“Giáo viên” bán hang gia dụng
Sau khi vạch trần sự thật về “cử nhân giáo dục” Afolayan Caleb, phóng viên báo CATP đã tìm đến địa chỉ vợ chồng ông này sinh sống tại ấp Xuân Thới Đông 2, xã Xuân Thới Đông, huyện Hóc Môn. Đó là một căn nhà nhỏ bề ngang hơn 3m, phía trước treo tấm bảng hiệu: Công ty trách nhiệm hữu hạn Thiên Phúc Ngọt Cay.
Khi biết nội dung thông tin báo CATP đăng tải về ông Afolayan Caleb, bà Phạm Thị Ngọt (SN 1975, quê Điện Bàn, Quảng Nam, vợ hờ của Afolayan Caleb) hết sức bất ngờ, bởi trong mắt bà, Cay - tên thường gọi của Afolayan Caleb - là một người trình độ, hiền lành, thật thà và chịu thương chịu khó.
Bà Ngọt cho biết: Tôi không tin ông Cay là kẻ lừa đảo vì trong thời gian ở Việt Nam, ông ấy sống rất chân thành, không hề lừa gạt gì ai hết. Thậm chí có vài lần còn bị một số đối tác người Việt lừa nhận tiền cọc để gia công quần áo thời trang bán cho người Nigieria rồi chuồn mất…”.
Về cuộc tình với người chồng ngoại quốc, bà Ngọt cho biết: “Năm 2012 khi còn bán hàng cho cửa hàng thuốc tây trên đường Nguyễn Văn Lượng (P.17, Q.Gò Vấp), thông qua một người quen là giảng viên tiếng Anh người Nigieria, tôi được giới thiệu với Cay. Không lâu sau đó, chúng tôi nảy sinh tình cảm và về sống với nhau.
Trong thời gian này, Cay cho biết đã có vợ và 3 con nhưng do vợ ngoại tình nên đã ly hôn. Từ đó, Cay xa xứ làm ăn. Ban đầu tên ông ấy là Afolayan Simon, sau đó để thuận lợi trong việc kinh doanh đã đổi thành Afolayan Caleb. Cay vốn là giảng viên tiếng Anh cho ông Trần Quang Minh, là giám đốc Cty TNHH MTV Úc Đại Lợi (hẻm 133 Quang Trung, P10Q.Gò Vấp) và một trường ngoại ngữ tư thục khác…”.
Nhiều độc giả vui mừng về thông tin của báo CATP đối với vụ việc - Ảnh: Báo CATP
Trong mắt bà Ngọt, Afolayan Caleb không những hiền lành, cần cù, mà còn là người có trình độ. Tuy nhiên như chúng tôi đã phản ánh, thực tế cơ sở giáo dục mà Afolayan Caleb công tác không hề tồn tại. Nơi đứng ra bảo lãnh cho người đàn ông gốc Phi này làm việc chỉ là một công ty “ma”.
Ngay cả tên gọi Afolayan Caleb cũng là giả và công việc chính của người đàn ông này ở Việt Nam là phụ vợ nhận hàng gia công may mặc. Trên tấm danh thiếp của Cay mà phóng viên có được ghi bằng tiếng Anh với nội dung (tạm dịch) Afolayan Caleb làm Giám đốc marketing, chuyên mua bán giày dép, hàng dự trữ, đồ gia dụng và văn phòng…
Sống ở Việt Nam, dạy học ở Nhật?
Ý kiến độc giả báo Điện tử CATP:
Anh Quân Vinh: Pháp luật nên quy định người nào vì lòng tham, cố ý nhận bừa bãi tài sản của người khác thì phải đền bù thiệt hại do người đó gây ra. Chứ để thế này biết khi nào tiền mới đến tay chủ và sau này ai còn dám nhặt được của rơi tìm người trả lại nữa!
Thẩm Minh Hoà: Qua việc này, nên điều tra thêm về đường dây đưa người gốc Phi trên vào Việt Nam, rất có thể có 1 đường dây đưa người vào nước ta bằng hộ chiếu giả, cần làm rõ.
Thành Trung: Nếu là loa second hand thì nguồn gốc số tiền có thể nhập từ Nhật sang. Chính người sử dụng đầu tiên tại nước ta cũng chưa biết có tiền trong những thùng loa ấy. Khi loa hư được thanh lý, chị mua ve chai mua về phát hiện trong đó có tiền đã làm việc tốt là báo công an để trả lại chính chủ. Nếu cuối cùng không tìm được thì phải trả lại cho chị ve chai là hợp lý.
Chính vì tin tưởng người chồng ngoại quốc của mình, bà Ngọt mới khăng khăng về câu chuyện 5 triệu Yen Nhật ông này “bỏ quên” là có thật và cho rằng đây là khoảng thu nhập được trong những năm tháng làm giáo viên dạy tiếng Anh tại Nhật Bản.
Theo bà, khoảng cuối năm 2012 Afolayan Caleb bị bệnh thận phải nhập viện điều trị tại Bệnh viện Chợ Rẫy. Thời gian này bà có nghe chồng nhắc đến số tiền lớn có thể mua được 2 căn nhà ở huyện Hóc Môn do ông này mang từ nước ngoài vào Việt Nam.
“Tuy nhiên, ông ấy không nhớ đã cất giấu tiền ở đâu (do chứng bệnh đau đầu, thường hay mau quên). Tôi đã giúp ông ấy lục tung đống sách để tìm tiền nhưng vẫn không thấy… Cay còn cho biết them đã từng dạy học ở Nhật, Thái, nhưng ở những nơi đó, ông không thích nghi được với khí hậu nên thường hay bị bệnh, chỉ có ở Việt Nam mới thấy dễ chịu hơn… Thấy tôi đam mê nghề may mặc quần áo thời trang, ông ấy đã thuê mặt bằng mở công ty cho tôi quản lý từ ngày 10-5-2012 trước khi trở về Nam Phi để chăm sóc mẹ…” bà Ngọt tiếp tục câu chuyện.
Số tiền hơn 5 triệu yen có phải là thu nhập của Afolayan Caleb trong thời gian dạy học tại Nhật Bản hay không còn là một dấu hỏi lớn. Theo những giấy tờ bà Ngọt cung cấp, Afolayan Caleb sang Việt Nam giảng dạy từ tháng 6-2010.
Tuy nhiên so sánh câu chuyện của bà Ngọt với tài liệu phóng viên có được lại hoàn toàn trái ngược. Người đàn ông này đã từng nhập cảnh vào sinh sống tại Việt Nam từ năm 2007 và cư trú ở nhiều địa điểm khác nhau.
Đầu tiên, Afolayan đến trọ tại một cơ sở lưu trú trên đường Lý Chiêu Hoàng (P.10Q.6), sau đó dời qua nhiều địa điểm khác nhau mà chủ yếu quanh khu vực Q.1.
Từ khi về sống chung với bà Ngọt, hai người chuyển về thuê nhà trọ tại huyện Hóc Môn. Giai đoạn 2007 - 2009, Afolayan nhiều lần xuất - nhập cảnh qua nhiều cửa khẩu để sang Lào và Trung Quốc, song thời gian lưu trú chủ yếu vẫn ở Việt Nam.
Như vậy cũng đủ để đặt nghi vấn về thời gian Afolayan Caleb đến xứ sở hoa anh đào làm “ông giáo” có thực hay chỉ là hư cấu?