Quốc hội thảo luận tại hội trường về việc thực hiện chính sách, pháp luật về cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước giai đoạn 2011-2016:

Ngân sách không phải 'Nồi cơm Thạch Sanh'

Thứ Hai, 30/10/2017 18:49

|

(CAO) Là phiên làm việc thứ 2 được phát thanh, truyền hình trực tiếp tới cử tri và nhân dân cả nước, Quốc hội dành trọn ngày làm việc 30-10-2017 để thảo luận tại hội trường về việc thực hiện chính sách, pháp luật về cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước giai đoạn 2011-2016.

Vấn đề khiến nhiều đại biểu Quốc hội băn khoăn, đó là việc tổ chức bộ máy còn cồng kềnh, tổ chức biên chế phình to, kỷ luật, kỷ cương hành chính chưa nghiêm, chất lượng cán bộ, công chức chưa đảm bảo thực hiện tốt nhiệm vụ đặt ra...

Càng tinh giản, càng… phình to

Đại biểu (ĐB) Nguyễn Minh Sơn (Tiền Giang) cho biết, từ khi Đảng chủ trương cái gì nhà nước “ôm” không nổi thì nên để xã hội chung lo, tuy nhiên sau hơn 40 năm đất nước thống nhất, hơn 30 năm đổi mới toàn diện nhưng “cái bánh” ngân sách dù cho có trở thành nồi cơm Thạch Sanh cũng khó bao bọc nổi nền hành chính cồng kềnh như hiện nay. Theo ĐB Sơn, đã đến lúc không thể ầu ơ, khoan nhượng với tinh giản bộ máy hành chính nhà nước, đồng thời muốn giảm chi từ ngân sách, tinh giản biên chế trong các cơ quan hành chính sự nghiệp rất cần sự chung sức, chung lòng của toàn dân.

ĐB Trương Trọng Nghĩa (TP.HCM) nhận xét, qua quan sát những năm vừa qua, Đảng, Nhà nước có nhiều nghị quyết rất đúng, rất sát thực tế, nhưng khi thực hiện lại không hiệu quả, thậm chí làm ngược lại nghị quyết. Nêu ví dụ chứng minh thực tế này, ĐB Nghĩa cho biết, trong khi Nghị quyết nói trọng dụng nhân tài, thì lại diễn ra tình trạng bổ nhiệm người thân thích kéo dài, lan rộng. “Cần các giải pháp đồng bộ, nhiều mặt chứ không phải cứ hô hào mà được” - ĐB Nghĩa nêu quan điểm.

Theo ĐB Phạm Trọng Nhân (Bình Dương), 30 năm trước, chúng ta đã chỉ ra nguy cơ của một bộ máy cồng kềnh, trì trệ, kém hiệu quả. Nền tảng để cải cách không thiếu khi chủ trương có, quyết tâm có, nền tảng pháp lý đã có. Thế nhưng bộ máy tiếp tục cồng kềnh, biên chế ngày càng phình to, ngân sách phải chi ngày càng lớn. Những điều chúng ta có mới chỉ là điều kiện cần. Điều kiện đủ là phải thấy đó là trách nhiệm trước nhân dân, coi đó là nhiệm vụ, là đạo đức công vụ.

Hòa thượng Thích Bảo Nghiêm (Hà Nội) cũng cho biết, nhân dân, cử tri rất quan tâm đến việc cải cách hành chính nhà nước, đây cũng là yếu tố tác động thường xuyên đến niềm tin của nhân dân đối với bộ máy chính quyền nhà nước. Vị Hòa thượng cho rằng công tác bổ nhiệm, tuyển dụng cán bộ hiện đang “rất có vấn đề”, “là nguyên nhân của mọi nguyên nhân thành hay bại của các cuộc cách mạng”, do đó, việc tinh giản phải song song với nâng cao chất lượng cán bộ, thận trọng khi tách và nhập,…

Đội ngũ lãnh đạo phải xứng tầm

Đây là kiến nghị của ĐB Lê Thanh Vân (Cà Mau) khi chỉ ra một trong những nguyên nhân cơ bản dẫn đến tình trạng bộ máy hành chính nhà nước cồng kềnh như hiện nay. Đó là, cán bộ thì đông nhưng chất lượng yếu, cán bộ lãnh đạo nhiều nơi không ngang tầm, nên có những phát ngôn gây sốc, kiểu như: “Ngô Quyền sáng tạo ra cọc gỗ để đánh quân Nguyên”, “Xây dựng nghĩa trang để phát triển bền vững”…Vị Ủy viên Thường trực Uỷ ban Tài chính - Ngân sách chỉ rõ: “Chất lượng cán bộ là gốc rễ vấn đề”.

Nhiều ĐB cũng cho rằng, việc tinh giản biên chế phải gắn với cơ cấu lại đội ngũ cán bộ công chức, viên chức. Theo ĐB Phạm Thị Thu Trang (Quảng Ngãi), ĐB Phùng Đức Tiến (Hà Nam), việc đẩy mạnh cải cách bộ máy hành chính Nhà nước là cơ hội để cơ cấu lại và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức. Vì nếu bộ máy bố trí khoa học nhưng chất lượng con người trong bộ máy, người thực thi không bảo đảm hiệu quả thì hoạt động của tổ chức, bộ máy cũng không bảo đảm.

Bên cạnh đó, việc tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong cải cách hành chính vừa là sức ép buộc phải tinh giản biên chế, vừa là điều kiện thuận lợi để tinh gọn bộ máy hành chính. Vì vậy, trong giải pháp đổi mới công tác đánh giá cán bộ, công chức, viên chức bảo đảm đánh giá đúng, khách quan, công bằng, công khai, khắc phục tình trạng cào bằng, nể nang trong đánh giá.

ĐB Phạm Thị Thu Trang đề nghị cần phải xây dựng quy trình rõ ràng trong đánh giá cán bộ, công chức và xây dựng chính sách cụ thể trong việc thu hút người có tài, có đức tham gia làm việc tại cơ quan nhà nước. Hiện nay, chúng ta tiến hành sắp xếp lại đội ngũ cán bộ, công chức chủ yếu dựa trên đội ngũ hiện có. Nhưng theo ĐB Phạm Thị Thu Trang, về lâu dài, phải có chính sách đủ mạnh để thu hút, bổ sung vào cơ quan hành chính nhà nước, nguồn nhân lực chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu.

Địa phương đề nghị được phân cấp, nhưng bộ, ngành chưa lắng nghe

Tại phiên thảo luận, một vấn đề được nhiều ĐB nêu ý kiến chính là về phân cấp, phân quyền cho các địa phương. Báo cáo kết quả giám sát cũng đã chỉ ra nguyên nhân căn cơ của bất cập, hạn chế, trong đó có tình trạng ở Trung ương có cơ quan nào, thì địa phương có tổ chức, cơ quan đó, và thực hiện phân cấp, phân quyền nhưng chưa đồng bộ, dẫn tới bộ máy hành chính cồng kềnh. ĐB Nguyễn Thị Quyết Tâm (TP Hồ Chí Minh) đề nghị cần làm rõ nguyên nhân dẫn đến tình trạng này.

Theo Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TP Hồ Chí Minh, một mặt do tinh thần trách nhiệm của các bộ, ngành chưa đạt được như các địa phương. Mặt khác do quy định pháp luật về trách nhiệm chưa tương thích với quyền lợi, trách nhiệm của người đứng đầu, hoặc bộ phận công chức, chuyên viên mà bộ phận đó mang lại. Lý do thứ hai là do địa phương có tính ỷ lại, thiếu chủ động, các bộ, ngành chưa lắng nghe ý kiến, kiến nghị ở các địa phương. “Có thực tế các địa phương đã đề nghị được phân cấp, có chứng minh rõ lý do vì sao cần phân cấp, nhưng bộ, ngành chưa lắng nghe vấn đề này”, ĐB Nguyễn Thị Quyết Tâm cho biết. Thêm một vấn đề nữa được đại biểu chỉ ra, đó là sự thiếu tôn trọng thực tiễn, đánh giá các điều kiện đủ. “Tôi cho rằng có tư tưởng cào bằng, cầu toàn, cho nên thực hiện vấn đề này chưa tốt”, ĐB Nguyễn Thị Quyết Tâm nói.

Chính vì vậy, để việc phân cấp, phân quyền, ủy quyền đi sát với quy định pháp luật, theo đúng chủ trương của Đảng, ĐB Nguyễn Thị Quyết Tâm đề nghị, chính quyền địa phương cần có sự chủ động đề xuất, kiến nghị được phân cấp cụ thể. Chính quyền địa phương phải chứng minh cho được năng lực, chứng minh được sự đổi mới của mình trong tư duy trong quản lý. Chính phủ, bộ, ngành phải chủ động phân cấp, phân quyền cho chính quyền địa phương, đánh giá đúng tình hình năng lực chính quyền địa phương để phân cấp. Chính phủ cùng bàn luận với địa phương để xem phân cấp vấn đề gì. Cần giám sát việc thi hành pháp luật để xem pháp luật có được thực thi đúng không?

ĐB Lưu Thành Công (Vĩnh Long) cũng cho biết, cử tri đề nghị Chính phủ cần có những giải pháp để phân cấp quản lý triệt để hơn cho địa phương. Chúng ta đã có nhiều văn bản quy định nhưng thực chất việc phân cấp hiện nay rất chậm. ĐB đề nghị Chính phủ phân định rõ, phần việc nào của Trung ương, phần việc nào của địa phương, giao thẳng cho địa phương quyết định trên cơ sở tuân thủ các quy định của pháp luật. Chính phủ tăng cường công tác kiểm tra, giám sát và kiên quyết xử lý những nơi nào thực hiện sai các quy định của pháp luật. Có như thế mới phát huy được tính chủ động, sáng tạo của các địa phương, tránh tình trạng trông chờ như hiện nay.

Được biết, dự kiến vào ngày làm việc cuối cùng của kỳ họp này, Quốc hội sẽ ban hành Nghị quyết giám sát chuyên đề về việc thực hiện chính sách, pháp luật về cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước.

Theo Báo cáo của Đoàn giám sát của Quốc hội về việc thực hiện chính sách, pháp luật về cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước giai đoạn 2011-2016, hiện tổ chức bộ máy của Chính phủ vẫn chậm được điều chỉnh theo hướng tinh gọn, nâng cao hiệu lực, hiệu quả; còn tồn tại nhiều tổ chức phối hợp liên ngành, nguyên tắc một việc chỉ giao một cơ quan chủ trì thực hiện và chịu trách nhiệm chính chưa được phát huy mạnh mẽ nên vẫn phải hội họp nhiều, thủ tục hành chính còn rườm rà, quy trình xử lý công việc còn chậm. Ngoài Bộ Nội vụ và Bộ Giáo dục và Đào tạo không tổ chức phòng trong vụ, hiện vẫn có 16 Bộ, cơ quan duy trì phòng trong vụ, tổng số phòng là 320. Vẫn còn 11 địa phương sử dụng vượt quá số biên chế được giao. Tổng số đối tượng đã tinh giản biên chế trong hai năm 2015 và 2016 khối các cơ quan hành chính là 2.253 người/tổng số 272.952 biên chế, mới đạt 0,83%.

Trong giai đoạn giám sát, số đơn vị sự nghiệp công lập tăng lên và chưa có xu hướng giảm. Năm 2015, cả nước có 30.219 đơn vị sự nghiệp công lập được giao tự chủ tài chính, trong đó chỉ có 1.114 đơn vị tự bảo đảm toàn bộ chi phí hoạt động (chiếm 3,7%), 10.827 đơn vị tự bảo đảm một phần chi phí hoạt động (chiếm 35,8%) và 18.278 đơn vị vẫn phải do ngân sách nhà nước chi trả toàn bộ chi phí hoạt động (chiếm 60,5%). Số lượng người làm việc trong các đơn vị sự nghiệp công lập, nhất là ở các địa phương tăng nhanh, năm 2011 là 1.971.577 người, đến năm 2016 là 2.093.313 người, tăng 121.736 người (5,8%).

Ý kiến bên lề:

Phó bí thư Thường trực Thành ủy TP.HCM Nguyễn Thị Quyết Tâm:

Tôi thấy có những quyền của Thủ tướng, Thủ tướng mạnh dạn phân cấp cho địa phương, nhưng một số bộ ngành lại không mạnh dạn và không quan tâm đến việc phân cấp, phân quyền. Cấp này phải xin ý kiến cấp kia, cấp kia lại xin ý kiến cấp nọ, không biết bao giờ trả lời, nên thiệt thòi trước hết là người dân và doanh nghiệp.Không thể để các bộ ngành kéo dài việc đó được mà Quốc hội phải trong thẩm quyền của mình phải giám sát, và đã rõ rồi thì Quốc hội phải quyết định. Tôi cho rằng đây là cơ hội để Quốc hội quyết định trong nghị quyết của mình.

Đại biểu Nguyễn Thị Kim Thúy (Đà Nẵng):

Về chất lượng, năng lực cán bộ công chức kém, dẫn đến tuyển nhiều nhưng vào được mà không cho nghỉ được, 90% số tinh giản là do về hưu, dẫn đến bộ máy phình to thì cái khó hiện nay là công tác đánh giá cán bộ. Do vậy, cần xây dựng các tiêu chí và phương pháp đánh giá cán bộ, có vậy mới loại cán bộ yếu kém khỏi bộ máy. Cán bộ không do dân sẽ rất khó vì dân.

Nguyên Chánh Văn phòng Quốc hội Nguyễn Sĩ Dũng:

Số 10% cần tinh giản theo mục tiêu đề ra, theo tôi nên cắt bộ máy quản lý hành chính, Đảng, đoàn thể. Còn dịch vụ công chưa đáp ứng nhu cầu xã hội thì chúng ta có cắt hay không, vì nếu cắt là từ chối phục vụ người dân. Vậy nên ta không nên cắt đồng đều ở tất cả các lĩnh vực.

Nhà nước cung cấp dịch vụ công nhưng không nhất thiết phải tuyển người vào biên chế. Cái gì xã hội làm được thì nên mạnh dạn để xã hội làm, ví dụ trật tự, an ninh, quốc phòng là việc của nhà nước, đảm bảo công bằng xã hội là nhà nước phải làm, số này không nhiều, còn lại để xã hội làm. Cũng là giáo dục, nhưng số người giàu thì vào trường tư, nhưng những người nghèo không chi trả được thì nhà nước phải cung cấp…

Bình luận (0)

Lên đầu trang