Gạc Ma - không bao giờ lãng quên!

Thứ Ba, 13/03/2018 15:15

|

(CAO) Nhân dịp kỷ niệm 30 năm Ngày trận chiến bảo vệ Gạc Ma, bảo vệ chủ quyền biển đảo Trường Sa (14/3/1988 - 14/3/2018), PGS.TS Hà Minh Hồng, Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn  - Đại học Quốc gia TP.HCM có bài viết. Báo Công an TP.HCM xin trân trọng giới thiệu bài viết của PGS.TS Hà Minh Hồng.

Gạc Ma ngày 14 tháng Ba

Không thể nhìn nhận đó là một trận hải chiến, bởi Gạc Ma ngày 14-3-1988 chỉ là việc Trung Quốc đem lực lượng hải quân hiện đại đánh chiếm một thực thể đá ở quần đảo Trường Sa vốn thuộc chủ quyền Việt Nam.

Chính Wikipedia Bách khoa toàn thư mở đã cho mọi người so sánh lực lượng 3 tàu khu trục của hải quân Trung Quốc (loại từ 1.400 – 1.925 tấn, mỗi tàu trang bị 3-4 pháo 100mm và 2-8 pháo 37mm), có cả hai hộ vệ hạm trang bị pháo 100mm hỗ trợ; với 3 tàu vận tải của Việt Nam toàn loại 500 tấn và không vũ trang.

Cách thức hành động là tàu Trung Quốc đứng từ xa nã đạn pháo vào tàu Việt Nam để hỗ trợ cho binh lính Trung Quốc dùng xuồng đổ quân lên chiếm Gạc Ma – nơi có một tổ cắm cờ 5 người cùng 20 chiến sĩ công binh Việt Nam đang làm nhiệm vụ xây dựng trên bãi đá.

Đoàn cán bộ, nhân dân TP.HCM tổ chức lễ tưởng niệm trên biển các chiến sĩ hi sinh tại Gạc Ma và Trường Sa trong một chuyến công tác ở Trường Sa. Ảnh: T.Minh

Cái gọi là “trận đánh” chẳng qua chỉ là sự điên cuồng nhả đạn đủ loại trọng liên 12,7mm, pháo 37mm, pháo 76,2mm, pháo 100mm, rocket 12 nòng của hải quân Trung Quốc, bắn vào tàu HQ-604 và binh lính Việt Nam trên đá Gạc Ma – họ gần như tay không bảo vệ lá cờ đỏ sao vàng.

Ngày 14-3 năm ấy ở Gạc Ma vì thế có thể gọi là trận giữ cờ của các chiến sĩ công binh Hải quân nhân dân Việt Nam. Có 64 cán bộ chiến sĩ hy sinh trong cuộc giằng co, giành giật điểm cắm cờ bảo vệ chủ quyền của đất nước giữa nơi tiên tổ đã định danh Bãi cát vàng từ nhiều thế kỷ trước. Một trận giữ cờ và chống chọi với kẻ cưỡng chiếm giữa đại dương mênh mông của những người mang dòng máu và ý chí “Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh”; thể hiện qua lời nói và hành động của Trung úy Trần Văn Phương cùng đồng đội “Thà hy sinh chứ không chịu mất đảo. Hãy để cho máu của mình tô thắm lá cờ truyền thống Quân chủng Hải quân Việt Nam Anh hùng”.

Mặt khác, với tổn thất to lớn chỉ trong khoảng một giờ của ngày 14-3-1988 ở Gạc Ma, có thể coi đó là cuộc thảm sát của Hải quân một quốc gia lớn có đủ phương tiện và vũ khí hiện đại trong tay, nhằm chiếm đoạt một thực thể địa lý có chủ quyền của nước láng giềng, cướp đoạt cuộc sống của những thần dân đang thực thi chủ quyền trên vùng biển thiêng liêng của đất nước họ.

Tại sao Gạc Ma?

Vẫn nên đặt ra và trả lời câu hỏi có sẵn mẫu câu ấy, bởi vẫn có những người bạn láng giềng bị bưng bít và hiểu sai lệch về cái gọi là “Tự vệ” ở Gạc Ma để che lấp những mưu toan về xâm chiếm toàn bộ Biển Đông làm "ao nhà" của Trung Quốc. Lại có khi tung dư luận về cái gọi là “Đánh trước, đánh sau” để giải thích nguyên cớ Gạc Ma như một sự kiện đơn nhất, hòng che đậy những tính toán kỹ lưỡng về chiến lược độc chiếm Biển Đông.

Trận đánh chiếm trái phép của hải quân Trung Quốc ở Gạc Ma hoàn toàn không phải là để “chiếm đóng các đảo còn bỏ hoang, chứ không tranh chấp các đảo có lực lượng nước ngoài chiếm đóng từ trước”, mà là mở đầu một chiến dịch tấn công quân sự có chủ đích trước mắt và lâu dài, có nghiên cứu, tính toán và chuẩn bị đầy đủ về thời gian, địa điểm, nhằm chiếm một số vị trí ở Trường Sa để thực hiện chiếm giữ mắt xích quan trọng trong chiến lược thôn tính Biển Đông.

Trước Gạc Ma, từ cuối năm 1987 đầu 1988 Hải quân nhân dân Việt Nam phải đương đầu với các lực lượng tranh chiếm chủ quyền ở quần đảo Trường Sa; trong đó có lực lượng lớn hải quân Trung Quốc (từ 9 lên 12 tàu khu trục tên lửa, tàu hộ vệ tên lửa, hộ vệ pháo và tàu đổ bộ) liên tục hoạt động, khiêu khích lực lượng chấp pháp bảo vệ quần đảo của Việt Nam và tranh chiếm các bãi đá Chữ Thập, Châu Viên, Ga Ven, Subi, Huy Gơ.

Sau Gạc Ma, trong khi Việt Nam sử dụng lực lượng vận tải và công binh để thực hiện chiến dịch đóng quân bảo vệ chủ quyền (CQ-88), Trung Quốc tiếp tục cho lực lượng lớn hoạt động gây xung đột, tạo cớ đánh chiếm nhiều đảo, đá khác ở Trường Sa. Tại nơi chiếm đóng trái phép ở Gạc Ma, Trung Quốc cho cấp tập xây dựng, tôn tạo trái phép (nhất là từ giữa năm 2013 đến nay), biến thành đảo nhân tạo với nhiều công trình quân sự - dân sự…

Không quên Gạc Ma

Không quên Gạc Ma, cho dù bây giờ nó đang bị bồi lấp trái phép và biến thành căn cứ quân sự, “chiến hạm nổi” trong khu vực để Trung Quốc nắm quyền chi phối, kiểm soát khu vực Biển Đông bằng sức mạnh vũ lực. Cấu trúc Gạc Ma cũng như các cấu trúc bị Trung Quốc chiếm đóng (Chữ Thập, Châu Viên, Huy Gơ, Ga Ven, Xu Bi, Vành Khăn) vẫn là những thực thể đá có san hô, không làm thay đổi được cấu trúc địa lý, địa chất của tự nhiên trong khu vực quần đảo Trường Sa.

Gạc Ma đang bị cải tạo và thay hình đổi dạng theo mưu tính của những tham vọng lãnh thổ của Trung Quốc muốn chiếm giữ yết hầu tuyến hàng hải huyết mạch qua Biển Đông; nhưng luôn nhớ vị trí trọng yếu của nó vẫn đang nằm trong thế cài răng lược với các vị trí đóng quân của Việt Nam trên huyện đảo Trường Sa thuộc chủ quyền Việt Nam.

Lại nghĩ về thế và thời, đã đến lúc không ai có thể tạo ra thế “lưỡng đầu thọ địch” cho Việt Nam một lần nữa; chỉ một tháng sau đã không thể để lặp lại kịch bản Gạc Ma ở Cô Lin hay Len Đao được nữa. Cũng đã đến thời không ai cô lập hay cấm vận Việt Nam một lần nữa; đã hiểu được lợi ích quốc gia không cho phép trông chờ sự trợ giúp nào từ bên ngoài dù có một Hiệp định nào đó còn hiệu lực.

Điều quan trọng là nội lực Việt Nam đã và đang tăng cường sức mạnh kinh tế, thực hiện chính sách quốc phòng tập trung vào bảo vệ đất nước, củng cố và phát triển thế trận lòng dân; tất cả đã - đang và sẽ tạo ra sức mạnh răn đe trong chiến lược bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ chủ quyền biên cương, biển đảo hiện tại cũng như lâu dài.

TP.Hồ Chí Minh, ngày 13-3-2018

Bình luận (0)

Lên đầu trang