(CATP) Có một nhận định chung được khá nhiều đại biểu nêu ra trong phiên thảo luận tại tổ chiều qua (25-5) là tình hình kinh tế năm 2014 và bốn tháng đầu năm 2015 đã có những chuyển biến theo hướng tích cực. Biểu hiện cụ thể của điều này là kinh tế tiếp tục tăng trưởng cao, hiệu quả đầu tư được cải thiện, nợ xấu giảm.
Đây là những dấu hiệu cho thấy nỗ lực rất lớn trong điều hành của Chính phủ khi đưa nền kinh tế đi đúng hướng. Tuy nhiên, để nói về sự “phục hồi bền vững” thì các đại biểu còn rất phân vân...
Thiếu giải pháp cho nông nghiệp, tăng trưởng sẽ chậm lại
Dù đưa ra những đánh giá lạc quan đối với nền kinh tế, nhưng đại biểu Trần Hoàng Ngân (TPHCM) thừa nhận, ông vẫn chưa có niềm tin vào sự ổn định vững chắc của kinh tế vĩ mô, nhất là khi tình trạng nhập siêu đang quay trở lại cùng với sự suy giảm của xuất khẩu trong những tháng đầu năm 2015. “Từ đầu năm đến nay, Ngân hàng Nhà nước đã phải điều chỉnh tỷ giá 2%, ít nhiều ảnh hưởng đến niềm tin của người dân vào đồng tiền Việt Nam, vào chính sách tiền tệ” - đại biểu Ngân cảnh báo. Trong khi đó, việc tỷ trọng đóng góp của kinh tế Nhà nước và dân doanh ngày càng giảm, theo đại biểu Ngân, có thể cản trở việc xây dựng một nền kinh tế độc lập tự chủ.
Các đại biểu TPHCM đang thảo luận tại tổ - Ảnh: Báo CATP
Chia sẻ với đại biểu Ngân, đại biểu Trần Du Lịch (TPHCM) cho rằng, sự xuất hiện trở lại của tình trạng nhập siêu cho thấy “căn bệnh trầm kha” của nền kinh tế vẫn chưa có bài thuốc nào hiệu nghiệm. “Tăng đầu tư thì nhập siêu sẽ tăng nhanh vì cái gốc là vấn đề cơ cấu kinh tế, trong khi phần trong nước tạo ra lại chẳng bao nhiêu” - đại biểu Trần Du Lịch phân tích. Thực tế này tạo ra mối lo cho nhiều đại biểu, mà nói như đại biểu Võ Thị Dung (TPHCM) thì chúng ta đã quá lạc quan khi nói về sự “phục hồi” kinh tế. “Lấy ví dụ như nông nghiệp. Tôi tình cờ đọc một bài báo của nguyên Tổng bí thư Lê Khả Phiêu cách nay 15 năm thì thấy cũng... giống như tình hình hiện nay” - phản ánh điều này, đại biểu Võ Thị Dung muốn chỉ ra rằng, Chính phủ đang thiếu những giải pháp thật sự căn cơ để giải quyết những tồn tại lâu nay của nền kinh tế, trong đó có một trụ cột quan trọng là vấn đề nông nghiệp.
Theo đại biểu Dung, khi chất vấn Bộ trưởng Công thương về đầu ra cho nông sản thì “chỉ thấy Bộ trưởng đi tìm chỗ bán hàng, còn cái gốc của vấn đề là sản xuất thì chưa nhắc đến”.
Chung nỗi lo khu vực nông nghiệp với mức tăng trưởng thấp, thiếu ổn định, đại biểu Trần Hoàng Ngân kiến nghị Quốc hội nên sớm có một nghị quyết về tam nông. “Nền nông nghiệp từ là lợi thế, giờ thành thách thức. Tôi đề nghị cần có nghị quyết hỗ trợ nông dân, ổn định nền nông nghiệp quốc gia” - đại biểu Ngân nêu quan điểm. Ở góc nhìn khác về “nền nông nghiệp (tạm gọi) sản xuất thừa”, đại biểu Trần Du Lịch chỉ ra dấu hiệu của sự kém thích nghi với hội nhập. “Chúng ta đang bán cái ta có chứ không phải bán cái người ta cần”. Điều này, theo đại biểu Lịch, là hậu quả của việc để cho nông dân tự phát làm, thiếu những quy hoạch và chính sách phát triển cần thiết.
Thừa nhận những dự báo về nông nghiệp đang xấu đi nhiều, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch - Đầu tư Bùi Quang Vinh cho biết, thị trường xuất khẩu nông sản bị thu hẹp, ế ẩm nhiều. Việc hỗ trợ mua dưa hấu chỉ mang tính sẻ chia. Trong khi đó, giá nhiều mặt hàng khác cũng bắt đầu lao dốc, điển hình là cây cao su, từ đỉnh cao là 150 triệu/tấn, nay chỉ còn 25 triệu/tấn. Xuất khẩu gạo thì phải đối mặt với nhiều thách thức, sản lượng nhiều nhưng chất lượng kém cùng chính sách bảo hộ nông nghiệp của một số nước... Còn cây thanh long, sản lượng bắt đầu có dấu hiệu dư thừa, mà nguyên nhân, theo Bộ trưởng Vinh, là dân thấy có lợi nên làm. “Dân cứ thấy lợi là làm, không theo quy hoạch, bảo sao không ế?” - Bộ trưởng Vinh phân trần.
Trước những khó khăn này, Bộ trưởng Vinh nhấn mạnh, cần những giải pháp căn cơ, thấu đáo, sâu sắc hơn cho nông nghiệp, ngay trong năm nay để có đánh giá chính xác về thị trường, về sản xuất trong nước. “Nếu không tháo gỡ mạnh, đến tháng 10, tăng trưởng của Việt Nam sẽ bị chậm lại do nông nghiệp. Mà nông nghiệp sẽ ảnh hưởng đời sống nông dân, lực lượng lao động lớn” - Bộ trưởng Vinh cảnh báo.
"Bó tay" với chi tiêu của Chính phủ
Đại biểu Võ Thị Dung (TPHCM) bày tỏ bất lực, khi cho ý kiến về quyết toán ngân sách trong phiên thảo luận về nội dung này. “Quyết toán ngân sách nói mà không có tác dụng gì. Báo cáo của Chính phủ chỉ thay đổi con số, còn những tồn tại bao năm thì vẫn thế. Như vậy thì góp ý thế nào? Tôi thấy bó tay” - bà Dung nói.
Đây cũng là trăn trở của đại biểu Trần Du Lịch, khi ông nhấn mạnh đến sự lệch nhau giữa kế hoạch và thực thi trong chi tiêu ngân sách. “Không thực hiện được thì đưa ra kế hoạch làm gì? Cứ đề nghị quyết toán thôi” - đại biểu Lịch đặt vấn đề và tỏ ra không hài lòng khi “cứ vui vẻ cả làng, rồi biểu quyết” thông qua quyết toán Ngân sách Nhà nước.
Nêu lại con số bội chi năm 2014 lên tới 5,6%, đại biểu Trương Thị Ánh (TPHCM) nghi ngờ tính nghiêm minh và việc thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về ngân sách. “Liệu biểu quyết có phải chỉ mang tính nguyên tắc hay không? Trách nhiệm của các bộ ngành trong vấn đề thực hiện ngân sách như thế nào?” - đại biểu Ánh đặt vấn đề.
Còn đại biểu Bùi Đức Thụ (Lai Châu) thì chỉ ra, việc quyết toán bội chi lên tới 6,6% GDP trong năm 2013 là một khó khăn, đe dọa an ninh tài chính quốc gia. “Chúng ta là con nhà nghèo, nhưng phải bằng mọi cách tăng tiềm lực của nền kinh tế, để đảm bảo một số lĩnh vực. Như vậy, quản lý tài chính phải căn cơ hơn, để khi có vấn đề xảy ra, còn có nguồn để xử lý. Vừa qua, khi có vấn đề, lại phải đẩy nợ công, đẩy bội chi tăng lên. Vì vậy, phải có biện pháp, để đảm bảo cho sự phát triển bền vững của đất nước” - ông Thụ phân tích.
|
Đại biểu Trần Du Lịch:
Cần theo dõi chủ trương xã hội hóa sân bay, cảng...
Cần phải theo dõi chủ trương xã hội hóa sân bay, cảng, đường sá. Chủ trương đúng nhưng dường như một số doanh nghiệp trong nước muốn quản lý, kiểm soát các công trình đó chưa phải bằng nguồn lực của mình. Họ đi vay để làm việc này. Phải kiểm soát, không thể để họ vay tiền ngân hàng đi mua sân bay. Chúng ta khuyến khích họ mua nhưng phải bằng tiền của họ, không thể dùng tiền của ngân hàng để kiếm sống. Nếu để tình trạng này xảy ra sẽ không có tiền cho sản xuất kinh doanh.
|