(CATP) Dựa vào sức mạnh của quần chúng nhân dân, cuộc khởi nghĩa do Xứ ủy Nam Kỳ lãnh đạo nhanh chóng giành thắng lợi và lan rộng trên khắp các tỉnh miền nam Việt Nam.
Tuy chỉ giành chính quyền vỏn vẹn 38 ngày, nhưng cuộc khởi nghĩa đã tạo nên dấu son lịch sử, làm tiền đề cho các cuộc tổng tiến công sau này để giành độc lập, tự do cho dân tộc.
Đại tá Trần Tấn Quang - nguyên Cục trưởng Cục hậu cần - Mặt trận 779 chiến trường K, năm nay gần 90 tuổi. Dù ở tuổi “xưa nay hiếm” nhưng ông vẫn rất minh mẫn, đặc biệt khi những hồi ức về những ngày tháng khởi nghĩa ập về.
Tiếp chúng tôi tại nhà riêng ở phường 13 (quận Tân Bình), đại tá Quang bồi hồi nhớ lại: “Tân An (nay gọi Long An) là tỉnh đầu tiên phất cờ Nam Kỳ Khởi Nghĩa, tạo tiền đề cho Sài Gòn - Gia Định - Chợ Lớn và các tỉnh miền Tây giành lấy chính quyền. Tôi may mắn là một trong ba người đầu tiên cắm lá cờ Tổ quốc trong đêm 22, rạng sáng 23 tại Tân An”.
Kể lại những ngày chuẩn bị cho cuộc khởi nghĩa, đại tá Quang cho biết: “Trước cuộc khởi nghĩa diễn ra khoảng một tuần, một tên lính tại đồn Cây Mai (trên đường 3-2, quận 10) đã phản lại quân ta. Nó hay mình tạo khởi nghĩa lớn nên đã báo tin cho mật thám Sài Gòn biết. Do đó, một số chỉ huy chủ chốt của Xứ ủy Nam kỳ bị chúng khống chế trước ngày khởi nghĩa”.
Cũng theo đại tá Quang, thời điểm đó, ông Trần Văn Giàu - Bí thư Xứ ủy Nam Kỳ có ý định cho dời lại ngày khởi nghĩa để hạn chế thiệt hại quân ta. Nhưng kế hoạch đã được triển khai về các đơn vị, các chỉ huy đã nhận tin và sẵn sàng chờ ngày tác chiến nên không thể dời lại được.
Đại tá Trần Tấn Quang - nguyên Cục trưởng Cục hậu cần - Mặt trận 779 chiến trường K
Từ khi kế hoạch bị lộ, quân địch ráo riết đàn áp, uy hiếp tinh thần nhân dân ta. Những khu vực có người dân tụ tập đông người bị chúng đưa quân đến giải tán, trấn áp, đe dọa. “Để đối phó với chúng, lực lượng mình đổi kế hoạch tập hợp quần chúng bằng cách tổ chức các lễ hội. Trong đêm 22, tại Tân An, mình tổ chức cho người dân ca múa, hát đờn ca tài tử... như những ngày lễ hội bình thường để đánh lạc hướng sự chú ý của địch. Đúng 12 giờ khuya, mình phất cờ khởi nghĩa nên chúng không thể trở tay kịp. Đêm đó, quân mình còn bắt sống được tên chỉ huy của mật thám Đông Dương tại Tân An để khống chế địch”, đại tá Quang nhớ lại.
Ngay sau khi giành chính quyền tại Tân An, ông Quang được lệnh về Ty công an tại TP để tiếp tục công tác. Nhờ kỹ năng bắn súng tinh nhuệ nên ông được cấp trên giao nhiệm vụ ám sát những tên ác ôn, mật thám Sài Gòn. Ông được thượng tướng Cao Đăng Chiếm - nguyên Trưởng Ty Công an TP Sài Gòn - Gia Định đặc biệt ưu ái, cho tập luyện tại Đền Bến Dược cùng những tay súng tinh nhuệ khác để nâng cao tay nghề.
Trận Nam Kỳ Khởi Nghĩa thành công vang dội, lan rộng khắp các tỉnh phía Nam. Nhiều đồn địch bị phá hủy, những tên đầu sỏ bị bắt sống và tiêu diệt khiến quân Pháp hoảng vía. Để giành lại chính quyền, Pháp liên minh với một số nước bên ngoài, dùng vũ khí hiện đại quay lại tấn công quân ta. Ngoài ra, để trấn áp lực lượng, chúng còn cho máy bay dội bom và bắn phá nhiều làng mạc, nhằm nhanh chóng dập tắt cuộc khởi nghĩa. Để tránh tổn thất, Đảng bộ Nam Kỳ quyết định họp khẩn ở Bà Quẹo (Gia Định) và ra quyết định rút lui, bảo tồn lực lượng nhằm kháng chiến lâu dài. Lực lượng còn lại nhanh chóng tổ chức rút về xây dựng căn cứ tại U Minh và Đồng Tháp Mười.
Tinh thần khởi nghĩa Nam Kỳ bất diệt
“Lúc đó, quân địch sử dụng vũ khí hiện đại, còn mình tuy được sự hậu thuẫn của quần chúng nhân dân, nhưng vũ khí còn thô sơ, chủ yếu tầm vông, gậy gộc nên không thể chiến đấu lâu dài với chúng. Chúng tôi động viên nhau đây là lúc nằm gai nếm mật, chờ ngày khởi nghĩa tiếp theo để chiến đấu với quân địch” - đại tá Quang cho biết.
Dù thất bại nhưng Nam Kỳ Khởi Nghĩa đã để lại nhiều bài học quý cho những cuộc khởi nghĩa vũ trang sau này. Từ trận thử lửa này, người dân càng tin yêu, gắn bó với Đảng, tôi luyện ý chí đấu tranh giải phóng dân tộc. Đây cũng là tiền đề cho cuộc Cách mạng tháng Tám năm 1945 thành công vang dội.