Thảo luận Luật Cảnh vệ:

Nên có chính sách ‘ưu ái’ với lực lượng cảnh vệ

Thứ Tư, 09/11/2016 23:07  | Thanh Hoà

|

(CAO) Chiều 9-11, kỳ họp thứ 2 Quốc hội khoá XIV tiến hành thảo luận tại tổ về dự án Luật Cảnh vệ.

Đại biểu Ngô Minh Châu (TP.HCM) cho rằng, do nước ta đã tham gia các điều ước, hợp tác quốc tế về công tác cảnh vệ nên cũng cần đưa nội dung này vào Luật để khi vận dụng thực hiện sẽ thuận lợi hơn.

Đồng quan điểm, đại biểu Nguyễn Công Hồng (Đồng Nai) cho rằng, dự thảo luật chưa bao hàm được đối tượng cảnh vệ nước ngoài sang nước ta. Bởi trên thực tế, không chỉ có cảnh vệ ta ra làm nhiệm vụ ở nước ngoài mà cũng có cảnh vệ người nước ngoài vào Việt Nam, vậy nếu không quy định trong Luật này thì đối tượng cảnh vệ người nước ngoài vào hoạt động trên lãnh thổ Việt Nam thì quy định bởi Luật nào? Và trong trường hợp đối tượng cảnh vệ ra nước ngoài thì hoạt động ra sao? Do đó, đại biểu Hồng đề nghị phạm vi điều chỉnh của Luật phải bao quát đầy đủ, hoặc có thể quy định mang tính nguyên tắc.

Đại biểu Ngô Minh Châu đứng phát biểu thảo luận

Về đối tượng cảnh vệ, đại biểu Ngô Minh Châu đề nghị giữ nguyên như quy định tại Pháp lệnh Cảnh vệ hiện hành, không nên mở rộng thì một số chức danh có vị trí, tầm ảnh hưởng quan trọng phải được bổ sung, mà nếu đưa cả vào thì đối tượng cảnh vệ lại quá rộng.

“Như vậy sẽ tăng biên chế, cơ cấu, tổ chức của lực lượng cảnh vệ và làm cho dư luận quốc tế hiểu lầm về an ninh, trật tự ở Việt Nam" – Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng, An ninh của Quốc hội Võ Trọng Việt đại diện cơ quan thẩm tra dự án Luật này từng nêu quan điểm và cho biết, đây cũng là ý kiến được nhiều Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội tán thành khi thảo luận về quy định này.

Đại biểu Nguyễn Minh Hoàng (TP.HCM) đề nghị làm rõ tiêu chí để xác định các hội nghị, lễ hội quốc tế nào được coi là sự kiện đặc biệt quan trọng cần bảo vệ để đảm bảo lực lượng cảnh vệ tinh gọn, đủ mạnh chứ không phải ngày càng đông. Đại biểu Hoàng đề nghị cần bổ sung thêm khu vực công trình phòng thủ chiến lược quốc gia vào danh mục cần thiết phải bảo vệ,…

Thảo luận về quyền trưng dụng tài sản của cảnh vệ, đại biểu Nguyễn Minh Hoàng cho biết, đây là quyền mà dư luận rất thắc mắc, quan tâm trong thời gian qua. “Theo tôi, phải tuân theo quyền trưng mua trưng dụng; khi cấp thiết, người cảnh vệ có quyền huy động phương tiện, lực lượng tốt nhất để thực hiện nhiệm vụ nhưng nên quy định là “có quyền tổ chức huy động” chứ không phải tự cho quyền “ra lệnh trưng dụng” thì hợp lý hơn” - đại biểu Hoàng nêu quan điểm.

Cũng trong các trường hợp cấp thiết, đại biểu Đặng Xuân Phương (Đắk Lắk) cho rằng cần quy định cụ thể cảnh vệ được thực hiện những quyền gì, phải có trách nhiệm gì, đặc biệt là với số sĩ quan bảo vệ tiếp cận. Bên cạnh đó, cũng cần có chế độ, chính sách ưu ái đối với cảnh vệ, kể cả trang phục cũng phải đặc thù.

Quốc hội biểu quyết thông qua Nghị quyết về kế hoạch tài chính 5 năm

Về các trường hợp được nổ súng, đại biểu Ngô Minh Châu nhấn mạnh phải có quy định cụ thể ngay trong Luật và điều 19 của dự thảo đã có quy định cụ thể là 3 trường hợp: nổ súng để cảnh cáo; nổ súng làm bị thương và nổ súng để tiêu diệt; còn các trường hợp khác thì theo quy định.

Phó Giám đốc Công an TP.HCM cho rằng, quy định rõ ràng thế này sẽ giúp các sỹ quan, hạ sỹ quan, chiến sỹ cảnh vệ chủ động trong các tình huống vì yêu cầu phải bảo vệ tuyệt đối, an toàn đối tượng cảnh vệ, đồng thời bảo đảm chặt chẽ, tránh lạm dụng.

Bình luận (0)

Lên đầu trang