ việc, nhưng đều được đại diện lãnh đạo UBND huyện Krông Pắk, lãnh đạo cơ quan chức năng trả lời: “Đang kiểm tra làm rõ, sẽ có giải pháp...”.

Tháng 8-2017, phóng viên Báo Công an TP.HCM tìm về trụ sở UBND huyện Krông Pắk, gặp ông Phan Xuân Lĩnh - Chủ nhiệm UBKT Tỉnh ủy Đắk Lắk đang làm Trưởng đoàn kiểm tra tại đây, ông Lĩnh cũng trả lời chung chung: “Chúng tôi vẫn đang tiếp tục kiểm tra làm rõ... Khi có kết quả cụ thể sẽ thông tin cho báo chí...”.

Dư luận mong chờ một hướng giải quyết thỏa đáng, nghiêm minh với vụ việc nghiêm trọng này.

Ông Hoàng Đức Minh – Cục trưởng Cục nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục (Bộ GD-ĐT) cho hay: Việc tuyển dụng giáo viên là phân quyền của các địa phương, điều này được quy định rất rõ trong Nghị định số số 115/2010/NĐ-CP. Với sự việc này, việc tuyển dụng hay chấm dứt hợp đồng thuộc quyền của UBND huyện Krông Pắk.​

Bình luận (0)

Lên đầu trang