Cân nhắc kỹ việc cho phép doanh nghiệp nhà nước đầu tư vào bất động sản, chứng khoán

Thứ Ba, 13/05/2025 11:34  | Mai Hà

|

(CAO) Phát biểu thảo luận tại hội trường sáng 13/5 về dự án Luật Quản lý và đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp, đại biểu (ĐB) Phạm Văn Hòa (đoàn Đồng Tháp) tán thành Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật này của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (QH).

Toàn cảnh các đại biểu tham dự phiên họp tại hội trường

Quy định rõ trách nhiệm và thẩm quyền của từng bên để đảm bảo công bằng

Theo ĐB Phạm Văn Hòa, dự thảo Luật đã quy định rõ đối tượng áp dụng, bao gồm doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ, trên 50% vốn, hoặc dưới 50% vốn, thể hiện tinh thần quản lý chặt chẽ vốn nhà nước tại mọi loại hình doanh nghiệp.

Về đối tượng áp dụng, ĐB cho rằng, cần làm rõ trách nhiệm của Nhà nước đối với các doanh nghiệp có vốn nhà nước, dù là 100%, trên 50%, hay dưới 50%. Ví dụ, với doanh nghiệp có 49% vốn nhà nước, vai trò quản lý và trách nhiệm của cơ quan đại diện chủ sở hữu cần được quy định cụ thể để đảm bảo minh bạch và hiệu quả.

Về nguyên tắc quản lý vốn nhà nước, theo ĐB, không nên xem vốn nhà nước đầu tư vào doanh nghiệp là vốn pháp nhân của doanh nghiệp. Vốn nhà nước, dù ở tỷ lệ bao nhiêu, vẫn là vốn của nhân dân, cần được quản lý theo nguyên tắc bảo toàn và phát triển. Hội đồng thành viên hoặc Chủ tịch công ty phải chịu trách nhiệm nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh, thực hiện nghĩa vụ với chủ sở hữu vốn nhà nước.

ĐạB Phạm Văn Hòa phát biểu thảo luận tại hội trường

Về phạm vi đầu tư vốn nhà nước, ĐB Phạm Văn Hoà đồng tình với giải trình rằng Nhà nước chỉ đầu tư vào các lĩnh vực tư nhân không làm, như quốc phòng, an ninh, dịch vụ công thiết yếu, an sinh xã hội, hoặc các công trình trọng điểm quốc gia. Ví dụ, các dự án đường cao tốc, quốc lộ, nếu tư nhân không đầu tư do khó khăn giải phóng mặt bằng hoặc hiệu quả kinh tế thấp, Nhà nước cần đầu tư để phục vụ phát triển kinh tế - xã hội.

Về chiến lược hoạt động sản xuất kinh doanh và huy động vốn tại Điều 20, dự thảo Luật đã phân cấp mạnh cho Hội đồng thành viên và Chủ tịch công ty quyết định dự án đầu tư theo pháp luật. Tuy nhiên, cần làm rõ nhiệm vụ, quyền hạn của Hội đồng thành viên và Chủ tịch công ty, đặc biệt trong các doanh nghiệp có vốn nhà nước không chiếm 100%. Nếu Chủ tịch công ty ở doanh nghiệp có cổ phần chi phối quyết định mọi vấn đề, có thể gây bất lợi cho các thành viên góp vốn khác, làm giảm tính hấp dẫn của xã hội hóa đầu tư.

Do vậy, ĐB đề nghị quy định rõ trách nhiệm và thẩm quyền của từng bên để đảm bảo công bằng…

Về hoạt động đầu tư ngoài ngành, ĐB cho rằng, cần cân nhắc kỹ việc cho phép doanh nghiệp nhà nước đầu tư vào bất động sản hoặc chứng khoán, đặc biệt với các tập đoàn lớn như Điện lực, Dầu khí... Một số doanh nghiệp đã đầu tư ngoài ngành, gây rủi ro nên cần quy định cụ thể các lĩnh vực được phép đầu tư ngoài ngành, tránh rủi ro và đảm bảo hiệu quả…

Tháo gỡ để khơi thông dòng vốn, nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp nhà nước

Đồng quan điểm, ĐB Nguyễn Thị Thu Hà (đoàn Quảng Ninh) đã chỉ ra nhiều điểm nghẽn cần tháo gỡ để khơi thông dòng vốn, nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp nhà nước trong bối cảnh mới.

ĐB Nguyễn Thị Thu Hà phát biểu thảo luận tại hội trường

Một trong những vấn đề được nữ ĐB quan tâm là tính rõ ràng, cụ thể tại Điều 11 của dự thảo, quy định về phạm vi đầu tư vốn nhà nước để thành lập doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ. Hoàn toàn đồng tình với chủ trương của Ủy ban Thường vụ QH về việc nhà nước chỉ nên tập trung đầu tư vào những lĩnh vực then chốt, ĐB Hà nhấn mạnh sự cần thiết phải phân định rõ ràng các điều kiện để xác định thế nào là “ứng dụng công nghệ cao”, “đầu tư lớn” hay “hàng năm các doanh nghiệp phải đầu tư số tiền lớn so với quy mô vốn” có phải là đầu tư lớn không?

Nữ ĐB cũng dẫn chứng: “Thực tế hiện nay, doanh nghiệp nhà nước trong quá trình báo cáo các cơ quan có thẩm quyền để tăng vốn điều lệ phải giải trình bổ sung để bảo đảm tuân thủ đầy đủ các nội dung quy định tại điểm d khoản 1 Điều 10 Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp quy định phạm vi đầu tư vốn nhà nước để thành lập doanh nghiệp bao gồm cả: ứng dụng công nghệ cao, đầu tư lớn, tạo động lực phát triển nhanh”.

Để tránh những cách hiểu khác nhau và bảo đảm tính minh bạch, khả thi trong quá trình thực hiện, ĐB Hà kiến nghị tách điểm d khoản này thành hai điểm riêng biệt, cụ thể: “d) Doanh nghiệp phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số quốc gia, ứng dụng công nghệ cao”; “đ) Doanh nghiệp đầu tư lớn, xây dựng các công trình kết cấu hạ tầng trọng điểm, quan trọng quốc gia, tạo động lực phát triển nhanh cho các ngành, lĩnh vực khác và nền kinh tế”.

Liên quan đến hoạt động chuyển nhượng dự án đầu tư và vốn đầu tư của doanh nghiệp, ĐB Hà chỉ rõ một bất cập trong điểm b khoản 3 Điều 20 của dự thảo. Quy định hiện tại chỉ cho phép doanh nghiệp thực hiện chuyển nhượng cổ phần đang nắm giữ trên sàn chứng khoán thông qua phương thức khớp lệnh hoặc thỏa thuận trên sàn.

Theo nữ ĐB, quy định này đang đi ngược lại với thực tiễn và các quy định hiện hành của Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp và các nghị định của Chính phủ. Các văn bản này cho phép doanh nghiệp khi chuyển nhượng vốn tại công ty cổ phần đã niêm yết hoặc đăng ký giao dịch trên thị trường chứng khoán nhưng không thực hiện trên sàn giao dịch chứng khoán thì vẫn có thể thực hiện theo các phương thức đấu giá công khai, chào bán cạnh tranh hoặc thỏa thuận (giao dịch ngoài sàn).

Để bảo đảm tính kế thừa và tránh gây vướng mắc cho doanh nghiệp trong quá trình thực hiện, nữ ĐB kiến nghị, bổ sung thêm một “điều khoản quét” vào điểm b khoản 3, cụ thể là “... hoặc các phương thức khác theo quy định của Chính phủ”. Sự bổ sung này sẽ tạo ra sự linh hoạt cần thiết, cho phép doanh nghiệp lựa chọn phương thức chuyển nhượng vốn phù hợp với tình hình thực tế và quy định của pháp luật, đồng thời bảo đảm tính minh bạch và hiệu quả của các giao dịch.

Bình luận (0)

Lên đầu trang