Theo đó, từ học kỳ II năm học 2014 - 2015, 18 trường Tiểu học và Trung học cơ sở với khoảng 600 học sinh thuộc các quận 1, 2, 5 sẽ triển khai sẽ triển khai chương trình tích hợp ở hai lớp đầu cấp (lớp 1 và lớp 6) theo nhu cầu và sự đăng ký của phụ huynh.
Chương trình được biên soạn tích hợp giữa chương trình quốc gia Anh và chương trình chuẩn của Bộ Giáo dục - Đào tạo cho ba môn toán, tiếng Anh và khoa học (lý, hóa, sinh) với mức học phí 3 – 3,5 triệu đồng/học sinh/tháng, thời lượng triển khai 8 tiết/ tuần.
Giáo viên bản ngữ được tập huấn về phương pháp giảng dạy tích hợp nội dung và ngôn ngữ trực tiếp giảng dạy những môn này. Học sinh tham gia chương trình tích hợp tiếng Anh được tiếp cận chương trình tiên tiến nhưng giảm tải về nội dung.
Với phương pháp học tích hợp, học sinh được làm bài thi theo tiêu chuẩn đầu ra và lấy chứng chỉ quốc tế của hội đồng khảo thí uy tín của Anh là Edexcel, hoặc có thể tham dự các kỳ thi TOEFL, IELTS, TOEIC…
Dự kiến, năm học 2015 - 2016, thành phố Hồ Chí Minh sẽ có hơn 50 trường triển khai chương trình dạy tích hợp này, bao gồm 34 trường tiểu học và 22 trường trung học cơ sở thuộc các quận 1, 2, 3, 4, 5, 7, Phú Nhuận, Bình Thạnh, Tân Bình tham gia.
Nghe - nói - đọc - viết: các kỹ năng được giáo viên bản ngữ chú trọng
Các quận huyện còn lại sẽ có ít nhất một trường tiểu học và một trường Trung học cơ sở tham gia vào chương trình tiếng Anh tích hợp. Đồng thời, 16 trường Trung học phổ thông sẽ triển khai chương trình dạy tiếng Anh tích hợp trong năm học 2015 - 2016.
Tại quận 5, năm học 2014 - 2015, có 6 trường tiểu học thực hiện chương trình dạy tích hợp này nhằm nâng cao năng lực ngoại ngữ cho học sinh. Với mức học phí tương đương các trung tâm ngoại ngữ bên ngoài nên phụ huynh đã tự nguyện đăng ký cho con em theo học, kết quả đã có nhiều học sinh tiến bộ rõ rệt cả bốn kỹ năng ngôn ngữ (nghe – nói – đọc – viết) và tự tin hơn trong giao tiếp, làm quen các khái niệm toán học về số học, hình học…
Tuy nhiên, sau hơn 4 tháng triển khai thí điểm, nhiều lo lắng về khả năng bền vững của chương trình như: mức học phí khá cao (hơn 3 triệu đồng/học sinh/tháng) rất khó khăn đối với một bộ phận phụ huynh nghèo; ngành giáo dục thành phố chưa có văn bản hướng dẫn cụ thể đến các trường và phụ huynh về việc liên thông từ cấp tiểu học lên trung học để học sinh được học tập học xuyên suốt; cần có kế hoạch phụ đạo đối với một số học sinh học chậm, chưa theo kịp chương trình; thời lượng chương trình 8 tiết/tuần thì việc phân chia thời gian các môn toán- tiếng Anh- khoa học cho hợp lý với chương trình đào tạo…
Ông Trần Ái Việt, Hiệu trưởng Trường THCS Nguyễn Hữu Thọ, Quận 7 cũng trăn trở với thời lượng 8 tiết/tuần dành cho cả ba môn toán, khoa học và tiếng Anh thì chương trình sẽ thực hiện như thế nào để đảm bảo kiến thức cho học sinh.
Đó là chưa kể có những trường hợp các em không theo kịp chương trình tích hợp, không tham gia chương trình này nữa liệu có đủ khả năng để theo chương trình tiếng Việt hay không?
Lý giải về vấn đề này, ông Nguyễn Văn Hiếu – Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo TP.HCM cho biết, chương trình tích hợp khác với chương trình tiếng Anh tăng cường đó là, điều kiện đi kèm là gia đình tự nguyện và học sinh phải đủ khả năng tiếng Anh và các trường có đủ cở sở vật chất với đội ngũ giáo viên có trình độ mới thực hiện tốt chương trình này.
Ngoài ra, khi triển khai chương trình dạy tiếng Anh tích hợp ở trường Trung học phổ thông thì đối với trường chuyên học theo chương trình nâng cao có trên 3 môn học sẽ áp dụng tích hợp ra sao? Đây cũng là lo lắng của cô Nguyễn Thị Yến Trinh, Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông chuyên Lê Hồng Phong và không ít giáo viên các trường có tham gia chương trình này.
Nghe - nói - đọc - viết: các kỹ năng được giáo viên bản ngữ chú trọng
Không chỉ giáo viên, mà nhiều bậc phụ huynh cũng đang băn khoăn trong việc lựa chọn có nên cho con theo học chương trình tích hợp hay không.
Anh Minh Tân - phụ huynh có con đang học tại trường tiểu học trên địa bàn quận 1 cho biết: “Tôi có con đang học lớp 1 tại trường, đầu học kỳ 2, trường có gửi thông báo với phụ huynh đề nghị cho cháu tham gia chương trình tích hợp của trường nhưng tôi không chọn chương trình này cho cháu học bởi nhiều lý do.
Thứ nhất khả năng tiếng Anh của cháu chưa thể theo kịp chương trình. Thứ hai học phí áp dụng cho chương trình tích hợp quá cao, lên đến 3,5 triệu đồng/tháng. Thứ ba là việc bố trí giờ học cho các cháu không thích hợp lắm.
Trong lúc các bạn theo học chương trình tiếng Việt được ở lớp thì những bạn theo chương trình tích hợp lại phải xách sách vở lên một phòng riêng khác để học tạo tâm lý không thoải mái cho trẻ. Ở lớp con tôi học, lúc đầu có chừng 5,6 bé tham gia chương trình tích hợp nhưng hiện giờ có một, hai bé đã xin ra lớp thường vì không theo kịp chương trình”.
Đối với việc đào tạo giáo viên Việt Nam để thay thế dần giáo viên bản ngữ nhằm giảm chi phí cho người học cũng đang là vấn đề nan giải, bởi lẽ giáo viên phải được đào tạo tiếng Anh chuyên ngành mới đáp ứng yêu cầu giảng dạy.
Theo Tiến sĩ Lê Thị Kiều Vân, Giảng viên ngoại ngữ trường Đại học Sư Phạm TP.Hồ Chí Minh thì trong chương trình đào tạo giáo viên dạy ngoại ngữ thì môn tiếng Anh chuyên ngành là môn tự chọn, đào tạo theo học chế tín chỉ nên sinh viên tự tích lũy kiến thức nên khả năng chuyên sâu còn hạn chế nhất định.
Đây là vấn đề cần quan tâm của các nhà quản lý giáo dục đối với công tác đào tạo đội ngũ giáo viên tiếng Anh thay thế cho giáo viên bản ngữ khi chương trình dạy tích hợp tiếng Anh được triển khai mở rộng.
Thời gian tới, khi chương trình tích hợp tiếng Anh được áp dụng mở rộng, Sở Giáo dục và Đào tạo TP.HCM sẽ phối hợp với các đơn vị tham gia đề án thống nhất giáo trình, thời lượng giảng dạy, kiểm tra đánh giá đảm báo tính liên thông và liên tục cho học sinh. Tuy nhiên, rõ ràng thời gian thử nghiệm chương trình tích hợp đã gây ra nhiều nỗi lo cho không ít phụ huynh lẫn giáo viên giảng dạy.