Cần rà soát lại Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa bảo đảm khả thi

Thứ Tư, 19/06/2024 16:58  | Thanh Hòa

|

(CAO) Dự thảo nghị quyết trình Quốc hội xem xét, quyết định tại kỳ họp thứ 8 vào tháng 10/2024 tới đây.

Ngày 19/6, thảo luận ở hội trường về chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025 - 2035 tại Kỳ họp thứ 7, đa số ý kiến đại biểu đề nghị cần rà soát lại Chương trình để bảo đảm tính rõ ràng mà không trùng lặp, đồng bộ, khả thi, thể hiện quan điểm đầu tư có trọng tâm, trọng điểm và làm căn cứ để xác định nhu cầu đầu tư của Chương trình, đặc biệt phải gắn với ưu tiên tập trung giải quyết các vấn đề cấp bách.

Cần đảm bảo tính khả thi

Thảo luận ở hội trường về chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025 - 2035, đại biểu Nguyễn Minh Hoàng - Đoàn ĐBQH TPHCM đề cập về các nội dung thành phần của Chương trình và cơ bản nhất trí với 10 nội dung thành phần của chương trình. Đại biểu cho rằng các nội dung này đã phản ánh đầy đủ về yêu cầu lý luận và thực tiễn phát triển văn hóa trong giai đoạn tiếp theo.

Tuy nhiên, đại biểu cũng cho rằng, ở mỗi nội dung thành phần có nhiều chỉ tiêu cụ thể được lượng hóa, song chưa được thuyết minh cụ thể về cơ sở khoa học thực tiễn để xác định số lượng chỉ tiêu lớn, nhiều chỉ tiêu hỗn hợp ghép nhiều nội dung khác nhau dẫn đến khó thống kê và khó thực hiện.

Đại biểu Nguyễn Minh Hoàng - Đoàn ĐBQH TPHCM

Một số chỉ tiêu còn cao so với thực tế như hiện nay ở một số địa phương và chưa phù hợp với các khu vực khác nhau như vùng biên giới, hải đảo và chưa tính đến yếu tố đặc thù của từng vùng, từng địa phương. Nhiều nhiệm vụ cụ thể, nội dung thành phần còn dàn trải, mang tính mục tiêu nhiều hơn và nhiều nội dung chưa thiết kế hợp lý. Một số nội dung chưa thể phân cấp rõ ràng về trách nhiệm quản lý, thanh tra, kiểm tra và đánh giá kết quả.

Do đó, đại biểu Nguyễn Minh Hoàng đề nghị nghiên cứu bổ sung báo cáo đánh giá tình hình thực hiện chỉ tiêu, nhiệm vụ hoạt động cụ thể liên quan tới việc thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia liên quan đến văn hóa trong thời gian qua và đối với việc thực hiện các chỉ tiêu này trong thực tiễn.

Đáng lưu ý, đại biểu Nguyễn Minh Hoàng đề nghị cần nghiên cứu tính khả thi, tránh việc hô hào nhưng vướng mắc trong quá trình thực hiện.

Đồng thời, đề nghị Ban soạn thảo quan tâm, cụ thể hóa chỉ tiêu nhiệm vụ Chương trình này với quan điểm của Đảng là tăng cường xây dựng văn hóa trong chính trị, kinh tế, coi trọng xây dựng văn hóa từ trong Đảng, trong bộ máy nhà nước, đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; coi trọng yếu tố con người, văn hóa trong kinh doanh, kinh tế, văn hóa trong doanh nghiệp và xây dựng đội ngũ doanh nhân giỏi, đóng góp có trách nhiệm cho cộng đồng xã hội theo tinh thần Nghị quyết 33 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam.

Cùng quan điểm và lưu ý tính khả thi, hợp lý của các mục tiêu, đại biểu Vũ Thị Lưu Mai - Đoàn ĐBQH TP.Hà Nội cho rằng, sau khi rà soát, cần thu hẹp mục tiêu, vì quá dàn trải, nhiều mục tiêu cần cân nhắc tính khả thi.

Đại biểu Vũ Thị Lưu Mai - Đoàn ĐBQH TP.Hà Nội

“Ví dụ, chúng ta quy định 100% các lĩnh vực có bộ quy tắc ứng xử; 100% các cơ quan, đoàn thể, doanh nghiệp cần ban hành quy chế, nội quy giao tiếp. Việc ban hành quy chế trong nhiều trường hợp là cần thiết. Tuy nhiên, Hiến pháp cũng quy định rất rõ người dân được làm những gì pháp luật không cấm.

Vì vậy, rất cần cân nhắc để có mức độ hợp lý, tránh lạm dụng. Hay chỉ tiêu hằng năm 100% các tỉnh, thành phố phải có 2 công trình điêu khắc, 3 công trình mỹ thuật. Như vậy, 10 năm mỗi tỉnh sẽ có 20 công trình điêu khắc, 30 công trình nghệ thuật. Chúng ta có 63 tỉnh, thành, chúng ta sẽ có 1.260 công trình điêu khắc, 1.980 công trình nghệ thuật, liệu có nhất thiết phải như vậy không, trong khi chúng ta còn rất nhiều mục tiêu khác cần ưu tiên?”, đại biểu băn khoăn.

Do vậy, đại biểu Vũ Thị Lưu Mai đề nghị cần rà soát, thu hẹp mục tiêu theo hướng có trọng tâm, trọng điểm, tiết kiệm, hiệu quả và không vi phạm Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Cùng với đầu tư nguồn lực, đại biểu cho rằng, rất cần những giải pháp đặc thù phù hợp, có cách làm đúng đắn, hiệu quả để đạt được mong muốn như chúng ta đề ra.

Ưu tiên giải quyết các vấn đề cấp bách

Nhận thấy, Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa có 7 mục tiêu tổng quát, 18 nhóm mục tiêu cụ thể cho 2 giai đoạn, 10 nội dung thành phần với 153 chỉ tiêu chi tiết và 42 nhiệm vụ cụ thể, 186 hoạt động chi tiết, đại biểu Trịnh Xuân An - Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Nai cho rằng, với “một rừng” các chỉ tiêu và nhiệm vụ như vậy, chúng ta cần phải đánh giá hết sức rõ nhiệm vụ nào cần ưu tiên, nhiệm vụ nào là trọng tâm, trọng điểm để tập trung đầu tư.

Chương trình mục tiêu quốc gia cần phải bám sát quy định của Luật Đầu tư công và đúng ý nghĩa của Chương trình mục tiêu quốc gia để đưa ra những quyết định cho phù hợp. Với tinh thần như vậy, đại biểu Trịnh Xuân An đề xuất, với những chỉ tiêu chưa rõ về mặt căn cứ thì nên rà soát lại để thật sự phù hợp.

Đại biểu Trịnh Xuân An cho rằng, có sự trùng nhau trong việc xác định tỷ lệ phần trăm giữa 18 nhóm chỉ tiêu cụ thể và các tỷ lệ phần trăm giữa các chỉ tiêu chi tiết ở trong nội dung thành phần, do đó, cần phải rà soát lại.

Quan tâm đến tính khả thi của Chương trình, đại biểu nhận thấy, Chương trình đưa ra rất nhiều chỉ tiêu, nhiều tỷ lệ và có những chỉ tiêu lớn và nhiều chỉ tiêu hỗn hợp, nhiều chỉ tiêu đan xen lẫn nhau. Do đó, đại biểu Trịnh Xuân An đề nghị phải rà soát lại cụ thể để bảo đảm tính rõ ràng mà không trùng lặp, đồng bộ, khả thi, thể hiện qua quan điểm đầu tư có trọng tâm, trọng điểm và làm căn cứ để xác định nhu cầu đầu tư của Chương trình, đặc biệt phải gắn với ưu tiên tập trung giải quyết các vấn đề cấp bách.

Ngoài ra, nhiều đại biểu nhấn mạnh yêu cầu bảo đảm tính đồng bộ và tương thích, khả thi giữa việc xác định các quan điểm chính sách và hệ thống mục tiêu, chỉ tiêu, tổng vốn đầu tư, cơ cấu nguồn vốn, phân kỳ đầu tư, nhiệm vụ, giải pháp, các nội dung thành phần của chương trình. Bảo đảm các nội dung đề xuất với Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư chương trình phải thực sự là những nội dung quan trọng, cấp thiết, có tính ưu tiên; ....

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh phát biểu kết luận phiên họp

Giải trình, làm rõ một số nội dung đại biểu Quốc hội nêu, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng ghi nhận ý kiến góp ý hết sức trách nhiệm, sâu sắc của các vị đại biểu Quốc hội. Bộ trưởng cũng tập trung phân tích, làm rõ thêm một số nội dung về: cách thức tiếp cận; trùng lặp đối tượng thụ hưởng Chương trình; cơ cấu nguồn vốn của Chương trình; vấn đề ngân sách phân cấp;…

Phát biểu kết luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh nêu rõ, để tiếp tục hoàn thiện, đề nghị Chính phủ chỉ đạo nghiên cứu kỹ lưỡng, tiếp thu đầy đủ ý kiến các vị đại biểu Quốc hội, hoàn thiện dự thảo Nghị quyết của Quốc hội; phê duyệt chủ trương đầu tư chương trình phù hợp với Hiến pháp, chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ; đánh giá toàn diện, kỹ lưỡng các khía cạnh, tác động của chương trình.

Phó Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, ngay sau Kỳ họp, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ chỉ đạo cơ quan chủ trì thẩm tra, cơ quan soạn thảo và các cơ quan có liên quan tổng hợp nghiên cứu, tiếp thu ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội phát biểu tại Tổ và phát biểu tại hội trường để tiếp tục tiếp thu, giải trình ý kiến các vị đại biểu Quốc hội một cách xác đáng và tiếp thu tối đa các ý kiến góp ý; hoàn chỉnh dự thảo nghị quyết trình Quốc hội xem xét, quyết định tại kỳ họp thứ 8 vào tháng 10/2024 tới đây.

Bình luận (0)

Lên đầu trang