Góp ý dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ Luật hình sự năm 2015:

​Lượng hoá các tình tiết định tính cũng không dễ

Thứ Sáu, 14/10/2016 21:46  | Lê Ngân

|

(CAO) Sáng 14-10-2016, Đoàn đại biểu Quốc hội TPHCM tổ chức Hội thảo góp ý dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ Luật hình sự năm 2015.

Các đại biểu góp ý sửa đổi, bổ sung lần này liên quan đến 141 điều của Bộ luật, gồm 18 điều thuộc phần chung, 123 điều thuộc phần các tội phạm, trong đó có 43 điều chỉnh lý về kỹ thuật và 97 điều về nội dung quy định và bãi bỏ 1 điều. Tập trung giải quyết một cách đồng bộ các vấn đề liên quan đến việc lượng hóa tình tiết mang tính định tính, nhất là các mức định lượng về hậu quả, trách nhiệm hình sự pháp nhân, phân loại tội phạm…

Từ thực tiễn, bà Dương Thị Ngọc Thủy-đại diện Viện KSNDTPHCM, nêu lên những khó khăn, vướng mắc việc giải quyết tội phạm về ma túy hiện nay. Do quy định “bắt buộc phải giám định hàm lượng của các chất ma túy trong các chất ma túy nghi là chất ma túy”, dẫn đến số lượng án ma túy trả đi trả lại rất nhiều lần, số án tồn không giải quyết được rất lớn.

Số lượng án ma túy đã giải quyết từ đầu năm đến 30-6-2016, thụ lý 1.986 vụ với 2.923 bị can, giải quyết 1.245 vụ với với 1.166 bị can; còn tồn 741 vụ với 1.240 bị can.

Nếu giám định hàm lượng theo khoản 4 Bộ LHS, đối với tòa quận huyện không có vấn đề nhưng cấp thành phố thì bị vướng mắc, nhiều vụ án VKS truy tố không được đưa ra xét xử, Tòa tiếp tục trả hồ sơ để đưa đi giám định hàm lượng ma túy; dẫn đến pháp luật hình sự không công bằng giữa người phạm tội bị truy tố khoản 4 và khoản 1,2,3 (không giám định). Bà Thủy đề nghị việc giám định hàm lượng không cần phải bổ sung vào khoản 4 của các Điều từ 248-252 Bộ LHS năm 2015, mà chỉ cần áp dụng Thông tư liên tịch 08/2015 chỉ giám định 4 trường hợp: chất ma túy, tiền chất dùng vào việc sản xuất chất ma túy chất ma túy ở thể rắn được hòa thành dung dịch và thể lỏng được pha loãng; xái thuốc phiện; thuốc gây nghiện, hướng thần.

Còn ông Trần Du Lịch-nguyên Phó Đoàn ĐBQH TP, nêu quan điểm cần kế thừa các quy định hiện hành, các án lệ cuả tòa án…để quy định cho phù hợp, trên tinh thần chung những vấn đề Chính phủ trình Quốc hội đã phù hợp.

Ông Lê Minh Đức-Phó Ban Pháp chế HĐNDTP, cho rằng ngoài việc bổ sung các cây, lá cụ thể mới xuất hiện trong thời gian gần đây mà ta đã biết rõ tên (cây khát, cỏ mỹ) thì cần bổ sung thêm quy định mang tính dự báo là “cây khác có chứa ma túy” để tạo điều kiện linh hoạt, thuận lợi trong việc xử lý tội phạm mà không cần sửa đổi, bổ sung BLHS.

Theo ông Đức, gần đây trên thị trường nhiều loại ma túy mới xuất hiện dưới dạng tem giấy hay bùa lưỡi vì đây là loại ma túy gây ảo giác nhanh, mạnh nguy hiểm nhất. Tuy nhiên, có đại biểu đưa ra ý kiến không đồng tình vì dễ bị cơ quan chức năng lạm dụng trong xử lý khi chưa có quy định cụ thể.

Về trách nhiệm hình sự của pháp nhân thương mại, đa số các ý kiến tán thành bổ sung quy định phân loại tội phạm đối với pháp nhân thương mại để căn cứ xác định thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự, miễn trách nhiệm hình sự, hình phạt, xác định thẩm quyền điều tra, truy tố, xét xử…Ông Trần Du Lịch đồng tình với việc phân loại ra 4 loại tội phạm từ ít nghiêm trọng cho đến đặc biệt nghiêm trọng quy định tại khoản 1 Điều 9, do đó tội phạm do pháp nhân thương mại gây ra cũng nên xếp thành 4 loại nêu trên nhằm áp dụng tương ứng cho 31 tội phạm đối với pháp nhân.

Tuy nhiên, trên thực tế, đại tá, PGS.TS Phạm Quang Phúc-Đại học Cảnh sát TPHCM, lại cho rằng phân loại như vậy là rất khó cho công tác phân định thẩm quyền điều tra. Theo quy định, cơ quan Cảnh sát điều tra cấp huyện chỉ làm những án cho 15 năm tù trở xuống, do vậy các vụ án thuộc pháp nhân phạm tội đều thuộc thẩm quyền cấp này. Trong khi đó, cấp huyện còn trăm bề hạn chế, hơn nữa những vụ án pháp nhân gây ra rất nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng.

Còn TS Phan Anh Tuấn-Đại học Luật TPHCM, đề nghị bỏ khoản 2 Điều 9 vì quy định phân loại tội phạm và thời hiệu truy cứu TNHS dựa vào hình phạt tù, pháp nhân không phải chịu hình phạt này nên không có cơ sở để áp dụng đối với pháp nhân. Có những trường hợp chỉ có cá nhân chịu do đặc điểm xấu về nhân thân thân (đã bị xử phạt hành chính, có án tích, tái phạm nguy hiểm …) thì không thể bắt pháp nhân chịu. Hoặc có khả năng pháp nhân có đặc điểm xấu về nhân thân (đã bị xử phạt hành chính, chưa xóa án tích …) như cá nhân không có thì không thể xác định loại tội phạm.

Có ý kiến đề nghị cân nhắc quy định: “bắt, giữ, giam người không có căn cứ theo quy định của pháp luật” tại điểm b khoản 1 và “không ra lệnh, quyết định gia hạn tạm giữ, tạm giam hoặc thay đổi, hủy bỏ biện pháp tạm giữ, tạm giam khi hết thời hạn tạm giữ, tạm giam dẫn đến người bị giam giữ quá hạn” tại điểm d khoản 1 Điều 377 Bộ LHS năm 2015.

Thượng tá Nguyễn Hữu Bằng-Phó phòng Pháp chế, CATP, cho rằng quy định này quá rộng, khó đáp ứng yêu cầu đấu tranh phòng chống tội phạm. Với kinh nghiệm làm công tác điều tra hơn 30 năm, thượng tá Bằng cho biết nếu chỉ để giam quá lố 1 tiếng đồng hồ mà khởi tố, bắt giam điều tra viên chắc chắn sẽ không ai dám làm mà xin chuyển sang bộ phận khác thì rất khó khăn.
Ông Bằng đề nghị cần sửa theo hướng bổ sung thêm điều kiện như đã bị xử lý kỷ luật hoặc gây ra những hậu quả nhất định làm người tạm giữ, tạm giam bệnh chết, tự sát…thì mới xử lý bằng biện pháp hình sự.

Phó trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội TPHCM Văn Thị Bạch Tuyết ghi nhận tất cả những ý kiến đóng góp của các đại biểu chuyển đến ban soạn thảo chỉnh lý kịp thời, để đưa ra thảo luận, thông qua tại kỳ họp Quốc hội vào ngày 20-10-2016 tới đây.

Bình luận (0)

Lên đầu trang