Thảo luận dự luật Tổ chức cơ quan điều tra hình sự:

Băn khoăn mở rộng thẩm quyền điều tra

Thứ Bảy, 20/06/2015 08:17  | Hải Triều - Thanh Hòa

|

(CATP) Trong phiên thảo luận toàn thể tại Hội trường sáng qua (19-6), Quốc hội đã cho ý kiến về dự luật Tổ chức cơ quan điều tra hình sự. Thể hiện sự tán thành với nhiều nội dung của dự luật, song nhiều đại biểu còn phân vân việc mở rộng thẩm quyền điều tra cho các lực lượng kiểm ngư, cơ quan thuế và Ủy ban chứng khoán Nhà nước.

Nhận định dự thảo cơ bản khắc phục được những hạn chế, bất cập của Pháp lệnh điều tra năm 2014, đại biểu Nguyễn Đức Chung (Hà Nội) khẳng định dự luật sẽ tạo cơ sở pháp lý toàn diện, đồng bộ với các bộ luật tố tụng hình sự, nhằm nâng cao hoạt động tổ chức hình sự trong tình hình mới.

Đi sâu phân tích Điều 9 dự luật, Giám đốc Công an TP.Hà Nội bày tỏ sự không tán thành với việc mở rộng thẩm quyền điều tra cho các lực lượng kiểm ngư, cơ quan thuế, Ủy ban chứng khoán Nhà nước.

Lý do mà ông Chung đưa ra là việc này sẽ trái với định hướng cải cách tư pháp được nêu ra trong Nghị quyết 49 của Bộ Chính trị là cần thu gọn đầu mối cơ quan điều tra. Mặt khác, Quyết định 92 của Bộ Chính trị cũng yêu cầu từ nay đến 2020 giữ nguyên các đầu mối cơ quan điều tra như hiện nay.

Đại biểu Nguyễn Đức Chung (Hà Nội) phát biểu ý kiến
“Thực tế trong quá trình điều tra, các cơ quan điều tra khi có yêu cầu điều tra liên quan đến các lĩnh vực này đều có quyền ra quyết định trưng cầu ý kiến các chuyên gia để phục vụ điều tra” - đại biểu Chung cho biết.

Ngược lại quan điểm này, đại biểu Nguyễn Bá Thuyền (Lâm Đồng) đồng ý mở rộng thẩm quyền điều tra cho các lực lượng trên. Riêng Bộ Công an, đại biểu Thuyền cho rằng cần bổ sung thêm thẩm quyền này cho hai Cục là Cục Phòng chống tội phạm công nghệ cao và Cục Chống buôn lậu. Việc bổ sung 5 cơ quan này, theo đại biểu Thuyền, sẽ góp phần đấu tranh chống tội phạm hiệu quả hơn.

Đề nghị bổ sung thêm hai cơ quan của Bộ Công an nhận được sự tán thành của nhiều đại biểu. Điều này xuất phát từ thực tiễn hiện nay, mà theo thống kê thì số vụ phạm pháp hình sự về buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ từ năm 2010 đến nay được xử lý hình sự chiếm tỷ lệ thấp, chỉ 7,3%, còn lại xử lý vi phạm hành chính và chuyển các cơ quan khác để giải quyết.

Trong các vụ xử lý hình sự, mới chỉ xử lý được đối tượng vận chuyển, chưa xử lý được đối tượng chủ mưu, cầm đầu nên không có tính răn đe, hạn chế hiệu quả đấu tranh, chưa ngăn chặn, đẩy lùi được tình hình này.

Một trong những nguyên nhân của tình trạng này là do tuy có cơ quan tham gia đấu tranh chống buôn lậu nhưng các cơ quan này lại không có chức năng điều tra, xử lý hình sự nên phải chuyển về các cơ quan điều tra nơi xảy ra sự việc, thường là công an tỉnh, thành phố để tiếp tục điều tra làm rõ. Điều này, theo các đại biểu, làm mất tính liên tục trong đấu tranh, truy xét để xử lý đối tượng chủ mưu, cầm đầu.

“Việc trao thẩm quyền điều tra cho Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm buôn lậu vào luật không làm tăng đầu mối của cơ quan điều tra trong Bộ Công an. Bộ vẫn có 5 đơn vị có chức năng điều tra như kinh tế, tham nhũng, hình sự, ma túy, văn phòng cơ quan cảnh sát điều tra buôn lậu, gian lận thương mại” - đại biểu Trần Ngọc Vinh (Hải Phòng) nêu quan điểm, đồng thời đề nghị thành lập phòng cảnh sát chống buôn lậu ở một số tỉnh trọng điểm, phức tạp về tình hình buôn lậu.

Đề cập thẩm quyền thực hiện hoạt động mang tính chất điều tra ban đầu của cơ quan điều tra xã, có ý kiến đề nghị không quy định trách nhiệm của cơ quan xã, phường, thị trấn, đồn công an vào dự thảo luật. Bởi lẽ, trên thực tế, công an xã là lực lượng bán chuyên trách, trình độ còn hạn chế.

Đại biểu Nguyễn Đức Chung cho biết, về chức năng nhiệm vụ của công an xã, hiện quy định có chức năng tiếp nhận, phân loại, xử lý các vụ việc có dấu hiệu vi phạm về an ninh trật tự trên địa bàn; lập hồ sơ ban đầu, lấy lời khai của người bị hại; thu giữ, bảo quản vật chứng theo quy định pháp luật; tổ chức bắt người phạm tội bắt được quả tang, người đang bị truy nã... Những quy định này là rất phù hợp nên cần thiết phải đưa vào luật.

Theo ông Chung, nếu không quy định chức năng, nhiệm vụ cho công an xã như vậy, quá trình hoạt động của công an xã, phường gặp rất nhiều khó khăn.

Cũng liên quan đến trách nhiệm công an xã, phường, thị trấn và các đồn công an, đại biểu Nguyễn Đức Chung đề nghị bổ sung thêm chức năng nhiệm vụ của công an các đồn.

“Hiện nay toàn quốc có 151 đồn, riêng Công an Hà Nội có 39 đồn công an phụ trách 8 khu công nghiệp và sân bay quốc tế Nội Bài. Đây là mô hình rất hiệu quả, qua thực tế hoạt động đã đạt hiệu quả rất lớn nên cần thiết bổ sung chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn đã được giao cho các đồn” - ông Chung phản ánh.

Bình luận (0)

Lên đầu trang