(CATP) Tư tưởng năng động và bản lĩnh sáng tạo của cách mạng miền Nam, trước hết, đã được quán triệt thể hiện và vận dụng trong lĩnh vực hoạt động về quân sự. Nhờ nắm vững quan điểm "cách mạng là sự nghiệp của quần chúng" và tư tưởng "lấy dân làm gốc", nhờ sự cố công học tập cách đánh giặc vô cùng phong phú của tổ tiên ta, nhờ biết tiếp thu và vận dụng những nguyên lý của chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh về hoạt động quân sự và khởi nghĩa vũ trang, nên chúng ta đã phát triển nghệ thuật chỉ đạo chiến tranh nhân dân trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước lên tới đỉnh cao.
Dưới ngọn cờ của Mặt trận Dân tộc giải phóng, quân dân miền Nam đã sáng tạo ra vô vàn phương pháp và cách đánh giặc sáng tạo, độc đáo. Chúng ta đã phối hợp tiến công địch bằng nhiều hình thức đấu tranh như: hai chân, ba mũi, ba vùng, kết hợp đấu tranh trên cả 3 mặt trận: chính trị, quân sự và ngoại giao, vừa đánh vừa đàm tạo thế mạnh ở chiến trường và không phân tuyến, chia vùng, trói tay địch, hạn chế chúng phản kích. Vừa tiêu diệt địch ở vùng đô thị tại sào huyệt ở Sài Gòn và các thành phố lớn, vừa phát triển đấu tranh giành quyền làm chủ ở nông thôn, quyết liệt giành đất giành dân, phối hợp tiến công địch trên cả các vùng: đô thị, nông thôn và rừng núi. Đánh với kẻ địch mạnh thực hiện chiến thuật đánh nhanh, thắng nhanh. Mặt trận Dân tộc giải phóng luôn luôn xác định chiến lược đánh lâu dài, "đẩy lùi địch từng bước, giành thắng lợi từng phần, tiến lên giành thắng lợi toàn cục".
Sau khi Mặt trận Dân tộc giải phóng ra đời, sau khi các lực lượng vũ trang giải phóng được thống nhất, trên chiến trường đã hình thành thế trận chiến tranh nhân dân trên hầu hết các địa bàn cơ sở ở nông thôn miền Nam. Các xã, ấp chiến đấu với việc xây dựng những hệ thống hầm hào và địa đạo, với việc bố trí các trận địa lựu đạn gài, hầm chông... dày đặc như thiên la địa võng. Khi bà con nông dân bị "xúc", bị "gom tát" dồn vào các ấp chiến lược, ấp tân sinh hay vùng ven đô thị, các trục lộ trở thành cơ sở cho các "căn cứ lòng dân" nhanh chóng hình thành và gieo mầm cho những trận đánh xuất quỷ nhập thần của các đội vũ trang, bán vũ trang, đặc công, biệt động... Qua những bài học kinh nghiệm thực tiễn sống động ở chiến trường Sài Gòn - Gia Định và tại các tỉnh Đồng bằng Sông Cửu Long, chúng ta thấy rõ ngay trong bộ máy kìm kẹp của địch giữa ấp chiến lược, ấp tân sinh cũng có lực lượng bên trong tiếp sức với lực lượng vũ trang bên ngoài của ta tổ chức việc phá lỏng, phá rã, phá banh hệ thống gom dân, giành giật nông thôn trong cái gọi là "quốc sách ấp chiến lược" của Mỹ. Cách thức đánh giặc này chưa xuất hiện trong những tháng năm kháng chiến chống Pháp.
Một đội nữ du kích tại "vành đai diệt Mỹ”
Việc tổ chức các "đội quân tóc dài" làm hạt nhân nòng cốt trong những cuộc đấu tranh chính trị của quần chúng để bịt họng súng đồng, ngăn xích sắt của các đoàn xe thiết giáp Mỹ; việc lập các "đội dân canh chống cướp", việc cấy các "đốm", "lõm chính trị”, xây dựng các "túi bất hợp pháp"; việc phát kiến ra những hình thức đấu tranh chính trị độc đáo như: tản cư ngược, đi chợ nhồi, nhập thôn, nhập thị; việc tổ chức đánh giặc bằng rắn ở Long An, bằng ong vò vẽ và ong lỗ ở khu vực Đồng bằng Sông Cửu Long và trên chiến trường Tây Nguyên; việc sáng chế ra các loại vũ khí thô sơ với muôn hình vạn trạng; việc xây dựng bãi mìn, bãi tử địa, đắp ụ chặn xe thiết giáp, xây cản để ngăn tàu chiến; việc phát động phong trào nhân dân thi đua đánh bại các chiến thuật "trực thăng vận", "thiết xa vận", "hạm đội nhỏ trên sông", việc nhân rộng mô hình "dùng súng trường để bắn máy bay địch" ở huyện Bác Ái, tỉnh Ninh Thuận, việc phát động phong trào "tìm Mỹ mà diệt", việc nhân rộng mô hình thi đua giành danh hiệu "Dũng sĩ diệt Mỹ” trên vùng đất thép Củ Chi và ở Đặc khu rừng Sác Cần Giờ đã làm tỏa sáng 10 bài học tổng kết kinh nghiệm vô cùng quý giá trên chiến trường T4 (Sài Gòn - Gia Định) về khả năng đánh Mỹ và thắng Mỹ đã được phổ biến nhanh chóng khắp miền Nam. Trong phong trào thực hiện phương châm "bám thắt lưng địch mà đánh" đã làm xuất hiện các "vành đai diệt Mỹ” - một hình thức đánh địch mới, sáng tạo. Trên khắp các chiến trường miền Nam, hễ nơi nào có căn cứ quân sự Mỹ thì nơi đó có "vành đai diệt Mỹ”. Đây là những cách thức đánh giặc thiên biến vạn hóa.
Về chính sách binh vận 10 điểm của Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam đề ra đã được tổ chức thực hiện rất năng động. Hội Phụ nữ Giải phóng và các ngành binh vận đã ra sức xây dựng các "tổ binh vận thường trực" và những "tổ binh vận cơ động", đã vận dụng những hình thức binh vận đa dạng như: Dùng nội tuyến diệt ác ôn, dùng lực lượng gia đình kêu gọi binh lính đầu hàng... Tại các đồn bót địch, ta đều có bố trí tổ vị trí, tổ binh vận vũ trang, lực lượng binh vận thường trực, bao vây tuyên truyền, phát động gia đình binh sĩ và binh sĩ. Trên cơ sở có phong trào quần chúng vận động binh sĩ tốt, ta bắt mối quan hệ xây dựng nhiều cơ sở trong lòng địch tạo thành mũi xung kích đánh địch, không có vũ khí mà thành công lớn.
Chúng ta đều biết, tại các tỉnh miền Tây Nam Bộ trong thời kỳ Đồng khởi, hình thức nổi dậy phổ biến là quần chúng vũ trang vũ khí thô sơ kết hợp với nội tuyến chiếm trụ sở tề, lấy đồn, bao vây bức rút, bức hàng đồn bót. Ở thành phố Sài Gòn - Gia Định trong năm 1974 đã có 17 vạn binh lính trong quân đội Sài Gòn đào, rã ngũ. Đó là những đóng góp rất quan trọng của công tác binh, địch vận trong thời điểm chiến tranh.
Về vấn đề xây dựng căn cứ địa cách mạng, có thể nói một trong những sự cống hiến quý báu nhất trên chiến trường miền Nam vào kho tàng lý luận chiến tranh nhân dân của nước ta trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, cứu nước là sự sáng tạo của quần chúng để xây dựng ra những "căn cứ lõm" rất phong phú về nội dung, da dạng về sắc thái, với nhiều tên gọi đậm chất dân gian như: "căn cứ vệ tinh", "căn cứ lõm", "căn cứ lòng dân", "lõm địa hình", "lõm căn cứ an toàn"...
Điểm độc đáo là, càng đi sâu vào nội đô thành phố Sài Gòn, càng đi gần đến nơi trung tâm hang ổ các cơ quan lãnh đạo đầu não bọn Mỹ - ngụy thì hoạt động của "căn cứ lõm" càng thể hiện nổi bật sức mạnh của tư tưởng yêu nước, của chủ nghĩa anh hùng cách mạng và của thế trận lòng dân. Rực sáng lên trong số đó, là các "căn cứ lõm" anh hùng ở khu vực Ngã tư Bảy Hiền và tại vùng Bàn Cờ, là các "căn cứ lòng dân" của Ban Hoa vận, của lực lượng Thành đoàn, của Ban Tuyên huấn T4, của Cụm tình báo H.13...
Đồng bào miền Nam nổi dậy phá "ấp chiến lược". Ảnh tư liệu
Một trong những điểm sáng tạo nổi bật trong hoạt động của Mặt trận Dân tộc giải phóng là đã thực sự làm nhiệm vụ của một chính phủ để quản lý các cơ quan chính quyền cách mạng với hệ thống từ xã ấp, buôn làng lên huyện, tỉnh và trung ương, đã kiểm soát nhiều vùng nông thôn và rừng núi rộng lớn với hơn ba phần tư đất đai miền Nam với 10 triệu đồng bào đã được giải phóng. Nó song song tồn tại với bộ máy nhà nước của ngụy quyền Sài Gòn, tạo ra "hiện tượng da beo", "hiện tượng xôi đậu", "hiện tượng hai chính quyền song song tồn tại" trên chiến trường miền Nam. Bạn đọc khắp năm châu hơn 50 năm trước dây đã từng hiểu rõ về hoạt động của các cơ quan chính quyền tự quản dưới sự lãnh đạo của Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam, qua những thiên phóng sự rực lửa chiến trường của nhà báo Úc W.Burchett và các nữ ký giả M.Riffaud (Pháp), Monica Warnenska (Ba Lan), Marta Rojas (Cuba)...
(CATP) Sau khi Hiệp định Genève 7/1954 ký kết chưa ráo mực, Ngô Đình Diệm được Mỹ hậu thuẫn, âm mưu phế truất Bảo Đại, hất cẳng thực dân Pháp, rước đế quốc Mỹ vào miền Nam, trắng trợn phá hoại Hiệp định Genève.
TRẦN HỮU PHƯỚC (nguyên Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo xây dựng Khu di tích lịch sử cách mạng miền Nam - cơ quan tư vấn của Thủ tướng Chính phủ)