Một lần thăm Trường Sa cùng ông Lê Khả Phiêu

Thứ Bảy, 08/08/2020 11:36

|

(CATP) Cách đây không lâu, Ban Liên lạc truyền thống cựu chiến binh Quân khu Trị Thiên chúng tôi vào thăm ông tại Khoa A11 Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 đã thấy ông yếu lắm rồi, chỉ cầm tay, cùng chảy nước mắt mà chẳng nói được gì. Dù biết rằng ngày ông vĩnh biệt mọi người không còn xa nữa, nhưng khi nghe hung tin, tôi vẫn xúc động tiếc thương ông. Biết bao kỷ niệm cũ ập ùa về trong tâm trí tôi.

Ông Lê Khả Phiêu hơn tôi 17 tuổi, nghĩa là hơn hẳn một thế hệ. Ấy vậy mà ngay từ lần gặp đầu tiên ở chiến trường Trị Thiên vào năm 1968 cho đến tận bây giờ, trên mọi cương vị quan hệ công tác, trong xưng hô thay vì gọi ông bằng "thủ trưởng" hoặc gọi theo chức danh như nhiều người khác, tôi lại gọi ông bằng "anh" một cách trân trọng.

Tôi luôn coi ông vừa là thủ trưởng vừa là người thầy, người anh kính quý. Đối lại, ông coi tôi vừa là cán bộ cấp dưới thuộc quyền, vừa như một đứa em. Tôi coi đó là một vinh dự, hơn thế là một ân huệ.

Kỷ niệm về ông thì rất nhiều. Nhưng tôi chỉ xin kể về một chuyến công tác do ông dẫn đầu ra thăm Trường Sa đã để lại ấn tượng sâu sắc trong tôi về hình ảnh của ông.

Tác giả chúc mừng sinh nhật nguyên Tổng bí thư Lê Khả Phiêu, ngày 31-12-1999

Giữa tháng 4-1992, tôi tham gia Đoàn cán bộ của Tổng cục Chính trị do ông Lê Khả Phiêu (Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị) dẫn đầu, đi thăm Trường Sa. Mục đích chuyến đi của đoàn là thăm và làm việc với lãnh đạo, chỉ huy cùng cán bộ, chiến sĩ đang công tác trên một số đảo thuộc quần đảo Trường Sa, qua đó nắm tình hình sẵn sàng chiến đấu, đời sống sinh hoạt, tình hình triển khai và kết quả hoàn thành nhiệm vụ, tình hình và kết quả công tác Đảng, công tác chính trị.

Theo phạm vi, các cơ quan chức năng có trách nhệm chỉ đạo, hướng dẫn đơn vị giải quyết một số vấn đề vướng mắc nổi cộm, đồng thời tổng hợp các ý kiến đề đạt của đơn vị.

Đúng 6 giờ 30 ngày 12-4-1992, tàu Titan mang số hiệu HQ 957 kéo hồi còi dài tạm biệt Quân cảng TPHCM, bắt đầu hành trình ra Trường Sa. Theo kế hoạch, điểm đến đầu tiên của đoàn chúng tôi là đảo Phúc Nguyên. Từ Phúc Nguyên lần lượt đi Quế Đường, Huyền Trân, Đá Lát, Trường Sa Đông, Đá Tây, Trường Sa. Tổng số là 7 đảo. Từ Trường Sa, tàu sẽ trở về đất liền, cập Quân cảng Cam Ranh vào ngày 22-4-1992.

Dưới sự chỉ đạo trực tiếp của ông Lê Khả Phiêu và theo cách xông xáo trực tiếp của ông, chúng tôi đã thâm nhập vào mọi mặt hoạt động của các đơn vị trên các đảo. Ở đây, chúng tôi gặp gỡ những người lính tóc đỏ quạch, da đen cháy, người chắc nịch, rắn rỏi, với giọng nói, tiếng cười hồn nhiên, sảng khoái.

Anh em cho chúng tôi biết về tình hình đơn vị, nhiệm vụ được giao, đời sống vật chất, tinh thần trên đảo, chế độ tiêu chuẩn được hưởng, hoàn cảnh gia đình và những đề đạt nguyện vọng. Tất cả họ dù ở hoàn cảnh nào vẫn một lòng sát cánh bên nhau, vượt qua mọi thử thách, sẵn sàng hy sinh, kiên cường, kiên quyết, kiên trì phấn đấu hoàn thành nhiệm vụ bảo vệ vững chắc từng tấc đất thiêng liêng của Tổ quốc nơi quần đảo bão tố.

Lúc 13 giờ 45 ngày 19-4-1992, đoàn cán bộ làm việc với Ban chỉ huy đảo Trường Sa. Sau khi nghe ý kiến phát biểu của đơn vị và các cơ quan, ông Lê Khả Phiêu kết luận, đánh giá cao những kết quả đạt được của đơn vị. Tuy nhiên, đó mới chỉ là kết quả bước đầu, bước đầu của tất cả các cấp.

Với cả nước cũng là bước đầu. Ông yêu cầu nhận thức nhiệm vụ phải sâu hơn, rằng giữ vững độc lập chủ quyền ở Trường Sa có ý nghĩa chính trị, quân sự, kinh tế, cả trước mắt và lâu dài. Sự hiện diện của lực lượng vũ trang ở đây là vấn đề có ý nghĩa chiến lược. Phải giữ vững về quân sự để từ đó phát triển kinh tế.

Kinh tế, quân sự, đối ngoại phối hợp chặt chẽ với nhau vì một mục tiêu chung là giữ vững chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc. Sứ mệnh lịch sử này, ông Phiêu nhấn mạnh, Tổ quốc và nhân dân giao phó cho lực lượng vũ trang chúng ta.

Thời điểm đó, đất nước ta bước vào thời kỳ đổi mới được vài năm. Tình hình kinh tế tài chính của Nhà nước còn rất khó khăn. Đời sống bộ đội nói chung và ở Trường Sa còn nhiều kham khổ. Nhà nước và quân đội chưa có điều kiện đầu tư về mọi mặt cho các đơn vị sẵn sàng chiến đấu ở Trường Sa. Là Bí thư Trung ương Đảng, trung tướng, Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị, nhưng trong suốt chuyến đi, ông Lê Khả Phiêu vẫn ăn ở, sinh hoạt như mọi người.

Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Lê Khả Phiêu (thứ hai từ phải sang) chụp chung với tác giả tại đảo Trường Sa, tháng 4-1992

Tính cách của ông xưa nay vẫn vậy, không bao giờ quan cách, luôn sống dân dã, gần gũi, hòa mình với mọi người. Tôi nhớ có lúc cuối buổi chiều tà, ánh mặt trời vàng rực lấp lánh trên mặt biển, ông cùng mấy anh em chúng tôi ngồi đánh cờ trên boong tàu. Gặp lúc sóng ngầm, có người trẻ tuổi hơn bị say sóng, nôn thốc nôn tháo, nhưng ông Lê Khả Phiêu vẫn không hề hấn gì. Năm đó ông đã 61 tuổi.

Lại có lần, tàu Titan HQ 957 không cập vào bờ đảo đá chìm được. Đơn vị trong đảo cho xuồng ra đón các thành viên vào thăm đảo. Ông Lê Khả Phiêu cũng mặc chiếc áo phao màu vàng chanh như mấy anh em chúng tôi, từ tàu xuống xuồng vào thăm đảo. Giữa một chiều nắng chói chang, đón một vị tướng già, đầu trần, tóc xõa, da đen xạm, anh em cảm kích, phấn khởi lắm!

Mới ngày nào đó đã hơn một phần tư thế kỷ. Từ năm 1992 đến nay, biết bao điều đổi thay, nhưng tư duy chiến lược, sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, quân đội và nhân dân ta về Biển Đông, về Trường Sa không bao giờ thay đổi. Quyết tâm giữ vững bảo vệ lãnh thổ, lãnh hải, biển đảo của chúng ta là nhất quán. "Trường Sa vì cả nước và cả nước vì Trường Sa" là khẩu hiệu luôn luôn đúng.

Vĩnh biệt nguyên Tổng bí thư Lê Khả Phiêu, xin chia buồn cùng gia quyến. Kể lại chuyến công tác do ông dẫn đầu ra thăm Trường Sa, tôi coi đây như một nén hương lòng kính cẩn trước anh linh ông - người tôi tôn quý, kính trọng!

Bình luận (0)

Lên đầu trang