Chiến sĩ “Hải chiến Gạc Ma”: Những ký ức vuông tròn, lắm tình nghĩa đong đầy

Thứ Ba, 14/03/2017 08:15  | Xuân Hoài

|

(CAO) Mỗi dịp mùa xuân xanh lá, khi tháng 3 ùa về, những ký ức của chính những chiến sĩ từng tham gia trận “Hải chiến Gạc Ma” cũng như đồng đội, người thân, người dân lại nhớ về những ký ức không thể nào quên.

Cuộc gặp gỡ đặc biệt

Chiều 26-2-2017, người sống sót trong trận “Hải chiến Gạc Ma” duy nhất trong hơn mười thanh niên của Quảng Nam - Đà Nẵng, anh Dương Văn Dũng ra đi ở tuổi 51 sau thời gian dài chống chọi căn bệnh ung thư quái ác…

Anh Phạm Phú Thép (bên trái) cùng đồng đội và người thân thắp hương viếng chiến sĩ Gạc Ma

Cuộc đời anh Dũng cũng lắm thác ghềnh, khi tuổi thanh xuân phơi phới, anh cùng trang lứa thời bấy giờ ước nguyện được mang trên mình màu áo lính Hải quân. Điều đó trở thành sự thật khi anh được tuyển chọn. Được mang màu áo lính Hải quân, anh cũng như gia đình, bạn bè dâng trào cảm xúc, hạnh phúc vì được góp tuổi thanh xuân mình vào việc tham gia xây dựng, bảo vệ biển đảo quê hương…

Anh Dũng cùng đồng đội thuộc Lữ đoàn công binh E83 (đóng tại Đà Nẵng) được cử ra Gạc Ma (thuộc quần đảo Trường Sa) để xây dựng bảo vệ đảo. Thế nhưng, vào ngày 14-3-1988, tàu Trung Quốc đã đổ bộ vào đánh chiếm Gạc Ma cùng một số đảo của chúng ta ở quần đảo Trường Sa.

Các chiến sĩ chúng ta bảo vệ, bám trụ đến hơi thở cuối cùng cùng con tàu của chúng ta bị bắn chìm. 64 chiến sĩ đã hy sinh, 9 người sống sót vẫy vùng giữa biển khơi nhiều giờ liền sau đó được vớt lên, bị đưa về Trung Quốc. Nhờ can thiệp của Chữ thập đỏ quốc tế, sau gần 1 năm trời 9 chiến sĩ trên mới được đưa về nước. Những người thân ở nhà, trong đó có gia đình anh Dũng tưởng đã hy sinh, nhưng sau này mới biết còn sống sót, họ trở về trong sự mừng vui khôn xiết, như điều không tưởng…

Trở về quê hương, anh Dũng lấy vợ, làm thợ hồ, cuộc sống khó khăn cứ vây lấy gia đình. Nhà anh ở khu giải tỏa, đang xây dang dở, nhà cũ chưa dời đi hết thì đứa con trai duy nhất (anh Dũng có 3 con, hai gái 1 trai) bị tai nạn giao thông mất khi vừa học xong lớp 12.

Vài năm sau, khi gia đình anh chưa kịp tĩnh tâm thì tai ương lại ập đến khi biết tin anh Dũng bị ung thư. Sau gần 2 năm chống chọi với căn bệnh quái ác, anh Dũng cũng đành buông xuôi với số phận…

Điều hạnh phúc trong đời, nói như anh trong cuộc gặp gỡ đồng đội ngay tại giường bệnh tại Bệnh viện ung bướu Đà Nẵng vào ngày 19-11-2016, anh nói trong nước mắt trào dâng: “Hạnh phúc nhất của tôi là luôn được đồng đội, mọi người nhớ đến, quan tâm từ vật chất lẫn tinh thần. Đó là giá trị sống quý giá mà dù ở kiếp nào tôi cũng luôn trân trọng, nâng niu…”.

Quả thật, tại buổi gặp gỡ cuối cùng ấy, sau khi nghe nguyện ý của anh, vài ngày sau, một số anh em báo chí, đồng đội, bạn bè đã tổ chức một cuộc gặp đầy cảm xúc nhất trong cuộc đời của anh Dũng cũng như một số đồng đội từ khi trở về sau trận “Hải chiến Gạc Ma”. Cuộc gặp ấy, cũng đã đọng lại nhiều nước mắt nhất của những đồng đội, đồng chí, của mọi người và lưu mãi trong tim nhau…

Ngày vĩnh biệt anh Dũng, đồng đội anh, tuy cuộc sống còn vô vàn khó khăn, một số anh em cũng ở tỉnh thành khác đường sá xa xôi vào viếng, đưa tiễn anh lần cuối.

Ông Nguyễn Văn Tấn, Trưởng Ban liên lạc bộ đội Trường sa giai đoạn 1984-1988, chia sẻ: “Mỗi chiến sĩ từng ra bảo vệ Trường Sa, ai cũng mang trong mình những ký ức hào hùng. Trong đó, những anh em tham gia trận “Hải chiến Gạc Ma” lại là những người anh hùng bất tử nhất. Họ xứng đáng được vinh danh”.

Trở về miền ký ức

Cứ đến ngày 14-3, tại Đà Nẵng, Quảng Nam cũng như các địa phương khác, gia đình thân nhân 64 gia đình các chiến sỹ hy sinh trong trận “Hải chiến Gạc Ma” tổ chức đám giỗ cùng ngày. Trong mắt, trong tâm người thân, cha mẹ, các anh như vẫn là những chàng thanh niên sức vóc khỏe trẻ, tâm hồn trong sáng, vẫn quây quần đâu đây. Và sự việc các anh hy sinh 14-3-1988 như mới trải qua, gần lắm. Cảm xúc, ký ức cứ thế ùa về khiến lòng cha mẹ, người thân nao nao khó tả.

Những người thân, đồng đội của chiến sĩ Gạc Ma tại lễ tri ân ở Nghĩa trang Liệt sĩ Quảng Phúc (Ba Đồn, Quảng Bình)

Ông Lê Văn Xuân năm nay gần 80 tuổi, tuổi đã gần đất xa trời nhưng hình ảnh về đứa con trai Lê Văn Xanh thì không bao giờ phai dẫu đã gần 30 năm trôi qua. Ông Xuân kể, Xanh hát hay, đàn giỏi, kể chuyện hài thì khỏi chê, trong 7 người con thì anh Sanh sáng giá nhất. Trước ngày lên đường ra đảo, những ngày đầu năm 1988, ông Xuân tổ chức một buổi tiệc rượu chia tay, trong đó có 8 anh em Quảng Nam - Đà Nẵng khiến ông Xuân nhớ mãi.

“Thấy mấy đứa trẻ, lại đi xây dựng và bảo vệ đảo Trường Sa xa xôi, để động viên các cháu tôi uống mời mỗi đứa một li. Đến ly thứ tám thì Xanh nói ba mệt rồi, để con “gánh” cho ba. Cả nhà cùng cười xoà. Chúng đi trong tiếng cười rộn rã, với những cái bắt tay nắm chặt. Nào ngờ…”, ông Xuân nghẹn ngào.

Gần 30 năm qua, cứ đến ngày 14-3 hàng năm, trên bàn thờ con mình ông đều bỏ bảy chén rượu (anh Dương Văn Dũng trở về) và mời các anh cùng uống… Năm nay, anh Dũng mới mất, ngày đám giỗ, trang thờ của ông Xuân có đủ 8 chén rượu của anh em đồng đội của anh Xanh ở Quảng Nam - Đà Nẵng…

Anh Xanh mất, gia đình ông Xuân “được” một cô con dâu mà câu chuyện tình của họ được xem là ly kỳ nhất trong số những đồng đội ở trận “Hải chiến Gạc Ma”. Anh Xanh yêu chị L. (quê Duy Xuyên, Quảng Nam), ngày gặp mặt chia tay vào Tết Nguyên đán năm 1988, trước khi anh Xanh lên đường , chị L. gửi gắm: “Anh ra đi làm nhiệm vụ, cố gắng trở về, em đợi”. Nào ngờ lần đi ấy là lần cuối cùng hai người gặp nhau.

Chị L. luôn bỏ ảnh anh Xanh trong phòng ngủ của mình để tưởng nhớ về mối tình ngắn ngủi. Khoảng ba năm sau, chị L. đi lấy chồng. Nào ngờ, trước lúc tổ chức lễ cưới 1 ngày, chồng sắp cưới của chị L. đang làm rạp cưới bị điện giật chết. Chị L. buồn quá, đi tu, luôn thờ anh Xanh và cả chồng sắp cưới. Giờ chị L. trở về quê, sống một mình, thi thoảng vẫn ra nhà ông Xuân ghé thăm gia đình, nhất là những ngày giỗ anh Xanh thì hiếm khi vắng mặt…

Tri ân nhắc nhở muôn đời sau…

Những hoạt động hết sức thiết thực như: thăm các cựu binh Gạc Ma thăm và giao lưu các gia đình đồng đội Gạc Ma ở vùng Bố Trạch, Tuyên Hóa và thị xã Ba Đồn; giao lưu với tuổi trẻ thị xã Ba Đồn ; làm lễ tri ân 64 liệt sỹ Gạc Ma tại phần mộ Anh hùng liệt sỹ Gạc Ma Trần Văn Phương ở nghĩa trang liệt sỹ phường Quảng Phúc; thăm gia đình Mẹ Hồ Thị Đức, mẹ của Anh hùng liệt sỹ Trần Văn Phương… được tổ chức hết sức trang trọng. Nó góp phần nhắc nhở thế hệ trẻ về tinh thần yêu nước, tinh thần bất khuất của người Việt Nam.

Anh Dương Văn Dũng với cuộc gặp gỡ cuối cùng với đồng đội tại giường bệnh vào tháng 11-2016

Bình luận (0)

Lên đầu trang