Trước khi Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự kiến kế hoạch đầu tư công trung hạn vốn ngân sách trung ương giai đoạn 2021 – 2025 cho danh mục dự án đã hoàn thiện thủ tục đầu tư, trong phát biểu khai mạc phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã lưu ý 2 nội dung rất quan trọng thuộc thẩm quyền của Thường vụ Quốc hội hiện nay Chính phủ chưa báo cáo.
Cụ thể là danh mục của các dự án trong chương trình phục hồi phát triển kinh tế - xã hội theo Nghị quyết 43 và danh mục vốn điều hoà.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu tại phiên họp
"Ủy ban Thường vụ Quốc hội trước đây đã rất nhiều lần thúc giục, cho đến nay vẫn chưa có danh mục để giao vốn theo Nghị quyết 43" – Chủ tịch Quốc hội nói.
Tương tự, về nguồn vốn điều hoà, theo ông Huệ, để điều hòa vốn đầu tư công trung hạn với vốn của chương trình hỗ trợ phục hồi phát triển kinh tế - xã hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã xem xét và yêu cầu Chính phủ khẩn trương rà soát để trình.
“Nhưng cho đến nay cả 2 danh mục này, cả vốn điều hòa và vốn của Nghị quyết 43 vẫn chưa có” – lãnh đạo Quốc hội nhắc lại.
Giải trình về việc này, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, Chính phủ đã thông qua chương trình phục hồi và điều hòa vốn. “Ngay trong ngày hôm nay chúng tôi sẽ ký trình ngay với Quốc hội" – ông Dũng khẳng định.
Cập nhật thông tin, ông Dũng chia sẻ, về chương trình phục hồi là 136 ngàn tỷ và cấp bù lãi suất là 2% là 40 ngàn tỷ đồng, tổng cộng là 176 ngàn tỷ đồng.
Về điều hòa vốn, theo ông Dũng, con số chính xác là 40 nghìn tỷ, số điều chuyển trong năm 2022 là khoảng 4 ngàn tỷ. Số còn lại chưa phân bổ là 69 ngàn tỷ đồng thuộc kế hoạch trung hạn còn lại thì trong tuần này Chính phủ sẽ trình sang Quốc hội.
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng giải trình tại phiên họp
Thông tin về tình hình giải ngân đầu tư công nói chung, Bộ trưởng Kế hoạch – Đầu tư cho biết, 7 tháng vừa qua, tổng vốn giải ngân đạt 34,47%, thấp hơn so với cùng kỳ của 2021 khoảng 2%.
“Lâu nay luôn ở mức dao động khoảng từ 35% đến gần 40% đối với 7 tháng và kết quả của cả năm dao động loanh quanh khoảng 90%, dưới 80% đến 95%” – ông Dũng bình luận.
Vẫn theo lãnh đạo ngành Kế hoạch – Đầu tư, ngoài những lý do khách quan, chủ quan như mọi năm, năm nay có 3 yếu tố mới.
Thứ nhất, đây là năm thứ hai thực hiện kế hoạch đầu tư công trung hạn, nhưng thực chất gần như là năm đầu. Vì tháng 7/2021 Quốc hội mới thông qua kế hoạch đầu tư công trung hạn, nên suốt từ đầu năm đến giờ chủ yếu đang tập trung vào làm thủ tục.
Thứ hai, giá cả nguyên vật liệu, sắt thép và vật liệu xây dựng hiện nay tăng rất cao, trung bình tăng đến 20%, phần lớn các nhà thầu ký theo hình thức hợp đồng trọn gói và đơn giá cố định càng làm thì càng lỗ.
"Vừa rồi chúng tôi có đi kiểm tra một loạt tỉnh có giải ngân thấp thì hầu hết các nhà thầu đang án binh bất động chờ xem chính sách của Chính phủ, của Nhà nước thế nào, có cho điều chỉnh các đơn giá này hay không, vì càng làm người ta càng lỗ" - Bộ trưởng phản ánh.
Thứ ba, tỷ lệ giải ngân thấp hơn cùng kỳ 2% nhưng giá trị tuyệt đối lại rất lớn. Tổng số vốn đầu tư của năm nay so với cả năm 2021 tăng gần gấp 2 lần về mặt giá trị tuyệt đối.
Ngoài ra, ông Dũng còn đề cập đến "vấn đề phụ nhưng cũng hết sức quan trọng" nữa, là tâm lý hiện nay của các địa phương rất e ngại trong xử lý các thủ tục liên quan đến đất đai, liên quan đến giải phóng mặt bằng, liên quan đến thủ tục đầu tư...
“Một số nơi không dám làm, ảnh hưởng đến tiến độ giải ngân” – ông Dũng nêu.
Tuy nhiên, cho biết vừa rồi Thủ tướng Chính phủ đã rất quyết liệt, thành lập 6 đoàn công tác, đi làm việc với tất cả các địa phương có tỷ lệ giải ngân thấp để nắm tình hình, để đôn đốc, thúc đẩy, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, kịp thời xử lý ngay những gì có thể xử lý được.
“Hầu hết các địa phương, bộ, ngành đang cam kết cố gắng giải ngân hết số vốn được giao. Chúng tôi nhận định là năm nay có thể đạt khoảng được 92%" - Bộ trưởng Dũng tự tin.